Hình ảnh một nhóm học sinh cười nói tíu tít cùng nhau đẩy chiếc xe lăn của một bạn nam khuyết tật đến trường hàng ngày ở xã H đã được xem là hình ảnh thân quen của người dân nơi đây. Nhưng để có thể tiếp tục đến trường theo đuổi ánh sáng tri thức như vậy, không ai biết rằng, M đã phải vượt qua những rào cản tâm lý khó khăn thế nào.
Sinh ra trong một gia đình cơ bản, mẹ bán hàng tạp hóa, bố làm giáo viên tiểu học, nhà có bốn anh chị em và M là con thứ ba. Từ khi sinh ra đến năm 14 tuổi M phát triển như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng, trong một trận ốm ở kỳ nghỉ hè năm học lớp 8 trước khi lên lớp 9, M được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm tủy. Mặc dù bố mẹ đã cố gắng vay mượn chạy chữa khắp nơi nhưng số phận vẫn nghiệt ngã với M, bắt M phải gắn chặt cuộc đời trên chiếc xe lăn. Cuộc sống của M từ đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của gia đình. Ở địa phương M, tìm kiếm được một chiếc xe lăn để cho trẻ em như M khá khó vì cơ sở sản xuất xe lăn không phổ biến, mà chủ yếu các xe lăn đều được sản xuất dành cho đối tượng là người lớn. Bố mẹ M phải tìm kiếm khắp nơi, qua nhiều người để mua cho M chiếc xe lăn. Hết kỳ nghỉ hè, M phải trở lại trường học khi mà gia đình vẫn chưa mua được xe lăn cho M. Vì vậy, hằng ngày, không bố thì mẹ hoặc các anh chị phải đưa M đến trường đi học. Thời điểm chưa có xe lăn, đi lại không thuận tiện nên việc đi vệ sinh, học tập ở trường M đều phải nhờ thầy cô hoặc bạn bè giúp đỡ. “Thời gian đầu sau khi đi học trở lại, em dường như cảm nhận được sự khác lạ trong ánh mắt các bạn đồng trang lứa, các em khối dưới nhìn em cùng với sự tò mò. Ban đầu em cũng nghĩ chắc mọi người chỉ nhìn em vì em thường xuyên được bố mẹ đưa đón mặc dù nhà gần trường” M kể lại. Ở quê thời điểm đó tầm tuổi học sinh lớp 9 như M các bạn đều tự đi xe đạp hoặc đi bộ đến trường, nhà M cách trường chỉ có 500 mét nên việc được bố mẹ đưa đi đón về cũng là một sự “khác thường” trong khi gia đình M cũng không phải thuộc gia đình có điều kiện. Mãi một thời gian sau, dần dà M mới hiểu được M đang bị các bạn kỳ thị, dần xa lánh…
Ban đầu các bạn chỉ hay trêu M với những câu nói bông đùa như: “nhà có điều kiện nhỉ”, “lớn thế rồi còn được đưa đón đi học”, “đã khuyết tật còn đi học làm gì”... Thời gian sau, những trò đùa của các bạn đã nghiêm trọng hơn, các bạn đến ngồi cạnh M bảo nhấc thử chân lên cho mọi người cùng xem nào. Sau khi M bảo chân yếu, không có cảm giác gì, không thể nhấc lên được, thì bạn đó đã tự cầm chân của M nâng lên nâng xuống. Các bạn xung quanh thì xúm lại để xem, người thì cười đùa, người thì giả vờ bắt chước động tác nhấc chân của M để các bạn khác cùng cười… Lúc ấy, M với ánh mắt thất vọng, ngấn lệ và cầu cứu những người bạn khác đang ngồi theo dõi. Một vài bạn gái lên tiếng phản đối, vài bạn trai cũng cố gắng ngăn cản, nhưng không “lại” được đám đông gần chục cậu trai đang say sưa với trò trêu ghẹo M. Mãi đến khi cô giáo chủ nhiệm xuất hiện và ngăn các bạn trêu M thì hành vi mới chấm dứt. Cô giáo nghiêm khắc hỏi mấy bạn trai: “Các em có biết hành vi của mình có thể làm bạn ngã hoặc bị đau không? Đùa như thế hoàn toàn không nên!”. Sau đó, trước sự giám sát của cô giáo, các bạn đã miễn cưỡng xin lỗi M.
Tối hôm đó về nhà, cả đêm M trằn trọc mãi không thể chợp mắt vì nhớ lại hình ảnh mà các bạn đã trêu đùa M ở trường. Nước mắt dàn dụa nhưng không dám khóc thành tiếng sợ bố mẹ buồn, sợ bố mẹ thấy M bị các bạn làm vậy sẽ không cho M đi học nữa. M nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục đi học thì bố mẹ vất vả, gánh nặng trên vai bố mẹ ngày một nhiều hơn. Nhưng M vẫn có niềm đam mê với việc học, vẫn khao khát được đến trường đi học, M tự nhủ với bản thân: “Ở trường có một vài bạn khuyết tật, nhưng chưa có ai bị khuyết tật vận động như mình nên các bạn trêu thế cũng là bình thường, ít hôm nữa quen đi, các bạn sẽ không trêu đùa mình nữa, thầy cô sẽ luôn bên cạnh để giúp đỡ mình”. Nhưng không như M nghĩ, những ngày sau đó một số bạn khác vẫn tiếp tục có các hành vi tương tự để trêu ghẹo M, thậm chí có bạn còn dùng điện thoại lén chụp trộm hình ảnh M và chia sẻ cho các bạn khác cùng xem, bình phẩm chế giễu… Trong lớp cũng có một nhóm bạn, đặc biệt là hai bạn nam T & Q rất thương M và luôn tìm cách giúp đỡ, bảo vệ M trước những trò đùa quái ác của đám đông trong lớp. Nhưng đa số hội con trai chỉ rình lúc T và Q vắng mặt là lại bày ra đủ trò tinh nghịch để “ghẹo” M, coi M như trò “giải trí” để giảm những căng thẳng trong học hành thời điểm cuối cấp. Đã nhiều lần, cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn đều cố gắng khuyên bảo các bạn trong lớp, đáp lại vẫn là những lời miễn cưỡng xin lỗi cùng với những lời hứa hời hợt là sẽ không tái phạm. Những lúc rảnh rỗi, mấy bạn gái cùng hai bạn nam T và Q đều tìm cách an ủi M, có lần Q nói với M: “Tụi nó không ghét cậu đâu M ạ, chỉ là tụi nó quá nghịch ngợm và có chút vô ý, tụi tớ sẽ cố gắng bảo vệ cậu”. M buồn tủi vô cùng nhưng không còn cách nào khác, chỉ mong các bạn thấu hiểu và cảm thông cho tình trạng khuyết tật của mình.
Chuyện không ngờ tới là sau khi gia đình M đã mua được cho M một chiếc xe lăn để em dùng đến trường. Mặc dù M được nhà trường miễn môn thể dục, nhưng để M được hít thở không khí trong lành và hòa đồng hơn với các bạn, trước giờ thể dục lần ấy cô giáo chủ nhiệm đã yêu cầu bạn T hỗ trợ đẩy xe lăn của M ra ngoài sân để quan sát các bạn trong lớp học tiết thể dục. M được đặt ngồi khá xa “đường đua” của các bạn trong lớp. M rất vui, quan sát các bạn khởi động, chạy, hò reo và vô cùng thích thú khi chứng kiến cảnh các bạn nỗ lực cạnh tranh nhau về đích. Trong lúc M và mọi người đang tập trung vào nhóm mấy bạn nam chạy nước rút, thì bỗng nghe tiếng “rầm”. Hóa ra ai đó đã “vô tình” đụng vào xe lăn, xô M ngã nhào, cả chiếc xe lăn đè lên người chàng trai khuyết tật. Cả lớp nháo lên, người thì nâng M dậy, người thì gào lên truy hỏi thủ phạm gây ra tai nạn, một số thì nói không biết, không nhìn thấy gì… Tiết thể dục hôm ấy kết thúc trong hỗn loạn. Cú ngã đó đã làm M vô cùng bất ngờ và sợ hãi. Thầy thể dục cũng nhanh chóng cõng M lên phòng y tế của trường để được sơ cứu. Do quá sốc và sợ nên thầy cô đã phải gọi bố mẹ M đến trường, khi đó, bố mẹ mới biết được M ở trường thời gian qua đang bị các bạn phân biệt, kỳ thị, hay bị trêu ghẹo. Bố mẹ buồn, M càng buồn hơn. Thật may là M không bị thương nặng, chỉ bị trầy xước nhẹ nên gia đình cũng không làm lớn chuyện, chỉ xin phép thầy cô cho M được kết thúc buổi học sớm để về nhà nghỉ ngơi. Sau buổi đó, trong buổi sinh hoạt lớp cuối tuần, thầy hiệu trưởng đích thân tới dự, thầy nghiêm khắc nói: “Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, lần sau nếu bạn nào trêu chọc, bắt nạt bạn M hoặc bất kỳ bạn học sinh khuyết tật nào, nhà trường sẽ kỷ luật ở mức nặng và báo công an xử lý theo pháp luật”. Tiếp đó, trong buổi chào cờ đầu tuần, thầy hiệu trưởng đã có bài phát biểu liên quan đến việc của M, yêu cầu các học sinh khác không được trêu ghẹo, phải tôn trọng dạng khuyết tật của M, thầy nhấn mạnh: “Không chỉ thầy cô giáo trong trường, gia đình em M mà tất cả các học sinh trong trường cũng cần có trách nhiệm bảo vệ, chia sẻ với em M. Sự giúp đỡ, động viên của các em sẽ là động lực to lớn để em M tiếp tục được đến trường học tập, tham gia và hòa nhập vào xã hội”.
Thời điểm đó, mỗi thầy cô chủ nhiệm ở các lớp trong trường cũng đã có những buổi họp lớp, chia sẻ với các học sinh về việc tôn trọng người khuyết tật, không được đối xử phân biệt đối với người khuyết tật. Ngoài ra, thầy cô giáo trong trường, bố mẹ M cũng đã thường xuyên có những chia sẻ, động viên M để em tiếp tục đến trường. Thật may thay, nhờ sự dìu dắt của các thầy cô giáo, động viên của gia đình và sự trợ giúp của vài bạn thân thiết, M đã tích cực lên từng ngày, cũng không còn những lo toan, suy nghĩ tiêu cực về việc bị các bạn bè trong trường kỳ thị, phân biệt đối xử. Dần rà về sau, nhờ những công tác giáo dục từ các thầy cô giáo và phụ huynh, học sinh trong trường đã dần dần cởi mở hơn với M, giúp M ngày càng có động lực đến trường. Thời gian sau, người bạn gần nhà - người đã đẩy xe lăn làm M ngã, cũng đã đến tận nhà xin lỗi M và đề nghị bố mẹ M cho bạn được đẩy M đến trường hàng ngày. Bạn nói rằng: “Từ sau khi làm M ngã, được thầy cô, bố mẹ nhắc nhở, cháu luôn dằn vặt bản thân, hối hận vô cùng vì hành vi vô cảm của mình, giá như khi đó cháu không làm vậy, cháu thực sự xin lỗi”. Cùng với sự chân thành, ánh mắt hối lỗi, rưng rưng ngấn lệ mong muốn được sửa chữa sai lầm của bạn, bố mẹ M đã đồng ý cho bạn đưa M đến trường. Từ hôm đó, con đường đến trường của M giờ không còn vỏn vẹn trong gia đình mà còn có thêm các bạn đồng trang lứa khác.
Với ước mơ được cắp sách tới trường, cùng với ánh sáng tri thức, niềm hi vọng và động viên từ gia đình, thầy cô, M đã tự đứng lên trong biến cố, khó khăn để tiếp tục sống trong cuộc đời mới cùng với chiếc xe lăn. Câu chuyện của em đã truyền lại cho những người xung quanh em một nguồn năng lượng mạnh mẽ để rồi tiếp tục phấn đấu và vươn lên vượt qua rào cản, khó khăn trong môi trường giáo dục đầy khắc nghiệt nhưng cũng đầy tình yêu thương./.
* Luật Người khuyết tật năm 2010:
1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
2. Kỳ thị người khuyết tật là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó.
3. Phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó.
Điều 14. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật”.
* Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em:
“Điều 11. Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: