Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chuyện buồn của em Nga

  • Thực hiện: Lê Hoa
  • 23/04/2024

Ảnh mang tính chất minh họa

Về sống với mẹ đẻ được hai tuần rồi mà Nga vẫn không khỏi bàng hoàng, thoảng thốt. Có những đêm, hình ảnh người “dì ghẻ” với những lời nói cay nghiệt, cử chỉ thô bạo hiện về trong giấc ngủ, khiến cô bé kêu ú ớ rồi khóc nức nở trong giấc mơ, mẹ phải lay gọi, ôm vào lòng dỗ dành mới nín khóc.

Nga là cô bé khuyết tật đặc biệt nặng mắc chứng xương thủy tinh, em phải ngồi xe lăn từ nhỏ. Từ bé được gia đình hết sức yêu thương, cưng chiều vì vừa là con gái lớn trong nhà, vừa bị khuyết tật.

Chuyện gia đình tan vỡ ập đến khi Nga lên đến lớp 6. Quan hệ giữa cha mẹ Nga ngày càng xấu đi. Cha em từ một người đàn ông ít nói nhưng chu đáo, thương vợ con trở thành người đàn ông lạnh lùng, luôn tìm cớ bận giám sát công trình xây dựng để vắng nhà hàng bốn, năm tháng trời. Nghe đồn ông ta có quan hệ “ngoài luồng” với một phụ nữ chủ quán cafe trên thị trấn, dẫn đến cô ta có thai. Cô này tìm đủ mọi cách, kể cả dọa tự tử để ép bố của Nga phải ly hôn với mẹ. Sau những trận cãi vã triền miên mà không thể hòa giải được, họ đưa nhau ra Tòa án làm thủ tục ly hôn. Vì em trai Nga mới hơn hai tuổi nên Tòa quyết định để em Nga sống với mẹ, còn Nga thì giao cho người cha nuôi dưỡng. Nga còn nhớ như in ngày Tòa xử bố mẹ ly hôn, dù bố đã thuyết phục, mẹ đã tâm sự, nhưng sau khi trả lời câu hỏi của bác thẩm phán là em muốn sống với ai, cô bé ôm mặt khóc nức nở khi buộc phải nói ra sự lựa chọn là sống với cha.

Cũng chỉ hai tuần sau khi ly hôn với mẹ Nga, bố của Nga đã chính thức dẫn người phụ nữ khác về, cô này khá xinh, nói năng khéo léo, nhưng Nga sợ nhất đôi mắt đen dài của cô ta- nó đảo rất nhanh khi nói chuyện. Nhìn cái bụng đã lùm lùm của người mẹ kế, Nga hiểu lời thông báo của bà nội: “Cháu sắp có thêm một đứa em nữa đấy” đã dần thành hiện thực. Bố Nga cũng rất thương con gái và ông ta cũng biết mình là người trực tiếp gây ra tan vỡ gia đình, gây ra nỗi khổ tâm của cô bé. Nên, dù bên ngoài cứng cỏi, nhưng trong tâm người đàn ông này cũng vẫn mang mặc cảm tội lỗi mỗi khi đối diện với cô con gái cả của mình. Ngay từ đầu, ông cũng đã giao hẹn với người mẹ kế: “Con bé Nga là con gái lớn trong nhà nhưng phải ngồi xe lăn nên rất thiệt thòi, ở nhà anh thương và cưng chiều nó nhất, nên em phải đối xử tử tế, tình cảm với nó”. Người mẹ kế nghe chồng nói thì sầm mặt lại vài giây, nhưng sau đó đổi sắc mặt rất nhanh với nụ cười giả lả rồi tươi cười trả lời: “Con anh cũng là con em, em sẽ cư xử với nó trên cả tuyệt vời, anh yên tâm”! Bà nội Nga cũng ráo riết “đe” bố Nga: “Mấy đời bánh đúc có xương, anh liệu mà bảo vợ anh đối xử với cái Nga cháu tôi cho tử tế”. Bố của Nga từ ngày đưa dì ghẻ về cũng cố gắng thường xuyên ở nhà nhiều hơn hẳn những ngày trước đây sống với mẹ Nga. Những ngày đầu mới về sống với bố con Nga, người mẹ kế tỏ ra rất thân thiện. Chị ta luôn hỏi han, lấy lòng Nga, mua cho Nga nhiều quà cáp. Đến bữa ăn thì trước mặt bố Nga, cô ta liên lục gắp cho Nga thịt cá và động viên Nga: Con cố ăn đi để lấy sức học hành! Bố Nga có vẻ rất hài lòng khi thấy vợ mới đối xử chu đáo với con riêng của mình. Nga luôn lễ phép với cô ta nhưng ngoài giờ ăn cơm hàng ngày thì thường tránh tiếp xúc với bố và mẹ kế. Tối tối sau khi ăn cơm xong, Nga lặng lẽ rút về phòng riêng chong đèn học bài. Đêm đêm, cô bé quay quắt nhớ mẹ và em trai, nước mắt chảy tràn trên má. Biết bố phải thường xuyên bận đi làm xa, lúc ở nhà thì luôn bị người mẹ kế “kèm chặt”, nên dù rất muốn nhưng Nga không dám nói với bố đưa mình đi thăm mẹ và em - theo đúng như lới bố hứa sau khi bố mẹ Nga khi ly hôn.

Rồi cái bụng của người mẹ kế - tên Lan cũng to lên nhanh chóng. Bố Nga cũng phải theo các công trình khác nên không thể ở nhà suốt bên cạnh vợ con, nên đã thuê hẳn một người giúp việc (chị Thơm) là họ hàng xa để đỡ đần công việc nhà và đưa đón Nga đi học. Lấy cớ sắp đến ngày sinh, chị Lan sang nhượng hẳn quán cafe trên thị trấn, ở nhà dưỡng thai. Tuy nhiên, cách ứng xử của người mẹ kế với Nga cũng dần dần thay đổi, không còn “ngọt ngào” như trước. Sau khi sinh em bé, lấy cớ là chị Thơm phải tập trung giúp cô chủ chăm em bé, nên chị Lan bắt đầu “khoán” cho Nga một số việc nhà. Trước hết chị ta gọi thợ cho hạ cái bồn rửa bát ở phòng bếp xuống, sau đó bắt đầu yêu cầu Nga làm các việc như vo gạo, cắm nồi cơm điện, rửa rau, rửa bát cho cả gia đình và một lô việc vặt không tên khác. Chị ta luôn mồm nói: “Nhà có em bé bận, con gái lớn phải làm việc vặt giúp đỡ gia đình, sau này còn tự lập”. Về phía Nga, cô bé cũng tự nhận thấy trách nhiệm của mình trong gia đình, nên dù ngồi xe lăn nhưng cũng em luôn cố gắng hết mức để làm những công việc tự phục vụ bản thân và tự giác chu toàn những việc nhà được giao. Ở trường học, tuy Nga không thể tham gia các câu lạc bộ như cầu lông, nhảy cổ động… như các bạn gái khác cùng trang lứa nhưng bù lại - Trời phú cho em một giọng hát thật trong trẻo, mượt mà. Do vậy, Nga luôn là “át chủ bài” của lớp khi biểu diễn trong các đợt thi văn nghệ của nhà trường. Cô bé khuyết tật ngồi xe lăn ấy được thầy cô quý mến, bạn bè ngưỡng mộ vì vừa học giỏi, hát hay, lại còn rất cởi mở, chân tình, tốt bụng với mọi người. Tuy nhiên, dù mỗi lần Nga có giờ sinh hoạt ngoại khóa ở trường, em đều xin phép người dì trước khi đi học, nhưng mỗi lần như vậy chị ta cực kỳ khó chịu. Tối đến, chị ta đi ra đi vào lẩm bẩm rỉa rói: “Nhà này bây giờ người thì vất vả tối ngày, người thì làm bà hoàng, bà chúa”! Nga nghe hiểu hết, buồn và tủi thân lắm nên thi thoảng cũng bỏ một số buổi ngoại khóa. Rồi đến hôm Nga phải tham gia một tiết mục văn nghệ ở trường về muộn, nhà lại có khách ăn cơm, người mẹ kế tức lắm và bắt chị Thơm để lại toàn bộ một đống bát đũa to tướng để “Nó về mà rửa”?! Nga được bạn đưa về, lặng lẽ ăn vội cơm trên bàn ăn và cặm cụi rửa đống bát xếp cao ngất trong bồn rửa. Chị Thơm nghe tiếng vòi nước chảy róc rách dưới bếp vội đặt em bé vào cũi rồi định chạy xuống đỡ Nga, thì bị người mẹ kế của Nga gọi giật lại. Chị ta đứng trên thềm nhà nói dằn từng tiếng: “Việc ai nấy làm, có làm thì mới có ăn, không ai nuôi báo cô được”! Nga nghe trọn câu nói ấy, tủi thân nước mắt chảy ròng ròng, che mờ cặp kính. Đôi bàn tay em run rẩy làm trượt chiếc đĩa sứ to dưới vòi nước, chiếc đĩa rơi xuống nền nhà vỡ tan. Nghe tiếng đổ vỡ, người mẹ kế chạy vụt xuống bếp, thấy mảnh vỡ tung tóe, chị ta gào lên: “Cô là đồ phá hoại, có biết đĩa này rất đắt tiền không? Cô đã làm gì cho cái nhà này hay chỉ ăn bám với phá phách?”. Nga đang cúi gằm mặt khóc ngẩng đầu lên đáp khẽ: “Đĩa này ngày xưa mẹ con sắm, để bố về con nói bố cho tiền mua đền vào”. Nhắc đến bố Nga, người phụ nữ gầm lên thô bạo túm lấy tóc Nga giật ngửa đầu em lên, dằn giọng: “Tao cấm mày không được kể với bố mày hay bất cứ ai chuyện tao dạy bảo mày. Mày nên nhớ bố mày đi vắng suốt, mày đang sống cùng với tao hàng ngày đấy”. Nga nghe những lời đe dọa ấy mà uất nghẹn, nước mắt chảy dài. Rồi hôm sau, người mẹ kế của Nga tuyên bố với chị Thơm giúp việc: “Từ giờ tôi không đưa tiền mua quà sáng nữa, chị bảo nó sáng ra hâm lại cơm nguội mà ăn rồi đi học. Chị cũng bảo nó đến bữa thì ăn sau mọi người đi, nó ngồi xe lăn kềnh càng chiếm gần nửa bàn ăn rồi”. Nga nghe hết những đoạn đối đáp đó và lựa lúc thích hợp đến bên chị Thơm nói khẽ: “Cô ơi không sao đâu, cô cứ theo lời dì ấy bảo, con muốn được sống yên ổn”. Rồi từ hôm đó, Nga phải ăn sau mọi người. Có hôm, dù đã để phần Nga chu đáo nhưng bất chợt mở lồng bàn ra chị Thơm thấy suất cơm phần Nga chỉ có đĩa rau luộc và vài con tép rang lỏng chỏng trên chiếc đĩa con. Chị Thơm bực quá nhắc người mẹ kế: “Cô ơi còn đĩa thịt phần cháu Nga sao cô lại cất vào trong tủ lạnh? Đồ ăn lèo tèo thế, sao cháu đủ sức học hành”? Chị ta quắc mắt lên: “Việc nhà tôi chị đừng xen vào”. Chị Thơm không chịu được vặc lại: “Tiền nuôi cháu Nga là tiền bố nó làm ra, cô có nuôi nó đâu?”. Lập tức chị ta lên giọng bà chủ “dằn mặt” chị Thơm: “Tiền của chồng tôi cũng là tiền của tôi. Nếu chị muốn làm ở đây thì không được xen vào việc nội bộ gia đình tôi, để yên tôi dạy nó. Tôi cấm chị được bép xép với bất kỳ ai, nếu không thì chị liệu mà đi chỗ khác tìm việc”. Chị Thơm nghe nói vậy thì chững ngay lại: Hoàn cảnh chị chồng mất sớm, nhà thanh bạch không đủ vốn tự kinh doanh, chị lại đang nuôi hai đứa con ăn học, nếu bị thôi việc thì làm gì đây? Nên đành cắn răng chịu đựng. Rồi cuộc sống cứ thế diễn ra, cứ vài ngày, người dì lại kiếm cớ “sinh sự” với Nga, cô bé luôn phải chịu đựng những lời đay nghiến, xúc phạm của người mẹ kế mà chỉ biết câm lặng, không dám chia sẻ với ai.

Cách nhau mảnh vườn rộng, thi thoảng bà Liên hàng xóm cũng nghe được loáng thoáng những lời mắng mỏ, đay nghiến con chồng của người mẹ kế vọng sang. Nhưng khi bà tìm cách hỏi chị Thơm giúp việc thì chị Thơm tìm cách lảng tránh những câu hỏi của bà cụ vì lo sợ bị cô chủ Lan đuổi việc.

Dù rất thương Nga nhưng chị giúp việc cũng không dám ra mặt bảo vệ cô. Thi thoảng khi mẹ kế Nga đi vắng, chị Thơm lẻn vào phòng Nga dúi cho cô cái bánh hay ít trái cây. Rồi một hôm được cô chủ Lan giao đi chợ mua đồ, chị Thơm gặp chị Mai - vốn là bạn thân học cùng phổ thông ngày xưa. Gặp nhau hai chị tay bắt mặt mừng, ríu rít hỏi han nhau đủ chuyện. Biết bạn mình là chủ tịch Hội Phụ nữ kiêm chủ nhiệm câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật xã, chị Thơm vốn đã muốn chia sẻ ấm ức về chuyện nhà của em Nga từ lâu, nay được dịp “xổ” hết ra với bạn. Chị Mai nghe chuyện môi mím lại vì tức giận, nói: “Cháu Nga là trẻ khuyết tật mà cô Lan đối xử tệ quá. Chị ta đang có hành vi bạo lực gia đình với cháu đấy. Thơm phải tìm cách bảo vệ cháu, bọn mình sẽ hỗ trợ”. Rồi hai chị em chụm đầu bàn cách.

Cuộc sống cứ diễn ra như thế, mỗi ngày đến trường như là “thiên đường” đối với cô bé Nga, còn về nhà chả khác nào địa ngục. Cứ vài hôm lại Nga lại bị người mẹ kế “bắt lỗi”, lại một tràng những lời mắng nhiếc, đay nghiến. Càng ngày cô bé càng co người lại trong nỗi cô đơn và sợ hãi thường trực. Những lúc bố của Nga về nhà thăm vợ con thì chị ta lại đóng vai “nghệ sĩ kịch ưu tú”: Nga được ngồi ăn chung với cả nhà, được gắp thức ăn đầy bát, được nghe những lời yêu thương giả dối từ người dì. Thấy Nga lầm lì ít nói, mặt mũi xanh xao, buồn bã, ông nhẹ nhàng hỏi lý do, người dì ghẻ gạt đi giải thích: “Ôi giời tuổi dậy thì đứa nào cũng thay đổi tâm sinh lý. Nó sướng nhất nhà này vì chỉ ăn với học, có phải làm gì đâu. Nhiều khi em đưa đồ ăn, cố dỗ dành mà nó chả chịu ăn nên mới gầy thế” ?! Trước những lời nói dối trơ trẽn, cử chỉ đạo đức giả của người mẹ kế, Nga cảm thấy thật ghê sợ nhưng không dám hé răng kể sự thật với cha. Bố của Nga nghe người dì ghẻ nói thế thì cũng không tìm hiểu thêm, mà chỉ xoa đầu dặn dò con gái phải biết tự chăm sóc bản thân hơn nữa.

Rồi một buổi trưa Nga đi học về bị ngấm nước mưa, cô bé đau họng rồi ho, sốt lên trên 38 độ. Nhưng chiều tối hôm ấy bên nhà ngoại của người mẹ kế Nga có tiệc to, viện cớ không thể không tham gia “sự kiện quan trọng bên ngoại”, nên chị ta sai chị Thơm nấu bát cháo và bình nước lên bàn cạnh giường ngủ của Nga để cô bé tự ăn uống, rồi giục chị Thơm bế đứa bé trai cùng về nhà ngoại với chị ta. Chị Thơm ngần ngại nói: “Cô ơi hay cô đưa em bé đi, tôi ở lại chăm sóc cháu Nga chứ để cháu một mình ở nhà thế này nguy hiểm lắm”. Người mẹ kế cau mặt gắt chị Thơm: “Chị ở nhà thì ai trông con cho tôi lúc ở bên nhà ngoại. Đã để sẵn các thứ để cái Nga nó tự ăn uống rồi, chỉ sốt qua loa chứ có sao đâu, nó lớn rồi tự chăm sóc bản thân được”. Rồi chị ta giục chị Thơm mau bế thằng cu ra xe máy để cùng đi. Chị Thơm vốn có kinh nghiệm chăm người ốm, sực nhớ ra chạy vụt vào nhà lấy vỉ thuốc hạ sốt đặt lên bàn cạnh giường của Nga, dặn: Con nhớ kiểm tra nhiệt độ, trên 38,5 độ là uống hạ sốt nhé, cô đi nhanh rồi về. Đến nhà ngoại chị Lan, dù không khí đông người rộn ràng cười nói, nhạc xập xình, nhưng ruột chị Thơm bồn chồn không yên, ngại lời đe dọa của người dì ghẻ nên chị không dám nhắn cho bất kỳ ai trong gia đình nhà bố của Nga, chị lục mãi mới ra số điện thoại của cô Thuận, con dâu bà Liên hàng xóm. Chị nhắn vội cho cô Thuận nhờ khi về thì ngó sang để ý cháu Lan hộ. Còn Lan, em nằm sốt li bì, đến gần 7 giờ tối thì cố gắng dậy ăn hai thìa cháo rồi lại nằm vật xuống thiếp đi. Đến hơn 8 giờ tối, thấy trong người khó chịu, tự cặp nhiệt độ thì thấy bản thân sốt trên 39 độ, Lan cố gắng ngồi nhỏm dậy, lập cập với bình nước lọc để pha thuốc hạ sốt, không ngờ quá tay gạt bình nước rơi xuống nền nhà vỡ tan. Điện thoại không có, mọi người trong nhà đi vắng hết, cô bé bất lực bật khóc, rồi thiếp đi trong cơn sốt li bì. Phần cô Thuận, có việc đột xuất về nhà đã muộn, ăn cơm rửa bát xong mới đọc tin nhắn trên điện thoại, cô tá hỏa ra nói với mẹ chồng. Hai mẹ con bà Liên chạy sang thì cửa khóa, bà Liên gọi to: “Nga ơi bà Liên nhà bên đây, con có sao không, trả lời bà đi?”, cô Thuận cũng ra sức gọi to tên Nga, nhưng căn nhà vẫn lặng ngắt, không một tiếng trả lời. Bà Liên lập tức chạy sang nhà bác trưởng thôn báo tin, rồi vợ chồng cô Thuận vớ lấy cái thang to, trước sự chứng kiến của bác trưởng thôn và mấy người trong xóm, leo qua tường rào vào nhà Nga. Cô Thuận chạy vụt vào phòng em, thấy Nga nằm thiêm thiếp, sờ vào người nóng như hòn than, vội kêu to thông báo với mọi người. Rồi cô lập tức gọi điện cho chị Thơm, được hướng dẫn chỗ để chìa khóa dự phòng, vội mở cửa sắt để cho chồng cô quấn chăn bế Nga ra ngoài. Vài phút sau, cô Thuận ngồi ôm Nga trên chiếc xe thương binh vẫn chở hàng của một bác trong thôn, cùng với vài ba người nữa đi xe máy kèm, trong đêm tối, cả đoàn người vội vã đưa Nga đến bệnh viện trên thị trấn cách đó 7-8 cây số. Người mẹ kế của Nga, sau khi ăn uống cười nói rộn ràng với họ hàng, còn tham gia nhóm hát karaoke với mấy anh chị em bên ngoại, quên hết “trời đất”, cô ta gạt tay chị Thơm mấy lần khi bị nhắc về, đến khi chị Thơm gào lên: “Cái Nga đi cấp cứu bệnh viện rồi”, mới buông mic hỏi: “Nó làm sao?”. Nhìn đồng hồ trên tường đã gần 10 giờ khuya! Tại bệnh viện, Nga được đưa vào phòng cấp cứu, mọi người được y tá yêu cầu đứng đợi ở ngoài. Anh chồng cô Thuận lập tức rút điện thoại gọi cho bố Nga đang đi làm xa cách mấy chục cây số, người bố gọi điện cho cô vợ mới không được, lập bập gọi cho chú út của Nga và bà nội, mọi người tá hỏa lao thẳng tới bệnh viện.

Rồi bố của Nga cũng tức tốc phóng xe từ công trình đến thẳng bệnh viện. Sáng hôm sau, bác sĩ thông báo là tình hình của Nga đã qua cơn nguy kịch, nhưng hiện em rất yếu, cần theo dõi. Bác sĩ nói với bố của Nga: “Gia đình để cháu sốt đến sát 40 độ mới cho đi cấp cứu bệnh viện là rất nguy hiểm”. Rồi vài ngày sau, Nga được ra viện. Đồng thời, bố và người mẹ kế của Nga cũng nhận được thông báo lên trụ sở Công an xã làm việc, chị Thơm giúp việc cũng được mời lên. Đến nơi thì được biết chính quyền xã nhận được thông tin trình báo của bên Hội phụ nữ xã về việc chị Lan - mẹ kế của em Nga đã có hành động bạo lực gia đình với em trong một thời gian dài. Người mẹ kế của Nga khóc lóc, phản ứng quyết liệt khi nghe anh công an xã thông báo, chị ta còn đòi kiện lại bên Hội phụ nữ. Chị Mai dõng dạc nói: “Chúng tôi có đủ bằng chứng về việc chị Lan kỳ thị đối xử, bạo hành với con riêng của chồng. Cháu vừa là trẻ em, vừa là người khuyết tật mà bị mẹ kế bạo hành về cả thể xác lẫn tinh thần rất nhẫn tâm”. Rồi chị Mai đưa ra mấy đoạn video clip cảnh người mẹ kế dùng những lời lẽ thô bạo để xúc phạm, nhiếc móc Nga, gọi cô là “con què vô dụng”; cảnh chị ta đay nghiến khi Nga rửa rau, rửa bát chưa kỹ và tuyên bố bắt Nga nhịn cơm tối; rồi cảnh người dì ghẻ giật tóc, dúi đầu Nga xuống khi dám phản đối việc chị ta gọi đồng nát đến bán chiếc máy khâu cũ của mẹ Nga còn tạm để lại ngôi nhà đó… Mọi người ai cũng bàng hoàng, tức giận khi xem xong mấy đoạn video clip kia. Hóa ra, chị Thơm giúp việc đã âm thầm dùng điện thoại quay lại những cảnh bạo hành trên theo đúng kế hoạch mà chị Mai bên Hội phụ nữ đã hướng dẫn mấy tháng trước. Chị Thơm cũng trình bày việc bị người dì ghẻ của Nga cấm đoán và đe dọa đuổi việc nếu nói với bất kỳ ai về sự thật chị ta đối xử với em Nga; việc chị Lan cố tình bỏ mặc Nga ở nhà một mình ra sao trong lúc em bị sốt cao… Vị công xã nghiêm nét mặt tuyên bố: “Yêu cầu chị Lan chấm dứt ngay hành vi bạo lực với cháu Nga. Chúng tôi sẽ báo cáo Chủ tịch xã khẩn trương trình cấp có thẩm quyền quyết định xử lý hành vi bạo lực của chị Lan với con riêng của chồng theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, anh công an xã cũng nghiêm khắc phê bình bố Nga: Anh là bố đẻ mà không quan tâm đến con, đề nghị từ thời điểm này anh và gia đình phải có biện pháp cần thiết để bảo vệ cháu Nga. Người mẹ kế của Nga từ lúc bị “bóc phốt” thì chỉ biết im lặng cúi gằm mặt xuống. Còn bố của Nga thì bàng hoàng, đau đớn ngồi lặng câm.

Ngay tối hôm đó, đại gia đình bên nhà bố Nga đã họp. Trước sức ép của bà nội và các chú, bố Nga đã phải gọi điện gấp xin ý kiến của vợ cũ - mẹ Nga, đề nghị cho con gái lớn được sang ở cùng mẹ đẻ và em trai, bố sẽ có trách nhiệm chu cấp tiền nuôi cả hai chị em Nga, còn chị Thơm giúp việc cũng được bố Nga nhờ sang làm giúp việc tại nhà mẹ Nga để hỗ trợ cho cô bé. Bà nội Nga riết róng: “Cái nhà này còn phần của hai đứa cháu nội tôi (Nga và em trai), anh mà bán đi theo vợ hai về thị trấn thì đừng nhìn mặt tôi nữa”!

Người bố cũng hỏi ý kiến Nga, cô bé nhìn sâu vào mắt người cha và nói một câu ngắn gọn: “Con luôn thương bố nhưng con không thể tiếp tục sống như thế này”! Mẹ Nga nghe lời đề nghị của người cha qua điện thoại, đoán ngay được lý do, chị không thèm căn vặn chồng cũ nửa câu mà chỉ nói ngắn gọn: “Anh thu xếp đưa con qua sống với tôi ngay ngày mai”. Tối hôm đó, chị Thơm giúp Nga gói ghém đồ đạc, sáng hôm sau taxi đón hai cô cháu đi sớm. Bế Nga ngồi lên xe, bố nắm chặt lấy tay em không muốn rời và nghẹn ngào nói với con gái: “Bố rất xin lỗi, con cố gắng giữ sức khỏe nhé”. Xe đi rồi, người cha ngồi thụp xuống vệ đường ôm lấy đầu, hai hàng nước mắt đau đớn, hối hận cứ thế tuôn rơi, Ông ta bàng hoàng nhận ra rằng ông đã quá tin tưởng mù quáng vào người mẹ kế của con mình, vô tình đẩy đứa con gái khuyết tật ngoan hiền trở thành nạn nhân của những hành vi bạo lực “có hệ thống” của người “dì ghẻ” lạnh lùng, ác tâm. Nếu đêm hôm đó không có cô giúp việc báo tin và hàng xóm tốt bụng thì giờ này, có thể gia đình Nga đã mất con gái vĩnh viễn?!!!

 

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định về các các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình:

“Điều 22. Biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình

1. Biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình bao gồm:

1. Biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình bao gồm:

a) Buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình;

b) Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình;

c) Cấm tiếp xúc…”.

 

Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình:

“Điều 53. Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ”.

“Điều 54. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình…”