Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chuyện buồn nhà chị Mai

  • Thực hiện: Lê Hoa
  • 25/10/2023

Hôm nay ở nhà một mình, sau khi dâng đĩa trái cây thắp nhang trên bàn thờ ba má, chị Mai ngồi thừ người nhớ lại mọi chuyện xảy ra với gia đình chị mấy năm qua. Chị vẫn không khỏi bàng hoàng vì mới có mấy năm mà bao chuyện buồn, bao xáo trộn xảy ra dồn dập đến với mọi người trong gia đình, đặc biệt là với riêng chị.

Chị Mai là người khuyết tật vận động, làm mẹ đơn thân. Cô con gái xinh xắn tên Na đến nay cũng đã được 11 tuổi, chăm học và rất biết thương mẹ. Trước khi má mất và anh cả ly dị, mẹ con chị sống cùng má và gia đình vợ chồng người anh trai, vợ chồng cậu em út trên mảnh đất của ba má. Người anh lớn làm công việc vận chuyển thuê cho các chủ sạp hàng ngoài chợ, người chị dâu có một quán nhỏ gội đầu cắt tóc ngoài chợ huyện. Vợ chồng cậu út chưa có con, làm công nhân cách nhà ngót 20 km. Chị Mai do sức khỏe yếu nên cũng chỉ quanh quẩn ở nhà chăn nuôi, trồng rau, thi thoảng nhận đồ về thêu thùa kiếm thêm tiền nuôi con, phụ má. Cuộc sống diễn ra khá êm đềm, tối tối đại gia đình quây quần bên mâm cơm, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả. Má rất thương chị Mai thiệt thòi. Bà thường nói với hai cậu con trai: “Nhà này có mỗi cái Mai là gái, lại bị tật, tụi bay phải thương má con nó, nhất là sau khi tao chết đi”.

Tuy nhiên người chị dâu cả là người đàn bà khá tính toán. Hồi chưa ly dị với anh trai chị Mai, chị ta đã nhiều lần tỉ tê với chồng hối thúc mẹ chồng sớm chia đất. Theo chị ta: anh chồng là con trai trưởng nên “phải được chia hai phần ba diện tích mảnh đất”, sau đấy sẽ bán bớt đi một nửa làm vốn kinh doanh. Bên cạnh đó, người chị dâu còn rất khó chịu với sự có mặt của mẹ con cô em chồng trong gia đình. Có lần chị ta rủ rỉ phân tích với anh chồng: “Cái con bé Mai, má thương nó nhất, anh không cẩn thận sau này bả chia đất cho nó phần hơn cả anh đấy”. Lúc đầu anh ta bỏ ngoài tai những lời nói đó của vợ, nhưng rồi đêm nào chị vợ cũng thì thầm nhỏ to, rồi dỗi lẫy khóc lóc. Cuối cùng sau nhiều lần nghe vợ tỉ tê, người anh trai lớn cũng thấy xuôi theo và quyết định nói thẳng với má ý muốn của vợ chồng anh ta. Bà mẹ là người rất hiểu tính nết từng người trong gia đình, nên tuy cô con dâu hàng ngày vẫn dạ thưa ngọt ngào, bà cũng đã lường được ý đồ của chị này. Đến hôm giỗ bố chị Mai, sau khi cả nhà ăn cơm xong, bà tuyên bố rõ: “Đất này của ông bà tổ tiên để lại, khi má còn sống thì chỉ để ở chứ không bán, má đã làm di chúc chia đất cho ba anh em. Khi nào má chết, nếu muốn chia đất thì phải đúng theo di chúc của má”. Lời tuyên bố của bà mẹ như gáo nước lạnh dội xuống, xóa tan ước muốn đang hừng hực chiếm phần lớn mảnh đất của người chị dâu cả. Từ sau ngày má chồng tuyên bố về mảnh đất, chị ta viện cớ bận việc ngoài cửa hàng, đến tối mịt mới về nhà, ngày càng ít ăn cơm tối cùng gia đình. Đến một hôm, chị ta nói với chồng: “Anh là thằng đàn ông nhu nhược, tiền đã kiếm được ít, có việc thuyết phục mẹ già chia đất mà làm không nổi, tôi chán anh lắm rồi”. Anh này tuy hiền nhưng nghe vợ xúc phạm, điên tiết giơ tay tát cho cô vợ hai cái nổ đom đóm mắt. Thế là chị ta lấy cớ chồng vũ phu, đem con về nhà mẹ đẻ ở. Rồi nửa năm sau vợ chồng anh trai chị Mai ly hôn, nghe nói cô vợ cũ anh ta đã có bồ từ hơn một năm trước. Má chị Mai buồn lắm, vốn sẵn bệnh trong người nên bà cứ yếu dần. Mấy hôm trước khi mất, bà gọi chị Mai lại, chỉ cho chị nơi cất bản di chúc của bà (đã có công chứng). Nội dung bản di chúc nêu rõ: đất được chia làm ba phần bằng nhau cho ba người con. Bà thều thào nói: “Má tin và thương con nhất nhà. Má giao con giấy tờ này. Sau khi má chết thì mấy anh em định liệu. Gắng giữ phần đất má cho để hai mẹ con có chỗ mà sống”. Chị Mai vùi mặt vào lòng mẹ, khóc nghẹn và nói trong tiếng nấc: “Vâng, con nghe lời má, má cố khỏe lên sống lâu với tụi con”. Rồi chuyện gì xảy đến cũng đến, má chị đã ra đi chỉ vài ngày sau khi trao bản di chúc cho chị giữ. Ngày làm đám tang má, chị Mai khóc ngất. Đúng là nỗi đau mất mẹ quá lớn, không gì bù đắp nổi!

Một tuần sau khi mẹ mất, chị Mai đã đưa bản di chúc của mẹ cho anh trai và cậu út đọc. Cậu út đọc xong thì vui vẻ, còn người anh trai, đọc xong tờ di chúc của má, anh ta cũng thấy hơi “hẫng” vì nghĩ mình là con trai trưởng, lẽ ra má nên chia đất phần nhiều hơn?!Tuy nhiên, cậu em út như đọc được “nỗi gợn” trong lòng người anh, vội nói ngay: “Anh em mình là đàn ông khỏe mạnh, nhiều cơ hội kiếm tiền, má chia như vậy mới đỡ thiệt thòi cho chị ba (chị Mai) anh ạ. Đợi sau giỗ đầu má thì anh em mình bàn việc này”. Thấy cậu út nói vậy anh ta cũng ậm ừ không nói gì thêm. Rồi thời gian lặng lẽ trôi đi. Từ ngày mẹ mất, căn nhà trở nên cô quạnh, không còn tiếng nói cười rổn rảng trong bữa cơm đại gia đình ngày nào. Người anh trai lớn thì do thời gian này công việc buôn bán kinh doanh ngoài chợ nhìn chung cũng khó khăn hơn, nên ít người thuê chở hàng hơn trước. Vì vậy ban ngày anh ta hay về nhà sớm, có hôm chỉ hơn 9 h sáng là anh ta đã xong việc về nhà. Sau khi ly dị vợ, anh ta như trở thành một con người khác, nỗi cô đơn vì mẹ mất rồi vợ con bỏ đi, đã biến người đàn ông hiền lành và có phần yếu đuối trở thành một kẻ nát rượu. Rượu vào, anh ta lè nhè văng tục chửi đời. Tối đến, khi đi qua gian nhà giữa nhìn ảnh má trên ban thờ, nghe tiếng chị Mai giục bé Na học bài xen lẫn tiếng cười trong trẻo của con trẻ; tiếng vợ chồng cậu út truyện trò… anh ta thấy cực kỳ cô đơn trong căn nhà lớn. Nên, nhiều lúc chỉ muốn đập phá, đánh một ai đó cho vơi nỗi buồn, nỗi hận đời cứ lớn lên từng ngày.

Rồi một hôm anh ta tình cờ gặp cô vợ cũ ngoài chợ, cô ta nhìn anh cười mỉa mai nói: “Anh trông thảm hại quá! Giá mà nghe tôi quyết liệt hơn thì đâu đến nỗi, giờ anh cứ ngồi ôm mảnh đất với lũ em, cạp đất ra mà ăn. À, mà chắc anh cũng chỉ được một phần như con em gái tàn tật của anh thôi nhỉ?”. Anh ta không đối đáp nổi, chỉ nói được một câu: “Cô câm mồm”, rồi phóng xe máy bỏ đi.

Trở về căn nhà, nhìn ra góc sân thấy chị Mai đang lúi húi vãi thóc cho đàn gà ăn, anh ta chợt thấy lời vợ cũ có phần nào … “có lý”? Từ đấy, anh ta càng ngày càng hằn học với  chị Mai, coi cô em gái như nguyên nhân chính gây ra những bất hạnh của đời anh ta, rồi những trận mắng chửi vô cớ và những trận đòn “mượn rượu” với cô em gái khuyết tật ngày càng thường xuyên hơn. Đã vài lần anh ta ném cả quần áo của hai mẹ con ra sân, lớn giọng đuổi hai mẹ con chị Mai đi. Mỗi lần thấy nhà chị Mai “ầm ĩ”vì người anh lớn, các nhà hàng xóm cũng đã can ngăn. Tuy nhiên, với bản tính hiền hậu, lại không muốn làm to chuyện, nên chị Mai thường từ chối lời khuyên của mọi người, không báo chính quyền, công an xã sau những lần bị người anh đánh đập, chửi rủa. Bác Trưởng thôn và các chị bên Hội Phụ nữ cũng đã gặp trực tiếp yêu cầu và khuyên nhủ người anh cả dừng việc xúc phạm, đánh đập chị Mai, nhưng hắn chối bay là “chỉ nói vài câu chứ không đánh” và “có thể lúc đó say rượu nên không làm chủ được mình”. Mẹ con chị Mai sống trong lo lắng thấp thỏm, nhất là chị Mai, luôn lo ngại không biết chuyện gì xảy ra ban ngày khi chị ở nhà một mình với người anh ruột dữ dằn như thế. Có lần anh ta dọa chị: “Tao thách mày “thưa” tao với chính quyền, cùng lắm tao giết mày trước rồi tao cũng tự làm một nhát là xong. Tao cũng chán đời lắm rồi”.

Tới một ngày, buổi chiều muộn bé Na đi học về thấy chị Mai hoảng sợ ngồi giúi vào góc nhà, nước mắt chan hòa, quần áo rách bươm, mặt mũi sưng tím, nhà cửa bàn ghế bị xô ngổn ngang, mảnh bát đĩa vỡ vương vãi khắp nhà, quần áo của mẹ con chị Mai bị vứt tung tóe ngoài sân. Gã anh trai ngồi đầu hè vừa nốc chai rượu vừa lè nhè chửi vì: “Đuổi nó không cút đi mà chiều muộn rồi không chịu nấu cơm”?! Bé Na thấy cảnh mẹ bị đánh đau như vậy ôm lấy mẹ khóc nức nở, gã anh chị Mai dằn giọng quát: “Câm ngay, mày ôm quần áo rồi mẹ con mày cút ra khỏi cửa”.  Rồi hắn đứng dậy vớ cán chổi dựng góc tường định quật đứa cháu gái, bé Na sợ lùi vài bước rồi chạy vụt ra cửa, vừa chạy vừa la gọi tên bà hàng xóm: Bà Hai cứu mẹ con con, bác Nam (tên anh trai chị Mai) đánh đuổi mẹ con con. Bà Hai đang nấu cơm vội bảo cô con dâu gọi cho ông trưởng thôn, rồi tất tả kéo tay anh con trai chạy sang nhà chị Mai, vào đến nơi đang thấy cảnh gã anh cả đang nắm tóc chị Mai, dúi đầu chị vào tường, mồm gào lên: “Mày là con ăn hại, mày không xứng ở trong nhà tao, mẹ con mày cút đi cho khuất mắt tao”. Bà Hai và anh con trai chạy tới, anh con trai đẩy gã anh trai ra, rồi cùng bà Hai đỡ chị Mai dậy. Người anh bị bà Hai trách móc bèn quặc trả lại: Tôi đang “dạy” nó (Mai), chuyện nhà chúng tôi bà đừng xen vào. Bà Hai cũng không nhịn, hai bên to tiếng. Cùng lúc đó bác Trưởng thôn cùng mấy chị bên Hội Phụ nữ, Hội Người khuyết tật xã cũng đến nơi. Chị Mai òa khóc, ôm lấy mấy chị bên Hội, bao nỗi tủi nhục bị dồn nét bấy lâu được đổ vào tiếng kêu thoảng thốt đẫm trong nước mắt: “Các chị ơi, cứu em, tìm chỗ cho mẹ con em đi khỏi đây, kẻo có ngày em bị đánh chết mất”.Chị Hà bên Hội Người khuyết tật quát to: “Ông là anh ruột mà ông ác quá, ông đừng nghĩ ông muốn làm gì thì làm, trong nhà cô Mai là em ruột ông thật, nhưng là phụ nữ, lại khuyết tật, chúng tôi phải bảo vệ. Lại còn cháu bé nữa, ông cũng dọa dẫm làm nó rất tổn hại tinh thần đấy. Chúng tôi sẽ báo chính quyền phạt ông thật nặng”. Đêm đó, cô em dâu út và bé Na thay nhau chườm vết thương, an ủi chị Mai. Phòng bên, giữa người anh cả và cậu em út chị Mai xảy ra một trận cãi cọ kịch liệt.  Gã anh gào lên “kể tội” chị Mai nào là vừa “ăn bám”, vừa có đứa “con hoang” xấu mặt gia đình. Cậu em phân tích mãi không được, uất ức chỉ thẳng vào mặt anh trai nói: “Anh bị vợ bỏ rồi thì tìm người khác mà lấy, đừng vô cớ trút nỗi hận đời lên đầu mẹ con chị ba. Nhà đất của ba má để lại, không phải của riêng anh, anh không có quyền đuổi chị ấy”. Nghe xong những lời đó, người anh trai lớn chững lại vài giây, mặt tái đi, anh ta đá mạnh chiếc ghế rồi bỏ về phòng mình.

Đến khuya nghe có tiếng gọi cửa, anh Mạnh - Trưởng công an xã đi cùng với bác Trưởng thôn tới thông báo ngày hôm sau đúng 7 giờ 30 phút sáng mời người anh trai và chị Mai lên trụ sở Công an xã tường trình vụ việc. Sáng hôm đó, tại trụ sở công an xã, với lời khai của chị Mai và của nhân chứng là mẹ con bà Hai hàng xóm, bé Na… Người anh trai chị Mai đã phải thừa nhận với công an về việc không ít lần đánh đập, chửi rủa, đuổi mẹ con chị Mai ra khỏi nhà. Anh Trưởng công an xã nói: Tôi sẽ báo việc này lên Công an huyện để gửi chị Mai đi bệnh viện giám định tỷ lệ thương tật. Nếu đủ yếu tố hình sự, bên Công an huyện sẽ điều tra và khởi tố anh. Nhìn người anh ngồi gục đầu xuống bàn vẻ mặt thểu não, chị Mai vừa giận vừa thương. Chị nói với anh Mạnh: “Tôi biết là anh hai tôi có lỗi, nhưng dù sao chúng tôi cũng là anh em ruột, anh ấy lại gây chuyện trong lúc hơi say rượu. Tôi không làm đơn “thưa” anh tôi đâu ạ. Tôi tin là anh tôi sẽ nghĩ lại, không làm như vậy nữa, mong các anh xem xét”.

Do vụ việc bạo lực gia đình của anh Nam với em gái không có đơn của người bị hại (chị Mai), kết quả giám định tỷ lệ tổn thương không cao, hành động trong lúc say rượu; thái độ thành khẩn khai báo… nên anh ta đã “thoát” án hình sự. Nhưng anh ta cũng bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền tổng cộng 15 triệu về hành vi bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, anh này còn phải chịu toàn bộ chi phí khám chữa bệnh của chị Mai. Ngoài ra, trong nội dung Quyết định cũng buộc anh này xin lỗi chị Mai trước hội nghị thôn. Tại cuộc họp thôn, mọi người phát biểu rất nhiều, từ bác Tổ trưởng hòa giải, bác Trưởng Ban Mặt trận đến các chị trong Hội Phụ Nữ, Hội Người khuyết tật… mọi người đều vừa phê bình anh Nam về hành vi bạo lực với em gái ruột và cháu, vừa phân tích điều hơn lẽ thiệt. Bác Tổ trường hòa giải nói: “Ba má mất rồi, mấy anh chị em phải đùm bọc thương yêu nhau, cô Mai là người khuyết tật, lại mẹ đơn thân, anh là anh lớn, lẽ ra anh phải là người hiểu chuyện nhất, phải thương cô ấy, giúp đỡ mẹ con cô ấy nhiều nhất mới phải chứ?”. Người anh lớn cúi gằm mặt nghe mọi người phát biểu, rồi sau cùng đứng lên nhận lỗi, lí nhí xin lỗi em gái trước bà con tham dự cuộc họp. Chị Mai nước mắt chảy lặng lẽ nhìn anh trai, hành động bạo lực của anh ta đã bị pháp luật trừng trị, anh ta chắc cũng đã có bài học sâu sắc về vụ việc này. Nhưng trong lòng chị không thấy “hả hê” mà chỉ âm ĩ nỗi đau xót về tình anh em đang bị rạn nứt!

Rồi những ngày sau đó, người anh lớn luôn ra ngoài từ sáng đến tối mịt mới về, chắc anh ta cố tình tránh mặt cô em gái và tất cả mọi người trong nhà. Một hôm, cậu em út nói với chị Mai: “Chị ba à, vợ chồng em bàn kỹ rồi, nhỡ vài bữa nữa anh hai lại dở chứng, đánh đuổi chị và cháu, tụi em đi làm suốt không thể bảo vệ được. Em nghĩ di chúc má rõ ràng rồi, không cần đợi đến sau giỗ đầu má nữa, mình nên nhanh chóng làm thủ tục tách mảnh đất này ra, làm hàng rào chắc chắn. Rồi vợ chồng em sẽ hùn tiền, vay mượn xây căn nhà nhỏ cho mẹ con chị, em nghĩ lúc đó mẹ con chị mới thật sự an toàn”.Chị Mai ngồi thừ người, nhìn lên di ảnh của ba má, từ sâu thẳm trong tâm chị không muốn chia cắt mảnh đất này- nơi diễn ra bao kỷ niệm vui buồn của ba - bốn thế hệ gia đình chị. Nhưng, cậu em út nói đúng - đây có lẽ là cách duy nhất giúp mẹ con chị có cuộc sống thực sự bình yên. Ý này của cậu em cũng giống quan điểm của chị Lan bên Hội Phụ Nữ mấy hôm trước: “Nếu em còn bị ông Nam hành hung, bọn chị sẵn sàng lên xã đề nghị thu xếp đưa mẹ con em vào Nhà tạm lánh ở một thời gian. Nhưng về lâu dài phải tính cách khác triệt để hơn em ạ, hay em bàn với mọi người chia đất để sống riêng ra? Cứ thế này nguy hiểm lắm”.

Thế rồi, sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, sáng sớm hôm sau chị tuyên bố với vợ chồng cậu út: “Để chị thắp nhang thưa với ba má, rồi lên xã hỏi thủ tục tách thửa đất này”. Quyết định xong, chị thấy trong lòng thật thanh thản vì đã tìm ra con đường căn cốt “giải phóng” cho mẹ con chị tránh bạo lực gia đình và hy vọng vẫn giữ được chút tình anh em ruột thịt trong tương lai./.

 

* Trích Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình:

Điều 52. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

…3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 54. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

…3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh đối với hành vi quy định tại các điểm a và c khoản 2 Điều này.

Điều 59. Hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ (khoản 1).

* Trích Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ…