Hơn 06 năm kể từ ngày vào làm ở Công ty trách nhiệm hữu hạn NT, giờ đây, cô bé khuyết tật Nguyễn Thị H đã là một trong những công nhân lành nghề nhất của công ty. Nhìn lứa công nhân trẻ mới vào, H không khỏi bồi hồi nhớ lại cuộc “hành trình gian truân” của chính mình từ lúc “lọ mọ” đi học nghề cho đến khi được tuyển dụng chính thức vào công ty.
Sinh ra với một cánh tay không lành lặn như bao người khác, cuộc sống của H cũng có nhiều vất vả hơn. Mặc dù vậy, gia đình vẫn tạo điều kiện cho H đi học như các bạn đồng trang lứa. Vốn có tư chất thông minh, lại chăm chỉ, nên suốt thời gian học từ lớp 1 đến lớp 9, cô bé khuyết tật ấy luôn trong nhóm học trò xuất sắc đứng đầu lớp. Nhưng học đến hết cấp 2, nhà lại ở xa trường cấp 3, để được đi học thì H phải được người thân đưa đón vì em không tự đi được xe đạp. Trong khi bố H thì làm công nhân xây dựng thường xuyên vắng nhà, mẹ thì có mỗi chiếc xe đạp thồ rau, sáng nào cũng phải đi chợ bán hàng từ 5 giờ sáng. Mẹ bảo sẽ tìm người đưa đón H đi học hàng ngày, nhưng đường đến trường cấp 3 ở huyện xa hàng mười mấy cây số, ai chở không công? Mà mẹ lấy đâu ra tiền thuê xe ôm đưa đón H đi học hàng ngày? Công việc xây dựng không phải lúc nào cũng thuận lợi, nên bố H thi thoảng mới gửi được một đợt tiền về nhà, mẹ H ở nhà phải gồng mình lo trang trải tiền ăn học cho ba chị em H. Có đêm chợt thức giấc, H thấy mẹ chong đèn ngồi bó gối nhìn ra cửa sổ, đôi mắt thẫn thờ ngấn nước.
Hè năm ấy là mùa hè H mất nhiều nước mắt nhất, vì em hiểu được rằng mình sẽ khó có cơ hội được đến trường cấp 3 huyện như các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, là cô bé hiếu thảo, lại cộng thêm nghị lực vốn có, sau khi tự tìm hiểu thông tin, cộng với những lần tâm sự, chia sẻ với bạn bè và mấy chị lớn hơn cùng xóm, H đã quyết định nghỉ học, tìm kiếm nơi học nghề phù hợp để đi làm sớm, phụ giúp gia đình. Lúc đó H chỉ nghĩ rằng: “Rất nhiều anh, chị tốt nghiệp đại học nhưng vô cùng chật vật khi tìm kiếm việc làm. Nhiều người trong số họ phải đi làm trái nghề, bán hàng online, thậm chí cất bằng đại học đi xin làm công nhân. Như vậy vừa lãng phí thời gian, lại tốn kém tiền bạc. Nên mình cần đi học nghề để sớm tìm được việc làm, để có thể tự lập, bớt gánh nặng cho mẹ cha”.
Khi bắt đầu tìm kiếm trường nghề, H mới nhận ra việc lựa chọn được một nghề phù hợp với một người khuyết tật tại địa phương quả là một việc khó khăn. Khi đó, lần lượt các bạn cùng độ tuổi nộp hồ sơ, được gọi nhập học vào các trường trung cấp, cao đẳng với ngành nghề như nguyện vọng, còn hồ sơ của H cũng đã gửi đi nhưng “em vẫn chưa thể đi học nghề”. Hầu hết các trường trung cấp, cao đẳng ngay khi tiếp nhận hồ sơ của H đã trả lời rằng: “Hiện trường chưa có ngành nghề nào phù hợp với tình trạng khuyết tật của em, em thử tìm các trường khác xem nhé!” hoặc “Nhà trường chưa có đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với dạng tật của em và sức khỏe của em thì không thể đáp ứng được yêu cầu học ở các ngành nghề đào tạo của nhà trường”… Với mong muốn tìm được nghề phù hợp với bản thân, để có một tương lai tươi sáng hơn, H vẫn không ngừng hi vọng sẽ tìm được một trường trung cấp hay một trung tâm đào tạo nghề khác phù hợp với mình, họ sẽ những đánh giá khách quan nhất về khả năng học nghề của em. Ròng rã mấy tháng trời, ban ngày thì H cầm hồ sơ đi xin học nghề, tối đến H lại lên mạng tìm kiếm nơi tuyển sinh học viên nhưng đều không có kết quả. H cũng không nhớ mình đã đến bao nhiêu nơi, nộp bao nhiêu bộ hồ sơ nhưng nhận lại chỉ là con số không tròn trĩnh. Lại thêm những đêm nước mắt rơi vì buồn bã, tuyệt vọng! Nhiều lúc H chỉ muốn bỏ cuộc. Thế rồi cô bé ấy lại tự nhủ bản thân: “Cố gắng lên, rồi mình sẽ tìm ra trường nghề phù hợp”.
Thời điểm ấy, ở trong huyện có một công ty giày da mới mở, đang tuyển dụng rất đông công nhân, H giấu gia đình “liều” đi bộ gần chục cây số đến để xin làm việc. Cũng chỉ là “thử vận may” thôi, chứ H không dám tin mình sẽ được nhận lời mời phỏng vấn vào làm việc. Hôm đó, H nhớ nhất ánh mắt ngạc nhiên, thán phục của chị cán bộ nhân sự công ty sau khi xem Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở của H và phỏng vấn cô bé khuyết tật mảnh mai về quá trình đi tìm học nghề, tìm việc của em. Tuy nhiên, may mắn chưa thực sự đến với H, sau buổi phỏng vấn công ty thông báo H được nhận vào làm nhưng với điều kiện phải có chứng chỉ đào tạo nghề sơ cấp 03 tháng ở vị trí mà H muốn làm việc, bởi công ty không có người “cầm tay chỉ việc” cho H, yêu cầu tối thiểu H phải biết việc, còn lại sẽ được hướng dẫn thêm sau. Vấn đề khó khăn đặt ra cho H và gia đình thời điểm đó là chi phí học nghề. Gia đình hoàn cảnh khó khăn, không đủ tài chính, nguồn lực để lo chi phí ăn, ở, đi lại khi phải học nghề xa nhà. Chưa kể đến việc “sau khi học nghề xong thì liệu công ty có chắc chắn nhận em vào làm hay đã tìm được người khác thay thế, liệu khi đó em có tìm được việc làm khác phù hợp để sống độc lập không phụ thuộc vào gia đình hay không?” Những băn khoăn này cứ quanh quẩn trong đầu em mãi không có hướng giải quyết. Và lúc đó em đã phải từ bỏ công việc này do chưa đáp ứng được điều kiện, yêu cầu vào làm việc.
Sau đó ít ngày, “Trời không phụ lòng người” qua buổi gặp gỡ chị Huyền làm công tác bên Hội Người khuyết tật ở địa phương, H đã biết đến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, học nghề cho người khuyết tật trong thời gian dưới 03 tháng. Chị Huyền thông tin, mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, trong đó người khuyết tật sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo với mức tối đa 06 triệu đồng/người/khóa học, ngoài ra còn được hỗ trợ thêm chi phí ăn ở và đi lại nếu nhà ở xa cơ sở đào tạo. Nhận được tin, H vui vẻ chia sẻ thông tin này lại với gia đình mình, mọi người đều động viên, khích lệ H cố gắng làm hồ sơ đăng ký học nghề. Mặc dù vấn đề học phí đã có hướng giải quyết xong, nhưng việc tìm được đơn vị đào tạo, dạy nghề phù hợp vẫn còn là một khó khăn đối với H.
Nhận thấy được sự kiên trì của H và được gia đình nhiệt tình ủng hộ, chị Huyền đã giới thiệu H địa chỉ và thông tin của Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh với mong muốn giúp H sớm tìm được vị trí việc làm, tìm kiếm được những nơi đào tạo nghề phù hợp. Khoảng nửa tháng chờ đợi, đã có trường dạy nghề gửi thông báo nhập học với khóa đào tạo nghề trong thời gian dưới 03 tháng. Dù trường ở xa nhà nhưng với mong muốn được học nghề, H càng cố gắng, quyết tâm hơn. Tại trường học có nhiều ngành nghề để H lựa chọn và H đã lựa chọn nghề mộc mỹ nghệ với thời gian học nghề 2,5 tháng. Khi nhập học, thầy cô ở trường đã hướng dẫn nhiệt tình, trao đổi với H về chi phí đào tạo, thời gian đào tạo, trong đó, cô tiếp nhận hồ sơ vui mừng báo: “Em là người khuyết tật, có Giấy xác nhận khuyết tật rồi, nên em thuộc trường hợp được hỗ trợ chi phí học nghề với mức hỗ trợ 5.000.000 đồng/ khóa học đối với nghề mộc mỹ nghệ, tiền ăn được hỗ trợ với mức 30.000 đồng/ ngày thực học trong suốt quá trình đào tạo. Do ở xa trường, em còn được hỗ trợ tiền đi lại với mức 200.000 đồng/khóa học nhé!”. Mộc mỹ nghệ là nghề đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Với người không khuyết tật đã khó, với người khuyết tật khó khăn lại nhân lên gấp bội. Nhưng trước tấm lòng nhân ái, sự uốn nắn, chỉ bảo của các thầy cô, bạn bè ở trường đào tạo nghề và thêm sự “sáng dạ” vốn có, H đã vượt lên những thất bại để làm ra sản phẩm đầu tay. Thời gian thấm thoát trôi, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, H đã cầm trên tay giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo nghề của nhà trường.
Sau thời gian học nghề, H đã nộp hồ sơ xin việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn NT và thật may mắn, do đã được đào tạo nghề nên H đã được nhận vào làm việc với thời gian thử việc chỉ 01 tuần. Hiện, mức thu nhập của H đã đạt trên 05 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập đó tại địa phương, H đã phần nào đảm bảo được cuộc sống cho mình và cùng bố mẹ nuôi các em ăn học. “Em rất mong ngày càng có nhiều chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật có khả năng lao động, để giúp lao động người khuyết tật tìm được việc làm có thu nhập, tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng” - H chia sẻ.
Theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/09/2015, những đối tượng sau đây được hỗ trợ học nghề:
“Người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”.
* Điều kiện hỗ trợ:
Đối tượng thuộc diện được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 4 Điều 4 Thông tư 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng sau đây:
- Trong độ tuổi lao động (nữ từ đủ 15-55 tuổi; nam từ đủ 15-60 tuổi), có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn; trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì phải đủ 14 tuổi; những người không biết đọc, viết có thể tham gia học những nghề phù hợp thông qua hình thức kèm cặp, truyền nghề và phải đủ sức khoẻ phù hợp với ngành nghề cần học.
- Có phương án tự tạo việc làm sau học nghề đảm bảo tính khả thi theo xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc được đơn vị sử dụng lao động cam kết tuyển dụng hoặc có đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm sau học nghề.
- Đối với người khuyết tật: Phải có thêm giấy xác nhận khuyết tật hoặc thẻ xác nhận là người khuyết tật hoặc sổ lĩnh trợ cấp hàng tháng.
* Chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ:
Căn cứ điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 7 Thông tư 152/2016/TT-BTC, người khuyết tật tham gia khóa đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ như sau:
- Người khuyết tật được nhà nước hỗ trợ tối đa 06 triệu đồng/người/khóa học;
- Hỗ trợ tiền ăn, đi lại: 30.000 đồng/người/ngày thực học;
- Mức hỗ trợ tiền đi lại:
+ Nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên: 200.000 đồng/người/khóa học.
+ Trường hợp người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên: 300.000 đồng/người/khóa học.