Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Cần mở rộng danh mục bảo hiểm y tế chi trả một số dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng cho người khuyết tật

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 25/06/2024

Bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi bệnh tật, tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động y tế, thực hiện công bằng, nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhờ vào bảo hiểm y tế mà người bệnh vượt qua được giai đoạn khó khăn khi điều trị. Đối với người khuyết tật, việc được nhà nước hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế được xem là một trong các chính sách thuộc chế độ bảo trợ xã hội của Nhà nước dành cho người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng nhằm khắc phục một phần những khó khăn trong cuộc sống, góp phần giúp họ hòa nhập xã hội. Việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng bằng thẻ bảo hiểm y tế giúp người khuyết tật giảm bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình, tuy nhiên trên thực tiễn, một số dụng cụ phục hồi chức năng đối với người khuyết tật không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả, trong khi để sử dụng các dụng cụ này, đa số người khuyết tật phải bỏ ra chi phí lớn so với khả năng chi trả của mình và gia đình, điều này được xem là một trong những rào cản khiến người khuyết tật khó tiếp cận được các dụng cụ này.

1. Khái quát chung về thực trạng quy định phục hồi chức năng đối với người khuyết tật hiện nay

Với tư cách là thành viên của Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD), Việt Nam đã tham gia ký kết và phê chuẩn CRPD trên tinh thần không bảo lưu điều khoản nào mà tôn trọng bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật phù hợp với pháp luật trên tất cả các lĩnh vực bình đẳng như người không khuyết tật. Theo đó, vấn đề phục hồi chức năng tại Điều 26 CRPD đã được Luật Người khuyết tật năm 2010 nội luật hóa trong nhiều điều khoản khác nhau tại Chương III (Điều 21 đến Điều 26), trong đó khẳng định Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật; xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình, phục hồi chức năng phù hợp; Người khuyết tật được tạo điều kiện, hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng[1]; Gia đình người khuyết tật có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng[2]. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho người khuyết tật trong khám bệnh, chữa bệnh, góp phần phát hiện, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp với từng dạng khuyết tật, lần đầu tiên vấn đề về phục hồi chức năng đã được ghi nhận tại Điều 68 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024) với việc quy định rõ các nguyên tắc thực hiện các hoạt động phục hồi chức năng trong đó có bao gồm: Khám phát hiện để can thiệp phục hồi chức năng sớm; Đánh giá nhu cầu sử dụng các biện pháp can thiệp phục hồi chức năng trong quá trình khám, điều trị cho người bệnh… Các hoạt động phục hồi chức năng cũng khá đa dạng bao gồm: Khám, chẩn đoán, xác định nhu cầu phục hồi chức năng của người bệnh; Sử dụng kỹ thuật vận động trị liệu, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu, chỉnh hình, thiết bị y tế, dụng cụ phục hồi chức năng và các biện pháp can thiệp khác; Tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh về phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp và hòa nhập cộng đồng...

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng, tăng cường phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp sớm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4039/QĐ-BYT năm 2014 phê duyệt Kế hoạch Quốc gia về phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2014 - 2020. Công tác phục hồi chức năng cũng đã được đưa vào Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc ​và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới với nhiệm vụ và giải pháp là phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bên cạnh hệ thống bệnh viện thuộc lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, trong từng giai đoạn khác nhau, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1019/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 với những mục tiêu cụ thể về đảm bảo phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp cho người khuyết tật.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 569/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chung là bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Mục tiêu đến năm 2030, 90% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng, đảm bảo trên 90% cơ sở phục hồi chức năng (gồm: bệnh viện phục hồi chức năng; trung tâm phục hồi chức năng, khoa phục hồi chức năng thuộc các cơ sở y tế) được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển.

Có thể thấy rằng, để tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ người khuyết tật, Nhà nước đã ban hành và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý toàn diện thực hiện mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, các chính sách pháp luật về phục hồi chức năng đối với người khuyết tật hiện nay đã tương đối toàn diện, tương thích với các quy định của CRPD và góp phần đảm bảo được sự bình đẳng, hòa nhập của người khuyết tật.

2. Sự cần thiết của việc mở rộng danh mục bảo hiểm y tế chi trả một số dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng cho người khuyết tật

Phục hồi chức năng là một trong những hỗ trợ quan trọng không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh, đặc biệt là đối với người khuyết tật, vấn đề phục hồi chức năng càng quan trọng và cần thiết, các dụng cụ trợ giúp chính là cơ sở để người khuyết tật đảm bảo việc tiếp cận và thực hiện quyền, nghĩa vụ của bản thân một cách hiệu quả. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề phục hồi chức năng đối với người khuyết tật, hiện nay còn có không ít những khó khăn, thách thức với những nguyên nhân xuất phát từ thể chế và những nguyên nhân khác, khiến đa số người khuyết tật khó tiếp cận với một loạt các dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng trên thực tế. Cụ thể:

Thứ nhất, bất cập từ hệ thống quy định của pháp luật hiện hành: Bảo hiểm y tế không chi trả một số dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người khuyết tật mức độ nặng, đặc biệt nặng thuộc đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí[3]. Tuy nhiên, hiện nay bảo hiểm y tế mới chỉ chi trả một số dịch vụ cơ bản mà chưa bao gồm những dịch vụ kỹ thuật cao hay các dụng cụ đặc thù cho người khuyết tật. Điều kiện để được bảo hiểm y tế thanh toán khi sử dụng các dụng cụ phục hồi chức năng là khi các dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng phải do người hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề hoặc quyết định bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn về phục hồi chức năng thực hiện, và số lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng cũng bị hạn chế trong từng ngày. Tổng số dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng thanh toán tối đa không quá 06 dịch vụ kỹ thuật/ngày, trong đó: Các kỹ thuật vận động trị liệu thanh toán tối đa 03 kỹ thuật/ngày; Các kỹ thuật tương đương với kỹ thuật vận động toàn thân thanh toán tối đa 02 kỹ thuật/ngày; Các kỹ thuật hoạt động trị liệu thanh toán tối đa 02 kỹ thuật/ngày; Các kỹ thuật ngôn ngữ trị liệu thanh toán 02 kỹ thuật/ngày; Các kỹ thuật vật lý trị liệu thanh toán tối đa 04 kỹ thuật/ngày[4].

Tại khoản 8 Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) vẫn đang quy định một số dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng cho người khuyết tật không thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả: “Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng”. Trong khi thực tế hiện nay, những dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng này lại là những dụng cụ trợ giúp có thể tác động lớn đến khả năng của người khuyết tật khi tham gia vào xã hội. Trong một khảo sát của Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định vào năm 2021, tất cả người khuyết tật (dạng vận động và nhìn) được khảo sát cho biết họ “cần dụng cụ trợ giúp và sử dụng thường xuyên hàng ngày”; 83,6% trong số họ “cảm thấy khó khăn nếu như không có dụng cụ trợ giúp[5]. Rõ ràng, dụng cụ trợ giúp đối với người khuyết tật giữ một vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí là yếu tố tiên quyết đối với việc người khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng một cách bình đẳng và đầy đủ.

Trong tổng số người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay, khuyết tật vận động là dạng tật chiếm số lượng cao nhất (29,41%), trong đó người khuyết tật thân dưới (3.566.854 người) và khuyết tật vận động thân trên là 2.158.988 người[6]. Đối với người khuyết tật vận động, vật tư y tế như chi giả có thể thay thế một bộ phận cơ thể đã mất với mục đích phục hồi chức năng cho phần chi bị khiếm khuyết, giúp người khuyết tật có khả năng tự di chuyển, duy trì tình hình sức khỏe của người khuyết tật, hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng một cách dễ dàng nhất. Công cụ trợ giúp có thể tác động lớn đến khả năng của người khuyết tật khi tham gia vào xã hội, đặc biệt là tác động của công cụ trợ giúp đối với chức năng đi bộ. Gần 6% người khuyết tật gặp khó khăn khi đi bộ nếu không có công cụ trợ giúp, nhưng nếu có công cụ trợ giúp thì tỷ lệ này giảm xuống còn 1,46%. Khi không sử dụng công cụ trợ giúp, có 15,14% người khuyết tật gặp khó khăn khi đi bộ nhưng khi sử dụng dụng cụ trợ giúp, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,94%[7]. Đối với người khuyết tật dạng nghe, nói thì máy trợ thính cần được nhìn nhận là một dụng cụ trợ giúp rất cần thiết để giúp họ thuận lợi hơn trong sinh hoạt, lao động, tránh được những sự kỳ thị trên thực tế và tăng cường cơ hội hòa nhập cộng đồng. Còn đối với người khuyết tật nhìn, họ không thể đọc sách báo hay thực đơn trong các nhà hàng, khả năng nhận biết các vật dụng, hệ thống biển báo hay đèn hiệu cũng không có. Trong khi mắt không thể sáng hơn hoặc điều trị khỏi hoàn toàn, họ rất cần một dụng cụ trợ giúp nào đó có thể giúp họ làm được những việc trên nhưng phải gọn nhẹ kiểu như một dạng kính đeo. Trong khi hệ thống y tế còn “chật vật” làm cho người khuyết tật nhìn tốt hơn thì công nghệ nghe nhìn, tin học đã có những phát minh và ứng dụng khá “dễ chịu” cho người khuyết tật nhìn giúp họ hòa nhập xã hội và có cuộc sống tương đối bình thường thông qua những dụng cụ trợ giúp, thiết bị tăng thị lực, hỗ trợ di chuyển. Điều này cho thấy, các dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng góp phần tạo điều kiện cho người khuyết tật tự lập được trong cuộc sống, có cơ hội tham gia lao động sản xuất để nuôi sống bản thân và góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Thứ hai, đa số người khuyết tật sống trong điều kiện kinh tế khó khăn, dẫn đến việc chi trả chi phí phục hồi chức năng vượt ngoài khả năng của họ.

Theo Điều tra quốc gia người khuyết tật của Tổng cục Thống kê, cả nước có 17,8% người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên sống trong các hộ nghèo đa chiều. Người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên có nguy cơ sống trong hộ nghèo đa chiều cao hơn ở nhóm dân tộc thiểu số, ở nhóm có trình độ học vấn thấp và ở nhóm trẻ tuổi[8]. Riêng trong số những người khuyết tật sống trong hộ nghèo đa chiều thì cứ 10 người khuyết tật có hơn 5 người rất khó khăn hoặc không thể đi bộ/leo cầu thang, hơn 5 người khuyết tật về nhận thức và gần 4 người rất khó khăn hoặc không thể nâng chai nước 2 lít từ thắt lưng lên ngang tầm mắt hoặc dùng tay nhặt các vật nhỏ[9]. Điều kiện sống của người khuyết tật gặp nhiều khó khăn: Chỉ một nửa (52,1%) số người khuyết tật được sống trong nhà kiên cố, chưa đến ba phần tư trong số họ được dùng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh (73,3%)[10]. Với mức sống thấp, gia đình thuộc hộ nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn nhưng phải đồng thời chi trả chi phí cho nhiều khoản như sinh hoạt hàng ngày, học tập, chi phí khám chữa bệnh… thì việc chi trả chi phí cho các dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng đối với người khuyết tật vượt ngoài khả năng tài chính của họ.

Bên cạnh đó, với nguồn lực tài chính hạn hẹp, việc chi trả cho các dụng cụ trợ giúp như chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, nạng, nẹp, xe lăn... vượt quá khả năng của rất nhiều người khuyết tật và gia đình họ. Vì vậy, có đến 98% người khuyết tật cho biết họ “không thể chi trả đối với dụng cụ trợ giúp”, 02% còn lại chỉ có khả năng chi trả một phần. Hầu hết người khuyết tật (được khảo sát) đều mong muốn Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ “chi trả và chi trả toàn bộ đối với dụng cụ trợ giúp đối với người khuyết tật[11]. Các dụng cụ trợ giúp mà người khuyết tật đang sử dụng đều có được từ việc cho, tặng, nhưng có tới trên 81% là từ các tổ chức phi chính phủ, từ thiện; trên 6% do bạn bè, người thân tặng; tự chi trả chưa đến 5% và từ ngân sách nhà nước chưa đến 7%[12]. Trên thực tế vẫn đang tồn tại một số rào cản trong cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cũng như trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ của người khuyết tật. Cụ thể, vẫn còn gần 3 triệu người khuyết tật phải tự mua bảo hiểm y tế và phải đồng chi trả phí dịch vụ khám chữa bệnh. Đặc biệt các dụng cụ phục hồi chức năng, dụng cụ trợ giúp rất cần đối với người khuyết tật, những người có khó khăn trong sinh hoạt lao động, học tập, làm việc... nhưng chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Với nguồn tài chính có hạn và nhu cầu về dụng cụ phục hồi chức năng, thì nguồn tài chính bền vững chi trả cho các dụng cụ trợ giúp người khuyết tật từ bảo hiểm y tế là hết sức cần thiết[13].

Có thể thấy rằng, với những người khuyết tật thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp thì sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế đối với họ có ý nghĩa vô cùng. Nếu có quyền lợi mà không được hưởng trọn vẹn, sự hỗ trợ đó xem như vô nghĩa. Do đó, để giúp cho người khuyết tật tăng khả năng tự chăm sóc, giao tiếp, vận động, có nghề nghiệp và thu nhập; phục hồi tối đa giảm khả năng thể chất, tâm lý, nghề nghiệp, xã hội; ngăn ngừa các thương tật thứ cấp… việc mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế chi trả một số dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng cho người khuyết tật là cần thiết và quan trọng. Vì vậy, việc mở rộng danh mục bảo hiểm y tế chi trả một số dụng cụ trợ giúp người khuyết tật ngay trong Luật Bảo hiểm y tế là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Trước tiên là các dụng cụ thiết yếu như máy trợ thính cho người khuyết tật nghe, nói; thiết bị hỗ trợ tăng thị lực cho người khuyết tật nhìn; chân tay giả, nẹp chỉnh hình, nạng, xe lăn cho người khuyết tật vận động.

Chúng tôi hiểu rằng việc mở rộng phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế đối với các dụng cụ trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng có thể sẽ trở thành gánh nặng của ngân sách nhà nước nếu có sự thay đổi ngay lập tức. Do đó, để có thể xác định được các dụng cụ trợ giúp người khuyết tật cần thiết để người khuyết tật phục hồi chức năng thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả, cần phải có: (i) cuộc khảo sát, thống kê toàn diện nghiên cứu cụ thể đánh giá vai trò và tác động của dụng cụ trợ giúp đối với người khuyết tật; (ii) nhu cầu của người khuyết tật về việc sử dụng các dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng và (iii) nguồn ngân sách nhà nước, địa phương cùng với sự phối kết hợp của các Bộ, ngành, địa phương để tìm kiếm được phương án, lộ trình thực hiện hiệu quả. Có như vậy, vấn đề phục hồi chức năng đối với người khuyết tật mới có thể đảm bảo, góp phần giúp người khuyết tật sống hòa nhập./.


[1] Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là biện pháp thực hiện tại cộng đồng nhằm chuyển giao kiến thức về vấn đề khuyết tật, kỹ năng phục hồi và thái độ tích cực đến người khuyết tật, gia đình của họ và cộng đồng nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội và hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật (khoản 1 Điều 25 Luật Người khuyết tật năm 2010).

[2] Khoản 5 Điều 5, khoản 3 Điều 23 và khoản 2, khoản 3 Điều 25 Luật Người khuyết tật năm 2010.

[3] Điểm g khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); khoản 1 Điều 9 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

[4] Thông tư 50/2017/TT-BYT về sửa đổi quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

[5] Liên Hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (2021), Báo cáo khảo sát “Tìm hiểu nhu cầu Dụng cụ trợ giúp đối của Người khuyết tật (Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định) công bố tại Hội thảo Thực trạng bảo hiểm y tế và đề xuất giải pháp thực hiện đối với người khuyết tật do Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp cùng các tổ chức VNAH và USAID tổ chức ngày 21/12/2021.

[6] Tổng cục Thống kê (2018), Báo cáo điều tra quốc gia về người khuyết tật 2016, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr.15.

[7] Tổng cục Thống kê (2018), tlđd, tr.57.

[8] Tổng cục Thống kê (2018), tlđd, tr.126.

[9] Tổng cục Thống kê (2018), tlđd, tr.129.

[10] Tổng cục Thống kê (2018), tlđd, tr.17.

[11] Liên Hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (2021), tlđd.

[12] Hồng Minh (2022), “Người khuyết tật và ước mơ giản dị”, tại địa chỉ: https://baophapluat.vn/nguoi-khuyet-tat-va-uoc-mo-gian-di-post462083.html, cập nhật ngày: 18/12/2022.

[13] Xuân Mai (2023), “BHYT cần chi trả các dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng cho người khuyết tật”, tại địa chỉ: https://tuoitre.vn/bhyt-can-chi-tra-cac-dung-cu-tro-giup-phuc-hoi-chuc-nang-cho-nguoi-khuyet-tat-20230217173256807.htm, cập nhật ngày: 17/02/2023.