Hiện nay, vật tư y tế thay thế như chân giả, tay giả là khái niệm không còn xa lạ với người khuyết tật nhưng việc tiếp cận được các dụng cụ này thực sự khó khăn do chi phí bỏ ra quá lớn so với khả năng chi trả của họ. Không chỉ thể, dịch vụ cung cấp các vật tư y tế thay thế chưa được phát triển rộng rãi, chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của người khuyết tật.Trong khi đó, y tế là lĩnh vực được người khuyết tật quan tâm hàng đầu, tuy nhiên chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) hiện hành còn tồn tại hạn chế khiến một bộ phận người khuyết tật chưa tiếp cận được dịch vụ y tế một cách tốt nhất.
Trong tổng số người khuyết tật thì khuyết tật vận động là dạng tật chiếm số lượng cao nhất (29,41%), trong đó người khuyết tật thân dưới (3.566.854 người) và khuyết tật vận động thân trên là 2.158.988 người[1]. Đối với người khuyết tật vận động, vật tư y tế như chi giả có thể thay thế một bộ phận cơ thể đã mất với mục đíchphục hồi chức năng cho phần chi bị khiếm khuyết, giúp người khuyết tật có khả năng tự di chuyển, duy trì tình hình sức khỏe của người khuyết tật, hỗ trợ họ hòa nhập cộng động một cách dễ dàng nhất. Thông qua Điều tra Quốc gia về người khuyết tật cũng cho thấy, khi không sử dụng dụng cụ trợ giúp, có 15,14% người khuyết tật gặp khó khăn khi đi bộ nhưng khi sử dụng dụng cụ trợ giúp, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,94%[2]. Bên cạnh việc hỗ trợ người khuyết tật đi lại, cầm nắm thì việc sử dụng chi giả giúp cân bằng cơ thể, tránh tạo áp lực, ảnh hưởng đến những bộ phận khác của cơ thể và không tạo thêm các khiếm khuyết mới do trong quá trình thiếu chi. Do đó, dụng cụ trợ giúp sẽ tạo điều kiện cho người khuyết tật tự lập được trong cuộc sống, có cơ hội tham gia lao động sản xuất để nuôi sống bản thân và góp phần vào sự phát triển của xã hội.
Không thể phủ nhận được những lợi ích của của việc sử dụng các vật tư y tế thay thế đối với cuộc sống của người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật vận động thiếu, mất chi. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 8 Điều 23 của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 về các trường hợp không được hưởng BHYT gồm:
“8. Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.”
Như vậy, chân giả, tay giả là hai trong số nhiều vật tư y tế thay thế không thuộc phạm vi bảo hiểm y tế chi trả theo quy định hiện hành. Chính vì vậy, khi người khuyết tật có nhu cầu lắp đặt, thay thế chân tay giả đều phải chuẩn bị một khoản tiền để chi trả. Trong khi đó, giá thành của chân tay giả dao động từ 2.000.000đ đến 200.000.000đ và hơn tùy thuộc vào vị trí lắp đặt, chất liệu và công nghệ được sử dụng. Chi phí lắp đặt một tay giả dưới khuỷu ít hơn với tay giả trên khuỷu hay sử dụng chất liệu silicon có khả năng cử động một cách mềm dẻo và nhẹ nhàng có giá thành cao hơn. Giá thành của chân tay giả cao một phần đến từ tính chất cá nhân hóa của chân tay giả để phù hợp với cơ thể, nhu cầu của người khuyết tật tại thời điểm đó mà không thể sản xuất một cách hàng loạt như các vật tư y tế khác. Hơn nữa, chân tay giả phải được kiểm tra định kì và thay mới để phù hợp với cơ thể của người khuyết tật. Để có những chiếc chân giả, tay giả thực sự phù hợp trong từng giai đoạn của cuộc đời thì người khuyết tật cần có điều kiện về kinh tế để chi trả cho nhu cầu này.Trong khi đó, hơn 3/4 số hộ có người khuyết tật sống ở khu vực nông thôn[3] và theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ người khuyết tật sống trong hộ nghèo đa chiều là 17,8%[4]. Như vậy, những người khuyết tật ở nông thôn và thuộc hộ nghèo là những người có rất ít khả năng tiếp cận với các dụng cụ trợ giúp trong đó có các dụng cụ y tế thay thế như chân tay giả.
Thực trạng hiện nay là một bộ phận không nhỏ người khuyết tật vận động nghèo có mong muốn chi giả nhưng chưa thực hiện được, do khả năng chi trả của họ để mua sắm các dụng cụ hỗ trợ này rất hạn chế và việc họ được hỗ trợ chân tay giả phụ thuộc chủ yếu vào các nhà tài trợ. Tuy nhiên, các nhà tài trợ cũng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ trong nhu cầu của người khuyết tật, dẫn đến tình trạng người khuyết tật để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận động và lao động đã tự chế các dụng cụ hỗ trợ thay thế chân tay giả không đúng quy chuẩn, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của chính người khuyết tật. Theo kết quả Điều tra Quốc gia về người khuyết tật, việc sử dụng các công cụ trợ giúp khác nhau theo các nhóm kinh tế - xã hội. Tỷ lệ người khuyết tật ở nông thôn sử dụng các công cụ trợ giúp như chân giả, xe lăn, nạng, khung tập đi thấp hơn so với người khuyết tật ở thành thị, tuy nhiên tỷ lệ người khuyết tật ở nông thôn sử dụng ba-tong, gậy thô sơ cao hơn nhiều so với ở thành thị[5]. Có thể thấy, người khuyết tật ở nông thôn có xu hướng sử dụng các vật dụng hỗ trợ thô sơ hoặc tự chế dụng cụ hỗ trợ đơn giản.
Một trong những người đã từng tham gia tìm kiếm và hỗ trợ miễn phí chân tay giả cho người khuyết tật chia sẻ:
“Có người dị dạng khuyết chi không thể lắp chân giả nếu chưa được phẫu thuật, buộc họ phải bò lê bò lết. Nhiều người khác phải tự chế tạo chân tay giả để đi lại. “Chiếc chân giả “handmade” mà tôi nhớ nhất là trường hợp của một bác ở xã Triệu Trạch (H.Triệu Phong). Người đàn ông ngót 50 tuổi đó đã tự làm chân giả cho mình bằng ống nhôm được gò lại, lấy gốc tre làm bàn chân, lấy tấm cao su làm đế. Để di chuyển bằng cái chân này, hẳn bác đã chịu rất nhiều đau đớn”.[6]Với 90% người khuyết tật có BHYT miễn phí là con số tương đối cao về việc người khuyết tật được tiếp cận với y tế. Nhưng quy định loại trừ vật tư y tế thay thế là chi giả không được hưởng bảo hiểm y tế đã trở thành rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế và phục hồi chức năng đối với một bộ phận người khuyết tật. Điều này đặt ra cho Nhà nước có các giải pháp để mở rộng chính sách bảo hiểm y tế, giúp cho người khuyết tật tiếp cận dịch vụ y tế một cách tốt nhất, đồng thời hoà nhập vào cộng đồng.
Đề xuất, kiến nghị:
Tổng Cục Thông kê, Bộ Y tế cần tăng cường tiến hành điều tra, lấy ý kiến người khuyết tật liên quan đến nhu cầu, mức độ ảnh hưởng và khả năng chi trả của họ đối với chi giả để khẳng định chính xác nhu cầu về các vật tư y tế thay thế của người khuyết tật. Từ đó có những kiến nghị điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợp để hỗ trợ người khuyết tật.
Bỏ quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 sửa đổi bổ sung 2014. Và nghiên cứu sửa đổi bổ sung liên quan đến quy định, chính sách bảo hiểm y tế đối với các vật dụng y tế thay thế phù hợp với điều kiện về chính sách pháp luật mới và thực tiễn hiện nay.
Tiếp tục tuyên truyền, huy động sự tham gia của các nhà tài trợ trong và ngoài nước hỗ trợ nguồn cung cấp miễn phí chân tay giả nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu và yêu cầu của người khuyết tật Việt Nam.