Hiện nay, trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản về giáo dục hòa nhập của Luật Người khuyết tật 2010 và Luật Giáo dục 2019, các chính sách cụ thể về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật không ngừng được ban hành, bổ sung, hoàn thiện hơn, nhằm tăng cường điều kiện đảm bảo trong giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật. Trong phạm vi khuôn khổ bài viết này, tác giả xin phép tập trung vào giới thiệu, phân tích một số điểm mới trong chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về vị trí việc làm, cơ cấu của nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật - một trong những chức danh viên chức rất cần thiết trong các cơ sở giáo dục hòa nhập, nhằm đảm bảo hỗ trợ đắc lực cho giáo viên, người khuyết tật đang học hòa nhập và gia đình họ.
I. Khái quát về chính sách giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật hiện nay
Trong khoảng gần chục năm trở lại đây, có thể nói các văn bản quy phạm pháp luật có chứa nội dung chính sách về giáo dục hòa nhập và liên quan đã không ngừng được ban hành và hoàn thiện. Đánh giá một cách khái quát thì khung pháp lý về giáo dục hòa nhập ở nước ta đã được hình thành một cách tương đối vững chắc, tính đến thời điểm hiện nay.
Trước hết phải kể đến Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT ngày 29/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là văn bản pháp lý được xem là khá toàn diện về chính sách giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật. Trong đó, Thông tư quy định những vấn đề như: Nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ sở giáo dục hòa nhập và giáo viên trong cơ sở này; quyền và nhiệm vụ của người khuyết tật học tập tại các cơ sở giáo dục hòa nhập; quy định khái quát về nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ giáo dục người khuyết tật như Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, phòng giáo dục hòa nhập và nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật… Tuy nhiên, cần lưu ý là trước thời điểm Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT ra đời cũng đã có một loạt văn bản có lồng ghép nội dung chính sách giáo dục hòa nhập (ở những mức độ khác nhau) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (phối hợp với bộ ngành khác) ban hành, dựa trên tinh thần của Luật người khuyết tật 2010 về giáo dục hòa nhập. Có thể kể đến như: Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật; các văn bản hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập như Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội Vụ (đối với cơ sở mầm non công lập), Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ giáo dục và Đào tạo (đối với cơ sở giáo dục phổ thông công lập)…
Riêng về chính sách, tiêu chuẩn đối với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật được quy định khá đầy đủ, toàn diện tại Thông tư liên tịch số 19/2016/TT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội Vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập. Thông tư liên tịch này có thể được xem là một trong những văn bản pháp lý nền tảng quan trọng về nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là cơ sở giáo dục hòa nhập. Trong đó, văn bản này quy định rõ nhiệm vụ và 03 nhóm tiêu chuẩn của nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, gồm: các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, văn bản này đã quy định rõ nhóm nhân viên loại này được xếp lương áp dụng đối với viên chức loại B theo quy định tại Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Có thể thấy Thông tư liên tịch số 19/2016/TT-BGDĐT-BNV đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc “quy chuẩn hóa” đội ngũ nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập. Đồng thời, với việc ra đời của Thông tư liên tịch này từ 2016, đến nay cũng đã được 07 năm, đã bước đầu khẳng định việc nhà nước sớm đánh giá chuẩn xác vai trò khá quan trọng của đội ngũ nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật – đây chính là đội ngũ hỗ trợ tích cực cho giáo viên, người khuyết tật và gia đình họ trong các cơ sở giáo dục (trước hết là công lập). Đặc biệt, thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hai Thông tư là Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập (sau đây xin gọi tắt là Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT) và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập (sau đây xin gọi tắt là Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT). Đây là hai văn bản có nội dung đổi mới đáng kể về chính sách đối với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
II. Những điểm mới nổi bật trong chính sách đảm bảo vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập trong Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT
2.1. Điểm chung tại cả hai Thông tư này là quy định vị trí việc làm và định mức số lượng bắt buộc đối với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật tại với mỗi cấp học.
Trong đó, đối với cơ sở giáo dục mầm non có trẻ khuyết tật học hòa nhập: Cơ sở giáo dục có dưới 20 trẻ khuyết tật học hòa nhập thì được bố trí 01 người; cơ sở giáo dục có từ 20 trẻ khuyết tật học hòa nhập trở lên thì được bố trí tối đa 02 người[1].
Còn đối với các cơ sở giáo dục phổ thông có học sinh khuyết tật học hòa nhập, nguyên tắc chung được áp dụng là: Trường có dưới 20 học sinh khuyết tật học hòa nhập thì được bố trí 01 người; trường có từ 20 học sinh khuyết tật học hòa nhập trở lên thì được bố trí tối đa 02 người[2].
Đặc biệt, lần đầu tiên vị trí viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật được quy định là một trong những vị trí việc làm bắt buộc trong các cơ sở giáo dục hòa nhập mầm non công lập. Đây là điểm mới của Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT so với Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV[3] và có thể được xem là một trong những “điểm sáng” hết sức tích cực trong chính sách liên quan đến giáo dục hòa nhập tại Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT, nhằm hoàn thiện những điều kiện đảm bảo giáo dục hòa nhập đối với trẻ em mầm non. Không phủ nhận rằng, Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV trước đây cũng đã bước đầu có những quy định về cơ cấu học sinh mẫu giáo trong các lớp học hòa nhập, như: Khi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có 01 (một) trẻ khuyết tật học hòa nhập thì sĩ số của nhóm, lớp được giảm 05 (năm) trẻ. Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo không quá 02 (hai) trẻ khuyết tật[4].Tuy nhiên, văn bản này mới chỉ tập trung vào cơ cấu học sinh trong những lớp học có trẻ khuyết tật học hòa nhập, nhằm đảm bảo hài hòa phần nào điều kiện học của các lớp hòa nhập, nhưng không hề có quy định về điều kiện đảm bảo nhân sự (nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật) để hỗ trợ giáo viên mẫu giáo, trẻ khuyết tật ở các lớp học hòa nhập này. Trong khi đó, trên thực tế chúng ta biết rằng, nhu cầu được chăm sóc, hỗ trợ của trẻ em khuyết tật là rất lớn và rất cần thiết ở ngay từ giai đoạn học mầm non. Vì theo nghiên cứu thì trẻ em khuyết tật (đặc biệt là trẻ tự kỷ) sau khi được phát hiện nếu được tiếp cận với phương pháp giáo dục sớm ở cơ sở mầm non ngay từ 2-3 tuổi, được học hòa nhập với trẻ không khuyết tật sẽ giảm thiểu những tổn thương về tinh thần, trí tuệ cũng như thế chất[5]. Nên, việc quy định cơ cấu vị trí việc làm (bắt buộc) của nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật ở cấp học mầm non tại Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT được xem là một bước đổi mới đáng kể nhằm đảm bảo các điều kiện về hỗ trợ trong học hòa nhập của trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non; tháo gỡ từ tầm chính sách những khó khăn hiện nay về đảm bảo điều kiện về nhân sự đối với giáo dục mầm non.
2.2. Chính sách sách bố trí nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật ở cả cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông đảm bảo theo hướng linh hoạt ở cả hai Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT
Về mặt chính sách thì vấn đề vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật tại các cơ sở giáo dục phổ thông từ tiểu học đến phố thông trung học đã được quy định tại Thông tư số 16/2017/TT- BGDĐT (Thông tư này cũng hết hiệu lực từ 16/12/2023, được thay thế bởi Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT). Tuy nhiên, Thông tư số 16/2017/TT- BGDĐT chỉ quy định vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật mà không có phương án “mở” nhằm giải quyết tình trạng các trường thiếu chỉ tiêu biên chế đối với vị trí này. Một vấn đề mà ai cũng biết là đa số các cơ sở giáo dục công lập đều trong tình trạng thiếu chỉ tiêu biên chế (do nhiều lý do khác nhau), nên nếu được bố trí biên chế thì Ban giám hiệu nhà trường thường ưu tiên bố trí biên chế cho các vị trí giáo viên hoặc vị trí chuyên môn dùng chung… mà ít chú trọng việc bố trí biên chế đối với vị trí hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. Do vậy, mặc dù có quy định, nhưng trên thực tế khá nhiều trường phổ thông dạy hòa nhập không thể bố trí nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật do tình trạng “khan” biên chế và cũng do nội dung quy định khá “cứng nhắc” của Thông tư số 16/2017/TT- BGDĐT[6] là không có chế độ hợp đồng (hay kiêm nhiệm), khiến các cơ sở giáo dục hòa nhập khó “xoay xở” khi thiếu nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. Điều này khiến học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục gặp không ít khó khăn. Ví dụ như ở cấp tiểu học, mỗi tiết học chỉ có 40 phút. Trong 40 phút này, giáo viên vừa truyền đạt kiến thức, vừa quản lý lớp. Do đó, việc dạy đối với học sinh không khuyết tật đã khó, nếu dạy ở lớp có học sinh khuyết tật lại càng khó hơn. Giáo viên không áp dụng được triệt để kiến thức đến học sinh hoặc không đủ thời gian truyền đạt, kèm cặp riêng cho học sinh khuyết tật, khiến học sinh khuyết tật bị thiệt thòi, nhiều khả năng không theo kịp các bạn …[7]
Để khắc phục điểm “cứng nhắc” nêu trên trong chính sách của Thông tư số 06/2017/TT-BGDĐT, đồng thời nhằm khắc phục tình trạng thiếu biên chế của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên thực tế, cả hai Thông số tư 19/2023/TT-BGDĐTvà Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT nói trên đều quy định rõ phương án: Đối với vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, trường hợp không bố trí được biên chế thì bố trí hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm.[8]
Đây là yếu tố linh hoạt, và là điểm mới khá tiến bộ trong nội dung chính sách giáo dục hòa nhập mới, nhằm đảm bảo luôn có nhân sự đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông, tạo điều kiện ưu tiên hỗ trợ cho giáo viên và học sinh khuyết tật ở tất cả các cấp học giáo dục hòa nhập nói trên.
2.3. Cả hai Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT đều quy định khá rõ ràng, chi tiết yêu cầu về vị trí việc làm đối với viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật
Trong đó, viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông đều được mô tả nhiệm vụ cụ thể như: Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho người khuyết tật; Hỗ trợ người khuyết tật học tập và rèn luyện kỹ năng đặc thù, kỹ năng sống phù hợp với khả năng và nhu cầu của họ; Hỗ trợ giáo viên trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục, đánh giá kết quả học tập của người khuyết tật; Hỗ trợ, tư vấn cho gia đình người khuyết tật và cộng đồng về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục người khuyết tật; v.v. Tương ứng với mỗi loại nhiệm vụ là các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc.[9] Những quy định này nhằm đảm bảo yêu cầu nghiêm túc về tính quy chuẩn và tính chuyên nghiệp của vị trí việc làm của nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật tại các cơ sở giáo dục hòa nhập. Theo đó, bất kỳ ai, dù được bổ nhiệm vị trí viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật hay được ký hợp đồng hoặc kiêm nhiệm vị trí này đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định nêu trên. Bên cạnh đó, những nội dung cụ thể đối với vị trí việc làm nói trên cũng đều rất phù hợp với nội dung về giáo dục hòa nhập quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật (đã giới thiệu tại phần trên bài viết này). Các quy định nói trên đảm bảo tính đồng bộ cao trong các chính sách pháp lý về giáo dục hòa nhập (đặc biệt phần liên quan đến vị trí hỗ trợ giáo dục người khuyết tật) trong các văn bản pháp luật hiện hành.
III. Một số khó khăn thách thức trên thực tế và gợi ý giải pháp tháo gỡ
Bên cạnh những điểm mới tích cực về mặt chính sách nhằm đảm bảo cơ cấu, vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông (công lập) thì hiện nay vấn đề làm sao để các trường nói trên có thể bố trí được đủ cơ cấu nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật theo các phương thức khác nhau (bổ nhiệm vào vị trí viên chức, ký hợp đồng hoặc kiêm nhiệm) là một vấn đề không ít nan giải trên thực tế. Có thể dẫn ra một số khó khăn, thách thức như sau:
Thứ nhất, lương của viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật khá thấp theo quy định hiện hành.
Hệ số lương đối với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật được quy định tại Thông tư liên tịch 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV (Điều 6). Theo đó, chức danh nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật hạng 4 (mã số V.07.06.16) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06. Từ ngày từ ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (theo Nghị quyết 69/2022/QH15). Do đó, mức lương đối với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập được xếp theo 12 bậc, dao động từ trên 03 triệu đến trên 07 triệu đồng/ tháng. Ví dụ: Với bậc 1 với hệ số lương 1,86 thì lương của một nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật ở bậc 1 sẽ là 3,024 triệu đồng/tháng. Nếu lên đến bậc 3, với hệ số lương 2,46 thì lương người đó sẽ là 4,428 triệu đồng/tháng. Khi lên đến bậc 12 (bậc cao nhất), với hệ số lương là 4,06 thì lương người đó sẽ là 7,038 triệu đồng/tháng. Như vậy mức lương của viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật tại các cơ sở giáo dục công lập dao động từ trên 03 triệu đồng/tháng đến trên 07 triệu đồng/tháng (được hiểu áp dụng đối với cả nhân viên hợp đồng). Với mức lương “khiêm tốn” như vậy, sẽ khó tạo nên sức “hấp dẫn” đối với những người muốn trở thành viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật (hoặc nhân viên hợp đồng). Vậy, nên chăng, giải pháp cải tiến tiền lương đối với vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật Thông tư liên tịch số 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV, cần được xem là một trong những giải pháp hết sức cần thiết nhằm giải quyết tình trạng thiếu viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật tại các cơ sở giáo dục công lập?
Thứ hai, nguồn giáo viên có thể kiêm nhiệm vị trí hỗ trợ giáo dục người khuyết tật rất hạn hẹp và lực lượng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên hiện tại nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
Như đã nêu trên, điểm tiến bộ của cả hai Thông tư mới là quy định phương án linh hoạt, kể cả bố trí giáo viên kiêm nhiệm nhằm luôn đảm bảo vị trí hỗ trợ giáo dục người khuyết tật không bị “trống” trong các cơ sở giáo dục hòa nhập (công lập). Xét về mặt lý thuyết thì hoàn toàn đúng. Nhưng trên thực tế, theo chúng tôi đây là phương án không dễ khả thi trong điều kiện của ngành giáo dục hiện nay, do hai nguyên nhân chủ yếu: Một là, tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng là một trong 05 thách thức lớn của Ngành giáo dục hiện nay (cả nước còn thiếu 118.553 thầy cô đứng lớp)[10]. Do vậy, phương án bố trí giáo viên kiêm nhiệm vị trí hỗ trợ giáo dục người khuyết tật là khó khả thi trong điều kiện hiện nay của tuyệt đại đa số các trường công lập. Hai là, dù có bố trí được nhân sự kiêm nhiệm vị trí nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật thì vấn đề chất lượng chuyên môn hiện nay cũng là vấn đề không mấy khả quan, vì theo chính nhận định của Ngành giáo dục thì tính đến thời điểm hiện nay: Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy trẻ khuyết tật chưa được đào tạo, bồi dưỡng đủ về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu đi học ngày càng tăng của trẻ khuyết tật.[11]
Tuy nhiên, theo chúng tôi vấn đề nâng cao kiến thức chuyên môn về người khuyết tật đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên của Ngành giáo dục hiện nay, vừa là nhiệm vụ, vừa là phương án có thể triển khai, trong điều kiện cả nước có 07 cơ sở giáo dục có khoa, tổ giáo dục đặc biệt[12]. Đây là giải pháp vừa tình thế, vừa lâu dài, vừa nhằm đáp ứng yêu cầu kiêm nhiệm vị trí hỗ trợ giáo dục người khuyết tật tại các cơ sở giáo dục hòa nhập trong những trường hợp cần thiết, vừa nhằm đảm bảo góp phần nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập nói chung.
Tóm lại, mặc dù còn có nhiều khó khăn trên thực tế liên quan đến phát triển đội ngũ nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, nhưng với những điểm mới bổ sung trong chính sách về vị trí việc làm của đội ngũ này tại hai văn bản mới là Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT, cùng với những biến động theo chiều hướng tích cực liên quan đến tốc độ xây dựng các chính sách giáo dục hòa nhập trong giai đoạn hiện nay như việc Bộ Giáo dục và đào tạo đang khẩn trương chủ trì xây dựng Dự thảo Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050[13]; xây dựng dự thảo Thông tư quy định về chế độ lương mới đối với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập[14];… chúng ta có thể tự tin hy vọng về những chính sách liên quan đến giáo dục hòa nhập nói chung và đội ngũ nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật nói riêng đang được tích cực hoàn thiên, từng bước đi vào cuộc sống, hình thành những đảm bảo pháp lý vững chắc về điều kiện nhân sự hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục hòa nhập từ mầm non đến phổ thông và thực sự tạo cơ chế đắc lực hỗ trợ quyền học tập của trẻ em, học sinh khuyết tật tại các cơ sở giáo dục này.
[1] Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT.
[2] Điểm d, khoản 5, Điều 2; điểm b, khoản 4, Điều 7; điểm b, khoản 5, Điều 12; điểm b, khoản 5, Điều 17 Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT.
[3] Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV hết hiệu từ ngày 16/12/2023, được thay thế bằng Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT.
[4] Khoản 3, Điều 3, Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGD ĐT-BNV.
[5] Huyền Thanh (2023), “Cần cơ chế thúc đẩy giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ ở bậc mầm non”, Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/can-co-che-thuc-day-giao-duc-hoa-nhap-cho-tre-tu-ky-o-bac-mam-non-i713254/.
[6] Trên thực tế tư vấn pháp luật của ACDC cho thấy: Một số cha mẹ học sinh khuyết tật phản ánh là con em họ học tại các trường phổ thông thường không có nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật do tình trạng thiếu biên chế tại các cơ sở này.
[7] Hải Đăng (2020), “Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật: Còn nhiều cái khó”, Nguồn: https://baolangson.vn/xa-hoi/331807-giao-duc-hoa-nhap-cho-tre-khuyet-tat-con-nhieu-cai-kho.html.
[8] Điểm c, khoản 2, Điều 5 của Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT; điểm c, khoản 4, Điều 7; điểm c khoản 5 Điều 12 và điểm c, khoản 5 Điều 17 của Thông tư số số 20/2023/TT-BGDĐT.
[9] Xem mục 4, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT; các mục VI Phụ lục IV; mục VII của Phụ lục V và VI ban hành kèm theo Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT.
[10] Hà Cường (2023), “05 thách thức lớn đối với ngành giáo dục năm học 2023-2024”, Nguồn: https://vtc.vn/5-thach-thuc-lon-voi-nganh-giao-duc-nam-hoc-2023-2024-ar817453.html.
[11] Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật về người khuyết tật (Quảng Ninh, ngày 13-14/10/2022), tr.11.
[12] Bộ Giáo dục và Đào tạo, tlđd.