Là một cô gái khuyết tật vận động, tưởng chừng cuộc đời V chỉ đơn giản là lớn lên đi học, làm việc và sống như vậy một mình đến hết đời. Thật may mắn, trong một lần điều trị ở bệnh viện tại Hà Nội, V đã gặp nhân duyên của đời mình - anh K. Anh chị chính thức về chung nhà từ năm 2009 dưới sự chúc phúc và ủng hộ từ gia đình đôi bên.
Sau khi kết hôn, vợ chồng V sinh được hai cô con gái cách nhau 05 năm. Cuộc sống sau hôn nhân đầm ấm, thuận hòa, song, anh K là con trưởng họ nên áp lực sinh con trai đặt nặng trên vai V. Dù đã sinh được hai cô con gái xinh xắn, nhưng vì gia đình chồng chưa có cháu trai “nối dõi tông đường” nên hằng ngày, V vẫn thường xuyên bị giục sinh thêm đứa nữa. Một vài người trong làng và nhất là những người trong dòng tộc nhà chồng mỗi lần gặp V, họ đều nói: “V à, đẻ thêm đứa cháu trai cho nhà chồng đi chứ?!”. Câu nói ấy cứ ám ảnh V mãi. Nó theo V đi làm, đi chợ rồi còn chui cả vào trong giấc ngủ của V như con vắt đói. Cuối cùng, dù có nhiều bệnh trong người nhưng vừa yêu chồng, thương mình vì chịu lời vào tiếng ra, V cũng đồng ý sinh thêm con. Khi quyết định có bé thứ ba, cả hai vợ chồng V đều luôn mong muốn có thể sinh được một “thằng cu” như dòng họ và gia đình chồng kỳ vọng.
Nghe mọi người xung quanh hướng dẫn nhiều cách để có con trai, vợ chồng V cũng đã tham khảo và cũng cố gắng thực hiện nhiều “bí kíp” như mọi người gợi ý. Kể từ khi quyết định sinh bé thứ ba, anh K phải tuân thủ chế độ sinh hoạt lành mạnh, không rượu bia trong ba tháng. Anh hợp tác cùng vợ uống thuốc bổ, ăn thịt bò, hàu, giá đỗ, uống nước cam... Nhưng phương pháp họ nghĩ là chắc chắn có con trai đã thất bại. Hơn 2 năm ròng, chị V vẫn chưa thụ thai thành công. Cuối cùng, cả hai vợ chồng quyết định đi thăm khám bệnh viện để điều trị hiếm muộn, nếu được hai vợ chồng sẽ tích cóp để lựa chọn phương án thụ tinh ống nghiệm với mục đích lựa chọn được giới tính thai nhi theo mong muốn. Song, đi khám ở nhiều bệnh viện khác nhau, đều được bác sĩ thông báo hiện chị V đã lớn tuổi, sức khỏe không đủ điều kiện để mang thai. Cả hai vợ chồng đều buồn, nhưng vẫn “nấn ná” hỏi bác sĩ xem còn phương án nào khác để mang thai không. Câu trả lời đều là không vì chị V trước đó đã sinh nở hai lần, do tình trạng bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí tính mạng của người mẹ nếu mang thai và sinh nở nên các bác sĩ ở bệnh viện đều từ chối và khuyên anh chị nên tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cho hai cháu.
Biết chuyện chị V khó tiếp tục mang thai nhưng dòng họ, gia đình chồng vẫn luôn tạo áp lực buộc chị V phải mang thai và sinh bằng được con trai, nhất là bố mẹ chồng. Anh K được cả dòng họ ra tối hậu thư bắt buộc phải sinh được con trai. Ông nội chồng không ít lần cay nghiệt nói rằng: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” - có một đứa con trai thì là có, còn mười đứa con gái cũng chỉ là không. Bố chồng chị V không chỉ một lần mà rất nhiều lần, đã nhấn mạnh trước mặt chị V và mọi người rằng: “Nếu không sinh thêm được nữa, không sinh được con trai thì chúng mày ly hôn đi, để thằng K còn lấy vợ khác, để sớm có cháu nối dõi, thờ tự”. Còn mẹ chồng thì bảo: “Thằng K là con trai một nhà này, dứt khoát phải có con trai nối dõi. Chỗ này nói không được thì mình chạy chữa chỗ khác, thiếu gì nơi giúp mình mang thai được. Giờ khoa học phát triển, muốn có con nào cũng can thiệp được hết nên chỉ cần có tiền là sẽ có con trai theo ý muốn”. Nghe những lời ấy, vợ chồng chị V không khỏi xót xa. Chị thương hai con gái thơ ngây đứt ruột, nhưng bất lực. Nhìn hai con gái đang chơi đùa trong sân mà chị V lòng nặng trĩu, tại sao cứ nhất định phải sinh con trai, con gái không phải là con ư? Nhiều lần chị định buông bỏ để anh K tìm người khác nhưng lòng lại không đành để hai con gái không được hưởng trọn tình yêu thương của cả cha và mẹ.
Thấu hiểu được nỗi lo lắng, bất an của vợ, anh K sau khi biết việc vợ khó có thể mang thai lần ba và hiểu rõ tình trạng sức khỏe của vợ mình, anh K quyết định không sinh thêm con nữa, chỉ cần nuôi dạy hai đứa con gái cho tốt là được. Còn gia đình, dòng họ muốn thay ai làm trưởng họ thì làm, còn anh cũng không cần chức “trưởng họ” này nữa. Hiểu được sự yêu thương của chồng, cũng muốn san sẻ gánh nặng với chồng, chị V tâm sự với chồng: “Anh tương lai sẽ là trưởng họ, nếu không có con trai sẽ không có ai nối dõi tông đường, thờ cúng gia tiên, khi đó em thấy có lỗi với dòng họ, gia đình và với cả anh. Sau này về già, hai con gái đi lấy chồng, nếu hai vợ chồng sống cùng nhau thì đỡ nhưng lỡ còn một người thì cô quạnh lắm”. Cuối cùng, trước áp lực đè nặng tứ bề, và trong không khí gia đình ngày càng ngột ngạt, V đã có một quyết định “động trời” khiến cho nội ngoại đều mắt tròn mắt dẹt: tìm vợ bé cho chồng. Cô hy vọng người vợ sau có thể sinh được một cậu quý tử. Chỉ như thế mới có thể làm dịu đi các mối quan hệ đang nóng lên từng ngày. Nhưng anh K nhất quyết không đồng ý để vợ mạo hiểm vì sinh bằng được con trai, càng không đồng ý tìm vợ bé để có được một cậu quý tử như chị V đề nghị. Anh cho rằng, sinh đẻ là chuyện của hai vợ chồng, ông bà, bố mẹ anh hay dòng họ đều không có quyền tác động hay ép buộc.
Sau khi được chồng thuyết phục, suy nghĩ lại những lời tư vấn của bác sĩ về tình hình sức khỏe của mình, cũng như được các chị cán bộ địa phương, cán bộ Hội người khuyết tật, Hội phụ nữ động viên, tuyên truyền và phổ biến chính sách pháp luật, nên chị V cũng đã định từ bỏ. Song cứ mỗi lần nhà có việc, lễ Tết, họ hàng ai cũng hỏi, rồi ca bài “cố nặn thằng cu”. Hai năm nay mẹ chồng còn không nói với chị một câu. Tết Nguyên đán năm đó, chứng kiến cảnh mẹ chồng mắng chửi chồng mình thậm tệ khi anh không đồng ý lấy vợ hai để sinh con trai nối dõi, nghe chồng đối đáp dứt khoát bảo vệ vợ và tổ ấm của mình, chị V xúc động nghẹn ngào. Chị cảm ơn số phận đã cho chị có được một người chồng thực sự yêu thương vợ con, nhưng vẫn mang trong lòng gánh nặng về thái độ của bố mẹ chồng dành cho mình.
Bố mẹ chồng chị V cũng được cán bộ địa phương, thôn trưởng, đại diện Hội phụ nữ đến gặp gỡ, thuyết phục nhiều lần là không được phân biệt đối xử giữa cháu trai và cháu gái, mỗi gia đình phải có trách nhiệm thực hiện sinh đẻ có kế hoạch để có điều kiện bảo đảm kinh tế gia đình, nuôi dạy các cháu cho tốt. Thậm chí, chị L Hội trưởng phụ nữ xã còn nói thẳng với bố mẹ chồng anh K: “Hai bác mà cứ cố ép cô V sinh con trai hay bắt anh K bỏ cô V để lấy vợ khác là đều vi phạm pháp luật đấy ạ”, nhưng bố mẹ anh K vẫn giữ nguyên quan điểm phải có cháu đích tôn để nối dõi tông đường.
Chuyện sẽ đi vào bế tắc nếu như không xảy ra một chuyện động trời trong xóm. Người con trai hàng xóm cũng là cháu đích tôn của dòng họ bị công an bắt vì tội cướp tài sản gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trước đây, gia đình này luôn coi khinh nhà chị V ra mặt vì “đẻ toàn vịt giời”. Cũng vì có con trai nên nhà hàng xóm cũng chăm sóc con quá đà, nuông chiều tất cả các nhu cầu của con dù gia đình kinh tế không khá giả gì. Mẹ chồng chị V cũng thường lấy gương nhà hàng xóm có con trai để răn dạy vợ chồng chị. Sự việc con trai nhà hàng xóm bị bắt, cùng với giải thích của cán bộ địa phương khiến cho bố mẹ chồng chị V có suy nghĩ lại.
Tối hôm đó, sau khi bàn bạc, bố mẹ chồng chị V gọi vợ chồng chị V ra nói chuyện. Ông bà thừa nhận việc gây sức ép sinh con trai cho vợ chồng chị là sai và từ nay không đề cập đến chuyện này nữa. Vợ chồng anh chị chỉ cần chăm sóc, nuôi dạy hai đứa cháu gái nên người, sống tử tế là được. Chuyện trong dòng họ, ông bà sẽ nói giúp để họ hàng không gây áp lực cho vợ chồng anh chị nữa. Nghe ông bà nói chuyện, vợ chồng chị V như gỡ được gánh nặng trong lòng.
Hạnh phúc đâu phải là nhà có đủ “nếp, tẻ”, có người nối dõi tông đường, mà hạnh phúc chính là dù trai hay gái, đứa con sinh ra được nuôi dạy tốt, nhận được đầy đủ yêu thương từ người thân. Mãi đến tuổi xế chiều, bố mẹ chồng chị V mới hiểu./.