Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Một số vấn đề vướng mắc trong quy định và thực tiễn thi hành về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với người khuyết tật

  • Thực hiện: Phạm Hương Thảo
  • 31/10/2019

Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được xem là một hình thức công nhận những kiến thức chuyên môn, năng lực thực hành mà người lao động đã tích lũy được trong quá trình học tập, làm việc cũng như khả năng ứng dụng kiến thức, năng lực đó vào công việc thực tế, đồng thời khuyến khích người lao động không ngừng nâng cao trình độ nhằm góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới. Hiện nay, vấn đề về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được điều chỉnh bởi Luật Việc làm năm 2013 (trước đây vấn đề này được quy định trong Luật Dạy nghề năm 2006) và một số văn bản hướng dẫn thi hành khác[1]. Tuy nhiên, liên quan đến chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với người khuyết tật nói riêng vẫn còn khá nhiều điểm đáng bàn.

Quy định về phương thức thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề quốc gia chưa toàn diện

Điều 16 Nghị định số 31/2015/NĐ-CP quy định người lao động có thể đăng ký tham dự đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề theo các bậc từ 1 – 5 tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng của mình. Bất kỳ người lao động nào (có thể hiểu trong đó bao gồm lao động là người khuyết tật) có nhu cầu đều có quyền đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá, cấp kỹ năng nghề quốc gia ở trình độ kỹ năng nghề bậc 1 của một nghề. Đối với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề từ bậc 2 trở đi, người lao động phải đáp ứng một trong số các điều kiện sau đây[2]: (i) Có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc thấp hơn và có số năm kinh nghiệm làm việc[3] theo yêu cầu trong nghề kể từ khi có chứng chỉ đó; (ii) hoàn thành xong bậc đào tạo tương ứng với yêu cầu của nghề tham dự; (iii) có số năm kinh nghiệm theo yêu cầu nếu như chưa qua chương trình đào tạo nghề hoặc chưa tham dự kỳ thi đánh giá, cấp chứng chỉ nghề quốc gia ở bậc thấp hơn.

Nhìn chung, quy định về điều kiện dự thi đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo các bậc trình độ kỹ năng nghề đã “mở rộng” cơ hội tham gia cho tất cả người lao động trên cơ sở bình đẳng và phù hợp với năng lực của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, hình thức thực hiện bài thi theo pháp luật hiện hành vẫn chưa tính toán đến khả năng tiếp cận đối với các nhóm thí sinh khác nhau. Theo Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 31/2015/NĐ-CP, hình thức đánh giá kiến thức chuyên môn, kỹ thuật của người tham dự có thể chia thành ba nhóm chính, bao gồm: (i) Kiểm tra trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy tính; (ii) kiểm tra viết trên giấy và (iii) kết hợp giữa kiểm tra trắc nghiệm (trên giấy hoặc trên máy tính) với kiểm tra viết trên giấy. Tính đến thời điểm này, trong các văn bản hướng dẫn đều vắng bóng các quy định chi tiết về phương thức kiểm tra, đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đối với một số nhóm lao động đặc thù, đặc biệt là lao động là người khuyết tật. Vì vậy, điều này có khả năng dẫn đến tình trạng bất lợi đối với người khuyết tật (ở một số dạng khuyết tật) khi tham gia kỳ thi đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Chẳng hạn như, đối với người khuyết tật nhìn, quy định về hình thức thực hiện bài thi chưa làm rõ được khía cạnh cần đảm bảo cho họ được sử dụng chữ nổi Braille hoặc chuyển sang một hình thức kiểm tra khác để phù hợp (Ví dụ: Thay vì viết, làm bài trên máy tính có thể chuyển sang hình thức thi vấn đáp,…). Tương tự như vậy, tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định số 31/2015/NĐ-CP, việc đánh giá kỹ năng thực hành công việc và tuân thủ quy trình an toàn lao động, vệ sinh lao động thông qua hình thức thao tác trên giấy để xử lý, giải quyết tình huống cũng chưa quy định theo hướng nhấn mạnh việc trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị hỗ trợ để người khuyết tật có thể thực hiện một cách bình đẳng như những người lao động khác.

Tác động của quy định trong Bộ luật lao động 2012 tới chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với người khuyết tật trên thực tiễn

Điều 35 Luật Việc làm năm 2013 và Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 31/2015/NĐ-CP quy định những công việc bắt buộc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gồm: (i) Công việc thuộc danh mục công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm[4] (Ví dụ: May khuyết, cúc trong may công nghiệp; vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng máy tàu khoan; giám sát viên, điều hành viên hệ thống hành hải tàu thuyền; v.v…);  (ii) Công việc khi người lao động thực hiện công việc đó có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của cộng đồng hoặc sức khỏe của người khác[5] (Ví dụ: Quản lý và phục vụ tại khu vui chơi, giải trí trong tầng hầm có diện tích trên 1000m2; sửa chữa bảo dưỡng thiết bị y tế sử dụng điện tử, điều khiển bằng điện tử, khí áp lực và quang học;v.v…). Mặt khác, Khoản 2 Điều 178 Bộ luật lao động năm 2012 lại cấm người sử dụng lao động sử dụng lao động là người khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành. Có thể thấy sự vướng mắc khi kỳ thi đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia không loại trừ bất kỳ người lao động nào nhưng cánh cửa để mở ra cơ hội khẳng định khả năng của bản thân cũng như cơ hội tìm kiếm việc làm đối với người khuyết tật nói riêng dường như vẫn đang khép chặt. Cụ thể:

Thứ nhất, khi người khuyết tật được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với các công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm cũng không được tuyển dụng vào vị trí làm việc tương ứng do thuộc vào hành vi bị cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của Bộ luật lao động. Trong khi đó, việc được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chứng tỏ lao động khuyết tật đã đạt tiêu chuẩn nghề về ba nội dung: (i) Kiến thức chuyên môn, kỹ thuật; (ii) kỹ năng thực hành công việc; (iii) quy trình an toàn lao động, vệ sinh lao động[6]; do đó họ hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu công việc trên cơ sở nguyện vọng và khả năng thực tế của bản thân. Như vậy, việc cấm sử dụng lao động khuyết tật làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không những làm giảm tính ứng dụng của chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trên thực tế mà còn hạn chế cơ hội có việc làm của người khuyết tật và giới hạn ngành nghề người khuyết tật có thể làm việc.

Thứ hai, việc cấm sử dụng người khuyết tật làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vô hình chung làm thu hẹp khả năng đáp ứng điều kiện đăng ký tham dự kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia đối với những công việc này từ bậc 2 trở lên của người khuyết tật. Bởi lẽ, hai trong số ba điều kiện (trừ trường hợp người khuyết tật đã hoàn thành xong bậc đào tạo tương ứng với yêu cầu của nghề tham dự) đều yêu cầu số năm kinh nghiệm làm việc.

Khuyến nghị

Thứ nhất, bổ sung Điều 20 Nghị định số 31/2015/NĐ-CP quy định về phương thức thực hiện việc đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo hướng cụ thể như sau: (i) Bổ sung thêm một Điểm tại mỗi Khoản 2, Khoản 3 Điều 20 về hình thức thi vấn đáp trong trường hợp cần thiết. Việc lựa chọn hình thức thi trong trường hợp đặc biệt sẽ do người đứng đầu tổ chức đánh giá kỹ năng nghề hoặc trưởng ban giám khảo của kỳ thi quyết định (ii) Bổ sung thêm một Khoản tại Điều 20 quy định rõ việc đảm bảo trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị cho các thí sinh là người khuyết tật khi thực hiện bài thi theo hình thức viết trên giấy hoặc thao tác trên máy tính. Trường hợp cơ sở tổ chức kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia không thể bố trí được thiết bị thì thí sinh được sử dụng thiết bị, phương tiện cá nhân đã qua kiểm tra về độ tin cậy, trung thực.   

Thứ hai, cần nghiên cứu bãi bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 178 Bộ Luật Lao động năm 2012 về việc cấm sử dụng lao động là người khuyết tật làm một số công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc sửa đổi theo hướng ban hành riêng một danh mục công việc nặng nhọc độc hại mà lao động là người khuyết tật không được làm. Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng, ban hành Danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với người khuyết tật, trong đó, cần lưu ý phải tiến hành nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng đối với danh mục này để đảm bảo người khuyết tật không bị loại trừ cơ hội việc làm. Điều này sẽ góp phần tạo cơ chế pháp lý nhằm (i) khuyến khích lao động là người khuyết tật tham gia đánh giá kỹ năng nghề quốc gia để hoàn thiện, nâng cao trình độ kỹ năng nghề phục vụ doanh nghiệp và (ii) tăng cường cơ hội việc làm của lao động là người khuyết tật (trường hợp này hợp đồng lao động sẽ hoàn toàn dựa trên thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động).

 

[1] Nghị định số 31/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Thông tư số 38/2015/TT-BLĐTBXH quy định về chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, cấp và quản lý việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Thông tư số 56/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, v.v…

[2] Xem thêm: Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 31/2015/NĐ-CP.

[3] Theo Khoản 6 Điều 16 Nghị định số 31/2015/NĐ-CP: Thời gian kinh nghiệm làm việc trong nghề được xác định thông qua hợp đồng lao động được giao kết bằng văn bản giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận đối với người lao động tự tạo việc làm.

[4] Danh mục các công việc này hiện đang được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH, Quyết định số 03/2006/QĐ-BLĐTBXH, Quyết đinh số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH,…

[5] Danh mục các công việc này đang được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 31/2015/NĐ-CP.

[6] Xem thêm: Khoản 2 Điều 30 Luật Việc làm năm 2013.