Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Một bài học trong đời

  • Thực hiện: Phương Anh
  • 10/01/2023

Cường là con cả trong gia đình làm nông có bốn anh em. Cả Cường và em thứ 3 khuyết tật bẩm sinh. Cường teo một tay và khó khăn trong việc đi lại, còn em cậu bại não. Bố mất khi Cường 10 tuổi do bệnh nặng, tài sản cũng tiêu tán trong quá trình chữa bệnh cho bố. Một mình mẹ gồng gánh nuôi cả gia đình, nuôi bốn anh em với những đĩa cơm rau độn sắn. Dù khuyết tật, nhưng với vai trò là một người anh cả, Cường vẫn ấp ủ quyết tâm tìm được việc làm thêm để phụ mẹ, nuôi em. Tuy nhiên, do vừa nhỏ tuổi lại khuyết tật nên cơ hội kiếm việc làm với Cường không hề dễ dàng ở nơi làng quê hẻo lánh.

Năm 13 tuổi, tình cờ Cường gặp Tuấn - một thanh niên cùng làng đã lên thành phố làm ăn từ mấy năm trước. Biết Cường muốn tìm việc, Tuấn nhiệt tình hứa hẹn sẽ đưa Cường lên thành phố làm việc, công việc “nhẹ nhàng mà thu thập cao”. Tuấn còn nói chỉ cần Cường đồng ý, chứ “chỗ này người ta lúc nào cũng cần nhân công”. Cường mừng rỡ về nhà thuyết phục mẹ. Lúc đầu mẹ cậu một mực phản đối vì lo con trai còn nhỏ, lại yếu, họ hàng trên thành phố không có, lúc khó khăn biết nhờ cậy ai. Nhưng trước thái độ kiên quyết của Cường và lời hứa quả quyết của Tuấn là sẽ đưa đến nơi có “việc nhẹ, lương cao”, mẹ Cường đành gạt nước mắt cho con đi theo Tuấn với hy vọng con trai kiếm được việc tốt, vừa có thể tự lập nuôi thân, vừa có thể giúp đỡ gia đình vốn đang vô cùng túng quẫn.

Tuấn đưa Cường lên thành phố, giới thiệu với Cường ông chủ “Công ty” - là một người đàn ông tầm trên 30 tuổi với nét mặt khá lạnh lùng và đầy hình xăm trên hai cánh tay. Tuấn gọi người đàn ông này là “Hùng Đại ca”, dặn Cường bắt đầu từ nay phải nghe theo lời của ông chủ, rồi lên xe máy phóng khỏi khu nhà trọ.

Hùng Đại ca” hất đầu sai đàn em đưa đến vài hộp cơm rau cho Cường và mấy đứa trẻ tầm độ tuổi của Cường. Lũ trẻ đứa nào cũng gương mặt đen nhẻm, hốc hác. Hắn lanh lùng nói: “Sáng mai 5 giờ sáng đi làm việc, cấm đưa nào được rời khỏi khu này”. Nói rồi Hùng và đàn em bỏ đi. Cường bắt đầu sợ hãi khi nhìn qua khe cửa thấy cổng vào ngôi nhà trọ đã được khóa bằng sợi xích sắt to đùng. Cường run run hỏi mấy đứa trẻ sống cùng mai sẽ làm việc gì? Tụi trẻ không trả lời chỉ nhìn Cường với ánh mắt sợ sệt kèm theo những cái lắc đầu.

Đúng như lời Hùng, 5 giờ sáng hôm sau, Cường cùng những đứa trẻ ở cùng cậu bị gọi dậy. Nhóm Hùng yêu cầu những đứa trẻ mặc vào những bộ đồ lấm lem bùn đất và được chở ra ngã ba, ngã tư các tuyến đường lớn để xin tiền. Thấy cảnh như vậy, Cường không muốn làm và đòi về nhà thì bị Hùng đánh, mắng và dọa sẽ nhốt và bỏ đói cậu nếu cậu không chịu làm việc. Quá hoảng sợ, Cường đành cùng những đứa trẻ khác mỗi ngày từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối xuất hiện ở các địa điểm được Hùng và đồng bọn chở đến xin tiền. Sự việc kéo dài hơn một tháng. Những ngày xin được nhiều tiền thì Cường và những đứa trẻ được ăn no, những ngày không xin được, họ chỉ có thể lót bụng với chiếc bánh bao chay và cốc nước trắng, thậm chí, có thể bị đánh, mắng và bị bỏ đói.

Cường rất nhớ nhà, cũng rất hối hận vì quyết định vội vàng của mình, nhưng dưới sự giám sát của nhóm Hùng, cậu không thể bỏ về quê được.

Một đêm tháng 12, trong cái rét căm căm, trên con đường vắng vẻ của thành phố đã từng rất sôi động, Cường quyết tâm trốn về quê. Tuy nhiên, chỉ đi được 300m cậu đã bị phát hiện, bị đồng bọn của Hùng bắt lại. Chúng đánh Cường một trận và dọa sẽ giết nếu Cường còn tiếp tục bỏ trốn. Cứ vậy, suốt mấy ngày Cường bị nhốt và bỏ đói, cậu đành tiếp tục lang thang trên đường phố xin tiền theo lệnh từ nhóm người của Hùng. Ngày tháng cứ trôi, dưới sự bạc đãi từ nhóm Hùng, Cường ngày một gầy gò, xanh xao, khác hẳn với vẻ bề ngoài của những người bạn đồng trang lứa đang tuổi ăn, tuổi lớn của mình. Không ít lần, Cường nghĩ đến cái chết, may mắn là khi đứng trước cái chết, mong muốn được sống trỗi dậy, cậu quyết tâm phải về nhà, về với mẹ và các em.

Trời không phụ lòng người, sau nhiều lần cố gắng dùng khẩu hình miệng cầu cứu người qua đường, Cường đã gặp Quân, một tình nguyện viên của một tổ chức của và vì người khuyết tật. Sau khi nhận được tín hiệu của Cường, Quân đã lưu ý, theo dõi nhóm người Hùng và Cường. Sau khi cơ bản xác thực được thông tin, Quân đã tố giác sự việc với cơ quan công an. Tổ chức của Hùng bị triệt phá, Cường và những đứa trẻ bị nhóm Hùng ép buộc đi xin tiền được trở về quê hoặc được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội chờ xác minh thông tin. Sau khi về đến nhà, Cường kể hết mọi chuyện với mẹ, cả nhà cùng khóc và Cường được mọi người động viên rất nhiều.

Đặc biệt hơn, sau sự việc này, Cường đã cùng Quân trở thành những tình nguyện viên thực hiện kế hoạch giúp đỡ những người khuyết tật bằng cách kể lại câu chuyện của bản thân và đi tuyên truyền về các trường hợp, cách thức hạn chế cũng như bảo vệ bản thân nếu gặp tình huống giống Cường. "Giờ nghĩ lại mình thấy vừa sợ, vừa xấu hổ. Tuy nhiên, sai lầm của mình có thể là bài học để bảo vệ những đứa trẻ còn khó khăn, đặc biệt là những đứa trẻ khuyết tật khỏi “nanh vuốt” của những kẻ lạm dụng trẻ em. Được như vậy, phần nào mình cũng thấy mừng. Mong rằng, trẻ em khuyết tật sẽ ngày càng được yêu thương và chăm sóc nhiều hơn." – Cường tâm sự.

--------------------------------------------------------------------------

Điều 6 Luật Trẻ em 2016 quy định nghiêm cấm hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

Điều 14 Luật Người khuyết tật 2010 quy định nghiêm cấm hành vi: Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội; Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Khoản 3 Điều 11 và khoản 2 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em có quy định:

Điều 11. Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”.

Điều 23. Vi phạm quy định về cấm lạm dụng, bóc lột trẻ em, tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;

b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn”.

Điều 297 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

Điều 297. Tội cưỡng bức lao động

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

c) Làm chết người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.