Bắt đầu từ tháng 12/2019, dịch COVID - 19 bùng phát đã lây lan ra 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến cho hơn 5,3 triệu người bị nhiễm và gần 340.000 người tử vong[1]. Dịch bệnh này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người mà đã và đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng làm gia tăng thất nghiệp, mất việc làm trong ngắn hạn và tình hình có thể phức tạp hơn nếu dịch bệnh kéo dài. Với người khuyết tật, họ trở thành những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh này.
Người khuyết tật bị ảnh hưởng trong mùa dịch
Theo kết quả điều tra cả nước có 7% dân số 2 tuổi trở lên (khoảng 6,2 triệu người) là người khuyết tật. Trong khi đó, đa phần người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay tham gia lao động, việc làm có trình độ thấp như công nhân may, làm đồ thủ công, làm tăm, làm hương, nhân viên trong nhà hàng, quán ăn, bán vé số…và đây lại là những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc cách ly xã hội. Một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất là: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (có 135 doanh nghiệp, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2019); dịch vụ việc làm; du lịch (có 1.037 doanh nghiệp, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2019); dịch vụ lưu trú và ăn uống (có 936 doanh nghiệp, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2019); giáo dục và đào tạo (có 305 doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2019)[2]. Từ ngày 29/03/2020, theo chỉ đạo của Thủ tướng về công tác phòng chống dịch COVID-19, việc phát hành sổ xố kiến thiết sẽ được tạm dừng từ đầu tháng 4 cho đến hết ngày 15/4/2020, do đó, thu nhập của những người khuyết tật phụ thuộc hoàn toàn vào việc bán vé số cũng không còn. Đến ngày 12-5, trên địa bàn TP Hồ Chính Minh có 25.140 người bán vé số bị mất việc làm trong tháng 4[3]. Kể từ khi những ngành nghề này buộc phải tạm ngưng hoạt động do đại dịch thì những người khuyết tật cũng bị giảm thu nhập, mất việc làm, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống. Theo Báo cáo kết quả đánh giá nhanh tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 đối với người khuyết tật của UNDP, cho đến tháng 3 năm 2020, 72% người trả lời có thu nhập hàng tháng dưới 1 triệu đồng, 30% người trả lời cho biết họ đang thất nghiệp vì đại dịch COVID-19; 49% người khác bị giảm thời gian làm việc. Trong số những người vẫn đang làm việc, 59% bị giảm thu nhập[4].
Bên cạnh đó, ngày 31/03/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Co-vid 19. Nội dung Chỉ thị nêu rõ “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc... Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.” Như vậy, với việc tạm ngừng hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp cùng với những chỉ đạo của Thủ tướng đưa ra thì người lao động, doanh nghiệp nói chung và người khuyết tật nói riêng đã phải chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng về thu nhập. Có thể thấy, người khuyết tật đã và đang trở thành những đối tượng chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề từ dịch bệnh và đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với Nhà nước và xã hội trong việc phải ban hành những giải pháp hỗ trợ người khuyết tật vượt qua nỗi lo đại dịch này.
Nhà nước đã thực hiện các chính sách hỗ trợ như thế nào đối với người khuyết tật?
Nhận thấy những khó khăn mà người dân, đặc biệt là người khuyết tật đang gặp phải, sự tác động tiêu cực đến đời sống người khuyết tật, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/04/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19. Nghị quyết này được ban hành rất kịp thời nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội. Nghị quyết này đã hỗ trợ 06 nhóm đối tượng bao gồm: người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh cá thể, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội hàng tháng, hộ nghèo – cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia tính đến ngày 31/12/2019.
Trong đó, đối với người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng. Người khuyết tật nếu thuộc các đối tượng trên sẽ được nhận hỗ trợ thêm để giảm thiếu tác động của COVID-19 tới cuộc sống. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững ổn định xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp và có xu hướng kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Để đảm bảo Nghị quyết 42 được thực hiện một cách chính xác, nhất quán tại địa phương, ngày 24/04/2020, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Quyết định này nhằm hướng dẫn địa phương thực hiện tốt công việc hỗ trợ khẩn cấp theo Nghị định 42. Đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật đang hưởng bảo trợ dường như không gặp nhiều khó khăn do địa phương đã có đầy đủ danh sách những người khuyết tật đang hưởng trợ cấp hàng tháng, danh sách người có công với cách mạng hay danh sách hộ nghèo, cận nghèo trong địa bàn. Nhiều địa phương đã chủ động ứng tiền từ Ngân sách tỉnh để thực hiện chi trả nhanh nhất đến người dân. Tỉnh Hà Nam đã tạm ứng 106 tỉ đồng để trước mắt thực hiện chi trả cho 25.000 người có công, 34.000 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và 42.000 người bảo trợ xã hội. Tại Cần Thơ, kết thúc ngày 28/4, quận Thốt Nốt đã hoàn tất chi hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ[5].
Có thể nói, Nghị quyết 42 được ban hành rất kịp thời. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Nghị quyết cũng rất nhanh chóng đến những đối tượng chính sách. Các vướng mắc trong chi trả dành cho các đối tượng chính sách có tên trong danh sách cũng không gặp khó khăn.
Điểm còn bất cập trong chính sách hỗ trợ khẩn cấp và kiến nghị
Về cơ bản những người khuyết tật đang hưởng trợ cấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng đang hưởng, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp, đã được Nhà nước quan tâm, giúp đỡ để vượt qua đại dịch. Tuy nhiên một số người khuyết tật hiện nay là người khuyết tật nhẹ đang làm lao động tự do, đang không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, không thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, mà gặp khó khăn trong việc mưu sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh không thuộc đối tượng được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước. Theo Báo cáo của UNDP, 71% người khuyết tật tham gia khảo sát đang làm việc là các công việc mùa vụ/ không chính thức hoặc họ đang kinh doanh trong khu vực không chính thức mà có nguy cơ không thuộc nhóm được nhận các hỗ trợ từ gói phúc lợi xã hội của chính phủ[6].
Ngoài ra, còn một số nhóm người khuyết tật đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng cũng không thuộc đối tượng được hưởng chính sách này. Trong khi đó, những người đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng của bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 67 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 phải là những người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở. Đây đều là những người khuyết tật dễ bị ảnh hưởng bởi dịch Co-vid 19 nhưng lại không thuộc đối tượng hưởng của Nghị quyết 42.
Bên cạnh đó, dù đã rất nỗ lực hỗ trợ nhanh và kịp thời đến người khó khăn, tuy nhiên, ở một số nơi, gói hỗ trợ này chưa đến được tay của người khuyết tật. Rất nhiều người khuyết tật phản ánh, đến giữa tháng 05/2020, họ vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ này.
Khuyến nghị
Người khuyết tật là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh, trong khi đó, với hơn 6,3 triệu dân số là người khuyết tật ở Việt Nam thì họ hoàn toàn có thể đóng góp vào nỗ lực phòng, chống và chung sống an toàn với COVID-19. Và Nhà nước cần có những chính sách để giúp họ có thể tham gia vào công cuộc này bằng những biện pháp như:
- Đảm bảo khoản hỗ trợ của chính phủ bao trùm người khuyết tật, mở rộng đối tượng được hỗ trợ bao gồm người khuyết tật đang làm việc trong khu vực phi chính thức;
- Đảm bảo an ninh tài chính và giáo dục thường xuyên thông qua cung cấp các nền tảng giáo dục và việc làm trực tuyến dễ dàng tiếp cận đối với người khuyết tật;
- Mở rộng độ bao phủ của cấp Giấy chứng nhận khuyết tật với tất cả những người khuyết tật;
- Tiến hành một đánh giá toàn diện về tác động của đại dịch COVID-19 với người khuyết tật, trong đó có sự tham gia đầy đủ của người khuyết tật, nhằm xây dựng và triển khai các chương trình ứng phó và phục hồi hậu COVID-19.
- Việc triển khai gói hỗ trợ cần tiến hành nhanh chóng và kịp thời đến những nhóm đối tượng được thụ hưởng.
Như vậy, với những quyết sách chưa từng có trong lịch sử, Nhà nước Việt Nam đã có những hỗ trợ kịp thời, hợp lòng dân. Tuy nhiên, cần có những chính sách đầy đủ, toàn diện và triển khai nhanh chóng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của người dân, đặc biệt là người khuyết tật.
[2] https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/597/5084/tac-dong-cua-dich-covid-19-toi-tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-trong-quy-i-2020-va-du-bao-anh-huong-cua-dich-benh-trong-thoi-gian-toi.aspx
[4] http://dangcongsan.vn/xa-hoi/nguoi-khuyet-tat-nam-trong-so-nhung-nguoi-bi-anh-huong-nhieu-nhat-boi-dich-benh-554623.html