Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chuyện của Hương

  • Thực hiện: Lê Hoa
  • 29/01/2024

Hương là người khuyết tật vận động đặc biệt nặng, phải ngồi xe lăn. Cha cô làm công nhân xây dựng luôn vắng nhà, còn mẹ cô buôn bán rau quả ngoài chợ. Dưới Hương còn hai em - một đang học trung học cơ sở, còn cậu em út học tiểu học. Cách đây hơn bốn năm, cha của Hương bị tai nạn lao động khá nặng, dẫn đến nằm liệt giường. Mẹ Hương đã dốc toàn bộ số tiền ít ỏi dành dụm được, đồng thời phải đi vay mượn khắp nơi để trả chi phí điều trị tại bệnh viện cho cha. Thời điểm đó, cô gái khuyết tật xinh đẹp, thông minh này đang học lớp 10 trung học phổ thông và đã phải bỏ học để đỡ gánh nặng cho gia đình. Sau khi bỏ học, Hương nhanh chóng theo học sơ cấp ba tháng và xin vào làm thêu ren cho một Hợp tác xã gần nhà. Những tưởng nghỉ học kiếm việc làm đỡ gia đình, nhưng trong tình trạng chung kinh tế khó khăn, lượng khách du lịch giảm, nên lượng sản phẩm bán ra của Hợp tác xã này giảm hẳn so với trước. Vì vậy, thu nhập của Hương từ nghề thêu ren trở nên khá bấp bênh, hầu như không giúp được mẹ bao nhiêu.

Nhìn mẹ hàng ngày chạy đôn đáo bán rau quả ngoài chợ, rồi về nhà chăm cha bệnh, lòng Hương như xát muối. Khiếm khuyết nhưng thường ngày, Hương vẫn sử dụng xe lăn để nấu cơm, làm chút việc vặt, còn hai đứa em thì ngoài giờ đi học cũng phụ mẹ chăm cha, làm việc nhà…. Tuy nhiên, nguồn thu nhập chính của cả nhà từ sau khi cha bị bệnh đổ dồn lên vai mẹ của Hương. Kinh tế gia đình sa sút trầm trọng. Cứ vài tuần lại có người đến đòi nợ một lần. Chứng kiến cảnh mẹ bị họ dọa nạt, mắng chửi vì khất nợ, Hương khóc rất nhiều vì khổ tâm, bất lực. Cô biết mẹ mình làm được chút tiền thì bớt lại phần lớn để trả nợ, rồi vay của người nọ trả cho người kia. Với hoàn cảnh như gia đình của cô, số nợ ngót hai trăm triệu là một số tiền quá lớn. Tài sản của cha mẹ Hương giờ chỉ còn ngôi nhà cấp bốn với mảnh đất ngót trăm mét vuông, nhưng nếu bán đi gán nợ thì cả gia đình với năm con người sẽ ở đâu? Nhất là khi cha của Hương đang nằm liệt?! Hương cũng chủ động hỏi bạn bè, người quen, rồi nhờ lên mạng tìm kiếm việc làm, nhưng với tình trạng khuyết tật của Hương, thật khó tìm việc nơi thôn quê.

Gần nhà Hương có gia đình chị Tuyết là bà con xa. Chị Tuyết lên thành phố làm ăn từ trên chục năm nay. Thi thoảng, chị về làng thăm bố mẹ. Nghe nói công việc làm ăn trên thành phố của chị Tuyết khá phát đạt nhưng không ai biết chính xác chị này kinh doanh gì. Gia đình Hương và gia đình chị Tuyết vừa là chỗ bà con, vừa là hàng xóm, nên khi cha Hương gặp tai nạn, mẹ chị Tuyết khá thương và thông cảm, bà cho mẹ Hương vay tiền mấy lần, mỗi lần toàn hai - ba chục triệu để lo cho cha của Hương. Mẹ chị Tuyết nói với mẹ Hương: “Tiền này không phải của tôi mà của cái Tuyết, nó gửi về nhờ tôi giữ hộ, thấy gia đình cô quá khó khăn tôi cho vay, nhưng cô cố gắng thu xếp trong một năm thì đưa lại, tôi chỉ lấy gốc, không lấy lãi”. Tuy nhiên, đã ngót hai năm trôi qua, số tiền nợ nhà chị Tuyết vẫn còn 70 triệu đồng, mẹ Hương vẫn chưa xoay xở để trả được. Bà mẹ chị Tuyết cũng đã vài lần nhắc về món nợ này.

Rồi một ngày đầu năm, bà mẹ chị Tuyết cũng buộc phải kể cho chị Tuyết việc bà đang lấy từ chỗ tiền chị Tuyết nhờ mẹ giữ hộ cho gia đình Hương vay. Chị Tuyết nghe chuyện xong liền gợi ý nên cho Hương lên thành phố, làm công cho chị. Chị nói chị đang kinh doanh hàng tạp hóa, sẽ bố trí cho Hương công việc phù hợp, bao ăn ở luôn tại nhà chị. Tiền lương chấp nhận được và sẽ được trừ vào nợ cho đến hết. Chị Tuyết còn nói thêm với mẹ con Hương: “Cô và em cứ yên tâm, chỗ họ hàng cháu bảo đảm em Hương có công việc, chỗ ở đàng hoàng hoàng tử tế, an toàn. Em nó chỉ làm cho cháu một thời gian là trả hết nợ, rồi thừa khả năng gửi tiền về nhà”. Nghe xong hai mẹ con Hương vô cùng mừng rỡ, vậy là không chần chừ, ngay chiều Chủ nhật hôm đó mẹ giúp cô sắp quần áo theo xe lên thành phố với chị Tuyết.

Khi lên thành phố, Hương được bố trí ăn ở cùng với gia đình chị Tuyết và các nữ nhân viên khác tại một căn hộ rộng trên tầng 6 của một chung cư. Hóa ra không phải chị Tuyết kinh doanh tạp hóa theo kiểu truyền thống, mà chị chuyên kinh doanh hàng online. Khi mới đến, Hương choáng ngợp trước hàng hóa tràn ngập căn hộ, có đủ loại: Túi xách, giày dép, quần áo, đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa bột trẻ em v.v. Tất cả đều dán mác có chữ nước ngoài. Chị Tuyết và một cô nhân viên “cứng” thay nhau livestream bán hàng online từ sáng đến tận khuya. Qua nghe trao đổi trong lúc làm việc, Hương còn được biết vợ chồng chị thuê cả một kho rộng dưới tầng hai của chung cư để chuyên chứa hàng các loại. Anh chồng chị Tuyết thì phụ trách khâu kiểm hàng nhập – xuất của kho. Thi thoảng nghe anh này than quá tải công việc, dù có một, hai công nhân nam dưới kho phụ giúp.

Mọi người trong công ty của vợ chồng chị Tuyết làm việc quần quật từ gần 8h sáng đến tận gần 12h đêm (trưa thì luân phiên nhau nghỉ ăn cơm 30 phút). Lúc đầu Hương chưa quen nên mệt phờ phạc, sau quen dần cũng thấy đỡ. Tuy đông người làm việc nhộn nhịp nhưng chị Tuyết luôn duy trì được “kỷ luật sắt” tại công ty: Việc ai nấy làm, không ai được tò mò tìm hiểu công việc của công ty hoặc tự ý xen vào việc của người khác; không nghe điện thoại riêng, không tiếp bạn bè, người thân trong lúc làm việc. Nếu chốt đơn, đóng hàng nhầm, sai sót… bị khách bắt đền, trả lại hàng thì sẽ bị trừ lương…

Hương được giao gọi điện chốt đơn với khách, đóng gói hàng hóa. Lương tháng của cô được gần 05 triệu, chị Tuyết giữ cả để trừ vào tiền nợ của gia đình Hương. Hương xử lý công việc nhanh gọn, hợp lý, lại luôn thật thà nên ngày càng được chị Tuyết tin tưởng. Sau gần vài tháng làm việc ở nhà chị Tuyết, thi thoảng chị cho gọi Hương vào phòng, ngồi gần chỗ chị khi quay video clip bán hàng online để phụ việc. Chị Tuyết nói: “Hàng nhiều thế này sẽ cần tăng người bán. Cô mặt mũi dễ coi, ăn nói nhẹ nhàng lại sáng dạ, nên chị cho gần phụ chị lúc chị livestream bán hàng để học việc. Ít nữa chị sẽ giao cho cô “lên sóng” quảng cáo bán hàng đỡ chị, rồi chị sẽ tăng lương cho cô”. Hương nghe mà trong lòng thấy vừa mừng, nhưng cũng có phần hơi lo lo. Mừng vì nếu nhận việc đó, khả năng cô sẽ được tăng lương, sớm trả hết nợ cho gia đình không còn xa. Còn lo là càng quan sát cô càng thấy hơi… “gợn”, vì theo nhận định của Hương thì tuyệt đại đa số hàng hóa của chỗ chị Tuyết như quần áo, túi xách, đồng hồ… đều nhập từ biên giới về, nhưng lại được quảng cáo là “hàng xịn 100%”, được sản xuất từ… Tây Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản?! Hàng ngày quay quảng cáo bán hàng online, tiếng chị Tuyết và cô nhân viên lanh lảnh: “Cái túi hàng hiệu mác Louis Vuitton/ Hermes này mỗi mẫu em chỉ nhập được có 1-2 chiếc thôi, vì nhà em chuyên săn hàng giảm giá mới được giá rẻ thế này, chứ nếu nguyên giá thì phải gấp hơn 10 lần các chị yêu ạ, nên các chị yêu nhanh tay đặt hàng, chậm là hết, em sang mẫu mới…”. Nhưng, sự thật là những mẫu túi chỉ “nhập 1-2 chiếc” đó có đến vài chục cái mỗi loại, chất đầy trong các thùng carton, gần hết lại nhập. Tương tự, các mặt hàng như đồng hồ, giày thể thao, nước hoa… cũng khá nhiều và đều được chị Tuyết cùng cô nhân viên quảng cáo với chung một kiểu như quảng cáo bán túi xách nữ. Quần áo thì cũng chất cao ngất trong góc nhà, mỗi ngày được tiêu thụ ít nhất vài trăm bộ. Những quần áo này nhiều khả năng là sau khi nhập kho nhà chị Tuyết được thay mác mới như sản xuất tại Hàn Quốc, Nhật Bản… (Hương chỉ lờ mờ đoán như vậy, vì hàng ngày cô nghe tiếng máy khâu đều đặn vọng ra từ một phòng trong căn hộ, quần áo được chuyển vào-ra liên tiếp). Tuy nhiên, do phải tuân thủ nội quy chặt chẽ của công ty, phần nữa vì bị cuốn theo công việc hàng ngày nên mọi thắc mắc về nguồn gốc thật của hàng “xịn” trong nhà chị Tuyết cũng chỉ thoáng qua trong suy nghĩ của Hương.

Rồi một ngày, Trang, cô bạn thân của Hương, tìm đến để đưa thiếp mời đám cưới. Hai người là bạn “con chấy cắn đôi” thời trung học phổ thông. Nhưng số phận mỗi người mỗi khác, Hương phải bỏ học dở dang vì gia cảnh, còn Trang học xong phổ thông trung học thì lên thành phố học trung cấp nghề, rồi nhanh chóng tìm được việc làm ngay. Do Hương năn nỉ quá, lại thấy cô đáng tin cậy nên chị Tuyết “phá lệ” cho cô được tiếp bạn vài phút bên ngoài hành lang căn hộ. Gặp nhau hai cô bạn mừng mừng tủi tủi, Hương liên mồm chúc mừng bạn, còn cô bạn thân đặt thiếp cưới vào tay H và nói: “Chủ yếu là tao rất nhớ mày thì đến thăm tận nơi xem mày ăn ở, làm việc thế nào. Tao đưa thiệp để báo tin cho mày vui với tụi tao, chứ mày không phải đến đám tiệc đâu, mày ngồi xe lăn thế này, tự đi không an toàn”. Rồi cô bạn nói lời tạm biệt. Vài hôm sau, Hương nhận được tin nhắn khá dài của Trang: “Tao bận tối mắt vì đang chuẩn bị đám cưới, nhưng thấy cứ lo lo cho mày nên cũng phải vào địa chỉ Facebook của bà Tuyết xem bà ý bán hàng online. Với những gì tao quan sát được thì bà ý đang kinh doanh hàng “nhái” với khối lượng khá lớn. Mày nghe tao, tuyệt đối không được nghe bà ấy dụ trực tiếp “lên sóng” quảng cáo bán hàng cho bà ấy kẻo liên lụy đến thân nhé”. Trang còn viết: “Theo tao tìm hiểu thì giá mỗi chiếc túi xách nữ mác Louis Vuitton hay Hermes hàng chính hãng, nếu có khuyến mại thì vẫn khoảng 50-60 triệu, có cái giá từ trên 100 đến hơn 200 triệu tiền Việt. Mà bà Tuyết, bà ý quảng cáo bán có mấy trăm nghìn đồng một chiếc túi, nếu không phải hàng giả, tao có mà…đi đầu xuống đất ?!”. Trang còn nhắn thêm: “Làm thế này nguy hiểm lắm, mày cần cân nhắc ra khỏi đó càng sớm càng tốt, tìm việc “lành” mà làm, chứ chỗ mày đang làm thuê, với kiểu “làm ăn lớn” của bà Tuyết như vậy, nếu cơ quan nhà nước mà “động” vào thì sẽ “sụp”, rồi không khéo mày cũng bị liên lụy đấy!”. Đọc xong tin nhắn của Trang, Hương thần người suy nghĩ, rồi nhấn nút xóa như lời bạn dặn. Đêm đó, dù thường đi ngủ vào 01h sáng, nhưng Hương trằn trọc không sao ngủ được. Nghĩ đến những điều Trang cảnh báo trong tin nhắn, Hương không khỏi thảng thốt lo lắng. Nhưng rồi lại nghĩ đến khoản tiền nợ của gia đình mà Hương hì hụi làm trong gần một năm qua cũng mới trả vợi được hai phần ba, nếu nghỉ thì lấy đâu tiền trả nợ? Rồi còn cơ hội kiếm tiền sau khi trả nợ nữa, hoàn cảnh kinh tế khó khăn của gia đình cô như thế, mất việc với Hương là một điều thật khủng khiếp! Hương tự nhủ: Thôi cố gắng làm độ nửa năm nữa rồi cũng nên xin nghỉ việc ở chỗ chị Tuyết này theo lời khuyên của Trang, lúc ý mình cũng đã có được vài tháng lương “dằn túi” để đi tìm việc khác. Rồi đến hôm sau, Hương lại âm thầm lao vào guồng quay công việc. Cuối tuần đó, chị Tuyết bảo Hương: “Còn ngót hai tháng nữa là Tết âm rồi, lượng hàng nhập vào kho sẽ tăng gấp hai ba lần hiện tại, chị định đầu tuần sau giao cho em hỗ trợ chị trực tiếp quảng cáo bán online độ một vài giờ trong ngày nhé”. Hương luống cuống đỏ bừng mặt ngập ngừng trả lời: “Dạ, chị cho em thư thư một thời gian nữa, em thấy chưa tự tin ạ”. Chị Tuyết nghe vậy sầm mặt, đanh giọng: “Tùy cô thôi, tôi tin và thương cô lắm nên mới sắp xếp vậy, chứ cô từ chối thì tôi giao cho người khác, nhân viên ở đây đứa nào chả thích  việc ấy - vừa được “lên sóng” mà lương lại được tăng. Cô đúng là nhát quá hóa… hèn!”. Rồi đến đầu tuần sau, chị Tuyết cũng giao cho một nhân viên nữ khác làm việc này. Tuy nhiên chị vẫn nói với Hương: “Mạnh dạn lên, hai tuần sát Tết nếu chị cần là dứt khoát em phải “lên sóng” bán hàng cho chị đấy nhé”.

Nhưng, những điều mà cô bạn thân của Hương tiên đoán cũng đã đến khá nhanh. Sáng hôm đó, khi một loạt hàng mới vừa nhập bày ngổn ngang, tiếng quảng cáo bán hàng online từ phòng chị Tuyết vọng ra lảnh lót, tại phòng khách, dăm ba nhân viên đang hối hả gọi điện cho khách chốt đơn, rồi đóng gói… thì lực lượng Quản lý thị trường và công an ập vào kiểm tra. Bà chủ Tuyết mọi khi “hét ra lửa” nay mặt mũi tái mét. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy: Hàng hóa tại kho và đang quảng cáo bán online tuyệt đại đa số là hàng giả hoặc không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ v.v. Lực lượng chức năng yêu cầu tạm giữ toàn bộ lô hàng trong nhà kho và trong căn hộ của vợ chồng chị Tuyết. Vợ chồng chị này và tất cả nhân viên đều phải đến cơ quan công an để lấy lời khai.

Hương phải đến ở nhờ tạm nhà một người bà con trong thành phố để chờ lên cơ quan công an lấy lời khai theo yêu cầu. Do Hương chỉ là người làm công, khai báo thật thà và lại là người khuyết tật, nên các anh công an cũng chỉ lấy lời khai trong một hai lần rồi cho về.

Mấy hôm rồi mà cô vẫn không hết bàng hoàng, lo sợ… Tin tức bay rất nhanh về quê, cả làng xôn xao về tin: “Cái Hương dính vào “đường dây” buôn bán hàng giả trên thành phố”. Mẹ Hương vừa chăm chồng nằm liệt một chỗ vừa khóc ngắn khóc dài, lo cho cô con gái khuyết tật trên thành phố không biết có bị liên lụy gì không? Mỗi lần gọi điện nói chuyện với con gái là bà lại khóc, khiến Hương càng thấy khổ tâm hơn.

Còn Trang khi nghe hung tin, cả hai vợ chồng vội lao đến hỏi han, động viên Hương. Trang vừa ôm Hương vừa nói: “Thôi may mà mày chỉ làm “le ve” chứ chưa dính sâu vào công việc kinh doanh của bà Tuyết. Theo tao biết thì vợ chồng bà này có thể bị phạt hành chính với mức khá cao hoặc bị truy cứu hình sự về tội kinh doanh hàng giả. Tết nhất đến nơi rồi mà thật đen đủi, thôi mày đừng khóc lóc bi quan nhiều làm gì, dù sao cũng đã cày trả được phần kha khá chỗ nợ của bà Tuyết cho gia đình mày rồi. Theo tao trước mắt mày cứ về quê đã, rồi Tết ra tính tiếp. Mày khéo léo cần cù lại tốt nết, thiếu gì việc để làm. Vợ chồng tao sẽ cố gắng giúp mày hết sức có thể”.

Hương lau nước mắt, trấn tĩnh lại. Mấy hôm vừa rồi cô đã tự dằn vặt trách móc mình rất nhiều, vì không nhanh chóng nghe theo lời khuyên của Trang, sớm “dứt” ra được chỗ chị Tuyết. Những gì xảy ra thực sự là một bài học sâu sắc cho cô. Nhưng, như Trang đã nói: Vẫn không thiếu gì việc để làm, vẫn có nhiều hy vọng, nhiều con đường để kiếm tiền nuôi thân một cách “ngay ngắn” và giúp đỡ mẹ cha. Và cô như thấy được ánh sáng le lói cuối đường hầm!

-------------------------------------

Trích lược:

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP)

Điều 3. Giải thích từ ngữ:

6. “Hàng hóa nhập lậu” gồm:

… Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;...

7. “Hàng giả” gồm:

…đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Điều 11. Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa

1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;

…e) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây:

…c) Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất….

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 4 Điều này;...

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) …Buộc tiêu hủy hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản này;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Điều 14. Hành vi sản xuất tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả

1. Đối với hành vi sản xuất tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả quy định tại điểm e khoản 7 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng dưới 100 cái, chiếc, tờ hoặc đơn vị tính tương đương (sau đây gọi tắt là đơn vị);

h) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 10.000 đơn vị trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự

2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả của thực phẩm, thuốc phòng bệnh, thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm;

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này

Điều 15. Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu

1. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm,...

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

 

Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi một số điều bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017) quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả như sau:

Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

…c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;…

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

…đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;…

Lưu ý:

- Điều 193 quy định Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

- Điều 194 quy định Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh

- Điều 195 quy định Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi.