Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Một số chính sách pháp luật Việt Nam liên quan đến thể thao dành cho người khuyết tật

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 23/04/2021

Thể dục, thể thao góp phần nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc người Việt Nam, góp phần cải thiện đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Riêng đối với người khuyết tật, các hoạt động thể dục, thể thao góp phần giúp cho người khuyết tật hỗ trợ phục hồi chức năng, rèn luyện nâng cao sức khỏe, kỹ năng sống, tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tự tin hòa nhập cộng đồng và có thêm thu nhập. Tại Việt Nam, nhằm khuyến khích, tạo động lực để người khuyết tật được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao và đảm bảo cho người khuyết tật thường xuyên tham gia thể thao, Nhà nước đã từng bước xây dựng, ban hành và hoàn thiện những chính sách pháp luật liên quan đến thể dục, thể thao dành cho người khuyết tật.

Khái quát một số chính sách về người khuyết tật tham gia hoạt động thể thao

Người khuyết tật được tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí và thể dục, thể thao trên cơ sở bình đẳng đã được khẳng định tại Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật, trong đó, Việt Nam là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước vào ngày 22 tháng 10 năm 2007[1]. Cụ thể hóa các quy định của Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn tình hình phát triển của đất nước, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã hình thành một khung pháp lý cơ bản về chính sách pháp luật về thể thao dành cho người khuyết tật. Các chính sách này được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau từ Luật đến các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung chủ yếu tại một số luật quan trọng như: Luật Thể dục, thể thao năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2018; Luật Người khuyết tật năm 2010; Quyết định 1190/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 và nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành[2].

Chính sách về người khuyết tật tham gia hoạt động thể thao đã được khẳng định tại khoản 1 Điều 11 Luật Thể dục, thể thao năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2018 nhấn mạnh việc phát triển thể dục, thể thao quần chúng cho mọi người không phân biệt lứa tuổi, giới tính, sức khỏe, tình trạng khuyết tật được thực hiện quyền hoạt động thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, Luật Người khuyết tật 2010 cũng nhấn mạnh về việc người khuyết tật có quyền được tham gia thể thao phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật.

Ngoài ra, tại Điều 36, 37 Luật Người khuyết tật năm 2010 và Điều 14 Luật Thể dục, thể thao năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2018 quy định một số nội dung quan trọng như:

- Nhà nước tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng; bảo đảm cơ sở vật chất và chế độ, chính sách cho vận động viên thể thao khuyết tật tập luyện và thi đấu các giải thể thao quốc gia, quốc tế;

- Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục, thể thao;

- Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao các cấp phối hợp với tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao, cơ quan, tổ chức có liên quan tạo điều kiện, hướng dẫn người khuyết tật tham gia các hoạt động thể dục, thể thao;

- Công trình thể thao phải được thiết kế phù hợp để người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục, thể thao;

- Hoạt động thể dục, thể thao của người khuyết tật được lồng ghép vào đời sống văn hóa cộng đồng, được tổ chức đa dạng về loại hình, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí của người khuyết tật;

- Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc, giải thi đấu thể thao, hội thi văn nghệ của người khuyết tật được tổ chức phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của người khuyết tật và điều kiện kinh tế - xã hội.

Để đưa các chính sách pháp luật trên vào thực tiễn, ngày 05 tháng 08 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1190/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 trong đó nêu rõ vấn đề hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động thể thao với các giai đoạn mục tiêu như sau:

- Giai đoạn 2021 - 2025: 80% công trình xây mới và 30% công trình cũ là công trình văn hóa, thể dục thể thao bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật; 50% tỉnh/thành phố có Câu lạc bộ thể dục thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút 10% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao.

- Giai đoạn 2026 - 2030: 100% công trình xây mới và 50% công trình cũ là công trình văn hóa, thể dục thể thao bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật; 70% tỉnh/thành phố có Câu lạc bộ thể dục thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút 15% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao.

Các hoạt động chủ yếu của đề án trong việc hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động thể thao được thực hiện tại khoản 9 Mục II Quyết định 1190/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030: (i) Hướng dẫn các tỉnh, thành phố thành lập và phát triển hệ thống câu lạc bộ thể dục, thể thao người khuyết tật; (ii) Hoàn thiện và phát triển 15 môn thể thao dành cho người khuyết tật tập luyện, thi đấu; (iii) Hướng dẫn các tỉnh, thành phố chỉ đạo hệ thống thư viện trên địa bàn hình thành môi trường đọc thân thiện, đa dạng hóa các dịch vụ và sản phẩm thông tin, thư viện và các điều kiện để hỗ trợ người khuyết tật; (iv) Tăng cường ứng dụng công nghệ để người khuyết tật có thể nắm được thông tin về các điểm tham quan du lịch, nhà hàng, khách sạn, phương tiện và mức độ tiếp cận các điểm này với người khuyết tật; (v) Xây dựng tiêu chuẩn chế độ đối với người khuyết tật tham gia thi đấu thể thao trong nước và ngoài nước; tập huấn nghiệp vụ chuyên môn trọng tài, huấn luyện viên, bác sỹ khám phân loại thương tật và các vận động viên tham gia thi đấu các giải; tập huấn sáng tác hội họa, âm nhạc, thơ ca cho người khuyết tật; tập huấn nghiệp vụ cho các hướng dẫn viên chuyên biệt về kỹ năng, phương pháp hỗ trợ người khuyết tật khi tham gia các hoạt động du lịch.

Một số hạn chế, bất cập

Nhìn chung, cùng với hệ thống chính sách, pháp luật đảm bảo quyền tham gia các hoạt động thể dục, thể thao của người khuyết tật đã được hình thành tương đối hoàn chỉnh, Nhà nước cũng đã từng bước hoàn thiện các chính sách ưu đãi dành riêng để hỗ trợ, đảm bảo sự tham gia của người khuyết tật vào các hoạt động thể dục, thể thao. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn tồn tại một thực tế không thể phủ nhận là các chính sách pháp luật tuy đã có nhưng chưa thực hiện được hiệu quả trên thực tế, còn một số bất cập và hạn chế, rào cản ảnh hưởng đến việc người khuyết tật được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao rộng rãi:

Một là, hạ tầng cơ sở vật chất để người khuyết tật được tiếp cận các hoạt động thể dục, thể thao còn ít, không đáp ứng được với nhu cầu trên thực tế.

Theo thông tin từ Hội nghị Tổng kết chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và triển khai giai đoạn 2021-2030, mặc dù công tác trợ giúp người khuyết tật trong hoạt động thể thao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cấp chính quyền, ban ngành, tổ chức quan tâm thực hiện, tuy nhiên, kết quả thực hiện còn hạn chế, tỷ lệ người khuyết tật tham gia các hoạt động thể thao còn thấp. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là do hạ tầng cơ sở vật chất về thể dục thể thao (sân bãi, trang thiết bị chuyên dụng,…) hầu hết còn chưa có để phục vụ cho người khuyết tật đến tham gia tập luyện; nhiều địa phương còn thiếu, khó tiếp cận hoặc không có nơi/ chỗ cho người khuyết tật tham gia thể thao. Đến nay chỉ có 7,9% - 11,1% tỉnh, thành phố có Câu lạc bộ thể thao cho người khuyết tật và xu hướng không tăng trong những năm qua.

Các trang thiết bị chuyên dùng cho người khuyết tật còn thiếu, không đồng bộ và chưa phù hợp cho người khuyết tật tập luyện (một phần trong nước chưa sản xuất được, giá thị trường nước ngoài lại quá cao). Việc đầu tư thiết kế, chế tạo, sản xuất các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao cho người khuyết tật còn chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn là được nhập khẩu sản phẩm, công nghệ từ nước ngoài[3].

Hai là, nhận thức của xã hội, gia đình còn hạn chế, chưa nhận thấy quyền và khả năng, vai trò của người khuyết tật đối với gia đình và cộng đồng. Đây là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người khuyết tật tham gia hoạt động thể thao còn thấp. Theo Báo cáo nghiên cứu so sánh 10 năm về kỳ thị, phân biệt đối xử và nhận thức đối với người khuyết tật của Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng, mặc dù, nhận thức của gia đình về người khuyết tật cũng đã tăng lên (sau 10 năm từ năm 2009 đến hết năm 2019) thay vì gia đình xem người khuyết tật là người đáng thương, người gánh chịu số phận cho cả gia đình thì nay, họ coi người khuyết tật là thành viên ngang bằng như những thành viên khác trong gia đình, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn thấp chỉ chiếm 44%[4].

Ba là, đời sống kinh tế của đại đa số gia đình người khuyết tật còn nghèo nên chưa lo đủ cho thành viên trong gia đình có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội dành cho người khuyết tật. Theo chuẩn tiếp cận nghèo đa chiều năm 2016, hộ gia đình có người khuyết tật sẽ có nguy cơ nghèo cao gấp hơn 2 lần so với hộ gia đình không có người khuyết tật (19,4% so với 8,9%). Có sự khác biệt trong việc tham gia vào các tổ chức xã hội hay các câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng của người khuyết tật theo mức sống của hộ gia đình đối với người khuyết tật. Chưa tới 1% người khuyết tật thuộc hộ nghèo có tham gia vào các câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng so với 2,34% người khuyết tật thuộc hộ không nghèo[5].

Cuối cùng, hạn chế về kinh phí tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao dành riêng cho người khuyết tật. Nhà nước ta có chính sách đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể dục, thể thao dành cho người khuyết tật, tuy trên thực tế đã đạt được một số thành tựu, song, việc tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao ở cơ sở cho người khuyết tật tham gia còn hạn chế, mới chủ yếu tập trung vào các sự kiện, hoạt động quy mô lớn phục vụ một bộ phận người khuyết tật có khả năng cao về thể thao mà chưa phục vụ đông đảo người khuyết tật. Việc tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa, văn nghệ và các giải thi đấu thể thao cho người khuyết tật ở các địa phương rất khó khăn bởi những hạn chế về kinh phí và điều kiện tổ chức, sân bãi[6],...

Một vài kiến nghị gợi mở

Những rào cản, khó khăn, hạn chế trên đây đã và đang đặt ra yêu cầu cho Đảng và Nhà nước ta cần phải có những chính sách phù hợp, có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả dành cho người khuyết tật để họ có thể được tham gia hơn nữa các hoạt động thể dục, thể thao. Chẳng hạn như:

- Cần có kế hoạch tổng thể nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành địa phương, các cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao tăng cường cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng theo đúng chuẩn quốc gia và tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận sử dụng công trình phù hợp với từng dạng khuyết tật;

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là đối với từng cá nhân, gia đình người khuyết tật cũng như khối doanh nghiệp, khối ngoài công lập tham gia thực thi chính sách pháp luật đối với người khuyết tật, giúp đỡ, hỗ trợ người khuyết tật tham gia các hoạt động thể dục thể thao;

- Có chính sách đầu tư nguồn lực để từng bước thu hẹp khoảng cách về khả năng tiếp cận thể dục thể thao giữa những người khuyết tật ở thành thị và nông thôn, đặc biệt là người khuyết tật thuộc gia đình hộ nghèo;

- Tăng cường các chương trình thể dục, thể thao dành cho người khuyết tật sống ở vùng sâu vùng xa hoặc miền núi;...

Lưu ý rằng, những giải pháp trên đây chỉ là một phần gợi mở trong tổng thể các giải pháp mà chúng ta phải thực hiện trong thời gian tới. Việc thực hiện những giải pháp này sẽ góp phần giúp cho mục tiêu của các chính sách đảm bảo quyền và khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ người khuyết tật tham gia các hoạt động thể dục thể thao thực sự đạt hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho người khuyết tật, hướng tới hoà nhập cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển của xã hội./.

 

[1] Xem tại khoản 5 Điều 30 Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (viết tắt là CRPD)

[2] Hiện nay, Việt Nam có khoảng: 02 Luật, 05 Nghị định, 03 Thông tư,  01 Chỉ thị và 01 Quyết định cụ thể quy định về hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động thể dục, thể thao, có thể kể đến như:

- Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật người khuyết tật;

- Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thể dục, thể thao;

- Thông tư 18/2011/TT-BVHTTDL quy định mẫu về tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành;

- Chỉ thị 03/2007/CT-UBTDTT về đẩy mạnh thực hiện chính sách trợ giúp người khuyết tật trong hoạt động Thể dục, thể thao do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành.

[3]Quyền tham gia hoạt động thể thao của người khuyết tật”, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, http://asvho.vn/quyen-tham-gia-hoat-dong-the-thao-cua-nguoi-khuyet-tat-a580.html, đăng nhập ngày 12/04/2021.

[4] Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng, “So sánh 10 năm về kỳ thị, phân biệt đối xử và nhận thức đối với người khuyết tật”, https://acdc.vn/vi/bai-viet/431-so-sanh-10-nam-ve-ky-thi-phan-biet-doi-xu-va-nhan-thuc-doi-voi-nguoi-khuyet-tat.html?utm_medium=email&utm_source=getresponse&utm_content=B%E1%BA%A3n+tin+ACDC+s%E1%BB%91+75_T08.20_demo5+ok&utm_campaign=B%E1%BA%A3n+tin+ACDC, cập nhật ngày 14/08/2020.

[5] Tổng cục Thống kê, Việt Nam điều tra quốc gia người khuyết tật 2016, Nxb Thống kê, tr. 148.

[6] TS. Phí Mạnh Thắng - ThS.Đào Trọng Độ, “Một số vấn đề đặt ra trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật”, Trang Thông tin Điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương, tại địa chỉ: http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/mot-so-van-de-dat-ra-trong-viec-xay-dung-ban-hanh-to-chuc-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-doi-voi-nguoi-khuyet-tat.html, ngày phát hành: 28/12/2020.