Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Một số điểm mới cơ bản của chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 (P2)

  • Thực hiện: Ths.LS. Lê Hải Yến
  • 26/11/2020

Mới đây, ngày 05/8/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định số 1190/QĐ-TTg ban hành Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2020-2030 (sau đây xin gọi tắt là Chương trình 1190). Mặc dù khác nhau về tên gọi, nhưng về thực chất thì chúng ta đều hiểu đây chính là Chương trình hỗ trợ người khuyết tật của Chính phủ trong giai đoạn 10 năm tới, tiếp nối các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trong phạm vi toàn quốc trong  ngót 10 năm vừa qua, trên cơ sở triển khai thực hiện Quyết định số  1019 /QĐ –TTg ngày 05/8/2012 ban hành Đề án trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 (sau đây xin gọi tắt là Đề án 1019).

 Bài  viết này xin giới thiệu một số nội dung chủ yếu thuộc Chương trình 1190 trong đó tập trung phân tích một số điểm mới của Chương trình này so với Đề án 1019 và một vài quan điểm cá nhân mang tính chất nghiên cứu của tác giả về một số vấn đề liên quan đến đổi với cơ chế chính sách, giải pháp cơ bản nhằm hỗ trợ người khuyết tật  trong phạm vi cả nước trong giai đoạn 10 năm tới, liên quan đến những vấn đề được đặt ra trong khuôn khổ Chương trình mới  1190. Bài viết được chia làm 2 kỳ, cụ thể như sau:

Kỳ 1: Một số nét khái quát và điểm mới cơ bản trong mục tiêu của chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2020 – 2030[al1] 

Kỳ 2: Điểm mới cơ bản trong hệ thống các hoạt động và các giải pháp chủ yếu nhằm triển khai mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật thuộc Chương trình 2021-2030

Kỳ 2: Một số đặc điểm trong hệ thống các hoạt động và các giải pháp chủ yếu nhằm triển khai mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật thuộc Chương trình 2021-2030:

Thứ nhất, hoạt động hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật được xem là hoạt động được ưu tiên hàng đầu trong nhiều lĩnh vực hoạt động của Chương trình, nhằm thực hiện mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể.

Trong từng nhóm lĩnh vực hoạt động chủ yếu nhằm triển khai Chương trình hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 10 năm tới như về hỗ trợ khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế; giáo dục; dạy nghề việc làm và hỗ trợ sinh kế…  đều xác định vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về người khuyết tật là vấn đề trước tiên …[1] Đây là cách tiếp cận khá chuẩn xác trong xây dựng và thực thi chính sách ở tầm vĩ mô. Vì về bản chất thì thể chế luôn đóng vai trò định hướng, định khung, định chuẩn cho các hoạt động thực thi chính sách do Nhà nước khởi xướng và tổ chức thực hiện. Nếu lĩnh vực nào đã  thiếu và đã “vướng”  từ  khung chính sách pháp luật thì đa số các hoạt động triển khai sẽ ách tắc vì bị “bó” trên thực tế bởi ngay chính sự thiếu hoàn thiện, bất hợp lý của chính sách pháp luật trong lĩnh vực đó. Và những hoạt động chủ yếu từ phía Nhà nước nhằm hỗ trợ người khuyết tật, cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tại Đề án 1019, quan điểm “thể chế dẫn đường” dường như khá mờ nhạt. Đến Chương trình 1190 lần này, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách về người khuyết tật đã được khẳng định rõ ràng, được đặt đúng ở vị trí của nó trong hệ thống các hoạt động trọng yếu triển khai Chương trình.

Tương ứng với những nội dung về hoàn thiện thể chế trong từng nhóm hoạt động chủ yếu triển khai Chương trình, nhiệm vụ rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Người khuyết tật 2010, các luật liên quan đến lồng ghép chính sách trợ giúp người khuyết tật (và các văn bản hướng dẫn thi hành) trong một loạt lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa thể thao du lịch, tiếp cận công trình xây dựng, giao thông, trợ giúp pháp lý; công nghệ thông tin.. được xác định là giải pháp đầu tiên trong 05 nhóm giải pháp lớn để thực hiện Chương trình này (mục III Chương trình).

Thứ hai, từng nhóm hoạt động được đề ra trong mỗi lĩnh vực đều chứa đựng các nội dung khá cụ thể và sát hợp với các yêu cầu mục tiêu chung và cụ thể của Chương trình, chứa đựng nhiều điểm mới so với Đề án 1019

Đi vào phân tích từng nhóm hoạt động, sẽ thấy những yêu cầu được phát triển một bước khá lớn nhằm tạo ra những thay đổi về chất trong Chương trình hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 10 năm tới, bám sát các mục tiêu đề ra. Ví dụ:

  1. Tương ứng với các mục tiêu 80-90% trẻ khuyết tật độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục (cho cả giai đoạn 10 năm), bên cạnh hoạt động đẩy mạnh biên soạn giáo trình, cung ứng học liệu phù hợp,… Chương trình đã đề ra yêu cầu “đưa nội dung giáo dục hòa nhập vào các chương trình đào tạo giáo viên đối với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành sư phạm”. Chúng ta đều biết là giáo dục hòa nhập là một phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật [2]để khẳng định quyền được học tập bình đẳng với người không khuyết tật và hòa nhập cộng đồng. Định hướng hoạt động nói trên được xem là bước chuẩn bị bài bản về đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu về người dạy có đủ về số lượng và đủ về kiến thức, kỹ năng giáo dục hòa nhập.
  2. Tương ứng với các mục tiêu  90-100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định (cho cả giai đoạn 10 năm),là một loạt định hướng các hoạt động nhằm đảm bảo khả thi mục tiêu nêu trên tại nhóm các nhiệm vụ hỗ trợ về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật(khoản 3, Mục II của Chương trình 1190). Trong đó, Chương trình đề ra yêu cầu tổ chức đào tạo nghề  cho người khuyết tật có kế hoạch, linh hoạt, đa dạng về hình thức và gắn với các cơ sở có sử dụng lao động là người khuyết tật.Đặc biệt, việc nêu rõ các đối tượng được ưu đãi cho vay với lãi suất ưu đãi (từ Ngân hàng chính sách xã hội) như thanh niên khuyết tật khởi nghiệp, phụ nữ khuyết tật, người khuyết tật và các cơ sở sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật là một điểm nhấn trong các hoạt động cần thiết nhằm tăng cường hiệu quả cơ chế đảm bảo thực thi các chính sách pháp luật hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm- sinh kế, đã được khẳng định rõ trong một loạt văn bản pháp luật. Định hướng hoạt động trên đây nhằm giải quyết cơ bản một trong những khó khăn chủ yếu đối với người khuyết tật là thiếu vốn để tự tạo việc làm, với thực trạng theo Báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội  là số người vay được chỉ chiếm 0,46% tổng số người khuyết tật trong độ tuổi lao động.[3] Bên cạnh đó, cần kể đến việc Ngân hàng chính sách xã hội chưa ủy thác cho vay qua Hội người khuyết cũng là một khó khăn đối với người khuyết tật trong tiếp cận cơ hội vay vốn với lãi suất ưu đãi theo chính sách hiện hành trên thực tế….[4]
  3. Tương ứng với  chỉ tiêu mới như: hỗ trợ 100% phụ nữ khuyết tật là nhóm các hoạt động trợ giúp phụ nữ khuyết tật toàn diện từ tăng cường truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức các cấp các ngành, cộng đồng trong thực hiện chính sách xã hội đối với phụ nữ yếu thế;…(khoản 10, mục II Chương trình 1190).
  4. Bên cạnh đó, nhóm nhiệm vụ về hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng (khoản 11,mục II Chương trình 1190) với những nội dung tương đối cụ thể về vận động hỗ trợ và hỗ trợ thiết bị trợ giúp người khuyết tật; nâng cao kiến thức cho cán bộ, nhân viên và gia đình trong trợ giúp người  khuyết tật,.. cũng là những định hướng hoạt động cụ thể nhằm góp phần hướng tới mục tiêu chung xóa bỏ rào cản, tăng cường khả năng sống độc lập và hòa nhập cộng đồng đối với người khuyết tật.

 

  1. Thứ ba, nhiệm vụ xây dựng, vận hành các mô hình thí điểm (hoặc thành công ) đề ra trong rất nhiều hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ người khuyết tật 1190, có thể được xem là một trong những nét khá nổi bật của nội dung Chương trình này

Một trong những điểm đặc thù của các Đề án, Chương trình tầm quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành nói chung và an sinh xã hội nói riêng, chính ở độ “ mở” của về nội dung. Theo đó yêu cầu xây dựng, phát triển mô hình thí điểm, mô hình có tính mới, mô hình tiên tiến,… (gọi chung là mô hình) trong quá trình triển khai các Đề án, Chương trình hầu như là yêu cầu không thể thiếu. Việc xây dựng, phát triển các mô hình trong Chương trình 1190 này, theo nhận biết của tác giả, nhằm  hai mục đích chủ yếu: Nhằm phục vụ truyền thông, phổ biến kinh nghiệm hay, thành công trong cộng đồng người khuyết tật, góp phần quảng bá hình ảnh người khuyết tật, giúp họ tự tin hơn trong các hoạt động hướng tới sống độc lập, hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, giúp tăng cường thông tin, nhận thức của cộng đồng về vị thế của người khuyết tật, khuyến khích các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật từ phía các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội. Mục đích thứ hai chính là thông qua khảo sát, đúc kết thực tiễn các mô hình thành công, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm điều chỉnh, bổ sung để trình hoặc ban hành các chính sách, các quy định phù hợp (đặc biệt là các chính sách khuyến khích), nhằm tăng cường giải pháp hiệu quả hỗ trợ người khuyết tật. Nói khác đi, kết quả  nghiên cứu, khảo sát, tổng kết hiệu quả triển khai các mô hình,chính là một trong những căn cứ thực tiễn rất cần thiết để góp phần điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp lý về người khuyết tật.

Nếu so sánh với Đề án hỗ trợ 1019 giai đoạn trước chỉ đề ra việc xây dựng  nhân rộng, thí điểm 03 mô hình[5] thì Chương trình 1190 lần này đã đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển, nhân rộng các loại mô hình lớn hơn gấp ba lần Đề án 1019 (10 mô hình) thuộc các lĩnh vực hoạt động khác nhau, như : Giáo dục; hỗ trợ tạo việc làm, sinh kế; phòng chống dịch bệnh thiên tai; trợ giúp phụ nữ khuyết tật , hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng… Trong đó, trừ một vài mô hình cần tiếp tục phát triển (có sự kế thừa của giai đoạn trước), đa số yêu cầu nội dung xây dựng, nhân rộng các mô hình thuộc Chương trình này đều mang yếu tố mới. Ví dụ: Phát triển mô hình giáo dục người khuyết tật có hiệu quả; nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế, xây dựng mô hình người khuyết tật khởi nghiệp; xây dựng mô hình phụ nữ khuyết tật tự lực; xây dựng và nhân rộng mô hình “ cây gậy trắng” chỉ dẫn thông minh đối với người khuyết tật khiếm thị;… Thông qua đó, có thể thấy điểm khá tiến bộ của nội dung Chương trình, thể hiện quan điểm tích cực trong coi trọng  những yếu tố điển hình - thí điểm trong tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 10 năm sắp tới.

*Thứ tư, định hướng các hoạt động chủ yếu với những điểm đột phá, nhằm tạo chuyển biến  mạnh mẽ trong việc đảm bảo thực sự điều kiện về tiếp cận sử dụng các công trình xây dựng, giao thông đối với người khuyết tật

Chúng ta biết rằng, với các quy định của Luật Người khuyết tật 2010 và một số luật có liên quan,với các bộ quy chuẩn quốc gia về công trình xây dựng, phương tiện giao thông đường bộ đảm bảo người  khuyết tật tiếp cận sử dụng[6] và nhiều quy chuẩn kỹ thuật liên quan,thì tính đến nay, phần khung thể chế về tiếp cận công trình xây dựng và giao thông đảm bảo người khuyết tật sử dụng có thể xem là tương đối hoàn chỉnh về cơ bản. Tuy nhiên, cũng tính cho đến thời điểm hiện tại thì vấn đề  về điều kiện công trình xây dựng, giao thông đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng vẫn là vấn đề rất nan giải. Trên thực tế, người khuyết tật phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, rào cản về tiếp cận công trình xây dựng, giao thông.

Về xây dựng,với thực trạng bất cập của các công trình công cộng đảm bảo yếu tố tiếp cận đối với người khuyết tật(như đã nêu tại phần trên của bài viết này). thì có thể đánh giá khái quát là: tính đến nay (gần cuối năm 2020) đa số các công trình công cộng chưa tđáp ứng yêu cầu về lộ trình quy định tại Điều 40 Luật người khuyết tật 2010 (là đến năm 2020 tất cả các công trình công cộng phải xây dựng, cải tạo phù hợp với người khuyết tật).

Tương tự, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế khác gặp rất nhiều khó khăn trong tham gia giao thông công cộng, đặc biệt là trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt, như: khó khăn đối với người đi xe lăn khi độ chênh lệch giữa hè và nền đường quá cao; lối sang đường không có bảng báo hiệu bằng chữ nổi hay tín hiệu âm thanh để bảo đảm an toàn cho người khiếm thị…Đối với các xe buýt (trừ xe buýt nhanh BRT có cửa xe cao ngang bằng cửa nhà chờ), thời gian dừng xe ngắn, cửa xe hẹp và bậc cửa cao là nguyên nhân làm cho người đi xe lăn không thể sử dụng phương tiện này. Các bến xe, điểm đầu, điểm cuối, điểm trung chuyển, điểm dừng, nhà chờ xe buýt, vỉa hè... chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật bảo đảm cho người khuyết tât;tại một số nhà ga tàu hỏa chưa thiết kế hỗ trợ người khuyết tật [7];…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập nói trên, bên cạnh nguyên nhân về nhận thức, về thiếu điều kiện về vật lực, tài lực,… thì  còn có những nguyên nhân từ chính  bất cập của hệ thống quy chuẩn kỹ thuật (chưa đủ chi tiết, chuẩn chỉnh); từ sự  buông lỏng trong kiểm tra giám sát và thiếu một tầm nhìn chiến lược trong đảm bảo hệ thống công trình xây dựng, giao thông tiếp cận,…Chính vì vậy, nội dung trọng tâm  của các nhóm hoạt động chủ yếu về trợ giúp người khuyết tật  tiếp cận công trình xây dựng và tham gia giao thông trong Chương trình 1190  lần này (khoản và 6, mục II)  đã tập trung vào các mảng chủ yếu như:  rà soát, chỉnh sửa bổ sung đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hoàn thiện tài liệu giảng dạy về thiết kế tiếp cận trong xây dựng, giao thông và tăng cường kiểm tra, giám sát việc đảm bảo các điều kiện tiếp cận.

Đặc biệt, về tiếp cận giao thông, nhiệm vụ  nghiên cứu. xây dựng và ban hành bộ tiêu chí về giao thông  tiếp cận phổ quát đối với hệ thống giao thông được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong nhóm các hoạt  động chủ yếu liên quan đến triển khai thực hiện mục tiêu trợ giúp người khuyết tật tiếp cận và tham gia giao thông thuộc Chương trình 1190. Về khái niệm, giao thông tiếp cận phổ quát được hiểu là hệ thống giao thông đáp ứng quyền được đi lại của tất cả các thành viên trong xã hội một cách an toàn, thuận lợi.[8] Vì vậy, định hướng về xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận phổ quát nhằm tiến tới một hệ thống giao thông hiện đại, thuận tiện và an toàn cho tất cả mọi người, trong đó có người khuyết tật là một định hướng đúng và tích cực. Có thể nói hoạt động xây dựng, nghiên cứu, ban hành bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát và hoạt động khảo sát, đánh giá thực trạng đảm bảo tiếp cận hệ thống giao thông công cộng nhằm xây dựng Chiến lược giao thông tiếp cận đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 là hai nội dung trọng tâm trong các hoạt động hỗ trợ tiếp cận giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật thuộc Chương trình 1190 này và cũng là những điểm hoàn toàn mới so với Đề án 1019.

*Thứ năm: Một số điểm mới thuộc nội dung các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trong công nghệ thông tin, truyền thông, văn hóa, thể thao du lịch nhằm hướng tới mục tiêu tạo nên những biến đổi toàn diện về chất trong đời sống người khuyết tật giai đoạn 10 năm tới.

Trong bài này, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến các hoạt động về hỗ trợ thông tin, truyền thông đối với người khuyết tật: Việc tăng cường các giải pháp hỗ trợ thông tin truyền thông, trước hết cần khẳng định là những giải pháp rất cần thiết nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của người khuyết tật theo tinh thần của Công ước quốc tế CRPD, Luật Người khuyết tật 2010, Luật tiếp cận thông tin 2016,.. Công nghệ thông tin, truyền thông được xem là  phương tiện tối cần thiết đối với người khuyết tật ở nhiều phương diện: từ học tập đến tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, du lịch,giải trí,..góp phần cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật. Chính vì vậy, trong ngót chục năm trở lại đây việc tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường đảm bảo điều kiện tiếp cận thông tin đối với người khuyết tật đã dần dần được chú trọng.[9]

Có thể thấy, mục tiêu: “Tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng % tỷ lệ chung cả nước “ (điểm a, khoản 2, mục I của Chương trình) là một mục tiêu khá lớn.Vì vậy, để thực hiện mục tiêu này, so với Đề án 1019- thì các hoạt động cùng lĩnh vực  thuộc Chương trình 1190 đã được đặt ra với một số nội dung khá mới có tính chất “mũi nhọn”. Trước hết phải kể đến định hướng hoạt động về “xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trợ giúp người khuyết tật tiếp cận thông tin và truyền thông” (điểm a, khoản 7, mục II Chươg trình). Đây được xem là một những yêu cầu  mang tính đột phá lớn nhằm thực hiện mục tiêu nói trên của Chương trình. Nếu được hoàn thành, thì bộ quy chuẩn quốc gia này, cùng với bộ quy chuẩn quốc gia về tiếp cận công trình xây dựng và giao thông sẽ tạo nên hệ thống quy chuẩn quốc gia quan trọng đảm bảo tiếp cận cơ bản đối với người khuyết tật trên một số khía cạnh quan trọng của cuộc sống xã hội. Bên cạnh đó, định hướng hoạt động phát triển các hệ thống giải pháp giáo dục đào tạo trực tuyến cho người khuyết tật, bao gồm cả giáo dục truyền thông lẫn đào tạo nghề (điểm c, khoản 7, mục II) cũng cần được xem là một trong những giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa, đa dạng hóa phương thức giáo dục đào tạo đối với người khuyết tật.

Một điểm mới nữa cần được lưu ý là: Yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người khuyết tật không chỉ tập trung tại các hoạt động thuộc nội dung thuộc khoản 7, mục II của Chương trình 1190, mà còn được lồng nghép trong nhiều hoạt động thuộc các lĩnh vực khác của Chương trình này. Cụ thể.

*/Định hướng hoạt động: “Ứng dụng công nghệ, thiết bị chuyên dụng giúp người khuyết tật nhận thông tin cảnh báo sớm để ứng phó với dịch bệnh và thiên tai” ( khoản 4, Mục II Chương trình ) là một trong những giải pháp tối cần thiết để hỗ trợ người khuyết tật (và những đối tượng yếu thế khác) nhanh chóng cập nhật thông tin về dịch bệnh và thiên tai, trong khung cảnh thế giới và Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với những đại dịch lớn (như Covid 19 hiện tại) và thiên tai, lũ lụt triền miên trong quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.

*/ Định hướng hoạt động: “Tăng cường ứng dụng công nghệ để người khuyết tật có thể nắm được thông tin về các điểm tham quan du lịch, nhà hàng, khách sạn, phương tiện và mức độ tiếp cận các điểm này với người khuyết tật” (điểm d, khoản 9, mục II Chương trình) cũng là một yêu cầu rất thiết thực đặt ra nhằm tạo công cụ cần thiết  hỗ trợ tích cực, hiệu quả, góp phần hỗ trợ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực du lịch- vốn đang có khá nhiều bất cập với người khuyết tật hiện nay (thiếu thông tin đề địa điểm, thiếu nhân viên hỗ trợ, khó khăn về tiếp cận,…)[10]

* Thứ sáu:  Đẩy mạnh, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động thống kê về người khuyết tật cũng là một điểm mới của Chương trình 1190

Chúng ta biết thống kê luôn được xem  là một trong những công cụ rất quan trọng trên mọi khía cạnh của đời sống. Trong quản lý nhà nước liên quan đến chính sách người khuyết tật, thống kê cần phải trở thành công cụ thiết yếu để phục vụ việc phân tích, đánh giá thực trạng, hoàn thiện chính sách và giám sát thi hành chính sách đối với người khuyết tật.

Trên thực tế hiện nay, các chỉ tiêu thống kê về người khuyết tật đã được lồng ghép trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia được ban hành kèm theo Luật thống kê 2015 và nhiều văn bản  pháp luật khác nhau [11], cũng như  thông tin thống kê về người khuyết tật được thu thập, công bố trong các kết quả điều tra thống kê quốc gia hoặc điều tra của các bộ ngành.[12] Tuy nhiên, các thông tin thống kê về người khuyết tật hiện nay còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là một số lĩnh vực như thống kê về giới, phòng chống bạo lực giới còn thiếu lồng ghép các phân tổ thống kê về người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật,[13]…Do vậy, để khắc phục những bất cập nói trên, đồng thời để củng cố hoạt động thống kê trở thành công cụ đắc lực  phục vụ đánh giá thực trạng, điều chỉnh chính sách và giám sát thực hiện chính sách về người khuyết tật, Chương trình 1190 đã đưa ra một số yêu cầu nâng cao năng lực công tác, hiệu quả công tác thống kê về người khuyết tật .Gồm: Nâng cao năng lực công tác thống kê, thực hiện lồng ghép hoặc tổ chức điều tra, khảo sát thống kê chuyên đề về người khuyết tật; xây dựng phần mềm đăng ký và quản lý thông tin về người khuyết tật ( điểm e, khoản 12, Mục II Chương trình). Đồng thời, việc “lồng ghép các chỉ tiêu liên quan đến người khuyết tật trong hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành” cũng được khẳng định là một trong năm nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình này (khoản 3, mục III Chương trình).

III . THAY LỜI KẾT LUẬN

Như đã phân tích, có thể nói Chương trình số 1190 về hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 là một Chương trình khá đồ sộ về cơ cấu và rộng về phạm vi nội dung, với hệ thống các hoạt động, giải pháp chủ yếu trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm hỗ trợ người khuyết tật trong 10 năm tới. Với mục tiêu sát hợp với tinh thần Công ước về quyền của Người khuyết tật CRPD và hệ thống nội dung chứa đựng một loạt giải pháp cần thiết nhằm thực hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc triển khai có hiệu quả hệ thống chính sách bảo đảm hỗ trợ người khuyết tật trong Luật người khuyết tật 2010, Chỉ thị 39/CT-TW và một loạt các quy định pháp luật, Chương trình 1190 được xem là một văn bản quan trọng làm căn cứ định hướng cho việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ người khuyết tật  trong giai đoạn 10 năm tới theo hướng đảm bảo người khuyết tật sống bình đẳng, hòa nhập cộng đồng và nâng cao một  bước cơ bản chất lượng sống.  Đồng thời Chương trình này, với nhiều mục tiêu mới, mô hình mới, nội dung mới… được triển khai, cũng được xem là công cụ, căn cứ  thực tiễn quý báu nhằm hướng tới sửa đổi, bổ sung những chính sách lạc hậu, bất cập… đang tồn tại trong nhiều văn bản pháp luật, tạo nên những rào cản vô hình trong triển khai các chính sách hỗ trợ người khuyết tật trên thực tiễn.

Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là: không phải tất cả mọi vấn đề nhằm phục vụ giải quyết  những vướng mắc ở tầm chính sách hỗ người khuyết tật trong các văn bản luật hiện nay đều đã được đặt ra trong Chương trình 1190 . Cụ thể:

Trong nhóm định hướng hoạt động hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng có đề ra yêu cầu: Hỗ trợ người khuyết tật: xe lăn, xe lắc, khung tập đi, gậy, máy trợ thính, chân giả, tay giả và các thiết bị cần thiết (điểm b, khoản 11, mục II) và giao cho Bộ Y tế , phối hợp với Bộ Lao động thương binh xã hội chủ trì  thực hiện những hoạt động hỗ trợ này (Mục V của Chương trình).. Hoạt động hỗ trợ này là cần thiết, nhưng mới chỉ giải quyết ở tầm “ từ thiện” mà chưa giải quyết  ở tầm thể chế chính sách. Vì vấn đề hỗ trợ dụng cụ trợ giúp người khuyết tật trên đây chỉ có thể giải quyết thấu đáo bằng giải pháp chính sách, tức là cần đặt vấn đề nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, đưa thành trách nhiệm đảm bảo hỗ trợ của nhà nước đối với người khuyết tật đối với dụng cụ hỗ trợ, trang thiết bị y tế, thông qua chi trả bảo hiểm y tế đối với loại dụng cụ này. Tuy nhiên, tại phần các giải pháp về đổi mới thể chế thực hiện Chương trình ( khoản ,Mục III), không đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm Y tế .

Một trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật hiện nay chính là chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành thì điều kiện để hưởng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là doanh nghiệp phải đạt bình quân lao động 20 người trong một năm.[14] Điểm này không phù hợp với thực trạng các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng 30% trên tổng số lao động là người khuyết tật tại Việt Nam hiện nay, khi trên cả nước 90% các doanh nghiệp hiện nay thường là các doanh nghiệp siêu nhỏ (tổng số lao động không quá 10 người)[15] và cũng không phù hợp với chính sách của Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017. Như vậy, vấn đề cần phải được giải quyết nằm ở tầm chính sách, tức là đặt vấn đề nghiên cứu, sửa đổi chính sách của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành. Tuy nhiên, vấn đề này cũng không được đặt ra trong giải pháp hoàn thiện thể chế hỗ trợ người khuyết tật tại Mục III của Chương trình này.

Cả hai vấn đề “ vướng” về chính sách nói trên cũng đã được đặt ra hướng giải quyết tại một văn bản khác là Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 03-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 03/6/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật (gọi tắt là Quyết định số 753/QĐ-TTg). Như vậy, việc triển khai Chương trình 1190 hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 cần được đặt đồng bộ với triển khai Quyết định số 753 /QĐ-TTg nói trên, để đảm bảo sửa đổi, hoàn thiện ở tầm vĩ mô chính sách hỗ trợ người khuyết tật trong thời gian tới.


[1] Điểm a, khoản 1, khoản 2, khoản 3, mục II của Chương trình 1190.

[2]  Điều 28 Luật Người khuyết tật 2010.

[3] Theo Báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội, tổng số khách hàng là người khuyết tật được vay vốn để tạo việc làm là người khuyết tật khoảng trên 11.000 người trong có khoảng 2,4 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động tại Việt Nam, tức là số người vay được chỉ chiếm 0,46% tổng số người khuyết tật trong độ tuổi lao động (Nguồn:  Đức Dũng/BNEWS/TTXVN (2018), Tăng hỗ trợ vốn ưu đãi cho người khuyết tật, đăng tại: https://bnews.vn/tang-ho-tro-von-uu-dai-cho-nguoi-khuyet-tat/81501.html, ngày cập nhật: 12/04/2018).

[4] Theo Tài liệu Báo cáo của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tại Hội nghị Tổng kết Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và triển khai giai đoạn 2021-2030  ( trang 15)

[5]  Mô hình dạy học nghề gắn với tạo việc làm cho người khuyết tật; XD thí điểm mô hình phục hồi chức năng lao động cho NKT một số tỉnh; xây dựng các mô hình thí điểm vê tiếp cận, sử dụng các công trình xây dựng.

[6] QCVN 10:2014/BXD; QCVN 82:2019-BGTVT,...

[7] https://baomoi.com/giao-thong-cho-nguoi-khuyet-tat-van-nam-tren-giay; http://nhandao.net.vn/index.php/hoat-dong-hoi/nghien-cuu-trao-doi/10886-tiep-can-tham-gia-giao-thong-doi-voinguoi-khuyet-tat-thuc-trang-va-mot-so-giai-phap.

[8] Báo cáo nghiên cứu kỹ thuật xây dựng bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát( ACDC và TDSI, Hà Nội,2020 ,tr 28).

[9]  https://tieplua.net/cong-nghe/cong-nghe-thong-tin-voi-nguoi-khuyet-tat-co-hoi-thay-doi-cuoc-song-86.html

[10]  Xem: Đầy tiềm năng và khó trăm bề;  http://hanoimoi.com.vn/Ban-in/Du-lich/523050/day-tiem-nang-va-kho-tram-be; Du lịch còn đóng với NKT https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi-vande/du-lich-con-dong-voi-nguoi-khuyet-tat-379659/,...

[11] Như QĐ số 43/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về Chương trình điều tra thống kê quốc gia; Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT về danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam; Thông tư số 10/2019/TT-BKHĐT  về bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia; Quyết định số 03/ QĐ-UBQGNKT ngày 17/3/2017 của CT Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật ban hành biểu mẫu  báo cáo về công tác người khuyết tật các cấp, vv

[12] Ví dụ: Báo cáo: “Điều tra thống kê quốc gia về người khuyết tật 2016”. Nhà xuất bản thống kê, 2018.

[13] Ví dụ, tại Thông tư số 10/2019/TT-BKHĐT  về bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia: toàn bộ nội dung Nhóm chỉ tiêu 03 (lãnh đạo quản lý), các chỉ tiêu từ 0301-0306 về nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp/ trang trại; nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; nữ lãnh đạo trong các cơ quan chính quyền,… đều không có phân tổ nữ khuyết tật.

[14] Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế Thu nhập DN năm 2013 (khoản 3, Điều 1).

[15] http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/mot-so-giai-phap-thuc-day-doanh-nghiep-nho-va-vua-phat-trien-325683.html


 [al1]Khi đưa lên web cần gắn link để người đọc tìm được bài viết này.