Người ta thường nói, ông trời không cho ai tất cả, cũng chẳng lấy đi hết của ai. Căn bệnh bại não khiến L.H.Đ phải gắn bó trên chiếc xe lăn suốt phần đời còn lại. Nhưng bù lại, hắn được trời phú cho một bộ óc vô cùng thông minh và nhạy bén.
Không bằng lòng với việc chỉ trông chờ vào khoản hỗ trợ của nhà nước, với cái đói nghèo dường như cố hữu, chàng trai trẻ này đã lăn lộn với nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Hắn không chỉ tự nuôi sống được bản thân mà còn tích cóp được một khoản vốn kha khá. Khi kiếm được “xô vàng” đầu tiên trong đời, với nhiệt huyết tuổi trẻ, lòng đồng cảm, Đ đã liều mình mở một xưởng thủ công mỹ nghệ nho nhỏ để giúp những người đồng cảnh ngộ có một công việc ổn định. Cho đến bây giờ, tôi vẫn khâm phục quyết định của Đ khi đó.
Tại thời điểm ấy, không phải ai cũng có điều kiện, không phải ai cũng dám sử dụng những người lao động có sự hạn chế về sức khỏe. Thế mà, Đ đã dám làm và làm được. Doanh nghiệp của hắn cũng là một trong những đơn vị ít ỏi tại địa phương có sử dụng người lao động khuyết tật khi đó. Trong công xưởng nho nhỏ ấy luôn rộn ràng tiếng cười nói của chục người lao động khuyết tật làm việc thường xuyên. Tiếng lành đồn xa, những ngày ấy, không ai không biết đến L.H.Đ – “điểm tựa” của người khuyết tật địa phương. Chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể cũng đã tạo nhiều điều kiện hỗ trợ xưởng, đặc biệt là trong việc công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật vào đầu năm 2014. Đây là cơ sở để doanh nghiệp của Đ nhận được nhiều ưu đãi về kinh phí cải tạo cơ sở vật chất, được miễn giảm tiền thuê đất, mặt bằng… đặc biệt là được vay vốn ưu đãi với lãi suất chỉ bằng 50% đối với hộ nghèo khi đó. Những ưu đãi này cùng với sự nhạy bén trong kinh doanh đã góp phần giúp doanh nghiệp của hắn nhanh chóng định hình trên thị trường thủ công mỹ nghệ.
Ảnh mang tính chất minh họa
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì xảy ra nếu L.H.Đ vẫn giữ được cái tâm ban đầu của mình như vậy. Khi có được nhiều thứ trong tay, hắn dần thay đổi. Cùng với việc mở rộng kinh doanh, lấn sang các lĩnh vực khác, hắn bắt đầu tính đến việc làm sao để sử dụng sức lao động tốt nhất, bỏ ra ít chi phí nhất mà thu lại nhiều lợi nhuận nhất. Điều này đặt ra một thử thách cho chính bản thân và doanh nghiệp của hắn vì sức lao động có hạn của người khuyết tật. Bởi vậy mà, càng ngày hắn lại cảm thấy những người đồng cam cộng khổ khi xưa trở thành gánh nặng với mình. Hắn dần khắt khe hơn với họ, tuyển thêm những người lao động không khuyết tật khác, khiến một số người lao động khuyết tật đã phải ra đi. Sự biến động về nhân sự đã dẫn đến hệ quả doanh nghiệp của hắn có nguy cơ không đảm bảo điều kiện thường xuyên có trên 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật làm việc và có thu nhập ổn định như đã cam kết. Kéo theo đó, những ưu đãi về tiền thuê đất, mặt bằng, vốn vay ưu đãi, thuế thu nhập doanh nghiệp… cùng những hỗ trợ khác của địa phương cũng sẽ không còn. Hắn luyến tiếc điều đó, bởi hắn biết những hỗ trợ đó chính là những viên gạch quan trọng để xây dựng cơ ngơi của mình. Nếu không có những ưu đãi đó, thì số tiền lợi nhuận ít ỏi kia sẽ bị thâm hụt, thậm chí là không còn lãi. Thế chẳng phải, hắn làm công cốc sao? Hắn sợ…
Và rồi một ý định táo bạo đã nảy ra trong suy nghĩ của hắn. Hắn đã tìm ra một phương án “lách luật”, đó là “mượn” tên tuổi của một số người khuyết tật lao động tự do để ký hợp đồng lao động trên danh nghĩa. Lợi dụng uy tín của mình cũng như sự thiếu hiểu biết của một số người khuyết tật, hắn đã thuyết phục họ, rằng: “Các bác thấy đấy, mình đi làm tự do không có bảo hiểm y tế, khi đau ốm biết trông chờ đâu. Em cũng muốn hỗ trợ mọi người có cái thẻ này nhưng nói thật, sức của em có hạn nên em tìm đến các bác trước, những người khác em sẽ giúp sau. Với cả bên em là công ty nên phải làm giấy tờ để đóng nên cần phải có chữ ký của các bác trong hợp đồng lao động với một số giấy tờ kèm theo…”. Bằng cách đó, hắn đã có trong tay một số lượng kha khá người lao động là người khuyết tật trên danh nghĩa để báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình lao động hằng năm. Hắn chỉ phải bỏ ra một khoản chi phí (về bảo hiểm xã hội, chi phí quan hệ…) mà với hắn không đáng là bao để có thể không cần tuyển dụng nhiều người lao động khuyết tật mà vẫn có thể được hưởng những ưu đãi của nhà nước và mở rộng sản xuất, kinh doanh theo ý muốn. Hắn thậm chí đã gia hạn được Quyết định công nhận vào năm 2018. Nếm được quả ngọt, hắn còn dự tính sẽ lặp lại thủ đoạn này cho các năm sau.
Nhưng người ta bảo “lưới trời tuy thưa mà khó thoát”, kế hoạch này thực hiện được vài năm cũng đổ bể, hắn cũng dần chịu nhân quả báo ứng từ hành vi của mình. Gặp lại nhau vào một ngày đầu xuân, tôi giật mình vì sự thay đổi của hắn. Còn đâu chàng trai hào sảng, nhiệt huyết khi xưa. Kết quả của cuộc chơi gian dối, bất chấp pháp luật và đạo lý đã biến hắn thành một người đàn ông có nét mặt tiều tụy với ánh mắt nặng trĩu ưu tư pha lẫn sự hoảng loạn. Hắn mượn rượu giải sầu. Khi đã lâng lâng men say, hắn buồn rầu tâm sự: Khi khi phác thảo phương án, hắn cũng lăn tăn lắm, một phần sợ trách nhiệm pháp lý, một phần khác cũng là áy náy vì đã lợi dụng những người tin tưởng mình. Nhưng rồi lợi ích kinh tế đã che mờ bản tâm, hơn nữa, hắn cũng tự huyễn hoặc bản thân rằng mình đang giúp họ có được sự đảm bảo an sinh xã hội. Chính vì thế, hắn vẫn quyết định thực hiện. Nhưng giờ nghĩ lại thì: “Biết vậy mình đã chẳng làm…”
Bởi, cuối năm 2018, quy định pháp luật mới liên quan đến công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hưởng ưu đãi có hiệu lực thi hành. Cũng theo quy trình sắp xếp nhân sự mà các cán bộ nhà nước mà hắn quen biết cũng đã chuyển công tác. Kể từ đó, hắn đã không thể nắm toàn quyền chủ động móc nối quan hệ để qua mặt cơ quan nhà nước về tình hình sử dụng lao động nữa. Hắn bắt đầu loay hoay để tìm cách vo viên cho hành vi của mình như làm giấy tờ chấm dứt hợp đồng lao động với những người đang “mượn danh”, tìm kiếm người lao động khuyết tật vào làm cho hợp quy trình… Song việc tuyển dụng lao động bây giờ đâu đơn giản khi những người khuyết tật địa phương đã truyền tai nhau về thái độ, về cách đối xử của hắn đối với nhân viên trong thời gian qua. Hắn đành tìm kiếm nhân sự nơi xa. Khi hắn còn đang loay hoay để xây dựng vỏ bọc cho mình thì vào đầu năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tiến hành thanh tra đột xuất doanh nghiệp của hắn. Qua thanh tra, cơ quan có thẩm quyền phát hiện số lượng người lao động khuyết tật làm việc thực tế tại doanh nghiệp chênh lệch với danh sách đã báo cáo năm trước mà chủ doanh nghiệp đã không báo cáo tình hình thay đổi lao động về Sở theo quy định. Mặc dù hắn đã giải trình được sự thay đổi, chênh lệch về số lượng lao động làm việc, về lý do chủ doanh nghiệp chưa kịp báo cáo nhưng với những sai phạm này, hắn vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định. Không chỉ vậy, với số lượng lao động hiện có thì doanh nghiệp của hắn không đáp ứng tỷ lệ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật nên đã bị thu hồi Quyết định công nhận đã cấp và xử lý theo quy định của pháp luật.
Không còn được công nhận là cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật cũng đồng nghĩa với việc những chính sách ưu đãi của Nhà nước hiện đang được hưởng cũng sẽ không còn. Lúc này, khoản vay ngân hàng chính sách xã hội cũng đến lúc phải trả và không được đáo hạn. Đúng là “nhà dột gặp mưa dầm”, doanh nghiệp của hắn phải đối mặt với những trở ngại về chi phí mặt bằng, với lãi suất vay thương mại cao chót vót, nhân sự cũng hao hụt do nhiều nhân viên lão làng dứt áo ra đi… Việc sản xuất, kinh doanh vì thế cũng gặp nhiều khó khăn, dần co cụm lại theo ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Song, những điều này có lẽ chẳng là gì với việc doanh nghiệp của hắn đã để lại một “vết đen” trong mắt cơ quan nhà nước có thẩm quyền; uy tín của chính bản thân hắn cũng giảm sút trong cộng đồng người khuyết tật địa phương. Thậm chí, thông tin hắn lợi dụng tên tuổi của những người khuyết tật để gian dối, trục lợi từ các chính sách ưu đãi của nhà nước cũng bị lộ ra.
Nhân quả nhãn tiền. Liệu rồi đây hắn có vướng vào vòng lao lý để trả giá cho hành vi tham lam của mình hay không?
* Điều 3 Thông tư số 26/2012/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư số 18/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30/10/2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 18/12/2018) quy định về trách nhiệm báo cáo tình hình lao động và thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật:
“Điều 3. Hồ sơ, thủ tục và trình tự công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hưởng ưu đãi
…3. Khi cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng không đủ từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật thì đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm phải báo cáo kịp thời và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định ngay việc ngừng công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật.
4. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh không đủ điều kiện thì thu hồi quyết định công nhận đã cấp và xử lý theo quy định của pháp luật”.