Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tiếp cận giao thông đường bộ đối với người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 22/11/2023

Để phù hợp với tinh thần của Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) và điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển ở Việt Nam, trong những năm gần đây, vấn đề đảm bảo tiếp cận giao thông đường bộ đối với người khuyết tật ngày càng được Đảng và Nhà nước Việt Nam chú trọng cả về chính sách và thực thi chính sách. Với các chính sách và giải pháp thực thi chính sách phù hợp đã góp phần đảm bảo quyền được tiếp cận, tham gia giao thông đường bộ của người khuyết tật ở Việt Nam, qua đó, góp phần giúp người khuyết tật chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội.

Một số kết quả đạt được

Trong nhiều năm qua, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, quy chuẩn quốc gia nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với hệ thống giao thông đường bộ đối với người khuyết tật, tiêu biểu như: Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định cụ thể về chính sách ưu tiên, miễn giảm giá vé, dịch vụ khi người khuyết tật tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng và các tiêu chuẩn đảm bảo sự tiếp cận của người khuyết tật đối với giao thông công cộng (Điều 41, 42); Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật và mọi người khi tham gia giao thông công cộng (Điều 33); công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông cho người khuyết tật (Điều 44); Thông tư 21/2014/TT-BXD ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2014/BXD) đã có những quy định cụ thể, chi tiết về việc đảm bảo các công trình xây dựng công cộng đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ đảm bảo tiếp cận, phù hợp cho người khuyết tật để họ có thể hòa nhập cộng đồng; Thông tư 26/2019/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng và 05 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ tùng, linh kiện ô tô, mô tô, xe gắn máy do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành (QCVN 82:2019/BGTVT)… Ngoài ra, trong từng giai đoạn khác nhau, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1019/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 với những mục tiêu cụ thể về đảm bảo tiếp cận và tham gia giao thông của người khuyết tật.

Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, việc thực thi các chính sách trên đã góp phần giúp người khuyết tật tiếp cận giao thông đường bộ dễ dàng hơn với một số kết quả khả quan như: (i) Đến thời điểm hiện tại cơ bản các công trình nhà ga, bến xe được xây dựng mới đáp ứng quy chuẩn tiếp cận, có đường dốc, nhà vệ sinh, vị trí ghế ưu tiên tại phòng bán vé; (ii) Đối với các công trình giao thông cũ, ước tính có 30 - 40% được cải tạo đáp ứng các quy chuẩn về giao thông tiếp cận; (iii) Ước tính 30% bến xe khách trong tổng số 457 bến xe ở Việt Nam đã có hạ tầng bảo đảm người khuyết tật sử dụng; (iv) Trên các phương tiện công cộng như xe buýt đều có niêm yết ghế dành riêng cho các đối tượng ưu tiên như người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai và trẻ em; (v) Nhiều địa phương đã chủ động làm tốt công tác tổ chức vận tải, hạ tầng giao thông, thiết bị phục vụ cho người khuyết tật, thực hiện miễn, giảm giá vé cho người khuyết tật; (vi) Công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện CRPD và pháp luật liên quan đến người khuyết tật đã được triển khai đến đội ngũ cán bộ điều hành vận tải, chủ phương tiện, đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô[1]

Một số khó khăn, hạn chế

Bên cạnh một số kết quả đã đạt được, việc xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách và thực thi chính sách nhằm đảm bảo tiếp cận giao thông đường bộ đối với người khuyết tật vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế:

Thứ nhất, khoảng trống về chính sách.

Điểm a khoản 1 Điều 9 CRPD đã quy định: “Để người khuyết tật có thể sống độc lập và tham gia trọn vẹn vào mọi khía cạnh cuộc sống, quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm cho người khuyết tật được tiếp cận trên cơ sở bình đẳng với những người khác đối với môi trường vật chất, giao thông, thông tin liên lạc… trong đó có phát hiện và loại bỏ những cản trở và chướng ngại đối với sự tiếp cận, sẽ áp dụng trước hết đối với tòa nhà, đường sá, giao thông và các công trình, cơ sở vật chất trong nhà và bên ngoài khác, trong đó có trường học, nhà ở, cơ sở y tế và nơi làm việc”. Do đó, các quốc gia thành viên của CRPD, trong đó có Việt Nam, cần chủ động xây dựng các chính sách phù hợp để tương thích với quy định của CRPD đảm bảo cho người khuyết tật được tiếp cận đường sá, giao thông trên cơ sở bình đẳng với những người không khuyết tật. Tuy nhiên, Điều 42 của Luật Người khuyết tật năm 2010 chỉ mới quy định việc đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật liên quan đến phương tiện giao thông công cộng mà thiếu quy định liên quan đến bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông của cơ sở hạ tầng về giao thông. Trong khi đó, việc đảm bảo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng các công trình này cũng rất quan trọng, đặc biệt là đối với cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ như hè phố, phần đường, cầu vượt, hầm… Khoảng trống trong chính sách nói trên chưa đảm bảo sự đồng bộ với một số quy định pháp luật hiện hành có liên quan, trước hết là Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Đối chiếu với nội dung của CRPD cũng cho thấy điểm thiếu trong chính sách trên đây chưa đảm bảo sự tương thích với quy định tại Điều 9 của CRPD.

Thứ hai, việc xây dựng, cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật còn chậm và chưa đáp ứng được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Về hạ tầng giao thông đường bộ: Vấn đề tiếp cận công trình giao thông mới chỉ tập trung vào nhóm người khuyết tật vận động trong khi các nhóm người khuyết tật nhìn và khuyết tật nghe nói, khuyết tật trí tuệ vẫn chưa được lưu tâm đến[2]. Các bến xe, nhà ga hiện chưa có hệ thống chỉ dẫn bằng âm thanh. Lối sang đường không có bảng hiệu bằng chữ nổi hay tín hiệu âm thanh để bảo đảm an toàn cho người khiếm thị. Cầu vượt dành cho người đi bộ được thiết kế bậc khá cao nhưng lại không có đường dốc cho xe lăn, rất khó cho người khuyết tật vận động. Đa số vỉa hè chưa có đường hướng dẫn, tấm lát dẫn đường, chất lượng vỉa hè còn xấu, nhiều mấp mô, thậm chí bị chiếm dụng làm nơi để xe máy hoặc chỗ buôn bán. Các bến xe, điểm chờ xe buýt chưa được thiết kế đồng bộ theo tiêu chuẩn mà hầu như tận dụng địa thế thực tế của từng vị trí để thiết kế xây dựng điểm dừng, nhà chờ[3].

Về phương tiện giao thông đường bộ: Các phương tiện giao thông chưa phù hợp để người khuyết tật tiếp cận và sử dụng, trong đó, chỉ có 30% trong tổng số 457 bến xe khách đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật và chỉ có 478 xe buýt công cộng (chiếm khoảng 4,8% phương tiện giao thông công cộng) đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật, chủ yếu là xe buýt gầm thấp[4]. Hiện nay một số xe buýt được lắp đặt cầu trượt, bố trí khu vực cho người khuyết tật sử dụng xe lăn nhưng họ rất khó sử dụng do không tương thích với hạ tầng[5]. Có thể thấy, kết quả trên vẫn chưa đảm bảo được mục tiêu theo lộ trình giai đoạn 2016 - 2020 của Quyết định 1019/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/08/2012: “ít nhất 80% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương”. Mặc dù, theo Quyết định 1190/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, mục tiêu này đã được điều chỉnh trong giai đoạn 2020-2025: “30% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương”, song đến nay mục tiêu này cũng khó có thể thực hiện vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau.

Thứ ba, ý thức chấp hành pháp luật, nhận thức của các chủ đầu tư, các đơn vị xây dựng hạ tầng giao thông, thiết kế phương tiện vận tải chưa cao.

Trong đó phải kể đến tâm lý e ngại giá thành công trình xây dựng, hạ tầng giao thông tăng lên nhiều, một số chủ đầu tư, đơn vị đã không tuân thủ quy chuẩn đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng hoặc có tuân thủ nhưng không đúng các chỉ tiêu về kỹ thuật[6]. Đa số các đơn vị vận tải trên địa bàn các tỉnh, thành phố chưa chú trọng đầu tư phương tiện có công cụ hỗ trợ cho người khuyết tật bởi chi phí cao hơn mà mức độ sử dụng còn thấp. Việc xây dựng hoặc cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện để người khuyết tật dễ dàng tiếp cận cũng chưa được triển khai đồng bộ, chưa xây dựng được các tuyến phố, khu vực đường, các điểm dừng, nhà chờ xe buýt, vỉa hè… dành riêng hoặc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cho người khuyết tật sử dụng[7].

Thứ tư, nguồn ngân sách còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Triển khai giao thông tiếp cận nói chung, giao thông đường bộ nói riêng là một quá trình dài và đòi hỏi nguồn vốn lớn. Việc cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông và nhân rộng các phương tiện vận tải đảm bảo tiếp cận đối với người khuyết tật vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiện nay, nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách về người khuyết tật mới chỉ tập trung hỗ trợ về trợ giúp xã hội, giáo dục và dạy nghề. Theo đó, riêng năm 2022, ngân sách nhà nước đã bố trí 28.731 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 480 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật, một số địa phương thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé với mức miễn giảm từ 25% - 100% cho người khuyết tật khi tham gia giao thông công cộng[8]. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự phân bổ ngân sách cụ thể để đảm bảo tiếp cận hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông đường bộ tiếp cận đối với người khuyết tật. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến quá trình triển khai thí điểm xây dựng các tuyến mẫu và nhân rộng các xe vận tải hành khách công cộng đảm bảo người khuyết tật tiếp cận gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định về giao thông tiếp cận ngay trong Luật Người khuyết tật năm 2010: Cần quy định giao Chính phủ quy định chi tiết các quy định liên quan đến việc tham gia giao thông của người khuyết tật và bổ sung nội dung chính sách về “bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông dành cho người khuyết tật để tương thích với quy định của CRPD cũng như thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam. Ví dụ như: Có thể cân nhắc “luật hóa” hoạt động về trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông đã được đề cập trong khoản 5, khoản 6 Mục II Điều 1 Quyết định số 1190/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 trong đó có quy định về xây dựng và ban hành bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát đối với hệ thống giao thông, trong đó đặc biệt lưu ý về đảm bảo tiếp cận về cơ sở hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông đối với người khuyết tật.

Thứ hai, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các cấp cần phải tăng cường hoạt động tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng cải tạo, nâng cấp các công trình công cộng, hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông theo tiêu chuẩn quốc gia về tiếp cận sử dụng đối với người khuyết tật; báo cáo Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam để có biện pháp đẩy nhanh các hoạt động đảm bảo thực hiện đúng quy định liên quan đến các vấn đề tiếp cận công trình công cộng, giao thông đối với người khuyết tật.

Thứ ba, cần tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quyền của người khuyết tật trong cộng đồng. Tăng cường sự tham gia của các tổ chức của người khuyết tật trong việc xây dựng, thực thi và giám sát chính sách liên quan đến người khuyết tật, trong đó có những chính sách đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật trong việc tham gia giao thông đường bộ an toàn, thuận tiện. Tăng cường tập huấn về việc phải chú trọng đến các yếu tố kỹ thuật của hệ thống giao thông tiếp cận, việc trợ giúp người khuyết tật đối với cán bộ quản lý cấp địa phương của các sở ngành, các chủ doanh nghiệp vận tải, chủ đầu tư công trình hạ tầng giao thông để nâng cao nhận thức, giúp họ ý thức được trách nhiệm thực hiện Luật Người khuyết tật, quyền của người khuyết tật đảm bảo các công trình hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông được sử dụng đáp ứng đúng các quy chuẩn, quy định để người khuyết tật tiếp cận sử dụng.

Thứ tư, cần đảm bảo nguồn lực về tài chính để thúc đẩy việc thực hiện cải tạo cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông đường bộ đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật. Phân bổ nguồn ngân sách để xây dựng các chương trình, giáo trình, tài liệu và tập huấn cho lái xe, phục vụ hành khách là người khuyết tật sử dụng phương tiện giao thông. Tăng cường nguồn kinh phí để hỗ trợ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất thử nghiệm thiết bị, công cụ và phương tiện giao thông để người khuyết tật tham gia giao thông thuận tiện.

Tóm lại, để tiến tới một nền giao thông đường bộ văn minh, ở đó mọi thành viên của xã hội, đặc biệt là người khuyết tật được bình đẳng tham gia và sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ thuận tiện, phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước, bên cạnh việc cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, cũng cần phải có sự ủng hộ, đồng thuận của mọi người dân, gia đình và bản thân người khuyết tật. Trong thời gian tới, Nhà nước Việt Nam cũng cần có sự điều chỉnh các chính sách mới mang tính đồng bộ, thống nhất và sớm tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm tăng cường đảm bảo quyền tiếp cận giao thông đường bộ đối với người khuyết tật. Có như vậy, các chính sách mới có thể ngày càng phù hợp với tinh thần của CRPD và đảm bảo người khuyết tật tham gia giao thông đường bộ thuận tiện, giúp họ phát triển bản thân và cống hiến cho xã hội./.


[1] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2020), Báo cáo kết quả thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, tr.18.

[2] Nguyễn Ngân (2022), “Người khuyết tật gặp khó khi tiếp cận giao thông công cộng”, tại địa chỉ: https://daibieunhandan.vn/giao-thong/nguoi-khuyet-tat-gap-kho-khi-tiep-can-giao-thong-cong-cong-i305159/, cập nhật ngày: 28/10/2022.

[3] Lê Xuân Trọng (2019), Báo cáo thực thi Luật Người khuyết tật trong lĩnh vực giao thông công cộng ở Việt Nam, Viện Chiến lược và phát triển giao thông, Hà Nội, tr.11.

[4] Lê Xuân Trọng (2019), tlđd, tr.11.

[5] Trần Oanh (2022), “Người khuyết tật vẫn khó tiếp cận công trình xây dựng, giao thông công cộng”, tại địa chỉ: https://kinhtedothi.vn/nguoi-khuyet-tat-van-kho-tiep-can-cong-trinh-xay-dung-giao-thong-cong-cong.html, cập nhật ngày: 16/11/2022.

[6] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2020), tlđd, tr.19.

[7] Đỗ Trang (2022), “Để giao thông công cộng “thân thiện” hơn với người khuyết tật”, tại địa chỉ: https://baophapluat.vn/de-giao-thong-cong-cong-than-thien-hon-voi-nguoi-khuyet-tat-post461014.html, cập nhật ngày: 08/12/2022.

[8] Minh Thư (2022), “Ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật”, tại địa chỉ: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/uu-tien-nguon-luc-thuc-hien-cac-chinh-sach-chuong-trinh-tro-giup-nguoi-khuyet-tat-628887.html, cập nhật ngày: 29/12/2022.