Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thực thi chính sách vay vốn ưu đãi đối với người lao động là người khuyết tật - vấn đề không mới nhưng vẫn nan giải trên thực tế

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 28/08/2023

Quyền lao động, có việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người khuyết tật để có thu nhập, ổn định cuộc sống và quan trọng hơn là giúp họ gạt bỏ đi sự tự ti, e ngại, tâm lý dựa dẫm mà tự tin hòa nhập cộng đồng và góp phần phát triển đất nước[1]. Nước ta hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật, trong đó 61% còn trong độ tuổi lao động và 40% còn khả năng lao động nhưng chỉ có 31,7% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm[2]. Trong số này, chỉ 15% người khuyết tật là lao động làm công ăn lương, còn lại là các công việc không chính thức và không có thu nhập[3]. Theo một khảo sát của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, có tới 68,2% số người đang làm việc được khảo sát (năm 2021) có nhu cầu được vay vốn chính sách việc làm hoặc hộ nghèo[4]. Có thể thấy, nhu cầu được tiếp cận, vay vốn để tự tạo việc làm, có việc làm ổn định của người khuyết tật vẫn khá lớn. Đáp ứng yêu cầu đó, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành một hệ thống chính sách hỗ trợ người lao động khuyết tật vay vốn ưu đãi tạo việc làm tương đối hoàn chỉnh, nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận với nguồn vốn này một cách thuận lợi để tự tạo việc làm và ổn định cuộc sống. Vậy nhưng, giải quyết việc làm bằng chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với người khuyết tật đến nay vẫn là “bài toán khó” cần được giải quyết một cách tích cực hơn trên thực tiễn thi hành chính sách.

Khung chính sách vay vốn ưu đãi đối với người lao động là người khuyết tật

Hiện nay, theo quy định tại Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành (như Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, Nghị định 74/2019/NĐ-CP, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP…), người lao động khuyết tật được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. Việc vay vốn được thực hiện thông qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội mà không cần bảo đảm tiền vay (tức vay tín chấp), với lãi suất cho vay chỉ bằng một nửa lãi suất cho vay đối với hộ chính sách (hộ nghèo, hộ cận nghèo) phù hợp với từng thời kỳ. Từ cuối năm 2019 đến nay, lãi suất cho vay đối với người khuyết tật là 3,96%/năm, chỉ bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. Mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng, thời hạn cho vay tối đa 120 tháng (10 năm). Trong tương quan so sánh với giai đoạn trước năm 2019 thì mức vốn, thời hạn cho vay đã được điều chỉnh tăng gấp đôi, nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn của người khuyết tật, góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen” cũng như tăng cơ hội thu hồi vốn và lợi nhuận, kịp hoàn vốn trả nợ, qua đó cũng tăng chất lượng tín dụng chính sách.

Hồ sơ vay vốn khá đơn giản và ngày càng được cắt giảm các giấy tờ. Trước đây, hồ sơ vay vốn của người lao động khuyết tật bao gồm 02 loại giấy tờ là: Giấy đề nghị vay vốn (có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã) và bản sao Giấy xác nhận khuyết tật. Kể từ ngày 01/01/2023, người khuyết tật chỉ cần làm Giấy đề nghị vay vốn (theo Mẫu số 01 theo 104/2022/NĐ-CP). Trong giấy này, người vay kê khai thông tin đối tượng ưu tiên như số giấy xác nhận khuyết tật, ngày cấp, nơi cấp. Đồng thời, nội dung xác nhận của Ủy ban nhân cấp xã cũng có sự thay đổi từ xác nhận về “việc cư trú hợp pháp; thuộc đối tượng ưu tiên (nếu có)” sang xác nhận về “nơi thực hiện dự án” để đảm bảo tính trung thực của dự án mà người khuyết tật đang hoặc dự kiến tiến hành. Quy trình cho vay cũng được giản lược hơn (chẳng hạn như bỏ bước thẩm định dự án vay vốn của tổ chức chính trị - xã hội) nhằm giảm bớt thời gian, công sức thực hiện thủ tục, tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận nguồn vốn vay nhanh nhất có thể.

Việc triển khai chính sách trên thực tế vẫn còn nan giải

Triển khai trên thực tế, Ngân hàng chính sách xã hội đã ban hành Văn bản số 4668/NHCS-TDSV ngày 19/05/2021 chỉ đạo ưu tiên cho vay đối với người lao động khuyết tật, các cơ quan, ban ngành liên quan cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy chính sách tín dụng ưu đãi, mở ra nhiều cơ hội cho người khuyết tật được tiếp cận nguồn vốn vay để tự tạo việc làm, mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn 2011-2020, doanh số cho vay người khuyết tật, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật đạt 296 tỷ đồng với hơn 15 nghìn khách hàng được vay vốn. Tổng dư nợ đạt 90 tỷ đồng với hơn 3.800 khách hàng còn dư nợ của Ngân hàng chính sách xã hội[5]. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, người khuyết tật đã chủ động phát triển kinh tế với nhiều mô hình khác nhau và đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất điển hình về làm ăn kinh tế giỏi không chỉ ở thành thị mà còn ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa… góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. Khi kinh tế ổn định, chất lượng cuộc sống được được cải thiện là điều kiện giúp người khuyết tật không còn mặc cảm, tự tin làm ăn, hòa nhập với cộng đồng. Hơn nữa, thông qua hoạt động cho vay, các tổ chức Hội Người khuyết tật có điều kiện quan tâm sát sao đến hội viên, nắm bắt từng cơ sở, đã gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trò thi đua làm kinh tế giỏi. Với những kết quả tích cực trên, có thể nói, đến nay, tín dụng chính sách đối với người khuyết tật đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai chính sách vay vốn ưu đãi dành cho người lao động khuyết tật cũng bộc lộc một số tồn tại, hạn chế đến nay chưa được khắc phục.

Trước hết, tỷ lệ người khuyết tật được vay vốn ưu đãi còn thấp, chỉ chiếm dưới 01% so với tổng số người được vay từ Ngân hàng chính sách xã hội; dư nợ cho vay đối với người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật cũng chỉ chiếm 0,07 % trên tổng số dư nợ lẫn số hộ còn dư nợ các chương trình tín dụng của ngân hàng[6]. Do vậy, mới đáp ứng một phần nhu cầu vốn tạo việc làm của người khuyết tật, nhất là trong giai đoạn hiện nay[7].

Tiếp đó, mức vốn cho vay trên một hộ gia đình người khuyết tật còn thấp. Mặc dù mức vốn cho vay, thời hạn cho vay đã được được tăng lên so với giai đoạn trước nhưng đây là mức “tối đa”, nghĩa là không phải mọi trường hợp người khuyết tật được vay ở mức 100 triệu đồng với thời hạn 10 năm mà có thể thấp hơn rất nhiều căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của họ. Qua nghiên cứu thực tế và từ thực tiễn tư vấn, chúng tôi nhận thấy rằng, phần lớn người lao động khuyết tật được vay vốn ở mức từ 40-50 triệu, thậm chí có trường hợp chỉ vay được 20-30 triệu, họa hoằn lắm mới có trường hợp được vay khoảng 80-90 triệu (đây thường là cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ do người khuyết tật làm chủ). Mức vốn vay thấp cộng thêm định kỳ trả nợ khá ngắn (tối đa 06 tháng một lần kể từ kể từ ngày nhận món vay đầu tiên) chưa đáp ứng được nhu cầu xoay vòng vốn thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật, đặc biệt là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Điều này dẫn đến hiện trạng nhiều người quyết định không vay, hoặc có vay nhưng phải “xoay sở” thêm từ các nguồn khác như Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức Tài chính vi mô tình thương (TYM) hoặc các ngân hàng thương mại…

Hơn nữa, cơ cấu cho vay không đồng đều khi mà người khuyết tật vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm chủ yếu là người mù thông qua nguồn vốn ủy thác Hội Người mù Việt Nam quản lý với dư nợ gần 50 tỷ đồng và gần 03 nghìn hộ vay còn dư nợ[8]. Theo tính toán của tác giả, dư nợ của người mù chiếm tới 61,1% dư nợ và 78,9% khách hàng người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật còn dư nợ. Vậy thì những người khuyết tật ở các dạng tật còn lại chỉ chiếm 38,9% dư nợ và 21,1% khách hàng còn dư nợ. Điều này đang gây ra sự bất bình đẳng giữa chính người khuyết tật với nhau trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Nguyên nhân do đâu?

Thứ nhất, người khuyết tật chưa được bố trí nguồn vốn dành riêng cho người khuyết tật trong Quỹ quốc gia về việc làm. Đồng thời, các chương trình cho vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể nhưng chưa thực hiện ủy thác cho Hội Người khuyết tật. Do vậy, ngoại trừ người khuyết tật là thành viên và vay vốn thông qua Hội Người mù, những người khuyết tật còn lại mất đi cơ hội được bảo lãnh qua hội nhóm của mình mà phải vay vốn thông qua đoàn thể khác. Chính điều này đã dẫn đến một thực trạng là mặc dù thủ tục cho vay trên quy định được đánh giá là khá đơn giản, song thực tế người khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn khi mà để được nộp hồ sơ vay vốn, họ bắt buộc phải là hội viên của một trong các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương (Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân…) và gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức đó. Trong khi đó, phần lớn hội viên Hội người khuyết tật lại chưa là hội viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc các hội đoàn thể này. Điều đó đã trở thành rào cản khiến nhiều người khuyết tật khó tiếp cận được với những nguồn vốn ưu đãi.

Thứ hai, nguồn vốn cho vay còn hạn hẹp. Theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội, từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm chưa được bổ sung thêm, mà chỉ thực hiện cho vay bằng nguồn vốn quay vòng và bổ sung một phần trên cơ sở tiền lãi cho vay. Bên cạnh đó, một số địa phương ít quan tâm dành nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay chính sách[9]. Do vậy, tại nhiều địa phương, số vốn đưa về cho các tổ chức chính trị - xã hội hàng năm khá “eo hẹp” trong khi số lượng người có nhu cầu vay ngày càng cao, nên thay vì dồn vốn cho một số người thì các hội nhóm phải phân bổ cho nhiều người với mức vay thấp nhằm đảm bảo sự công bằng[10].

Thứ ba, một số tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương còn chưa tích cực trong việc hỗ trợ hội viên là người khuyết tật thực hiện thủ tục vay vốn ưu đãi; có nơi còn “e ngại” người khuyết tật không có khả năng trả nợ nên không hướng dẫn hội viên khuyết tật làm thủ tục với lý do “chưa có chỉ đạo về việc này”[11]. Thậm chí có trường hợp các tổ, ngân hàng lựa chọn cho vay đối với người không khuyết tật hơn là người khuyết tật vì cho rằng khả năng hoàn trả cao hơn. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ Hội người khuyết tật tại nhiều nơi còn thiếu và yếu, chưa sâu sát thực tế, chưa nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người khuyết tật nên chưa hướng dẫn, hỗ trợ được nhiều.

Thứ tư, một nguyên nhân không thể không kể đến là một bộ phận người khuyết tật còn thiếu thông tin về chính sách vay vốn ưu đãi hoặc do thiếu tự tin, “bằng lòng với những gì mình có” nên thay vì tự lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn thì lại chọn cách thu mình lại. Thêm vào đó, từ thực tiễn tư vấn của chúng tôi cũng cho thấy, nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh rất khó khăn, dù được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời hạn dài hơn cũng không hề dễ dàng đối với họ nên nhiều người có tâm lý e ngại khi đề cập đến vấn đề vay vốn, nhất là khi kỳ hạn trả nợ đầu tiên khá ngắn. Trong một buổi hỗ trợ trực tiếp tại địa phương, anh T.V.B (45 tuổi) – một người khuyết tật ở Quảng Nam đã chia sẻ: “Theo tư vấn và hướng dẫn của cán bộ tín dụng thì với dự án của tôi có khả năng được vay khoảng 20 đến 30 triệu đồng với thời hạn khoảng 2 đến 3 năm. Song, tôi vẫn băn khoăn không biết có nên vay hay không vì định kỳ trả nợ ngắn quá, trong khi việc chăn nuôi gà có nhiều rủi ro dịch bệnh mà bản thân thì không biết nhiều kỹ thuật”. Việc người khuyết tật chưa qua đào tạo tay nghề, chuyên môn kỹ thuật không cao, sức khỏe hạn chế, kiến thức hiểu biết về kỹ thuật sản xuất thấp… nên việc sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngại” cho người khuyết tật vay vốn.

Giải pháp cho vấn đề?

Thứ nhất, để tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận được vốn vay ưu đãi, cần bố trí nguồn vốn để dành riêng cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật qua cơ chế ủy thác cho hội nhóm của người khuyết tật (Hội Người khuyết tật). Đồng thời, Nhà nước cần quan tâm bố trí ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, cùng với những hỗ trợ nhất định từ ngân sách trung ương, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội để tăng nguồn vốn vay. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn vốn vay, chú trọng huy động nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức quan tâm đầu tư và từ các tổ chức tín dụng quốc tế… để hỗ trợ nguồn vốn cho Quỹ[12].

Thứ hai, đối với món vay có thời hạn trên 12 tháng, cần xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ đầu tiên lên tối đa 12 tháng kể từ ngày nhận món vay đầu tiên như trước đây thay vì kỳ hạn 06 tháng như hiện nay nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật có thêm thời gian để phát triển sản xuất, kinh doanh kịp thu hồi vốn trả nợ.

Thứ ba, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ chức của người khuyết tật cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến chính sách vay vốn ưu đãi đến với người khuyết tật, hỗ trợ nâng cao nhận thức và vận động người khuyết tật còn khả năng lao động mạnh dạn vay vốn tự tạo việc làm. Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt vai trò nhận ủy thác, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội trong việc củng cố hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, hướng dẫn, hỗ trợ người khuyết tật trong quá trình tiến hành thủ tục vay vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, lãnh đạo Ngân hàng chính sách xã hội cũng cần chỉ đạo nâng cao nhân thức của chính cán bộ, nhân viên thuộc hệ thống trong việc tạo điều kiện tối đa cho người khuyết tật vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ngân hàng chính sách xã hội trong việc lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ… với hoạt động tín dụng chính sách, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa… nơi hộ vay vốn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai để trồng trọt, chăn nuôi để giảm thiểu các rủi ro và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay đầu tư. Từ đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách mà còn tăng độ tin cậy về khả năng hoàn nợ của người khuyết tật.

Thực chất, những khó khăn, bất cập trong chính sách cho vay ưu đãi tự tạo việc làm đối với người khuyết tật là “bài toán” dai dẳng trong suốt một thập kỷ qua. Mặc dù đã có nhiều biện pháp được triển khai song điều này là chưa đủ để người khuyết tật được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi một cách thuận lợi nhất. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng rằng, với những giải pháp trên đây cùng sự nỗ lực từ Ngân hàng chính sách xã hội, các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội… và của chính người khuyết tật sẽ tạo “đòn bẩy” để có thể thực hiện thành công mục tiêu vào năm 2025 có 90% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định và tỷ lệ này đạt 100% năm 2030[13], góp phần tạo nền tảng quan trọng để người khuyết tật tự tin sống độc lập – hòa nhập cộng đồng./.


[1] Trần Thế Hệ (2022), “Bảo đảm quyền làm việc cho lao động là người khuyết tật”, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, https://lsvn.vn/bao-dam-quyen-lam-viec-cho-lao-dong-la-nguoi-khuyet-tat1653324099.html, ngày cập nhật 23/05/2022.

[2] Thanh Hoa (2023), “Khoảng 31,7% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm”, https://nhandan.vn/khoang-317-nguoi-khuyet-tat-tu-15-tuoi-tro-len-co-viec-lam-post743953.html, cập nhật ngày 21/03/2023.

[3] Thảo Lan (2021), “Nhu cầu và những khó khăn, thách thức trong đào tạo nghề đối với người khuyết tật”, Trang điện tử, tạp chí Lao động và xã hội, http://laodongxahoi.net/nhu-cau-va-nhung-kho-khan-thach-thuc-trong-dao-tao-nghe-doi-voi-nguoi-khuyet-tat-1320333.html, cập nhật ngày 29/8/2021.

[4] Dung Nhi (2021), “68,2% số NKT đang làm việc có nhu cầu được vay vốn”, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, http://asvho.vn/682-so-nkt-dang-lam-viec-co-nhu-cau-duoc-vay-von-a1764.html.

[5] Ngân hàng chính sách xã hội (2021), Báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Luật Người khuyết tật từ năm 2011-2020 (Đính kèm văn bản số 5420/NHCS-TDSV ngày 14/06/2021), tr.3.

[6] Bộ Lao động – Thương binh và xã hội (2020), Báo cáo kết quả thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020, tr.14.

[7] Bài viết “Đề xuất tăng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm”, https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/hoat-dong-ung-cuu-attt-mang.aspx?CateID=0&ItemID=11465&OtItem=date, cập nhật ngày 12/10/2018.

[8] Ngân hàng chính sách xã hội, tlđd, tr.3.

[9] Ngân hàng chính sách xã hội, tlđd, tr.4.

[10] Mạnh Dũng (2018), “Chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề cho người khuyết tật”, Báo Điện tử Dân Sinh, https://baodansinh.vn/phat-trien-dao-tao-nghe-cho-nguoi-khuyet-tat-72440.htm, cập nhật ngày 10/04/2018.

[11] Trần Oanh (2022), “Việc làm cho người khuyết tật: Có cơ hội nhưng… khó bền vững, Bài 2: Người khuyết tật cải thiện cuộc sống nhờ vốn vay ưu đãi”, Báo điện tử Kinh tế & Đô thị, https://kinhtedothi.vn/bai-2-nguoi-khuyet-tat-cai-thien-cuoc-song-nho-von-vay-uu-dai.html, cập nhật ngày 29/09/2022.

[12] Lê Hải Yến (2019), “Vấn đề vay vốn tự tạo việc làm đối với lao động là người khuyết tật - Những khó khăn, bất cập chủ yếu hiện nay”, https://tuvanmienphi.vn/vi/phap-luat/436-van-de-vay-von-tu-tao-viec-lam-doi-voi-lao-dong-la-nguoi-khuyet-tat-nhung-kho-khan-bat-cap-chu-yeu-hien-nay.html, cập nhật ngày 31/08/2019.

[13] Mục tiêu này được ghi nhận tại: Quyết định 1190/QĐ-TTg ngày 05/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030.