Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Cậu là anh hùng của tớ

  • Thực hiện: Phương Anh
  • 22/11/2023

Đặt quyển sách mới hoàn thành trước di ảnh người bạn quá cố, ngắm nhìn khuôn mặt tươi cười mãi dừng lại ở tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất, tôi lại bồi hồi nhớ về những kỷ niệm tưởng chừng đã xa xôi.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu vào năm học lớp 7.

Ngày đấy, tôi còn là một đứa trẻ ngây ngô, bác sĩ chẩn đoán rằng trí tuệ của tôi chậm phát triển. Có lẽ vì thế nên tôi thường bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt vì suy nghĩ chậm chạp của bản thân. Trong lớp, tôi cũng chưa bao giờ xung phong lên phát biểu, chẳng bao giờ chủ động bắt chuyện với ai. Bà an ủi nói rằng vì tôi thiện lương như thiên thần, nhưng lũ bạn lại trêu chọc, nói tôi là một “thằng thiểu năng”. Thật ra, khi đó, tôi cũng không quá rõ, “thiểu năng” trong miệng bạn cùng trang lứa gọi tôi có nghĩa là gì, nhưng có vẻ như nó cũng không phải một từ tốt đẹp gì. Tôi thường là nạn nhân của những trò đùa tinh quái của lũ học sinh cá biệt trong lớp. Chúng thường trêu chọc người lớn, phá hoại tài sản, nhưng người chịu đòn cuối cùng lúc nào cũng là tôi, có vẻ, tôi chịu ấm ức nhiều nên cũng quen rồi. Sự việc chỉ thay đổi khi Huy, một cậu bạn với cơ thể yếu đuối, thường xuyên phải dùng nạng để di chuyển và nghỉ học vì bệnh tật xuất hiện.

Trong ngày đầu tiên Huy đến trường, như một thói quen, lũ bạn phá phách trong lớp bày trò trêu chọc Huy, xé sách của cậu. Ngay lập tức, những lời đổ tội hướng về phía tôi, như bao lần khác, tôi không phản kháng, không giải thích được gì cả, do đó, tôi nghiễm nhiên trở thành “thủ phạm”, bị bạn bè xa lánh. Riêng Huy thì không nói gì cả. Sự im lặng của Huy càng khiến cho đám bạn trong lớp nghĩ cậu dễ bắt nạt, những trò đùa ngày càng trở nên quá đáng hơn, chúng ngáng chân cậu khi cậu di chuyển trên hành lang, lấy đồ ăn của cậu… Từ ngày Huy đến, hai chúng tôi như một “cặp đôi hoàn cảnh”, tuy không bao giờ nói chuyện với nhau nhưng đều là nạn nhân của những trò đùa quái ác từ lũ học sinh cá biệt.

Bước ngoặt diễn ra vào một ngày cuối tuần, trên đường đi mua đồ giúp bà, tôi tình cờ cứu Huy khỏi chiếc xe đạp mất phanh đang lao dốc, nhờ đó, chúng tôi đã trở thành những người bạn tốt của nhau. Tôi thường qua nhà Huy để cùng cậu đi học, chúng tôi cùng nhau thực hiện những mong ước của bản thân như đi công viên, đi câu cá, đi bắn bi… Nhờ có Huy, cuộc sống của tôi trở nên muôn màu, muôn vẻ.

Một ngày, trên đường đi học về, chúng tôi gặp nhóm học sinh cá biệt trong lớp trên một con đường vắng, chúng chặn đường yêu cầu đưa hết số tiền trong người, với tôi, đây không phải lần đầu gặp chuyện như vậy, nếu như những lần trước, có lẽ tôi đã ngoan ngoãn đưa hết tiền cho họ, nhưng lần này lại khác, tôi có Huy bên cạnh. Huy không đồng ý, khi bị bắt nạt ở trường, cậu thường im lặng vì cậu thấy vẫn ổn, nhưng điều đó không có nghĩa là cậu không biết tự bảo vệ mình, bảo vệ lẽ phải. Thấy Huy dù sức khỏe không tốt, di chuyển khó khăn nhưng vẫn chống trả quyết liệt, tôi cũng xông đến và phản kháng lại hành vi xấu của các bạn. Hậu quả là cả hai chúng tôi bị đánh cho một trận bầm dập. Tuy nhiên, tôi lại thấy vui vẻ và xứng đáng hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên trong đời, tôi dám chống lại sự bất công, hành vi sai trái để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ bạn tôi. Dù đau, nhưng cả hai đã bảo vệ được chỗ tiền tiêu vặt ít ỏi và niềm tin vào chính nghĩa của bản thân, vừa nhìn nhau, chúng tôi vừa cười không ngừng lại được. Về nhà với cơ thể nhiều vết thương, không thể không có lời giải thích với phụ huynh, Huy nói với tôi rằng: “Thật ra việc bị bắt nạt thì ai cũng có thể gặp phải, tớ cũng quen rồi, nhưng mà việc cậu tự biết để bảo vệ bản thân mới là điều tớ quan tâm, nếu cậu không là người đầu tiên bảo vệ bản thân mình thì ai sẽ là người bảo vệ cậu, và nếu cậu không thể bảo vệ bản thân cậu thì cậu có thể bảo vệ được ai nữa, đúng không?”. Lại lần đầu tiên, có người nói với tôi những điều đó, thay vì khen tôi thiện lương, an ủi tôi, Huy đã cho tôi dũng khí để có thể nói lên tiếng nói của mình. Tôi quyết định không im lặng nữa, chúng tôi thưa chuyện mình bị bắt nạt với người thân, ở trường, chúng tôi nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Huy cũng nói với tôi rằng, chúng tôi không cô độc, xung quanh còn rất nhiều người yêu thương, quan tâm, giúp đỡ chúng tôi.

Sau khi biết tình trạng của chúng tôi, mọi người trong gia đình đã động viên rất nhiều. Nhà tôi và nhà Huy sau khi biết hai đứa chơi thân cũng thường xuyên gặp mặt, tâm sự, chia sẻ về những vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là các câu chuyện xoay quanh việc vượt qua khó khăn, hỗ trợ cùng nhau hướng về phía trước. Cô giáo của chúng tôi sau khi biết sự việc cũng đã răn đe, báo với Ban giám hiệu về việc học sinh trong trường bắt nạt bạn. Nhà trường cũng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, song thỉnh thoảng, tôi và Huy cũng không tránh khỏi bị nhóm bạn xấu bắt nạt, trêu chọc. Dù vậy, tôi cũng rất vui vì có Huy làm bạn.

Nhưng chuyện vui ngắn chẳng tày gang, Huy mất sau một cơn ốm nặng. Thời gian đó, thế giới của tôi như mất đi màu sắc. Người bạn mà tôi những tưởng sẽ bên nhau mãi mãi đã ra đi đột ngột, để tôi lại với cảm giác cô đơn, trống rỗng. Nhiều đêm không thể vào giấc, sức khỏe không thể cầm cự, tôi đã đổ bệnh. Trong những ngày nghỉ ốm, bạn bè và thầy cô đã đến thăm tôi rất nhiều lần, họ chia sẻ cho tôi những kiến thức trên lớp, những sự kiện đã diễn ra trong những ngày tôi vắng mặt để tôi khỏi bỡ ngỡ khi trở lại trường. Biết tin, mẹ Huy cũng qua thăm tôi, trên tay bà cầm những quyển sách mà Huy thích, những câu truyện cậu ấy đang viết dở về những cuộc phiêu lưu của hai người anh hùng, bà nói rằng, đó là quà Huy để lại cho tôi. Từ vị trí một người mẹ, bà cảm ơn tôi, quãng thời gian chơi với tôi là thời gian mà bà cảm thấy Huy cười nhiều nhất. Bà nhẹ nhàng ôm lấy tôi, như cách mà bà vẫn thường ôm Huy và thủ thỉ rằng: “Con à, phải sống thật tốt nhé, sống cả phần của Huy”. Không biết người mẹ ấy có biết không, đứa con trai nhỏ bé của bà cũng là một người rất tuyệt vời, người đó đã dùng sự lạc quan của mình làm thay đổi cuộc đời của một người khác, kéo người đó ra khỏi bóng tối của sự tự ti và mặc cảm.

Sau ngày hôm đó, tôi đã có cái nhìn khác về thế giới xung quanh mình, dù Huy không còn, nhưng ước mơ của cậu vẫn còn đấy. Dù Huy không còn, nhưng những người quan tâm đến chúng tôi vẫn luôn bên cạnh. Tôi phải sống thật tốt, sống luôn cả phần của Huy. Trở lại trường học, lần đầu tiên, tôi chủ động xung phong lên bảng, chủ động giao tiếp với mọi người, chủ động giúp đỡ mọi người, mỗi ngày đều sống cởi mở hơn, cười nhiều hơn. Sau thời gian dài thu mình, cuối cùng, tôi đã phần nào có thể tự bảo vệ bản thân trước những hành động không mấy thiện chí từ một số bạn trong lớp, được thầy cô và bạn bè tin tưởng giới thiệu tham gia các hoạt động xã hội, thu gom rác thải, hỗ trợ những người gặp khó khăn… Dần dần, tôi đã có thêm những người bạn mới, được mọi người hỗ trợ tham gia các hoạt động xã hội khác, hòa nhập hơn với cuộc sống xung quanh. Mỗi ngày trôi qua, bằng nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của mọi người, tôi đã thay đổi rất nhiều, dù tôi không thông minh như bạn bè đồng trang lứa, nhưng giờ đây, tôi đã có thể tự lập và tìm kiếm các cơ hội phát triển của riêng mình.

Hôm nay là ngày giỗ của Huy, sau thời gian ngắn thăm cậu, tôi cần quay lại với cuộc sống của chính mình. Ở ngưỡng tuổi 30, tôi đã và vẫn đang bằng cách của mình từng bước hoàn thiện nốt những trang giấy trắng trong cuốn sách về anh hùng mà Huy đã bắt đầu, mỉm cười thật tươi chào đón mỗi ngày mới, thay cả phần của Huy.

* Luật Người khuyết tật năm 2010

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân

1. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật…

3. Mọi cá nhân có trách nhiệm tôn trọng, trợ giúp và giúp đỡ người khuyết tật.

Điều 14. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật.

2. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật…

* Nghị định 80/2017/NĐ-CP Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường

Theo đó:

Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập” (khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP).

Quy định về phòng, chống bạo lực học đường với các nội dung chi tiết:

- Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường;

- Biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường;

- Biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường.

(Điều 6 Nghị định 80/2017/NĐ-CP).