Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Một số vấn đề chủ yếu về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam hiện nay

  • Thực hiện: ThS. Luật sư Lê Hải Yến
  • 20/04/2024

Lao động có việc làm phi chính thức luôn tồn tại như một thực tế khách quan đối với mọi nền kinh tế trên thế giới. Bên cạnh ưu điểm là việc làm phi chính được xem là một “kênh trú ẩn tạm thời” khá hữu ích để giải quyết việc làm cho người lao động khi nền kinh tế gặp những khó khăn, khủng hoảng (như dịch bệnh, chiến tranh… ), thì nhóm người lao động có việc làm phi chính thức luôn được xem là nhóm lao động yếu thế, phải đối mặt với không ít rủi ro, dễ bị tổn thương, khó được tiếp cận với chính sách pháp luật và cần được bảo vệ.

Với một quốc gia có dân số đông và nền kinh tế được xếp vào mức độ trung bình thấp như Việt Nam, lao động phi chính thức một bộ phận quan trọng của thị trường lao động, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong thu hút, giải quyết việc làm cho người lao động. Bài viết này tổng hợp một số thông tin cơ bản về thực trạng lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, trong đó có đặc biệt lưu ý đến nhóm là lao động phi chính thức là người khuyết tật.

1. Khái niệm về khu vực không chính thức và lao động có việc làm phi chính thức và một số nét khái quát về lao động phi chính thức ở Việt Nam hiện nay

Khái niệm về “khu vực phi chính thức” được thông qua năm 1993 tại Hội nghị quốc tế về thống kê lao động lần thứ 15 (ICLS 15). Theo đó, “khu vực phi chính thức” là những cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc sở hữu của các hộ gia đình và không được thành lập với tư cách pháp nhân riêng. Các cơ sở này không có bảng kê khai tài chính hoàn chỉnh (kể cả bảng cân đối tài sản và nợ phải trả) để giúp phân biệt rõ ràng giữa hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở với các hoạt động khác của chủ sở hữu và để phân tách luồng thu nhập và vốn của cơ sở với các chủ sở hữu. Còn khái niệm “lao động có việc làm phi chính thức” (sau đây xin gọi tắt là “lao động phi chính thức”) được chính thức thông qua năm 2003 tại Hội nghị quốc tế về thống kê lao động lần thứ 17 (ICLS 17): Là những người làm các công việc mà theo luật định hoặc trên thực tế không được pháp luật lao động bảo vệ, không phải đóng thuế thu nhập hoặc không được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội và các chế độ làm việc khác (như không được thông báo trước về việc sa thải, không được trợ cấp thôi việc, không được trả lương hàng năm hoặc không được nghỉ phép khi ốm đau…)[1].

Theo cách phân loại của Nghị định 94/2022/NĐ-CP của Chính Phủ [2], lao động phi chính thức ở nước ta là những người có việc làm thuộc một trong năm nhóm sau: (i) Lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) Người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức; (iii) Người làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng lao động nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) Xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (v) Lao động tự làm hoặc lao động làm công hưởng lương trong các hộ gia đình hoặc hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản.

2. Khái quát thực trạng về lao động phi chính thức ở Việt Nam hiện nay và những khó khăn, thách thức chủ yếu đối với người lao động tại khu vực này

2.1. Thực trạng về số lượng, phân bổ theo cơ cấu khu vực, nhóm việc làm và lứa tuổi

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 2021 Việt Nam có 33,6 triệu lao động phi chính thức, chiếm 68,5% tổng số lao động có việc làm ở Việt Nam. Tức là cứ 100 người lao động đang làm việc thì có khoảng 78 người là lao động phi chính thức. Tỷ lệ này nhìn chung là khá cao so với thế giới (theo nhận định của Tổng cục Thống kê). Trong đó, có đến 42/63 thành phố trực thuộc trung ương ở nước ta có lực lượng lao động phi chính thức chiếm trên 70% tổng lao động có việc làm trên phạm vi toàn tỉnh (thậm chí còn chiếm tỷ lệ trên 80% ở 26 tỉnh). So sánh giữa nông thôn và thành thị thì lao động phi chính thức ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 72,5% trên tổng số lao động phi chính thức[3]. Có thể thấy lao động ở khu vực nông thôn đang chịu nhiều yếu thế hơn so với lao động thành thị.

Về cơ cấu ngành nghề, lao động phi chính thức ở Việt Nam tập trung vào các ngành nghề như: Nông lâm thủy sản; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; bán buôn bán lẻ…Trong đó, 90% lao động phi chính thức tập trung vào hoạt động nông lâm thủy sản, xây dựng và hoạt động làm thuê những công việc trong các hộ gia đình.

Về cơ cấu lao động phi chính thức phân chia theo lứa tuổi trên độ tuổi dân số, độ tuổi từ 15-19 chiếm tỷ lệ 83,7%; tỷ lệ này giảm mạnh ở độ tuổi từ 20-24 (61,8%). Sau độ tuổi 29, tỷ lệ lao động phi chính thức tăng mạnh và tăng mạnh nhất ở nhóm tuổi 45-49. Đặc biệt, hơn 90% lao động từ 60 tuổi trở lên có việc làm phi chính thức. Có thể thấy mối tương quan khá chặt chẽ giữa độ tuổi và việc làm của người lao động: Người lao động ở độ tuổi quá trẻ (15-19 tuổi) hoặc đã qua độ tuổi lao động (trên 60 tuổi) thường phải chấp nhận các công việc thiếu tính bền vững, dễ bị tổn thương hơn các nhóm tuổi khác[4].

2.2. Những khó khăn, thách thức chủ yếu của lao động phi chính thức ở nước ta hiện nay

Thứ nhất, đại đa số lao động phi chính thức đều có trình độ chuyên môn thấp

Phần lớn lao động phi chính thức là những người không được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật (87,3%). Đa số họ thường làm các công việc giản đơn, ít đòi hỏi trình độ kỹ năng hoặc trình độ chuyên môn kỹ thuật (khoảng 35,5% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 09 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức)[5].

Thứ hai, thu nhập của lao động phi chính thức thường thấp

Theo thống kê năm 2021 của Tổng cục Thống kê thì thu nhập chính của lao động phi chính thức là 4,4 triệu đồng, chỉ bằng nửa lao động ở khu vực chính thức (8,2 triệu đồng). Gần một nửa số người lao động ở khu vực phi chính thức (47,0%) có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng[6]. Tình trạng này ở lao động nữ còn đáng quan ngại hơn: Hơn 61% lao động nữ có việc làm phi chính thức có mức thu nhập tối thiểu vùng ít hơn gấp hai lần tỷ lệ này ở nam giới. Rõ ràng, lao động phi chính thức, bên cạnh việc thiệt thòi do công việc làm bấp bênh, tạm thời, không được bảo trợ xã hội mà còn khó có thể đảm bảo mức sống tối thiểu cho bản thân họ và gia đình.[7]

Thứ ba, số giờ làm việc trong tuần của lao động phi chính thức cũng có không ít bất cập

Tính về thời gian trung bình thì số giờ làm việc của lao động phi chính thức là 37,5 giờ/tuần, thấp hơn so với lao động chính thức (42,8 giờ/ tuần). Số giờ lao động trung bình thấp, cộng với thu nhập không đảm bảo, khiến tỷ lệ thiếu việc làm theo giờ của lao động phi chính thức cao hơn nhiều so với lao động chính thức. Có 3,6% người lao động phi chinh thức làm việc dưới 35 giờ/ tuần cho biết họ có nhu cầu làm thêm giờ để có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, một bộ phận lao động phi chính thức lại có số giờ làm việc cao hơn số giờ theo quy định (48 giờ/ tuần) của Bộ luật Lao động[8]. Năm 2021, có 35,5% lao động làm công hưởng lương của khu vực phi chính thức có số giờ làm việc vượt quá 48 giờ/ tuần, cao hơn so với lao động ở khu vực chính thức có số giờ làm vượt thời gian nêu trên (25,5%)[9].

Thứ tư, đa số lao động phi chính thức không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động bằng văn bản

Như đã biết, hợp đồng lao động là cơ sở pháp lý thể hiện mức độ bền vững của công việc người lao động đang làm và khả năng được bảo vệ trước pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay: Trong khi đại đa số lao động chính thức có hợp đồng 01 năm trở lên (95,4%) thì gần 79% lao động phi chính thức làm việc không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng không bằng văn bản. Thực tế này dẫn đến nhiều khả năng người lao động phi chính thức phải đối mặt với tình trạng không bảo đảm về việc làm, yếu thế trong thỏa thuận về tiền lương, không được hưởng các chế độ phúc lợi và không được bảo đảm đầy đủ các điều kiện về lao động[10].

Thứ năm, đại đa số người lao động phi chính thức không tham gia bất kỳ loại hình bảo hiểm nào

Mặc dù trong những năm gần đây ở Việt Nam đã triển khai khá nhiều chương trình chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Nhưng trên thực tế, có đến 97,8% lao động phi chính thức không tham gia vào bất kì một loại hình bảo hiểm nào, tính đến năm 2021[11]. Điều này có thể cho thấy: Một mặt, nhiều người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm xã hội. Mặt khác, các chính sách bảo hiểm xã hội cũng chưa thực sự hấp dẫn người lao động. Việc đa số lao động phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội đang đặt ra những hệ lụy to lớn đối với người lao động khi gặp rủi ro dẫn đến mất thu nhập, cũng như đặt ra những thách thức không nhỏ đối với hệ thống an sinh xã hội.

Thứ sáu, chính sách pháp luật đặc thù đối với lao động phi chính thức còn thiếu

Mặc dù lao động trong khu vực phi chính thức chiếm tỷ lệ cao nhưng pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh nhóm đối tượng này[12]. Khoảng trống pháp lý đó được xem là một bất cập đáng kể về mặt thể chế hiện hành đối với lao động phi chính thức, khiến người lao động khu vực này về cơ bản chưa được hỗ trợ, bảo vệ - xét từ khía cạnh pháp luật.

2.3. Về vấn đề lao động phi chính thức là người khuyết tật

Nếu coi lao động phi chính thức là nhóm lao động yếu thế, thì lao động người khuyết tật trong khu vực phi chính thức có thể được xem là một trong những nhóm lao động yếu thế nhất của nhóm lao động yếu thế. Tuy nhiên, theo thông tin mà chúng tôi có được thì hiện nay trên các tài liệu chính thức về thống kê quốc gia của Tổng cục thống kê nước ta (như Điều tra quốc gia Người khuyết tật Việt Nam năm 2016; Báo cáo Lao động phi chính thức năm 2016; Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam năm 2021...) đều không có số liệu riêng về lao động phi chính thức là người khuyết tật (bài viết này lấy nguồn chủ yếu từ Báo cáo Tổng quan nói trên, nhưng cũng chỉ có số liệu về lao động phi chính thức thuộc nhóm yếu thế khác như lao động là phụ nữ, người cao tuổi… mà không có số liệu thống kê riêng nào về lao động phi chính thức là người khuyết tật). Vấn đề trước tiên phải cùng thừa nhận là: Thiếu thông tin về số liệu không có nghĩa là lao động phi chính thức là người khuyết tật ở Việt Nam không gặp “vấn đề” gì ! Theo nhận định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì: Có sự trùng lặp thường xuyên giữa phi chính thức và nghèo đói… Sự phân biệt đối xử trên thị trường của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ nghèo, người khuyết tật, người dân tộc v.v. thường đẩy các gia đình và cộng đồng vào đói nghèo và sinh tồn qua công việc phi chính thức…[13] Theo nhận định của Tổng cục Thống kê thì Việt Nam hoàn toàn không phải là ngoại lệ của tình trạng trên, khi có sự tỷ lệ thuận chiều giữa tỷ lệ lao động phi chính thức và tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh. Ví dụ, tại tỉnh Điện Biên, tỷ lệ lao động phi chính thức là 85,4%, tỷ lệ hộ nghèo là 34,5%; tại Sơn La, tỷ lệ lao động phi chính thức là 85,7%, tỷ lệ hộ nghèo là 28,6%; tại Lai Châu, tỷ lệ lao động phi chính thức là 79,1%, tỷ lệ hộ nghèo là 27, 9%… Trong khi đó ở những tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo khá thấp là 0,3% như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai hay Bình Dương thì tỷ lệ lao động phi chính thức lần lượt là 48,0%; 42,5% và 34,5%[14].

Riêng đối với người khuyết tật, mặc dù, như đã đề cập, tính đến thời điểm hiện tại chưa có số liệu thống kê nhà nước về lao động phi chính thức là người khuyết tật, nhưng chúng ta hãy cùng xem một vài thông tin chung có liên quan (từ nguồn thống kê chính thức của Nhà nước) như sau: Số hộ gia đình có người khuyết tật có nguy cơ nghèo cao gấp 2 lần so với hộ gia đình không có người khuyết tật (19,4% so với 8,9%). Về học nghề, cứ 100 người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên chỉ có 07 người được dạy nghề (7,3%), trong khi con số này ở người không khuyết tật cao gấp trên 03 lần (21,9%). Về việc làm, tỷ lệ người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 31,7%, còn tỷ lệ này ở người không khuyết tật cao gấp 2,5 lần (82,4%)[15]. Đặc biệt, việc lao động người khuyết tật gặp những rào cản về sự phân biệt đối xử trong thị trường lao động gần như là một vấn đề khá rõ trên thực tế. Có khoảng 13% người khuyết tật từ 15 đến 19 tuổi đã tốt nghiệp từ tiểu học trở lên trả lời “khuyết tật” là lý do khiến họ không tìm việc làm. Và, tỷ lệ đến 54,8% người sử dụng lao động không muốn thuê lao động là người khuyết tật[16]. Đồng thời, tuy vẫn thiếu số liệu thống kê chính thức về tỷ lệ lao động phi chính thức là người khuyết tật, nhưng trên thực tiễn tư vấn pháp luật của riêng tổ chức ACDC đã cho thấy: Tỷ lệ lao động người khuyết tật tự tạo việc làm (chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ...) tại khu vực phi chính thức khá cao và tập trung nhiều ở khu vực nông thôn[17].

Với những thông tin đó, bước đầu có thể khẳng định rằng: Lao động phi chính thức là người khuyết tật đang phải đối mặt với hầu hết những khó khăn, thách thức chung mà lao động phi chính thức ở Việt Nam đang gặp phải hiện nay, như đã đề cập đến ở phần trên của bài này. Bên cạnh đó, nhiều khả năng vẫn còn những khó khăn đặc thù của lao động là người khuyết tật tại khu vực phi chính thức mà bài viết này chưa thể tổng hợp hết được vì thiếu những dẫn chứng số liệu chính thức, như đã đề cập.

3. Cập nhật thông tin về hướng hoàn thiện chính sách về lao động phi chính thức và một số kiến nghị

Với việc khẳng định khoảng trống về chính sách pháp luật đối với lao động phi chính thức ở nước ta, hiện nay Chính Phủ (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đang chủ trương bổ sung vào Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) một loạt chính sách mang tính khung, định hướng làm cơ sở thúc đẩy chính thức hóa việc làm trong khu vực chính thức, phát triển kỹ năng nghề, công nhận trình độ kỹ năng nghề nâng cao năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc của khu vực kinh tế phi chính thức, góp phần từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức, tập trung vào một số quy định về lao động,việc làm…[18] Đây là một trong những định hướng đúng đắn, là một tín hiệu rất đáng mừng trong hoạt động hoàn thiện thể chế nhằm hình thành khung pháp lý cần thiết hỗ trợ và bảo vệ lao động phi chính thức ở nước ta trong giai đoạn tới.

Thiết nghĩ, cùng với việc khẳng định về định hướng chung chính sách hỗ trợ lao động phi chính thức, Dư thảo Luật cũng cần có những chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng lao động yếu thế trong khu vực phi chính thức như như lao động nữ, lao động là người cao tuổi… và đặc biệt là lao động là người khuyết tật. Những chính sách đặc thù này cần được lồng ghép trong từng chế định của Dự thảo Luật như hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm… phù hợp với từng đối tượng người lao động yếu thế trong khu vực phi chính thức.

Mặc dù đa phần những chính sách liên quan đến hỗ trợ lao động phi chính thức thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Việc làm, nhưng nếu chỉ tập trung vào việc bổ sung các chính sách thuộc Luật này thì vẫn chưa giải quyết được toàn diện những khó khăn, vướng mắc của lao động phi chính thức hiện nay, đặc biệt là lao động yếu thế. Do vậy, việc rà soát các quy định có liên quan khác như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội v.v. cũng cần được xem là giải pháp pháp lý cần thiết.

Bên cạnh đó, cần hết sức chú trọng đến hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người lao động phi chính thức (và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực phi chính thức) để nâng cao nhận thức của người lao động trong khu vực này, nhằm hỗ trợ họ bảo vệ quyền lợi của chính mình khi tham gia vào thị trường lao động. Các phương thức phổ biến cần phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động yếu thế, đặc biệt là lao động là người khuyết tật.

Một vấn đề quan trọng nữa là: Cần xem xét đẩy mạnh hoạt động khảo sát, thống kê số liệu về thực trạng lao động phi chính thức là người khuyết tật, để có được những thông tin, đánh giá cần thiết, toàn diện về lao động khuyết tật tại khu vực này, từ đó làm cơ sở thực tiễn vững chắc xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ họ.

Bài toán chính thức hóa lao động phi chính thức nhằm đảm bảo việc làm “tử tế” cho họ là bài toán không dễ đối với không ít quốc gia, trong đó có Việt Nam.Tuy nhiên, với những định hướng đổi mới mạnh mẽ từ chính sách pháp luật trong thời gian tới, hy vọng rằng: Bằng các chính sách pháp lý mở đường và các giải pháp cần thiết trong tổ chức thi hành pháp luật, người lao động phi chính thức ở nước ta, đặc biệt là nhóm lao động yếu thế như người khuyết tật sẽ từng bước được hỗ trợ, bảo vệ một cách hiệu quả./.


[1] Tổng cục Thống kê, Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam, NXB Thanh Niên (2022), tr.2.

[2] Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 -11-2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

[3] Tổng cục Thống kê, tlđd, tr.8, 10.

[4] Tổng cục Thống kê, tlđd, tr.8,10,12.

[5] Tổng cục Thống kê, tlđd, tr.15.

[6] Mức lương tối thiểu vùng mà Tổng cục Thống kê áp dụng để tính toán dựa trên quy định của Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính Phủ. Đến Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh tăng 6% so với Nghị định 90/2019/NĐ-CP ở cả 04 vùng.

[7] Tổng cục Thống kê, tlđd, tr.16.

[8] Khoản 1, Điều 105, Bộ Luật Lao động năm 2019.

[9] Tổng cục Thống kê, tlđd, tr.18-19.

[10] Tổng cục Thống kê, tlđd, tr. 20.

[11] Tổng cục Thống kê, tlđd, tr.20.

[12] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2023), Báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm, (Văn bản số 26/LĐTBXH ngày 24/02/2023), tr. 27.

[13] Theo Báo cáo “Nền kinh tế phi chính thức và việc làm bền vững: hướng dẫn nguồn chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang phi chính thức”, ILO xuất bản năm 2017.

[14] Tổng cục Thống kê, tlđd, tr.12.

[15] Tổng Cục Thống kê, Điều tra quốc gia Người khuyết tật Việt Nam năm 2016, NXB Thống kê (2018), tr.18, 19, 21.

[16] Tổng Cục Thống kê, tlđd, tr.96, 139.

[17] Theo quan sát của Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) thì cứ 10 trường hợp người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật có nhu cầu tư vấn về chính sách, thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của Luật Việc làm hiện hành (và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này), thì có khoảng 8-9 trường hợp người lao động là người khuyết tật có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm.

[18] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tlđd.