Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Điểm sáng của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 trong việc đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 30/01/2024

Sau 13 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009[1], hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Điều này tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tạo điều kiện để y học Việt Nam tiếp cận với các kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới, tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân và chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 cũng đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn mà chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết, trong đó bao gồm những quy định liên quan đến vấn đề đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật trong khám bệnh, chữa bệnh.

Nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người khuyết tật, bảo đảm quyền lợi của người khuyết tật trong khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với tinh thần Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) và đồng bộ với quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 09/01/2023 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024 (Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số điểm mới trong các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 liên quan đến hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật như sau:

Thứ nhất, bổ sung người khuyết tật đặc biệt nặng là đối tượng được ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh (khoản 2 Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023).

Tại khoản 2 Điều 23 Luật Người khuyết tật năm 2010 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, hiện hành đang có hiệu lực thi hành) quy định rõ trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật: “Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh”. Tuy vậy, trên thực tế, pháp luật chuyên ngành của nước ta, cụ thể là Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã thu hẹp lại phạm vi người khuyết tật được hưởng chính sách trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đó là chỉ những người khuyết tật nặng mới thuộc đối tượng được ưu tiên trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (khoản 4 Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009). Trong khi người khuyết tật “đặc biệt nặng” thuộc mức độ khuyết tật cao nhất lại không được xếp trong danh sách đối tượng được ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh. Một trong những nguyên nhân có thể lý giải được cho “kẽ hở” này trong chính sách là do Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 ban hành sau Luật Người khuyết tật năm 2010 nên còn có điểm thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, điểm bất hợp lý trong chính sách ưu tiên của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trên thực tiễn thi hành. Thực tế thì đa số cơ sở khám bệnh hiểu rõ trường hợp này sẽ ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với những người khuyết tật từ mức độ nặng trở lên (bao gồm người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng). Nhưng nếu “máy móc” áp dụng đúng câu từ trong Luật thì chỉ “người khuyết tật nặng” mới được ưu tiên, còn người khuyết tật nhẹ và người khuyết tật đặc biệt nặng không được ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh. Cách quy định này đã vô hình trung ảnh hưởng đến quyền lợi của người khuyết tật đặc biệt nặng. Để đảm bảo tính toàn diện, hợp lý của chính sách ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh, khoản 2 Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã bổ sung người khuyết tật đặc biệt nặng là đối tượng được ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh: “Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Có thể thấy, quy định này tương đối tiến bộ, đảm bảo quyền tiếp cận, quyền được khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên của người khuyết tật, tương thích với quy định tại Điều 25 CRPD và điểm a khoản 3 mục II Điều 1 Quyết định 1100/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/06/2016 với nội dung rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trợ giúp người khuyết tật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bảo đảm phù hợp với CRPD, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về người khuyết tật, trong đó có bao gồm hoạt động xây dựng và áp dụng các chính sách ưu tiên, ưu đãi người khuyết tật về sử dụng dịch vụ y tế, về giá dịch vụ y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thứ hai, bổ sung vào phần quy định chính sách chung của Nhà nước: Khẳng định người khuyết tật là một trong những đối tượng được ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (điểm b khoản 2 Điều 4 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023).

Triển khai đảm bảo hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với với người khuyết tật là một quá trình dài và đòi hỏi nguồn vốn lớn. Song, nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách về người khuyết tật mới chỉ tập trung hỗ trợ về trợ giúp xã hội[2], giáo dục và dạy nghề. Theo đó, riêng năm 2022, ngân sách nhà nước đã bố trí 28.731 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 480 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật[3]. Năm 2023, ngân sách nhà nước đã bố trí 31,3 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 489 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật[4]. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự ưu tiên phân bổ ngân sách cụ thể để đảm bảo việc tăng cường hỗ trợ người khuyết tật trong khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đảm bảo điều kiện tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bố trí trang thiết bị y tế phù hợp với người bệnh là người khuyết tật; sử dụng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu đối với người khuyết tật nghe, nói trong khám bệnh, chữa bệnh… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến quá trình khám bệnh, chữa bệnh của người khuyết tật trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Chính vì vậy, việc khẳng định rõ ở tầm chính sách vĩ mô trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 với nội dung người khuyết tật là một trong những đối tượng được ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là vô cùng cần thiết, góp phần đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người khuyết tật khi sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sau khi Luật này có hiệu lực và trong tương lai. Chính sách mới này là cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, các Bộ ngành liên quan quy định, tổ chức thực hiện phân bổ nguồn ngân sách phù hợp, ưu tiên đảm bảo đặc thù về hình thức, phương thức, phương tiện, tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông phù hợp với từng loại đối tượng người khuyết tật trong khám bệnh, chữa bệnh.

Thứ ba, thừa nhận và giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều kiện đảm bảo về việc sử dụng ngôn ngữ đối với người bệnh là người khuyết tật về ngôn ngữ (được hiểu chủ yếu bao gồm người khuyết tật nghe, nói) trong khám bệnh, chữa bệnh - khoản 4 Điều 21 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Trước khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có hiệu lực thi hành, ở tầm chính sách của luật, ngôn ngữ ký hiệu chưa được công nhận chính thức như là một trong những ngôn ngữ được sử dụng khám bệnh, chữa bệnh ở Việt Nam. Tại Điều 23 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 mới chỉ dừng lại ở quy định việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và vấn đề phiên dịch ngôn ngữ nước ngoài sang tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh... Trong khi đó, Điều 2 CRPD định nghĩa: “Ngôn ngữ bao gồm ngôn ngữ nói, ký hiệu và các dạng ngôn ngữ không lời khác” và khoản e Điều 21 CRPD cũng đã quy định rõ yêu cầu các quốc gia thành viên tiến hành mọi biện pháp thích hợp để bảo đảm rằng người khuyết tật có thể thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do chính kiến, trong đó có tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin và ý kiến trên cơ sở bình đẳng với những người khác và bằng bất kỳ hình thức giao tiếp nào họ chọn, như đã định nghĩa tại điều 2 Công ước này, bao gồm bằng cách: “Thừa nhận và thúc đẩy việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu”.

Còn theo pháp luật Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh”. Thông tư 17/2020/TT-BGDĐT quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ ký hiệu cho người khuyết tật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 29/06/2020 đã khẳng định thông tư được ban hành nhằm mục đích chuẩn quốc gia về ngôn ngữ ký hiệu cho người khuyết tật quy định về hệ thống ký hiệu ngôn ngữ Việt Nam dành cho người khuyết tật nghe, nói sử dụng. Tuy nhiên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 còn thiếu quy định về việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong hoạt động khám, chữa bệnh. Đây là khoảng trống đáng kể trong chính sách, chưa phù hợp và tiệm cận với CRPD, cũng như Hiến pháp Việt Nam.

Để khắc phục hạn chế chính sách nêu trên, bảo đảm quyền sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của người khuyết tật nghe, nói trong khám bệnh, chữa bệnh, khoản 4 Điều 21 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 được ban hành đã giao trách nhiệm cho Chính phủ quy định chi tiết về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh cho đối tượng người khuyết tật về ngôn ngữ (được hiểu chủ yếu bao gồm người khuyết tật nghe, nói). Trên cơ sở đó, Điều 36 Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành ngày 30/12/2023 đã quy định chi tiết về việc người khuyết tật về ngôn ngữ khi khám bệnh, chữa bệnh “phải thực hiện việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh và yêu cầu về ngôn ngữ với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí người hành nghề hoặc người phiên dịch có khả năng sử dụng ngôn ngữ mà người bệnh đó sử dụng”. Trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bố trí được thì người bệnh phải tự bố trí người phiên dịch và tự chịu trách nhiệm về nội dung phiên dịch. Ngoài ra, Điều 36 Nghị định 96/2023/NĐ-CP cũng quy định các nguyên tắc cụ thể hỗ trợ người bệnh là người khuyết tật về ngôn ngữ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tình trạng cấp cứu.

Thứ tư, bổ sung quy định mới về phục hồi chức năng mà trong đó, người khuyết tật là một trong những đối tượng chính để được hưởng chính sách này (Điều 68 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023).

Vấn đề phục hồi chức năng đối với người khuyết tật đã được Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định cụ thể, trong đó khẳng định Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật; xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình, phục hồi chức năng phù hợp; Người khuyết tật được tạo điều kiện, hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng[5]; Gia đình người khuyết tật có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng[6]. Để nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng, tăng cường phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp sớm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4039/QĐ-BYT năm 2014 phê duyệt Kế hoạch Quốc gia về phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2014 - 2020. Công tác phục hồi chức năng cũng đã được đưa vào Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc ​và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới với nhiệm vụ và giải pháp là: “Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bên cạnh hệ thống bệnh viện thuộc lực lượng vũ trang; tăng cường phối hợp quân - dân y”. Ngoài ra, trong từng giai đoạn khác nhau, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1019/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 với những mục tiêu cụ thể về đảm bảo phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp cho người khuyết tật.

Theo đó, Điều 68 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã quy định rõ các nguyên tắc thực hiện các hoạt động phục hồi chức năng trong đó có bao gồm: Phòng ngừa và giảm ảnh hưởng của khuyết tật; khám phát hiện để can thiệp phục hồi chức năng sớm; Đánh giá nhu cầu sử dụng các biện pháp can thiệp phục hồi chức năng trong quá trình khám, điều trị cho người bệnh… Các hoạt động phục hồi chức năng cũng khá đa dạng bao gồm: Khám, chẩn đoán, xác định nhu cầu phục hồi chức năng của người bệnh; Sử dụng kỹ thuật vận động trị liệu, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu, chỉnh hình, thiết bị y tế, dụng cụ phục hồi chức năng và các biện pháp can thiệp khác; Tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh về phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp và hòa nhập cộng đồng; Điều chỉnh, cải thiện điều kiện tiếp cận môi trường sống phù hợp với tình trạng sức khỏe; Tuyên truyền phòng ngừa khuyết tật, bệnh tật. Quy định mới này lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, được xem là quy định đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho người khuyết tật trong khám bệnh, chữa bệnh, góp phần phát hiện, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp với từng dạng khuyết tật.

Có thể thấy rằng, những đổi mới tích cực được ghi nhận trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã từng bước xóa bỏ được các rào cản xã hội, đảm bảo tốt hơn quyền của người khuyết tật trong khám bệnh, chữa bệnh. Trên cơ sở các quy định của pháp luật mới hiện hành, hi vọng rằng, sau khi được triển khai và áp dụng quy định trên thực tế, các Bộ, ban ngành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và gia đình người khuyết tật sẽ nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật trong tương lai./.


[1] Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 được sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản tại Luật Quy hoạch năm 2017.

[2] Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định của pháp luật; Hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với hộ gia đình đang trực tiếp/ nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; Hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi (Điều 44 Luật Người khuyết tật năm 2010; khoản 1 Điều 9 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội).

[3] Minh Thư (2022), “Ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật”, tại địa chỉ: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/uu-tien-nguon-luc-thuc-hien-cac-chinh-sach-chuong-trinh-tro-giup-nguoi-khuyet-tat-628887.html, cập nhật ngày: 29/12/2022.

[4] Đức Hiệp (2023), “Tăng cường công tác an sinh giúp người khuyết tật có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, tại địa chỉ: https://daibieunhandan.vn/doi-song/tang-cuong-cong-tac-an-sinh-giup-nguoi-khuyet-tat-co-cuoc-song-am-no-hanh-phuc-i355641/, cập nhật ngày: 28/12/2023.

[5] Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là biện pháp thực hiện tại cộng đồng nhằm chuyển giao kiến thức về vấn đề khuyết tật, kỹ năng phục hồi và thái độ tích cực đến người khuyết tật, gia đình của họ và cộng đồng nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội và hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật (khoản 1 Điều 25 Luật Người khuyết tật năm 2010).

[6] Khoản 5 Điều 5, khoản 3 Điều 23, khoản 2, khoản 3 Điều 25 Luật Người khuyết tật năm 2010.