Bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng, luôn đề cao trong hệ thống chính sách An sinh xã hội. Đối với người khuyết tật, do xu hướng sức khỏe kém hơn và tần suất sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường xuyên nên họ phụ thuộc rất nhiều vào bảo hiểm y tế[1]. Đáp ứng yêu cầu này, nhiều chính sách quan trọng về hệ thống bảo hiểm y tế đã được ban hành và thực hiện, từ đó đã tạo cơ sở pháp lý căn bản cần thiết cho việc đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho người khuyết tật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số vấn đề cần bàn luận trong các quy định về bảo hiểm y tế, nhất là khi so sánh với tinh thần của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) và thực tiễn nhu cầu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay. Trong bối cảnh các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang khởi động dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), chúng tôi xin có một vài ý kiến liên quan đến đối tượng và quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật như sau.
Thứ nhất, về phạm vi đối tượng người khuyết tật được hỗ trợ chi phí tham gia bảo hiểm y tế
Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi lâu nay khi mà theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ có hai trong ba nhóm đối tượng người khuyết tật được cấp bảo hiểm y tế miễn phí (Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng)[2]. Đối với nhóm người khuyết tật mức độ nhẹ, họ thậm chí còn không thuộc trường hợp được Ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Điều này đồng nghĩa với việc nếu người khuyết tật nhẹ không thuộc các đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm y tế khác (như thân nhân người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo...) thì họ hầu như không được hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ nào về chi phí tham gia bảo hiểm y tế. Và do vậy, theo số liệu năm 2019, vẫn còn hơn 3 triệu người khuyết tật (chiếm khoảng 50% tổng số người khuyết tật) vẫn phải tự mua bảo hiểm y tế và phải đồng chi trả phí dịch vụ khám, chữa bệnh[3].
Việc giới hạn đối tượng người khuyết tật được Nhà nước hỗ trợ chi phí bảo hiểm y tế trên đây có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như phần đa dư luận cho rằng người khuyết tật mức độ nhẹ vẫn có khả năng lao động, có thu nhập và có thể tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc theo diện người lao động hoặc mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình với giá vừa phải. Tuy nhiên, thực tế lại cho chúng ta thấy điều ngược lại khi 37% người khuyết tật nhẹ chưa có việc làm, 59% có việc làm bấp bênh[4], đồng nghĩa với việc tỷ lệ người khuyết tật nhẹ nằm trong diện mua bảo hiểm y tế bắt buộc của người lao động sẽ không cao. Về tài chính, không phải người khuyết tật nhẹ nào cũng đủ điều kiện để mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình khi có tới 82% trong số họ có thu nhập không ổn định. Trong khi đó, những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát và mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình tăng lên (cùng với chính sách tăng lương cơ sở của nhà nước) đã khiến cho chi phí mua bảo hiểm y tế trở thành gánh nặng, là rào cản lớn trong việc tham gia chính sách bảo hiểm y tế của không ít người khuyết tật. Điều này cũng có thể khiến nhiệm vụ quan tâm chăm sóc sức khỏe đối với một số đối tượng ưu tiên (bao gồm người khuyết tật) theo Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 không được thực hiện hiệu quả[5].
Trước thực trạng đó, ngày 29/04/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 546/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm cho người dân tham gia bảo hiểm y tế giai đoạn 2022- 2025. Ngày 11/10/2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng ban hành Công văn số 4059/LĐTBXH-BTXH, trong đó đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành có giải pháp nguồn kinh phí bảo đảm đóng bảo hiểm y tế cho người khuyết tật theo quy định.
Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế chưa thực sự hiệu quả. Theo khảo cứu sơ lược của chúng tôi thì phần lớn các tỉnh, thành vẫn chỉ tập trung nâng mức hỗ trợ đối với một số đối tượng đã được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế như hộ cận nghèo; hộ nghèo đa chiều không thuộc trường hợp được cấp bảo hiểm y tế miễn phí; hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên; người cao tuổi... Ngay cả thủ đô Hà Nội, chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế cũng mới chỉ nằm trong dự kiến trình Hội đồng nhân dân thành phố vào kỳ họp cuối năm 2023[6]. Đến nay, chỉ một số ít tỉnh, thành hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng người khuyết tật (nhẹ) hoặc có dấu hiệu khuyết tật, chẳng hạn như: Hội viên Hội người mù thành phố Hải Phòng chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí sẽ được Ngân sách thành phố hỗ trợ 100% mức đóng[7]. Tỉnh Đồng Nai hỗ trợ bổ sung 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh khuyết tật học hòa nhập và học sinh tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật (ngoài mức 30% do Ngân sách nhà nước hỗ trợ)[8]. Tỉnh Bình Định hỗ trợ 100% kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho “bệnh nhân phong có di chứng tàn tật”[9]…
Việc người khuyết tật nhẹ, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dưới một khía cạnh nhất định vẫn được xem là “vô tình” bị bỏ lại phía sau trong việc hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân quan trọng là thiếu một quan điểm chính sách rõ ràng, dẫn đến thiếu quy định “cứng” trong văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ nhóm đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế hiện hành theo hướng: Bổ sung đối tượng “người khuyết tật không thuộc trường hợp được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế” vào nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Điều này không chỉ tăng cơ hội tiếp cận bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng người khuyết tật không được nhà nước “bao cấp”, mà còn là giải pháp đưa Bảo hiểm y tế mở rộng diện bao phủ trên toàn quốc, giúp người dân có điểm tựa an sinh quan trọng khi không may bị ốm đau, rủi ro cần đi khám, chữa bệnh.
Thứ hai, về mức hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế:
Đối với người khuyết tật nhẹ, họ đa phần tham gia bảo hiểm y tế theo diện người lao động hoặc tự mua theo diện hộ gia đình với mức hưởng 80% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi hưởng bảo hiểm y tế. Từ thực tế cho thấy, tần suất sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh thường xuyên cùng với hạn chế về thu nhập, khả năng tích lũy đã và đang khiến nhiều người khuyết tật nhẹ phải đối mặt với áp lực kinh tế (đặc biệt là khi phải điều trị lâu dài). Bởi vậy, việc được tăng mức hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh là nguyện vọng đối với rất nhiều người khuyết tật nhẹ[10]. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng, việc “cào bằng” hỗ trợ 100% khám, chữa bệnh cho tất cả người khuyết tật ngay lập tức có thể tạo thành “gánh nặng” không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, để đảm bảo khả năng thực thi của đề xuất với tình hình tài chính - ngân sách nhà nước, chúng tôi cho rằng trong giai đoạn trước mắt, có thể quy định việc người khuyết tật mức nhẹ (và mức trung bình - nếu Luật Người khuyết tật sửa đổi bổ sung thêm mức độ khuyết tật này) được hưởng ưu đãi tương đương với mức hỗ trợ dành cho hộ cận nghèo hiện nay (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi bảo hiểm y tế), phần nào giúp họ vơi bớt những khó khăn khi gặp ốm đau, bệnh tật.
Đối với người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được cấp bảo hiểm y tế, căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế hiện hành thì họ được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi hưởng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, một người khuyết tật có thể thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, chẳng hạn như người lao động, người hưởng trợ cấp trợ cấp bảo hiểm xã hội, thân nhân của người có công với cách mạng… Mà theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế hiện hành thì sẽ đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người khuyết tật đó được xác định theo thứ tự luật định. Ví dụ về trường hợp khá phổ biến là, khi người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là người lao động thì sẽ đóng bảo hiểm y tế theo diện người lao động (với mức hưởng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi bảo hiểm y tế). Mặc dù về nguyên tắc, một người khuyết tật thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất. Tuy nhiên, mức hưởng cao nhất này lại không mặc nhiên được điều chỉnh mà phải trải qua thủ tục chuyển đổi mã thẻ bảo hiểm y tế. Mặc dù hồ sơ, thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế đã được quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020), song không phải người khuyết tật nào cũng biết và hiểu về thủ tục này để thực hiện. Từ thực tế tư vấn của chúng tôi cho thấy, có một số trường hợp người khuyết tật không biết đến việc phải đổi thẻ mà cho rằng, dù ký kết hợp đồng lao động nhưng chỉ cần có giấy xác nhận khuyết tật thì vẫn hưởng của đối tượng bảo trợ xã hội. Đến khi thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, người khuyết tật mới “tá hỏa” rằng mã thẻ bảo hiểm y tế của mình không được hưởng mức cao nhất. Có trường hợp người khuyết tật nhận thức được rằng mã thẻ bảo hiểm y tế của mình chưa phải mức hưởng cao nhất nhưng lại “loay hoay” không biết phải liên hệ đến cơ quan nào để chuyển đổi. Thậm chí, có trường hợp người khuyết tật cho rằng nếu ký kết hợp đồng lao động thì họ sẽ chuyển sang hưởng bảo hiểm y tế người lao động. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, trình tự, thủ tục chuyển đổi quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế cần được cải cách, đơn giản hóa thêm một bước để người khuyết tật có thể dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, cũng cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội và các cơ quan có liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chính sách, thủ tục chuyển đổi quyền lợi được hưởng bảo hiểm y tế đối với người lao động nói chung, đặc biệt là bộ phận người lao động là người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng để họ biết và thực hiện thủ tục đảm bảo quyền lợi của mình.
Thứ ba, về phạm vi những trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế:
Dụng cụ trợ giúp giữ một vai trò quan trọng đối với người khuyết tật. Trong một khảo sát của Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định vào năm 2021, tất cả người khuyết tật (dạng vận động và nhìn) được khảo sát cho biết họ “cần dụng cụ trợ giúp và sử dụng thường xuyên hàng ngày”; 83,6% trong số họ “cảm thấy khó khăn nếu như không có dụng cụ trợ giúp”[11]. Thời gian qua, phạm vi chi trả bảo hiểm y tế đối với các vật tư y tế liên tục được mở rộng đã hỗ trợ không nhỏ để cải thiện sức khỏe, tăng cường khả năng tiếp cận và hòa nhập cũng như tham gia lao động của người khuyết tật. Song, thực tế vẫn đang tồn tại một số rào cản trong tiếp cận dụng cụ trợ giúp cơ bản, thiết yếu của người khuyết tật khi các vật tư y tế thay thế thiết thân đối với họ lại không được bảo hiểm y tế chi trả. Với nguồn lực tài chính hạn hẹp, việc chi trả cho các dụng cụ trợ giúp như chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, nạng, nẹp, xe lăn... vượt quá khả năng của rất nhiều người khuyết tật và gia đình họ. Vì vậy, có đến 98% người khuyết tật trong cuộc khảo sát nêu trên cho biết họ “không thể chi trả đối với dụng cụ trợ giúp”, 02% còn lại chỉ có khả năng chi trả một phần. Hầu hết người khuyết tật (được khảo sát) đều mong muốn Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ “chi trả và chi trả toàn bộ đối với dụng cụ trợ giúp đối với người khuyết tật”[12].
Để giảm bớt khó khăn cho người khuyết tật khi cần phải sử dụng các vật tư y tế thay thế trong khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, chúng tôi cho rằng, việc chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho các dụng cụ trợ giúp đối với người khuyết tật rất cần được quan tâm xem xét. Một số dụng cụ cơ bản, thiết yếu như chân tay giả, nẹp chỉnh hình, nạng, xe lăn, máy trợ thính, thiết bị hỗ trợ tăng thị lực... cần được công nhận là vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế. Nói cách khác, nội dung quy định tại khoản 8 Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế hiện hành về việc không chi trả bảo hiểm y tế đối với một số vật tư y tế thay thế cần phải được nghiên cứu để khẩn trương sửa đổi (theo hướng loại bỏ quy định này) trong Luật Bảo hiểm y tế mới. Điều này cũng là nhằm hiện thực hóa yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu xây dựng chính sách chi trả bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật sử dụng các dụng cụ, thiết bị, vật liệu phục hồi chức năng, trang thiết bị y tế đặc thù đã được quy định tại Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 24/05/2023 phê duyệt “Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Tóm lại, chăm sóc sức khoẻ cho người khuyết tật không chỉ là chính sách thể hiện tính nhân văn mà còn là giải pháp mang tính toàn diện và bền vững để tăng cường khả năng tiếp cận và hòa nhập của người khuyết tật. Vì vậy, việc hỗ trợ để tất cả người khuyết tật có cơ hội tham gia bảo hiểm y tế, hưởng các chính sách ưu đãi về chi phí khám, chữa bệnh, tiếp cận dụng cụ trợ giúp là vấn đề cần được quan tâm trong quá trình xây dựng dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) lần này. Với những ý kiến trên đây, chúng tôi hy vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách nhằm đảm bảo hơn nữa quyền của người khuyết tật trong an sinh xã hội phù hợp với thực tiễn của một đất nước có tỷ lệ khuyết tật có xu hướng gia tăng do quá trình già hóa dân số và tai nạn cũng như phù hợp tinh thần các cam kết của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.
[1] Theo Bảng tóm tắt về Quyền tiếp cận Chăm sóc Sức khỏe người khuyết tật (Uỷ ban Quốc gia Khuyết tật Hoa Kỳ).
[2] Căn cứ khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014; khoản 1 Điều 44 Luật Người khuyết tật năm 2010; khoản 8 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
[3] Xem tại: https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/hoat-dong-he-thong-bao-hiem-xa-hoi.aspx?CateID=0&ItemID=13283&OtItem=date, cập nhật ngày 26/08/2019.
[4] Báo cáo “Khuyến nghị chính sách cấp thẻ BHYT cho người khuyết tật nhẹ”, tại Hội thảo “Khuyến nghị chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật nhẹ” ngày 16/07/2021 tại TP.HCM.
[5] Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
[6] Xem: https://www.anninhthudo.vn/ha-noi-se-co-chinh-sach-ho-tro-dong-bao-hiem-y-te-cho-nguoi-tu-70-tuoi-tro-len-post544720.antd, ngày 04/07/2023.
[7] Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND thành phố Hải Phòng ngày 09/12/2022 quy định chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
[8] Quyết định số 1445/QĐ-UBND tỉnh Đồng Nai ngày 03/06/2022 về việc thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022 – 2025.
[9] Quyết định số 33/2023/QĐ-UBND tỉnh Bình Định ngày 25/07/2023 quy định chính sách hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Bình Định.
[10] Theo Báo cáo “Rà soát và đề xuất bổ sung một số quy định dành cho Người khuyết tật trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi” do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) chủ trì năm 2021, có đến 95% người khuyết tật được khảo sát có nguyện vọng tăng mức hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh.
[11] Liên Hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (2021), Báo cáo khảo sát “Tìm hiểu nhu cầu Dụng cụ trợ giúp đối của Người khuyết tật (Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định) công bố tại Hội thảo “Thực trạng bảo hiểm y tế và đề xuất giải pháp thực hiện đối với người khuyết tật” do Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp cùng các tổ chức VNAH và USAID tổ chức ngày 21/12/2021.
[12] Liên Hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, tlđd.