Theo thống kê gần đây nhất được Tổng Cục Thống kê công bố, Việt Nam có hơn 6,2 triệu người khuyết tật[1], trong đó, gần 3 triệu người khuyết tật được xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật. Năm 2021, có trên 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng (con số này không tính những người khuyết tật được nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội)[2]. Trợ cấp xã hội hàng tháng là một trong các chính sách thuộc chế độ bảo trợ xã hội của Nhà nước dành cho người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, thông qua đó tạo những hỗ trợ nhất định từ ngân sách nhà nước đối với họ, nhằm khắc phục một phần những khó khăn trong cuộc sống và cũng để góp phần giúp họ hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm của chính sách này, cách quy định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hiện hành trong một số trường hợp cũng gây ra những bất cập, khó khăn đáng kể đối với một bộ phận người khuyết tật. Bài viết này đề cập đến một số bất cập về thể chế liên quan đến chế độ hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng hiện hành và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện chính sách nói trên nhằm đảm bảo quyền lợi đối với người khuyết tật.
Liên quan đến vấn đề hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng của người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, tại Khoản 1 Điều 51 Luật Người khuyết tật năm 2010 nêu rõ:
“Người khuyết tật đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì không hưởng chính sách quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này nhưng được hưởng chính sách quy định tại Luật này nếu pháp luật về người có công với cách mạng hoặc pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định”.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 44 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được chăm sóc ngoài cộng đồng. Như vậy, không phải tất cả người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đều đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật, sẽ có những trường hợp người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng không được hưởng hoặc phải thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, cụ thể như sau:
1. Về quy định: Người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đang hưởng lương hưu thì không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật
Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Người khuyết tật năm 2010, có thể hiểu rằng, nếu người đang hưởng lương hưu mà được xác định là người khuyết tật mức độ nặng hoặc đặc biệt nặng thì không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà bắt đầu hưởng lương hưu thì sẽ thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Theo tinh thần của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, thì bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, hết tuổi lao động... trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (khoản 1, Điều 3, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014). Trong đó, chế độ hưu trí (lương hưu) là một trong những nội dung thuộc chế độ bảo hiểm xã hội, kể cả bắt buộc hay tự nguyện (Điều 4, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014). Có thể hiểu rằng, lương hưu hay tiền hưu trí là các khoản tiền trả cho người lao động đã về hưu (hết tuổi lao động) theo quy định của pháp luật. Để được hưởng lương hưu, theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, về cơ bản, người lao động phải đáp ứng thời gian tối thiểu tham gia Bảo hiểm xã hội và đủ tuổi hoặc bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, hàng tháng, người lao động phải đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc là 08% mức tiền lương tháng, đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện là 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn[3]. Như vậy, về bản chất, có thể hiểu rằng, lương hưu là tiền của người lao động tích góp bằng công sức lao động của bản thân qua nhiều năm (ít nhất là 15 năm). Do đó, đối với một người lao động là người khuyết tật khi về hưu, việc hưởng lương hưu là quyền và lợi ích hợp pháp của người đó, với tư cách là người lao động theo quy định pháp luật. Trong khi đó, khoản trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật theo quy định của Luật người khuyết tật năm 2010 là thuộc chính sách bảo trợ xã hội, được hiểu là khoản hỗ trợ của Nhà nước nhằm giúp người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống. Phân tích các quy định pháp luật hiện hành cho thấy: tiêu chí để hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hiện nay dành cho một người khuyết tật theo pháp luật dựa trên mức độ khuyết tật của người đó (nặng, đặc biệt nặng), chứ không dựa trên điều kiện thu nhập của họ[4]. Như vậy, về mặt bản chất của hai khoản hưu trí và trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật là hoàn toàn khác nhau.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật được Nhà nước đưa ra để hỗ trợ người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng có một khoản thu nhập để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, còn đối với những người đã có lương hưu thì có thể sống bằng lương hưu và để phần ngân sách Nhà nước dành cho những đối tượng khác. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, hưu trí và trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật có bản chất hoàn toàn khác nhau, việc người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng tham gia bảo hiểm xã hội và đủ điều kiện để được hưởng lương hưu nếu trở thành lý do để họ không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là điều không hợp lý. Người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đều có quyền được lao động và làm việc, họ vượt qua khó khăn của bản thân, bằng sức lao động của mình để được hưởng lương hưu. Quy định không cho hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như vậy sẽ hạn chế quyền của người khuyết tật và không khuyến khích được họ tích cực tham gia học tập, lao động, hòa nhập…
Có thể thấy rằng, nếu vẫn giữ nguyên quy định như hiện nay về việc người khuyết tật đang hưởng lương hưu thì không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng sẽ khiến cho người khuyết tật có lương hưu cảm thấy không công bằng. Trong khi đó, nếu quy định người khuyết tật đang hưởng lương hưu đồng thời vẫn được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng có thể tạo gánh nặng lên ngân sách hoặc ảnh hưởng đến việc thực thi một số chính sách khác liên quan đến vấn đề lương hưu và bảo trợ xã hội. Nhằm khắc phục vấn đề trên, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, sửa đổi khoản 1 Điều 51 của Luật Người khuyết tật năm 2010 theo hướng bổ sung quy định chỉ áp dụng không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật đối với người đang hưởng lương hưu hoặc đã đủ điều kiện để được hưởng lương hưu thì được xác định là người khuyết tật nặng/ đặc biệt nặng, đồng thời, mức lương hưu họ đang hưởng hoặc sẽ được hưởng phải cao hơn mức trợ cấp xã hội hàng tháng hiện hành. Vì về bản chất, họ không có cùng xuất phát điểm khó khăn như những người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng từ bé, hoặc từ khi còn trẻ, họ là người không khuyết tật khi tham gia quan hệ lao động, học tập...
Thứ hai, bổ sung quy định về trường hợp mức trợ cấp xã hội hàng tháng cao hơn lương hưu mà người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đang hưởng thì Nhà nước chi trả phần chênh lệch để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng trong văn bản hướng dẫn quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
2. Về quy định: Người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật
Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Người khuyết tật năm 2010, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng khi chuyển sang hưởng chế độ trợ cấp tuất hằng tháng thì sẽ thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc người hưởng chế độ trợ cấp tuất hằng tháng, khi được xác định là người khuyết tật nặng/ đặc biệt nặng thì không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Thực tế triển khai quy định này cho thấy, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được quyền chuyển sang hưởng chế độ trợ cấp tuất hằng tháng và sẽ thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Tuy nhiên, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì không được chuyển sang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người đang hưởng trợ cấp dành cho người khuyết tật mà là thân nhân của người lao động bị chết, nếu người khuyết tật đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (bao gồm điều kiện có mức thu nhập hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở) thì được giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng[5]. Tuy nhiên, pháp luật về chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành không có quy định thủ tục, điều kiện thôi hưởng chế độ tử tuất đối với người đang hưởng trợ cấp tuất mà được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội chi trả.
Việc pháp luật không quy định rõ ràng thủ tục cắt trợ cấp tuất hàng tháng để chuyển chế độ hưởng từ người đang hưởng trợ cấp tuất hàng sang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc không quy định rõ “Không được chuyển từ trợ cấp tuất hàng tháng sang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật” có thể gây hiểu lầm cho người khuyết tật, nhiều người đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, làm thủ tục mà không hề biết rằng họ sẽ bị thôi hưởng và không thể quay lại hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật nữa. Trong nhiều trường hợp, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng vì nhiều lý do khác nhau đã hưởng trợ cấp tuất hàng tháng trước khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật, kéo theo đó, họ đương nhiên không có cơ hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng. Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về thủ tục cắt hưởng trợ cấp tuất hàng tháng để chuyển sang trợ cấp xã hội hàng tháng cho người khuyết tật trong Luật Bảo hiểm xã hội hoặc quy định rõ ràng việc không được chuyển hưởng chế độ từ trợ cấp tuất hàng tháng sang trợ cấp xã hội hàng tháng cho người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật để người khuyết tật nắm được thông tin và có lựa chọn phù hợp.
Thứ hai, bổ sung vào văn bản hướng dẫn quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội về các trường hợp chế độ trợ cấp tuất hàng tháng thấp hơn trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật, ngân sách sẽ chấp nhận chi trả khoảng chênh lệch với người khuyết tật đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật cũng như sự hỗ trợ lẫn nhau từ cơ quan bảo hiểm xã hội và ngân sách Nhà nước.
Có thể thấy rằng, các quy định liên quan đến vấn đề trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật vẫn còn một số bất cập nhất định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Mong rằng, trong thời gian tới, các quy định của pháp luật sẽ ngày càng chặt chẽ, ngày càng hoàn thiện, tạo cơ sở để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, hoàn thiện bản thân, tự chủ kinh tế, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.
[1] Số liệu do Tổng Cục Thống kê công bố về kết quả Điều tra Quốc gia người khuyết tật năm 2016.
[2] Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Người khuyết tật 2010 (công bố 2022)
[3] Điều 85 và Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
[4] Khoản 1 Điều 44 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định, Khoản 6 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP
[5] Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014