Đây là tóm tắt của báo cáo nghiên cứu khảo sát thí điểm các dịch vụ hỗ trợ cơ bản cho người khuyết tật và nạn nhân bom mìn tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định được thực hiện đầu năm 2020 do các nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) thực hiện. Kết quả của nghiên cứu này được sử dụng cho các hoạt động thực địa của các dự án phát triển liên quan đến người khuyết tật và đặc biệt là người khuyết tật là nạn nhân bom mìn (NNBM). Khi sử dụng thông tin trong bài phân tích bình luận này các đối tác hoặc cá nhân nghiên cứu cần trích dẫn nguồn của ACDC đăng tải tại trang website: http://acdc.vn
Thay mặt các nghiên cứu viên: Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng.
1. Lĩnh vực chăm sóc y tế và phục hồi chức năng dành cho NNBM và người khuyết tật tại Quảng Bình
Bên cạnh kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, công tác chăm sóc sức khỏe người khuyết tật và NNBM còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu tập trung vào các yếu tố như: Cơ cấu tổ chức của các cơ sở y tế, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, ngân sách để thực hiện các hoạt động PHCN cho người khuyết tật . Theo đó, hệ thống mạng lưới chăm sóc sức khỏe và PHCN còn thiếu thốn, chưa có mô hình tổ chức các cơ sở PHCN chuyên biệt. Do đó, các chi phí liên quan đến PHCN sẽ được thanh toán theo danh mục chi trả BHYT của khoa y học cổ truyền trong khả năng thực tế của tỉnh. Trong trường hợp vượt quá năng lực chẩn đoán, điều trị của cơ sở y tế cấp huyện của tỉnh Quảng Bình, người bệnh được chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên hoặc chuyển sang các cơ sở y tế có thực hiện PHCN tại các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, kể từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Bình đã có kế hoạch triển khai công tác PHCN cho người khuyết tật , đặc biệt là PHCN dựa vào cộng đồng, cụ thể: Đánh giá nhu cầu PHCN của người khuyết tật ; duy trì và đẩy mạnh triển khai chương trình PHCN dựa vào cộng đồng; thành lập Khoa Vật lí trị liệu - PHCN trong các bệnh viện đa khoa; tăng cường công tác đào tạo cán bộ chuyên khoa PHCN; tăng cường đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho chuyên khoa PHCN[1];…
Số liệu về người khuyết tật và NNBM đã được thu thập thông qua phần mềm quản lý thông tin và đăng ký người khuyết tật và nạn nhân bom mìn là 1235 người. Hơn nữa, NNBM đều đang trong độ tuổi từ 18 đến 60, đây là độ tuổi lao động, 46% trong số họ là người già 59-61 tuổi. Bố Trạch và Lệ Thủy là hai huyện có số lượng NNBM có nhu cầu chăm sóc sức khỏe và phát thuốc cao hơn so với các huyện/thành phố khác. Theo ghi nhận có tổng số 123 NNBM cần dụng cụ và dịch vụ PHCN, 57 người trong số họ đang trong độ tuổi lao động 18-60 tuổi và 66 người trong độ tuổi người già từ 61 đến 90 tuổi. Các dụng cụ PHCN cho NNBM tại Quảng Bình tổng số là 130 người có nhu cầu bao gồm xe lăn, xe lắc, xe đẩy, máy trợ thính, khung tập đi, kính cho người khuyết tật nhìn, chân tay giả. Trong đó kính cho người khuyết tật nhìn, và chân tay giả là có nhu cầu nhiều nhất.
Nhìn chung cần đảm bảo đầu tư tuyến chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại một số huyện có nhiều người khuyết tật mức độ ưu tiên như sau: Bố Trạch; Quảng Ninh; Lệ Thuỷ; Quảng Trạch; Tuyên Hoá; Ba Đồn một số điểm như cơ sở vật chất cần đảm bảo tiếp cận vật lý; các dịch vụ chăm sóc y tế một số bệnh mãn tính cho NNBM cao tuổi như tăng huyết áp; tiểu đường; tim mạch; hỗ trợ các dịch vụ dụng cụ PHCN như nạng; nẹp; chân tay giả cho nhóm vận động và mắt giả, kính mắt cho nhóm khuyết tật nhìn và máy trợ thính cho nhóm khuyết tật nghe. Lưu ý ưu tiên khám chữa bệnh từ dịch vụ của dự án với những nhóm khuyết tật nhẹ hoặc chưa được xác định mức độ khuyết tật chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí từ nhà nước chi trả.
2. Lĩnh vực chăm sóc y tế và phục hồi chức năng dành cho NNBM và người khuyết tật tại Bình Định.
Căn cứ trên kết quả khảo sát từ đại diện từ Sở Y tế, hiện nay có 18 bác sĩ đa khoa và bác sĩ y học cổ truyền; 20 điều dưỡng có chuyên ngành PHCN trên tổng số 11 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện được công tác PHCN cho người khuyết tật , còn lại 03 huyện miền núi là An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh cần tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng thêm về kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ về PHCN do kỹ năng của cán bộ PHCN còn yếu. Ngoài ra, Bệnh viện PHCN đã sát nhập với bệnh viện y học cô truyền kể từ ngày 01/01/2019. Trong năm 2020, Sở Y tế có kế hoạch thành lập khoa PHCN trong bệnh viện đa khoa của tỉnh. Tại các cơ sở y tế tuyến huyện, công tác PHCN hầu hết đều được lồng ghép vào chuyên khoa y học cổ truyền, tương tự như kết quả khảo sát tại tỉnh Quảng Bình. Cũng theo nhận định của đại diện Sở Y tế, các cơ sở y tế tuyến huyện hiện nay cũng đang thiếu hụt trầm trọng số lượng bác sĩ PHCN, mặc dù đã có chính sách thu hút nguồn nhân lực từ 3 năm trở lại đây. Không chỉ hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác PHCN cũng được đánh giá là chưa thực sự đảm bảo tiếp cận cho các bệnh nhân là người khuyết tật . Tại tuyến xã, 100% trạm y tế có phân công cán bộ y tế phụ trách công tác PHCN[2]. Từ năm 2002 đến nay, tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã, cụ thể: Lập sổ theo dõi sức khỏe người khuyết tật , khám sức khỏe định kỳ cho người khuyết tật và 20% người khuyết tật được hướng dẫn chăm sóc PHCN tại nhà… Riêng chương trình PHCN dựa vào cộng đồng tại cấp xã đang gặp một số vướng mắc như: cơ chế chuyển giao kỹ thuật và trách nhiệm giữa các các bên chưa rõ ràng; chưa có chính sách chi trả hỗ trợ cho nhân viên y tế thực hiện PHCN dựa vào cộng đồng… Ngoài ra, thông qua quá trình phỏng vấn sâu cán bộ y tế xã, nhóm nghiên cứu được biết cán bộ, nhân viên y tế cấp xã, phường, thị trấn thực hiện thêm nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn về thành phần hồ sơ và thủ tục xác định mức độ khuyết tật đối với NKT tới trạm y tế KB, CB mà họ chưa biết đến thủ tục này.
Trong những năm vừa qua, ngành y tế của tỉnh đã chú trọng xây dựng các cơ sở y tế đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng (đối với các công trình được xây dựng từ sau năm 2015), bằng chứng là các công trình xây dựng mới đã có đường dốc cho xe lăn, kích thước của lối vào các phòng khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo rộng rãi… Tuy nhiên, theo phản ánh của người khuyết tật và NNBM trong các cuộc khảo sát, họ cho rằng phòng khám bệnh của nhiều bệnh viện thường đặt tại tầng 2 hoặc các tầng cao trong khi chưa có thang máy nên gây khó khăn trong quá trình di chuyển của người khuyết tật , đặc biệt là người khuyết tật vận động và người khuyết tật nhìn.
3. Lĩnh vực giáo dục dành cho người khuyết tật và NNBM tại Quảng Bình.
Hiện tại, tổng số học sinh khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 1.736 học sinh, trong đó có hơn 300 học sinh khuyết tật được nuôi dạy theo hình thức chuyên biệt tại các trung tâm trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, nhà trường và giáo viên luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc học tập cũng như phát triển kỹ năng của cá nhân, đồng thời tạo mối quan hệ khăng khít giữa gia đình và nhà trường trong việc phối hợp công tác chăm sóc, giáo dục để việc học tập và rèn luyện của trẻ đạt hiệu quả cao; các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh khuyết tật thuộc diện hưởng đều được thực hiện kịp thời, đảm bảo đầy đủ, đúng chế độ. Tuy nhiên, hệ thống trường học, lớp học, chương trình giảng dạy, thiết bị dạy học dành riêng cho người khuyết tật trên thực tế chưa đáp ứng nhu cầu và khả năng học tập của người khuyết tật . Thông qua quá trình thực địa và phỏng vấn các đối tượng khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy một số vấn đề còn tồn tại ở hai loại hình cơ sở giáo dục – cơ sở giáo dục hòa nhập và cơ sở giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật , cụ thể:
Toàn tỉnh hiện tại chỉ có 3 trường chuyên biệt chia theo 3 vùng đại diện của tỉnh là: Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật thành phố Đồng Hới; Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật huyện Quảng Trạch và Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật huyện Lệ Thủy. Học sinh khuyết tật tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt này chủ yếu ở hai dạng: Khuyết tật nghe – nói và khuyết tật trí tuệ. Về cơ bản, các cơ sở giáo dục chuyên biệt cũng gặp phải một số khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất tương tự như đối với các cơ sở giáo dục hòa nhập trên địa bàn tỉnh. Trong nhiều năm nay, trường không có đủ kinh phí để cải tạo, sửa chữa các phòng học, mua mới các thiết bị và đồ dùng giảng dạy. Khi tiến hành thực địa, nhóm nghiên cứu nhận thấy nhiều phòng học của một cơ sở giáo dục chuyên biệt đã xuống cấp, không còn đảm bảo điều kiện an toàn để dạy và học: Nền nhà lún, đèn hỏng, khung cửa sổ bằng gỗ đang bị mục, trần nhà dột, ẩm thấp…). Ngoài những hạn chế về cơ sở vật chất, các cơ sở giáo dục chuyên biệt cũng gặp phải một số khó khăn như: Thiếu hụt về số lượng giáo viên giảng dạy chuyên trách; việc lập kế hoạch học tập cá nhân chưa phù hợp với từng dạng tật hoặc mức độ khuyết tật nên chưa đạt được hiệu quả cao; tại Quảng Bình, hình thức giáo dục chuyên biệt chỉ dừng lại ở cấp tiểu học, do đó, rất ít học sinh khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục chuyên biệt có thể học lên được những bậc học cao hơn…
4. Lĩnh vực giáo dục dành cho người khuyết tật và NNBM tại Bình Định.
Hiện nay, trên địa bàn có khoảng 1.012 trẻ em khuyết tật được đi học tại các cơ sở giáo dục, trong đó hai dạng khuyết tật chiếm tỉ lệ cao nhất là khuyết tật vận động và khuyết tật trí tuệ. Ở lớp, ngoài việc được học văn hóa, các em được dạy các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ phù hợp với lứa tuổi, được nhà trường và các thầy cô tạo điều kiện tốt nhất về tinh thần cũng như vật chất giúp các em hòa nhập cộng đồng, tạo cơ hội phát triển năng lực bản thân góp phần tạo bầu không khí thân thiện trong nhà trường. Hơn nữa, trẻ em khuyết tật học tại các cơ sở giáo dục được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập khi thuộc đối tượng và đủ điều kiện hưởng theo quy định pháp luật (Điều 7, Điều 10 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, ngành giáo dục tỉnh Bình Định cũng gặp phải những khó khăn tương tự như ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình. Để tìm hiểu những vướng mắc trong ngành giáo dục, nhóm nghiên cứu cũng tiếp tục chia đối tượng khảo sát thành hai nhóm: Nhóm các cơ sở giáo dục áp dụng phương pháp giáo dục hòa nhập và nhóm các cơ sở giáo dục chuyên biệt.
Công tác giáo dục hòa nhập tại các trường học còn gặp nhiều khó khăn do trình độ giáo viên còn hạn chế, hầu hết các giáo viên đều chưa được đào tạo chuyên sâu về giáo dục đặc biệt cho học sinh khuyết tật nên chưa nắm bắt được đặc điểm tâm lý của học sinh để từ đó xây dựng phương pháp giảng dạy cũng như kế hoạch học tập cá nhân phù hợp cho các em. Bởi lẽ, phần lớn học sinh khuyết tật học hòa nhập là trẻ khuyết tật trí tuệ, do đó, nhận thức và khả năng tiếp thu của các em có phần hạn chế hơn các bạn không khuyết tật trong lớp. Vì vậy, giáo viên thường phải dành rất nhiều thời gian để hướng dẫn trên lớp và tranh thủ kèm cặp thêm ngoài giờ học. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ các giáo viên đang giảng dạy trực tiếp cho trẻ khuyết tật, càng về những năm cuối cấp thì khối lượng kiến thức cũng ngày càng đồ sộ và phức tạp, đồng nghĩa với việc thời gian hỗ trợ riêng cho trẻ khuyết tật bị giảm xuống. Lúc này, nhà trường cần rất nhiều sự hỗ trợ, phối hợp từ gia đình của trẻ và các học sinh khác trong lớp. Mặt khác, việc thiếu trang thiết bị, giáo trình, tài liệu, sách giáo khoa đặc thù cho trẻ khuyết tật cũng là nguyên nhân làm giảm tính hiệu quả trong quá trình giảng dạy đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục hòa nhập. Nhiều gia đình khá ngần ngại trong việc thực hiện thủ tục xác định mức độ khuyết tật cho trẻ, mặc dù nhà trường đã động viên rất nhiều lần. Bên cạnh đó, kết quả phỏng vấn cho thấy đa số phụ huynh của học sinh khuyết tật đều mong muốn con mình được học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập.
Chương trình giáo dục chuyên biệt đã được đưa vào áp dụng trên thực tế từ lâu, tuy nhiên, giáo viên trong các cơ sở này không phải ai cũng được tập huấn và cập nhật những kiến thức mới liên quan đến sách giáo khoa, phương pháp áp dụng chương trình giáo dục; Số lượng học sinh khuyết tật có khả năng chuyển sang phương thức giáo dục hòa nhập thấp, trong khi đó hình thức giáo dục chuyên biệt tại Bình Định cũng chỉ dừng lại ở cấp tiểu học; Nhân viên bảo mẫu, nhân viên hỗ trợ giáo dục chuyên biệt chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm trên thực tế do nguồn ngân sách của tỉnh chưa đảm bảo…
5. Lĩnh vực công tác xã hội, bảo trợ xã hội, sinh kế và các vấn đề an sinh xã hội khác tại Quảng Bình
Theo chia sẻ từ đại diện ngành lao động, Hội đồng xác định khuyết tật cấp xã (Hội đồng cấp xã) gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật . Một số thành viên trong Hội đồng cấp xã cho rằng, họ gặp lúng túng khi xác định mức độ khuyết tật đối với các dạng tật có biểu hiện phức tạp, khó xác định được bằng phương pháp quan sát trực quan hoặc sử dụng bảng hỏi về mức độ phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân. Bên cạnh đó, việc xác định mức độ khuyết tật giữa các xã, phường, thị trấn không có sự nhất quán, đặc biệt là những người có dạng tật “khác”. Liên quan đến vấn đề quản lý đối tượng, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 31.003 người khuyết tật , trong đó có 4.579 người khuyết tật tai nạn do bom mìn, vật nổ[3].Theo đại diện của Sở LĐTBXH, hiện tại thông tin và cập nhật số liệu về người khuyết tật trên địa bàn còn hạn chế, do đó, việc giải quyết hoặc điều chỉnh chế độ hưởng còn chưa đảm bảo kịp thời, đúng người, đúng việc.
Việc xác định mức độ khuyết tật sẽ rất quan trọng với tất cả những người khuyết tật cũng như NNBM. Vì có giấy xác định mức độ khuyết tật họ sẽ được nhận các dịch vụ ưu đã của nhà nước cũng như của các đơn vị trợ giúp NNBM cũng như người khuyết tật trên địa bàn. Tuy nhiên trong phân tích số liệu chúng tôi vẫn còn thấy một số huyện vẫn còn nhiều người là NNBM chưa được xác định mức độ khuyết tật như tại Huyện Quảng Ninh còn hơn 140 người; Bố Trạch: hơn 100 người…;
Ngoài ra các dịch vụ an sinh xã hội khác đối với NNBM và người khuyết tật trên địa bàn tỉnh cũng cần được lưu ý. Tại một số huyện vẫn còn những gia đình của NNBM còn nhà dột nát hoặc bán kiên cố, công trình nước vệ sinh hoặc nhà vệ sinh tạm bợ không đạt tiêu chuẩn như huyện Lệ Thuỷ còn 12 hộ gia đình; huyện Minh Hoá còn có gần 20 gia đình; Huyện Minh Hoá còn hơn 70 nhà bán kiên cố hoặc dột nát; Tuyên Hoá hơn 40 nhà; Quảng Trạch hơn 40 hộ gia đình cần được cải tạo nhà cửa và công trình vệ sinh hoặc nâng cấp hoặc đầu tư công trình vệ sinh và nước sạch đạt tiêu chuẩn.
Đào tạo nghề và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và NNBM:
Trình độ giáo dục của NNBM và người khuyết tật cũng rất hạn chế trong nhóm độ tuổi lao động. Vì vậy số lượng người khuyết tật học nghề và các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật còn ít; người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn ngành nghề và địa chỉ đào tạo nghề phù hợp; các trung tâm đào tạo nghề đa phần vẫn còn mang tính chất thiện nguyện xã hội nên cơ sở vật chất vẫn còn chưa đảm bảo, thiết bị máy móc phục vụ thực hành còn thiếu, giáo viên chưa có kinh nghiệm dạy nghề cho những nhóm yếu thế như thế này. Ví dụ như tại Huyện Minh Hoá có 49 NNBM nhưng chỉ có dưới 10 người đã học đào tạo nghề trình độ sơ cấp và trung cấp. Số lượng người khuyết tật có việc làm cũng không nhiều và đa phần làm nghề nông, lâm nghiệp hoặc làm tự do vì trình độ giáo dục của họ cao nhất cũng rất ít người có từ THCS trở lên. Tại Bố Trạch có hơn 100 người có nguồn thu nhập thông qua việc làm nông, lâm, ngư nghiệp và tự kinh doanh. Đa phần trong số họ chưa qua đào tạo nghề chính quy của nhà nước. Nghề phổ biến của NNBM và người khuyết tật tại đây là nghề mộc cho nhóm có khuyết tật vận động và mức độ khuyết tật nhẹ.
6. Lĩnh vực công tác xã hội, bảo trợ xã hội, sinh kế và các vấn đề an sinh xã hội khác tại Bình Định
Hiện nay trên toàn tỉnh hiện có 43.729 người khuyết tật, nhiều dạng tật, trong đó có 6.731 người khuyết tật đặc biệt nặng và 31.391 người khuyết tật nặng; trên 2.000 NNBM do tai nạn thương tích khi lao động, khai hoang,… Các trường hợp được nhận trợ cấp xã hội đều được UBND xã chi trả đầy đủ, thông thường sẽ chi trả qua Bưu điện. Ngoài việc triển khai Đề án của Thủ tướng chính phủ theo Quyết định số 1019/TTg cũng như Luật người khuyết tật 2010 và các văn bản hướng dẫn về bảo trợ, xác định mức độ khuyết tật, Sở LĐTBXH hàng năm vẫn tiến hành tham mưu cho UBND tỉnh về triển khai các chính sách dành cho người khuyết tật trên địa bàn. Sở đã thực hiện các hoạt động bảo trợ xã hội thông thường như cải tạo nhà cửa cho một số trường hợp người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng quà cho người khuyết tật nhân dịp ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4…
Ngoài những thuận lợi, khó khăn của ngành lao động trong công tác bảo trợ xã hội hiện nay chủ yếu tập trung ở khía cạnh xác định mức độ khuyết tật tại Hội đồng cấp xã và quản lý các trường hợp là NKT và NNBM trên địa bàn. Cụ thể:
- Khó khăn trong việc xác định mức độ khuyết tật: Cán bộ văn hóa xã hội của một phường của thành phố Quy Nhơn cho rằng, năng lực của thành viên Hội đồng còn hạn chế. Một số trường hợp trẻ em bị khuyết tật trí tuệ, khuyết tật khác (Ví dụ: tự kỷ) khi đưa ra Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thường có những ý kiến trái chiều nên rất khó để đưa ra được kết luận cuối cùng. Mặt khác, trong thời gian gần đây, địa phương phát sinh nhiều trường hợp bị bệnh tim, bị bệnh hiểm nghèo… đến làm hồ sơ xác định mức độ khuyết tật. Các trường hợp này thường phải giới thiệu tới HĐ GĐYK cấp tỉnh và chi phí giám định sẽ do ngân sách UBND phường sẽ chi trả. Với số lượng hồ sơ nhiều như vậy, UBND phường không đủ ngân sách để thực hiện hoạt động này.
- Khó khăn trong việc quản lý tình hình đối tượng là người khuyết tật , NNBM: Do việc quản lý hồ sơ người khuyết tật được nhận trợ cấp hàng tháng (UBND cấp xã quản lý) và việc chi trả tiền trợ cấp hàng tháng (thông qua Bưu Điện) do hai đơn vị khác nhau thực hiện nên phường cũng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý đối tượng này. Tương tự như thực trạng tại tỉnh Quảng Bình, việc khó khăn trong quản lý cũng sẽ dẫn đến việc giải quyết hưởng, điều chỉnh chế độ không kịp thời, đúng người, đúng việc.
- Thiếu nhân lực trầm trọng: Khối lượng công việc tại UBND cấp xã ngày càng nhiều, trong khi đó, các cán bộ văn hóa xã hội phải kiêm nhiệm nhiều mảng công việc nên không thể quan tâm sâu sát đến từng cá nhân NKT. Bên cạnh đó, một số cán bộ hoặc cộng tác viên bảo trợ cũng chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn trong công tác trợ trợ giúp NKT.
Đối với công tác đào tạo nghề và sinh kế cũng như công tác hỗ trợ NNBM và NKT:
Trong những năm 2016 – 2019, tỉnh Bình Định đẩy mạnh thực hiện chính sách đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT. Nhận thức về học nghề của NKT vẫn còn nhiều hạn chế, NKT còn mặc cảm, tự ti trong quá trình hòa nhập xã hội, chưa mạnh dạn thoát ly trên con đường lập nghiệp; Số lượng trung tâm dạy nghề cho NKT, NNBM còn ít, phần lớn các trung tâm dạy nghề chưa có phương pháp giảng dạy phù hợp với khả năng tiếp thu của học viên khuyết tật; Chính sách đào tạo nghề cho NKT tuy đã được quan tâm, ưu đãi nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ăn, ở, đi lại cho học viên, do đó chưa đủ tiềm lực để thu hút số lượng đông đảo NKT tham gia học nghề.
Nhu cầu về sinh kế và đào tạo nghề sẽ được xem xét kỹ lương hơn khi có các cán bộ xã hội đánh giá quản lý từng ca. Cầm tay chỉ việc sẽ được áp dụng với các doanh nghiệm vừa và nhỏ tại địa phương hoặc được áp dụng với các trung tậm đào tạo nghề do Phòng lao động thương binh và xã hội hay các tổ chức xã hội khác như Đoàn thanh niên, Hội LHPN quản lý, tùy thuộc vào nhu cầu và tình hình thực tế của NNBM tại địa phương.
Những người khuyết tật nhẹ có thể khuyến khích tham gia sinh hoạt sản xuất nông, lâm, ngư và diêm nghiệp. Với những người khuyết tật trí tuệ và những người khuyết tật nặng, ngành nghề thủ công hoặc các công việc đơn giản có thể áp dụng để đào tạo nghề. Hỗ trợ sinh kế cần được triển khai vì đây cũng là một trong các mối quan tâm về phát triển bền vững do các tổ chức LHQ hướng tới.
Có một số mô hình hỗ trợ sinh kế thành công như Hội LHPN hỗ trợ cho những người yếu thế trên địa bàn tỉnh và khu vực ta có thể áp dụng cho hỗ trợ NNBM bao gồm cả những chương trình vay vốn tín dụng nhỏ để phát triển kinh tế gia đình thông qua các nhóm tín dụng nhỏ.
Trên đây là tóm tắt của nghiên cứu thực địa tại địa bàn 2 tỉnh là Quảng Bình và Bình Định trên một số dịch vụ trợ giúp người khuyết tật và NNBM là y tế và phục hồi chức năng; giáo dục; CTXH và đào tạo nghề do Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) thực hiện.
[1] Quyết định số 1178/QĐ-UBND ngày 15/10/2013 của UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt kế hoạch triển khai công tác phục hồi chức năng cho NKT giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020; Kế hoạch số 1711/KH-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình ngày 12/10/2018 về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho NKT giai đoạn 2018 – 2020.
[2] Báo cáo thực hiện Đề án 1019 tỉnh Bình Định.
[3] Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Báo cáo Công bố số liệu về NKT và NNBM trên địa bàn hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định, 2019.