Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Sử dụng lao động là người khuyết tật – Doanh nghiệp được hưởng những chính sách ưu đãi nào?

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 29/01/2021

Quyền lao động và việc làm là một trong những quyền con người cơ bản và quyền hiến định, pháp định của mỗi cá nhân, được thừa nhận bởi pháp luật của bất kỳ quốc gia nào. Đối với người khuyết tật, việc đảm bảo quyền lao động và việc làm càng có ý nghĩa quan trọng, tạo ra cơ hội thực tế để họ hòa nhập xã hội. Ở Việt Nam, cùng với việc ghi nhận về quyền lao động, việc làm của người khuyết tật, Luật Người khuyết tật năm 2010 và một số văn bản pháp luật liên quan cũng quy định chính sách khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp tùy theo điều kiện, khả năng, nhu cầu của mình nhận người khuyết tật vào làm việc. Nhằm tạo động lực để các doanh nghiệp tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc và đảm bảo việc làm thường xuyên cho người khuyết tật, Nhà nước đã từng bước xây dựng, ban hành và hoàn thiện những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật.

Một số khái quát về doanh nghiệp sử dụng người lao động là người khuyết tật tại Việt Nam

Doanh nghiệp sử dụng người lao động là người khuyết tật trước hết phải là doanh nghiệp theo quy định pháp luật – là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh hoặc nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng[1]. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật mà mới chỉ đề cập đến một số tiêu chuẩn để doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước (Điều 34, Điều 35 Luật Người khuyết tật năm 2010). Theo đó, có hai nhóm doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước như sau:

Nhóm thứ nhất: doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật. Theo quy định tại Điều 34 Điều 35 Luật Người khuyết tật năm 2010, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước là doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật. Tỷ lệ phần trăm (%) lao động là người khuyết tật được sử dụng tại doanh nghiệp được tính bằng tổng số lao động là người khuyết tật bình quân trong năm chia cho tổng số lao động bình quân trong năm của doanh nghiệp nhân với 100[2]. Nếu so với các quy định trước đây, Điều 34 Luật Người khuyết tật năm 2010 đã giảm bớt điều kiện về tỷ lệ sử dụng lao động là người khuyết tật để được hưởng chính sách ưu đãi từ Nhà nước dành cho những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật (doanh nghiệp chỉ cần sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật thay vì 51% như trước đây là đã được hưởng các chính sách ưu đãi từ Nhà nước[3]).

Tuy nhiên, không phải cứ sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật thì doanh nghiệp đều được hưởng ưu đãi. Để được xem xét hưởng các chính sách ưu đãi từ Nhà nước, doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật phải nộp hồ sơ tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện thủ tục công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật theo quy định pháp luật [4].

Nhóm thứ hai: doanh nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/04/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định này. Mặc dù vậy, đến nay pháp luật vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí “làm việc ổn định” đối với các trường hợp doanh nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật. Điều này đã và đang gây những khó khăn nhất định trong việc xác định doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật đủ điều kiện được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Một số chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã hình thành một khung pháp lý cơ bản về lao động - việc làm đối với lao động là người khuyết tật. Trên cơ sở đó, Nhà nước khuyến khích và có những chính sách ưu đãi dành cho người sử dụng lao động tạo ra việc làm, nhận người lao động khuyết tật vào làm việc nhằm mục đích vừa tạo động lực cho người sử dụng lao động tuyển dụng lao động là người khuyết tật, vừa ngăn ngừa/hạn chế tình trạng người sử dụng lao động lấy những khó khăn làm lý do để không tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Các chính sách này được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau từ Luật đến các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, trong đó tập trung chủ yếu tại một số luật quan trọng như Luật Người khuyết tật năm 2010; Luật Việc làm năm 2013; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013) và nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành[5]. Theo đó, doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật đạt tỷ lệ/số lượng pháp luật quy định được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng cũng có sự phân định tùy thuộc tỷ lệ/số lượng sử dụng lao động là người khuyết tật trong doanh nghiệp, được thể hiện dưới những hình thức sau:

Thứ nhất, các chính sách ưu đãi áp dụng cho cả doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và doanh nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định:

Căn cứ khoản 1 Điều 9Điều 10 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP, doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và doanh nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định đều được hưởng một số chính sách ưu đãi sau:

Một là, được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Điều 10 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP. Cụ thể, doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và doanh nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ tùy thuộc vào tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại doanh nghiệp, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Riêng đối với doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Hai là, được vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 khoản 1 Điều 10 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm. Dẫn chiếu quy định tại Điều 12 Luật Việc làm năm 2013Điều 23 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, đối tượng doanh nghiệp được hưởng chính sách này là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật. Mỗi doanh nghiệp này khi vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được vay tối đa 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong thời gian không quá 120 tháng[6]. Mức vay, thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn. Tuy nhiên, lãi suất cho vay giữa các doanh nghiệp có sự khác nhau căn cứ theo tỷ lệ sử dụng lao động là người khuyết tật, cụ thể như sau:

- Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số được vay với với mức lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo[7] (theo quy định pháp luật hiện hành là 3,96%/năm tương đương với 0,33%/tháng[8]).

- Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dưới 30% tổng số lao động là người khuyết tật được áp dụng lãi suất vay vốn ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, tức bằng bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo (hiện nay là 7,92%/năm)[9].

Thứ hai, một số chính sách ưu đãi rành riêng cho doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật:

Một là, chính sách ưu đãi về thuê đất, mặt bằng, mặt nước: Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP, doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng được hưởng những ưu đãi về tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh tùy theo tỷ lệ sử dụng người lao động là khuyết tật. Cụ thể, doanh nghiệp sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật được giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh; doanh nghiệp sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên được miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh. Lưu ý rằng, trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước, doanh nghiệp không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai (điểm đ khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP).

Hai là, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp: Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP, doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế. Dẫn chiếu quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, trước ngày 01/01/2014, thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp dành riêng cho lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV được miễn thuế. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2014, quy định về thu nhập được miễn thuế của doanh nghiệp sử dụng người lao động là người khuyết tật được thực hiện theo khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013, đồng thời quy định về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tại Điều 34 Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng bị bãi bỏ[10]. Điều đó có nghĩa là, cơ sở sản xuất, kinh doanh (trong đó có doanh nghiệp) sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật không còn đương nhiên được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Thay vào đó, để được xem xét miễn thuế, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật phải đáp ứng các điều kiện như sau[11]:

- Điều kiện về thu nhập thuộc diện được miễn thuế: Thu nhập được miễn thuế phải là thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp thuộc diện được miễn thuế và không bao gồm thu nhập khác theo quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện nay các loại thu nhập khác này được quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp).

- Điều kiện đối với doanh nghiệp thuộc diện được miễn thuế: (i) Doanh nghiệp thuộc diện được miễn thuế phải là doanh nghiệp có số lao động bình quân trong năm ít nhất từ hai mươi (20) người trở lênkhông bao gồm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản; (ii) Số lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) bình quân trong năm chiếm từ 30% trở lên trong tổng số lao động bình quân trong năm của doanh nghiệp. Lưu ý rằng, theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, lao động là người khuyết tật trong doanh nghiệp bao gồm cả thương binh, bệnh binh; (iii) Doanh nghiệp có thu nhập được miễn thuế phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về số lao động là người khuyết tật (bao gồm cả thương binh, bệnh binh)[12].

Đánh giá và nhận định

Nhìn chung, cùng với hệ thống chính sách, pháp luật đảm bảo quyền lao động và việc làm đối với người khuyết tật đã được hình thành tương đối hoàn chỉnh, Nhà nước cũng đã từng bước hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật vào làm việc. Như đã trình bày ở trên, các chính sách của Nhà nước được thể hiện qua việc điều chỉnh hạ thấp tỷ lệ lao động là người khuyết tật tối thiểu trong doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi (doanh nghiệp hiện chỉ cần sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người HIV/AIDS thay vì từ 51% như trước đây là đã được hưởng các chính sách ưu đãi), hay những quy định nâng mức vay vốn ưu đãi, thời hạn vay tối đa cũng như hạ thấp lãi suất vay vốn ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật... Những chính sách này nhằm mục đích hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong phát triển sản xuất kinh doanh, là động lực để các doanh nghiệp tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc và thực tế đã đạt được những thành tựu ban đầu.

Theo Báo cáo tổng kết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2015, có khoảng 65% doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động người khuyết tật được hưởng các chế độ chính sách hỗ trợ về vay vốn, giảm thuế, hỗ trợ tín dụng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã phân bổ nguồn vốn ưu đãi cho hàng nghìn dự án của người khuyết tật và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, qua Dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật - Tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do khuyết tật làm chủ” do Quỹ Nippon của Nhật Bản tài trợ (dự án này có nguồn vốn tài trợ 450 nghìn USD và hiện đang triển khai thực hiện tại thành phố Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh) và một số chương trình tín dụng khác. Tính đến hết năm 2020, dư nợ cho vay đối doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, người khuyết tật tự phát triển sản xuất đạt gần 90 tỷ đồng với trên 4 nghìn lượt khách hàng còn dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội[13]. Nhiều địa phương cũng đã thành lập và bố trí kinh phí từ Quỹ việc làm cho người khuyết tật để hỗ trợ, tạo việc làm cho người khuyết tật[14]. Đơn cử tại Quảng Ninh, Quỹ Việc làm dành cho người khuyết tật được thành lập năm 2006, đến năm 2019, Quỹ đã thu từ các doanh nghiệp chưa sử dụng đủ tỷ lệ lao động là người khuyết tật trên 14 tỷ đồng, phân bổ hỗ trợ kinh phí cho 4 doanh nghiệp (trên 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh được công nhận sử dụng từ 30% số lao động trở lên là người khuyết tật của tỉnh) mua sắm thiết bị, vốn đầu tư nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất, tạo việc làm cho người khuyết tật[15].

Nhìn chung, việc Nhà nước ban hành những chính sách ưu đãi phần nào giúp cho người sử dụng lao động có tâm lý “cởi mở” hơn trong vấn đề tuyển dụng lao động là người khuyết tật, hướng đến mục tiêu đảm bảo bình đẳng về cơ hội việc làm theo nhu cầu và khả năng của người khuyết tật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một thực tế không thể phủ nhận rằng, mặc dù Nhà nước ban hành các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng ổn định nhiều lao động là người khuyết tật nhưng những ưu đãi này không đủ hấp dẫn cũng như chưa đủ để khuyến khích được họ nhận nhiều người khuyết tật vào làm việc. Trong đó:

Thứ nhất, về tỷ lệ/số lượng lao động là người khuyết tật tối thiểu trong doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế. Theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp phải sử dụng ổn định từ 10 người khuyết tật hoặc từ 30% tổng số lao động là người khuyết tật mới được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Như vậy, đại đa số các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ sẽ không thể được hưởng chính sách ưu đãi này trên thực tế trong khi các doanh nghiệp loại này chiếm trên 90% tỷ lệ doanh nghiệp ở cả ba nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ tại Việt Nam hiện nay[16]. Bên cạnh đó, có thể thấy, quy định này cũng không đồng bộ với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay. Sự không phù hợp này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng là hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, quy mô khoảng 5 - 10 lao động do những người có nghề và có tâm làm từ thiện tổ chức ra để kèm nghề, truyền nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật thì chủ cơ sở cũng như người khuyết tật chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước[17].

Hơn nữa, trên thực tế, số doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật đạt tỷ lệ từ 30% tổng số lao động trở lên không nhiều, nên một số lượng các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật - nhưng dưới 30% tổng số lao động - đã không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Khoảng cách giữa 10 lao động là người khuyết tật và 30% tổng số lao động là người khuyết tật quá xa trong một số trường hợp. Ví dụ trường hợp có hai doanh nghiệp A và doanh nghiệp B cùng sử dụng số lượng lao động là người khuyết tật như nhau nhưng do tổng số người lao động trong hai doanh nghiệp này khác nhau mà dẫn đến việc doanh nghiệp A có sử dụng số lượng lớn lao động là người khuyết tật trong doanh nghiệp này nhưng chưa đạt tỷ lệ 30% so với tổng số người lao động trong doanh nghiệp nên doanh nghiệp A không được hưởng chính sách ưu đãi, trong khi đó, doanh nghiệp B cũng cùng sử dụng số lượng người lao động là người khuyết tật như doanh nghiệp A nhưng do tổng số lao động trong doanh nghiệp B ít hơn doanh nghiệp A nên vẫn chiếm tỷ lệ 30% tổng số người lao động trong doanh nghiệp lại được hưởng chính sách ưu đãi. Điều này gây nên sự không bình đẳng giữa chính các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật với nhau, thậm chí là giữa doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật (dưới tỷ lệ pháp luật quy định) với doanh nghiệp không sử dụng lao động là người khuyết tật và không khuyến khích được doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động là người khuyết tật[18].

Thứ hai, việc tiếp cận chính sách về hỗ trợ cho cơ sở sản xuất, kinh doanh cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người khuyết tật (bao gồm cải thiện khả năng tiếp cận cho nhân viên khuyết tật)[19] rất khó khăn do quy định này vẫn chưa được hướng dẫn chi tiết về danh mục, tiêu chí xác định và mức hỗ trợ. Báo cáo về tình hình việc làm của người khuyết tật tại 08 tỉnh ở Việt Nam cho thấy, chưa có cơ sở sản xuất, kinh doanh nào tiếp cận được với chính sách hỗ trợ này[20]. Trong khi đó, các doanh nghiệp quan tâm đến việc sử dụng người khuyết tật lại không có nhiều hiểu biết về cách thức để thiết lập một môi trường làm việc hòa nhập và vì vậy thường bỏ qua việc đầu tư về môi trường làm việc do e ngại về chi phí tài chính cho những sự thay đổi đó. Do vậy, người khuyết tật đã và đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận điều kiện và môi trường làm việc. Theo Báo cáo nghiên cứu tình hình thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật tại Việt Nam năm 2016 của Liên Hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam, có tới 61,2% người khuyết tật tham gia nghiên cứu trả lời rằng họ gặp khó khăn về tiếp cận cơ sở vật chất tại nơi làm việc, 59,9% người gặp khó khăn khi tiếp cận phương tiện giao thông công cộng, 51,9% người gặp khó khăn khi tiếp cận các công trình công cộng[21].

Thứ ba, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật cũng không dễ dàng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước hết từ việc thiếu các thông tin về chính sách vay vốn ưu đãi hoặc biết nhưng ngại vay vì điều kiện, thủ tục phức tạp đặc biệt là đối với chủ các doanh nghiệp là người khuyết tật (ví dụ nhiều doanh nghiệp của người khuyết tật không đáp ứng được những ràng buộc về luận chứng sản xuất kinh doanh liên quan đến quy mô và điều kiện về nhận lao động đối với người khuyết tật để được vay vốn[22]). Những bất cập này dẫn đến thực trạng số lượng lao động là người khuyết tật tự tạo việc làm và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật tiếp cận được với vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội còn thấp. Theo Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2020, dư nợ cho vay đối doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, người khuyết tật tự phát triển sản xuất chỉ chiếm tỷ lệ 0,07% trên tổng dư nợ và 0,07% trên tổng số hộ còn dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội[23].

Thứ tư, điều kiện để hưởng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ngặt nghèo như đã chỉ ra trên đây đang tỏ ra không thành công trên thực tế[24]. Điều này trước hết xuất phát từ việc Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành đã giới hạn phạm vi thu nhập được hưởng chính sách ưu đãi về thuế của doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật hẹp hơn khá nhiều so với trước kia. Doanh nghiệp bắt buộc phải đáp ứng điều kiện “kép”, không những phải sử dụng từ 30% tổng số lao động bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật mà còn phải có số lao động bình quân trong năm từ 20 người trở lên mới được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, đại đa số các doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động là người khuyết tật thường là những doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ[25] và chưa có điều kiện để mở rộng quy mô hoạt động. Do đó, thực tế có nhiều doanh nghiệp nhận từ 30% - 50%, thậm chí là 100% lao động là người khuyết tật nhưng lại không đủ tổng số 20 lao động ký hợp đồng từ một năm trở lên trong một năm, dẫn đến những doanh nghiệp nhỏ này không được hưởng chính sách ưu đãi này mặc dù đã sử dụng lao động là người khuyết tật cao hơn tỷ lệ ưu đãi theo quy định và đang giúp thúc đẩy mục tiêu chính sách trong việc tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật[26]. Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH một thành viên 27/7 Thành phố Hồ Chí Minh, dù đã sử dụng tới 48% tổng số lao động trong doanh nghiệp là người khuyết tật, thương binh, bệnh binh nhưng từ năm 2012 đến năm 2018, công ty nhiều lần đề nghị được hưởng chế độ ưu đãi về tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng vẫn chưa được giải quyết[27].

Một vài kiến nghị gợi mở

Những bất cập, hạn chế được chỉ ra trên đây mặc dù chỉ là những “tảng băng nổi” trong thực trạng tiếp cận các chính sách ưu đãi từ Nhà nước của người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật nhưng cũng đã cho thấy được yêu cầu phải hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chế độ ưu đãi dành cho những doanh nghiệp đang thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc thúc đẩy, tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Nên chăng đã đến lúc cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật hiện hành về điều kiện tỷ lệ sử dụng lao động là người khuyết tật để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước theo một trong các hướng như giảm tỷ lệ sử dụng lao động xuống mức thấp hơn 30% hoặc quy định áp dụng chính sách ưu đãi tương ứng với tỷ lệ, số lượng sử dụng lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động (ví dụ: Doanh nghiệp sử dụng càng nhiều lao động là người khuyết tật thì hưởng lợi ích càng cao). Tương tự, cũng đã đến lúc cần sửa đổi quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành về điều kiện vừa phải sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật vừa phải có số lao động bình quân trong năm từ 20 người trở lên đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật để các doanh nghiệp này tiếp cận được những ưu đãi tương xứng với trách nhiệm xã hội mà họ đã và đang thực hiện. Đồng thời, cũng cần có hướng dẫn chi tiết về một số điều kiện, chính sách, phương thức ưu đãi đã được quy định tại Luật Người khuyết tật hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan, ví dụ cần bổ sung hướng dẫn chi tiết về điều kiện “làm việc ổn định” đối với doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động là người khuyết tật tại Điều 10 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP; hay cần hướng dẫn chi tiết đối với điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP về mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại doanh nghiệp, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của doanh nghiệp phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của từng loại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung các văn bản hướng dẫn về việc đảm bảo thực hiện quy định về thiết lập môi trường làm việc toàn diện và dễ tiếp cận cho người khuyết tật theo quy định tại Luật Người khuyết tật năm 2010, bao gồm các tiêu chuẩn cho thiết bị và đồ nội thất trong văn phòng. Song song với đó, việc tăng cường nâng cấp các điều kiện về xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp theo đúng chuẩn quốc gia và tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo điều kiện người lao động là người khuyết tật tiếp cận sử dụng công trình… cũng là một yêu cầu khá cấp thiết đặt ra đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật hiện nay. Có như vậy, mục tiêu của các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc mới thực sự đạt hiệu quả, góp phần cùng người khuyết tật vươn lên khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội./.


[1] Xem thêm khoản 10 Điều 4 và khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[2] Điều 2 Thông tư số 26/2012/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật.

[3] Khoản 4 Mục VI Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có quy định thu nhập được miễn thuế như sau:

“4. Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp có số lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiên ma tuý, người nhiễm HIV bình quân trong năm chiếm từ 51% trở lên trong tổng số lao động bình quân trong năm của doanh nghiệp”.

[4] Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 18/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

[5] Một số văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành về chính sách ưu đãi đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật đạt tỷ lệ/số lượng pháp luật quy định có thể kể đến như:

- Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật;

- Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 07 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;

- Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 09 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;

- Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 06 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Hướng dẫn số 8055/NHCS-TDSV ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

[6] Điểm 5.1 Khoản 5 Hướng dẫn số 8055/NHCS-TDSV ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

[7] Khoản 2 Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

[8] Điểm 6.1 Khoản 6 Hướng dẫn số 8055/NHCS-TDSV ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

[9] Lãi suất tín dụng cho vay đối với hộ cận nghèo được quy định tại:

- Khoản 1 Điều 1 Quyết định 1826/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Khoản 1 Điều 1 Quyết định 750/QĐ-TTg ngày ngày 01 tháng 06 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Điểm 6.2 Khoản 6 Hướng dẫn số 8055/NHCS-TDSV ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

[10] Điểm k khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013.

[11] Các điều kiện này được quy định tại:

- Khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013;

- Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Khoản 4 Điều 8 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 06 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

[12] Khoản 4 Điều 8 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 06 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

[13] Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2020), “Báo cáo Kết quả thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020”, Tài liệu Hội Nghị Tổng kết Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và triển khai giai đoạn 2021-2030, tr.14.

[14] Ban biên tập Tạp chí giáo dục (2019), “Hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam giai đoạn 2016-2018”, Tạp chí Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo, https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn/vi/dao-tao-viec-lam/dao-tao-viec-lam/ho-tro-tao-viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat-o-viet-nam-giai-doan-2016-2018-29.html, cập nhật ngày 03/01/2019.

[15] Hiểu Trân (2019), “Tạo việc làm cho người khuyết tật: Cần sự ưu tiên của toàn xã hội”, Báo Quảng Ninh, http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201903/tao-viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat-can-su-uu-tien-cua-toan-xa-hoi-2434252/, cập nhật ngày 16/03/2019.

[16] Nguyễn Thị Kim Lý (2020), “Một số giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển”, Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2020, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/mot-so-giai-phap-thuc-day-doanh-nghiep-nho-va-vua-phat-trien-325683.html, cập nhật ngày 18/07/2020.

[17] Văn Hải (2019), “Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật”, Nhân dân điện tử, https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/day-nghe-va-tao-viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat-379974/, cập nhật ngày 16/12/2019.

[18] Trần Thuý Lâm (2013), “Việc làm đối với người khuyết tật – từ pháp luật đến thực tiễn thực hiện”, Đặc san “Pháp luật người khuyết tật” của Tạp chí Luật học, tháng 10/2013, tr.68.

[19] Điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật.

[20] Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam (2018), Báo cáo nghiên cứu, đánh giá thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản liên quan đến lao động là người khuyết tật, tr. 32.

[21] Liên Hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (2016), Báo cáo nghiên cứu tình hình thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật tại Việt Nam, Hà Nội.

[22] Nhật Thy - Giang Oanh (2020), “Có việc làm ổn định là cách giảm nghèo bền vững nhất cho người khuyết tật”, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, http://thanglong.chinhphu.vn/co-viec-lam-on-dinh-la-cach-giam-ngheo-ben-vung-nhat-cho-nguoi-khuyet-tat, cập nhật ngày 03/07/2020.

[23] Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2020), “Báo cáo Kết quả thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020”, Tài liệu Hội Nghị Tổng kết Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và triển khai giai đoạn 2021-2030, tr.14.

[24] Tạ Thị Thu Hường (2017), “Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật theo pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Nghề Luật, số 3/2017, tr. 33 – 38.

[25] Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

[26] Nguyễn Thị Lan Anh (Trưởng nhóm nghiên cứu) - Jose Aguin - Phạm Hương Thảo (2020), Mở rộng cơ hội việc làm cho người khuyết tật tại Việt Nam, UNDP Việt Nam, tháng 06/2020, tr.40.

[27] Ban Biên tập Chinhphu.vn (2019), “Điều kiện được miễn thuế khi sử dụng lao động là người khuyết tật”, Báo điện tử Chính phủ, http://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep-Co-quan-chuc-nang/Dieu-kien-duoc-mien-thue-khi-su-dung-lao-dong-la-nguoi-khuyet-tat/372807.vgp, cập nhật ngày 13/08/2019.