Mới đây, ngày 05/8/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định số 1190/QĐ-TTg ban hành Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2020-2030 (sau đây xin gọi tắt là Chương trình 1190). Mặc dù khác nhau về tên gọi, nhưng về thực chất thì chúng ta đều hiểu đây chính là Chương trình hỗ trợ người khuyết tật của Chính phủ trong giai đoạn 10 năm tới, tiếp nối các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trong phạm vi toàn quốc trong ngót 10 năm vừa qua, trên cơ sở triển khai thực hiện Quyết định số 1019 /QĐ –TTg ngày 05/8/2012 ban hành Đề án trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 (sau đây xin gọi tắt là Đề án 1019).
Bài viết này xin giới thiệu một số nội dung chủ yếu thuộc Chương trình 1190 trong đó tập trung phân tích một số điểm mới của Chương trình này so với Đề án 1019 và một vài quan điểm cá nhân mang tính chất nghiên cứu của tác giả về một số vấn đề liên quan đến đối với cơ chế chính sách, giải pháp cơ bản nhằm hỗ trợ người khuyết tật trong phạm vi cả nước trong giai đoạn 10 năm tới, liên quan đến những vấn đề được đặt ra trong khuôn khổ Chương trình mới 1190. Bài viết được chia làm 2 kỳ, cụ thể như sau:
Kỳ 2: Điểm mới cơ bản trong hệ thống các hoạt động và các giải pháp chủ yếu nhằm triển khai mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật thuộc Chương trình 2021-2030
Mời bạn đọc đón đọc kỳ 1: Một số nét khái quát và điểm mới cơ bản trong mục tiêu của chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2020 - 2030
- MỘT SỐ NÉT KHÁI QUÁT VỀ CHƯƠNG TRÌNH 1190
1. Bối cảnh:
Chương trình 1190 được ban hành trong bối cảnh chuẩn bị kết thúc trên 08 năm thực hiện Đề án 1019, nên những nội dung của Chương trình được xây dựng trên cơ sở đúc kết những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai Đề án 1019 cũng như đã có sự tham khảo từ thực tiễn thi hành các chính sách về người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật 2010 và các luật có liên quan. Đồng thời, Chương trình mới này được ban hành trong bối cảnh các chủ trương, chính sách của Đảng và thể chế chính sách về người khuyết tật được tăng cường, đổi mới một bước đáng kể. Đặc biệt phải kể đến Chỉ thị 39 /CT-BBT ngày 11/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, Bộ Luật Lao động 2019 (có hiệu lực 01/1/2021); Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực 01/7/2020)…
Bên cạnh những thuận lợi kể trên, Chương trình 1190 cũng ra đời và sắp được triển khai trong điều kiện kinh tế- xã hội khá nhiều biến động, chịu ảnh hưởng bởi những tác động khó khăn khách quan trong nước và toàn cầu. Đặc biệt trong điều kiện đại dịch Covid 19 đang lan rộng trên thế giới, mặc dù Việt Nam được xem là một trong những quốc gia khống chế dịch khá tốt, cũng như kinh tế phát triển tránh được chỉ số âm, nhưng sự phát triển với tốc độ khá khiêm tốn của nền kinh tế cũng được xem là những bất lợi khá lớn với thu ngân sách, không thể tránh khỏi những bất lợi nhất định cho việc triển khai các chính sách, chương trình an sinh xã hội, trong đó có Chương trình này.[1]
2. Giới thiệu khái quát về Chương trình 1190
Về cơ cấu, Chương trình này được chia thành năm phần chính: Phần Mục tiêu, gồm mục tiêu chung, các mục tiêu cụ thể; Các hoạt động chủ yếu của Đề án; Các giải pháp thực hiện Chương trình; Kinh phí thực hiện và Phân công trách nhiệm. Sau đây là một số nét chủ yếu:
i. Mục I, cũng tương tự như Đề án 1019, trừ mục tiêu chung, các mục tiêu cụ thể của Chương trình được chia theo mỗi giai đoạn 05 năm ( là 2021-2025 và 2026-2030) và cũng đều được thể hiện dưới dạng yêu cầu chỉ tiêu đối với từng mục tiêu cụ thể. Trong đó, có những mục tiêu hoàn toàn mới so với các mục tiêu của Đề án 1019, như về các chỉ tiêu về trợ giúp phụ nữ khuyết tật; về mở rộng mạng lưới các tổ chức người khuyết tật…
ii. Mục II: Các hoạt động chủ yếu của Chương trình này (mục II) được phân thành các lĩnh vực khác nhau, gồm 12 nhóm lĩnh vực khác nhau như trợ giúp trong y tế, giáo dục, dạy nghề - việc làm, trợ giúp trong tiếp cận công trình xây dựng - giao thông, công nghệ thông tin; trợ giúp pháp lý… Các nhóm lĩnh vực hoạt động của Chương trình 1190 này, nhìn chung về phạm vi rộng hơn 09 nhóm lĩnh vực hoạt động của Đề án 1019, nhằm đáp ứng yêu cầu của những mục tiêu cụ thể nêu tại phần I của Chương trình. Trong đó có những nhóm lĩnh vực hoạt động khá mới như nhóm về phòng chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai; nhóm hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật; hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập và hòa nhập cộng đồng
iii. Mục III: Nêu các nhóm giải pháp gồm 05 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện Chương trình (như thể chế; xã hội hóa; đổi mới, cập nhật các cơ sở dữ liệu…)...
Các mục IV, V, VI của Chương trình lần lượt đề cập đến những nội dung về kinh phí, phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện.
Tóm lại, nhìn về cơ cấu tổng thể thì các phần, mục của Chương trình này được cơ cấu theo mẫu “truyền thống”, thường dành cho một Chương trình, Đề án quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành (trong giai đoạn 5-10 năm), nên không có nhiều điểm quá khác biệt so với cách cơ cấu những vấn đề của Đề án 1019. Tuy nhiên, đi vào nội dung thì nhìn chung Chương trình 1190 về hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 là Chương trình tương đối đồ sộ, có phạm vi nội dung toàn diện hơn so với Đề án 2012-2020, từ mục tiêu chung đến các mục tiêu cụ thể và hệ thống những hoạt động chủ yếu của đề án cũng như hệ thống các giải pháp thực hiện Đề án. Và đặc biệt nội dung Chương trình này có khá nhiều điểm mới so với Đề án 1019 (nội dung chi tiết chúng tôi sẽ phân tích tại phần sau của bài viết này)
- MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ NGƯỜI KHUYẾT TẬT GIAI ĐOẠN 2021-2030
- Về các mục tiêu của Chương trình:
- Mục tiêu chung:
Với mục tiêu trong cả giai đoạn 2021 - 2030 nhằm: “Thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình”. Mục tiêu của Chương trình 1190 lần này bám khá sát với tinh thần cơ bản của công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật CRPD (mà Việt Nam đã ký kết vào tham gia), tập trung vào hai điểm cốt lõi nhất xuyên suốt trong toàn bộ nội dung của CRPD, là nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của người khuyết tật và xây dựng môi trường không rào cản với người người khuyết tật .Có thể thấy, đây là điểm chuyển biến cần được ghi nhận, cho thấy các chính sách về người khuyết tật của Việt Nam đang được xây dựng ngày càng phù hợp hơn với CRPD.
Về thể chế, tiêu chí “bình đẳng và xóa bỏ rào cản” cũng đã được thể hiện một phần nhất định trong Luật người khuyết tật 2010 và một số văn bản pháp luật có liên quan trong ngót 10 năm qua. Tuy nhiên, do rất nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc hiện thực hóa hai tiêu chí nói trên gặp khá nhiều rào cản, bất cập. Vì vậy, để yếu tố bình đẳng, xóa bỏ rào cản đối với người khuyết tật được đảm bảo thực sự khả thi và hiệu quả trong thực tiễn, những vấn đề này đã được các nhà hoạch định chính sách đưa thành hai nội dung cốt yếu của mục tiêu chung, là đích tiếp tục kiên quyết phấn đấu của cả Chương trình hỗ trợ người khuyết tật trong 10 năm tới (2021-2030). Đây được xem là một điểm khá tích cực thể hiện rõ nét ngay trong Mục tiêu chung của Chương trình 1190.
Bên cạnh đó, nếu so sánh với mục tiêu chung của Đề án Đề án trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 (Đề án 1019), chúng ta thấy mục tiêu của Đề án này mới chỉ dừng lại ở mức độ hỗ trợ người khuyết tật “đáp ứng nhu cầu của bản thân”, tức là mới dừng đến đích hỗ trợ người khuyết tật đáp ứng nhu cầu cơ bản tối thiểu trong cuộc sống (chữa bệnh, ăn ở, học hành, đi lại,…), còn nội dung mục tiêu chung của Chương trình 1190 đã được “nâng tầm” hơn, hướng tới tạo nên những chuyển biến về chất nhằm cải thiện “chất lượng cuộc sống” của người khuyết tật trong giai đoạn 10 năm tới. Xét về khía cạnh chung thì đây cũng là điểm logic tất yếu đối với bất kỳ chương trình nào ở tầm quốc gia, trong việc đặt những mục tiêu tiếp nối phù hợp với hướng phát triển của từng giai đoạn (yêu cầu mục tiêu giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước). Còn xét riêng về khía cạnh chính sách người khuyết tật thì được xem như việc khẳng định rõ ràng quan điểm quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ người khuyết tật không ngừng cải thiện cuộc sống theo hướng tốt hơn, hiện đại, văn minh hơn… Mục tiêu chung này đặt ra yêu cầu, thách thức phải được đảm bảo bởi nhiều giải pháp đồng bộ về chính sách cụ thể và các cơ chế thực thi có hiệu quả của Chương trình.
Như vậy, nhìn tổng thể thì mục tiêu chung tổng thể của Chương trình 1190 ở giai đoạn 2021-2030 có thể đánh giá là phù hợp hơn với tinh thần của CRPD và với những định hướng chính sách hỗ trợ người khuyết tật mang tính phát triển cao hơn một bước đáng kể ở giai đoạn mười năm tới, 2021-2030.
- Nhóm các mục tiêu cụ thể:
Cũng như cách cơ cấu các mục tiêu tại Đề án 1019, hệ thống các mục tiêu cụ thể của Chương trình 1190 được chia làm hai giai đoạn 05 năm (là 2021-2025 và 2026-2030), với các chỉ tiêu trên từng lĩnh vực.
Phân tích nội dung các mục tiêu cụ thể Chương trình 1190 giai đoạn 2021-2030, có thể đưa ra một số nhận định như sau:
- Một loạt chỉ tiêu trong đa số mục tiêu cụ thể của Chương trình 1190 đã được điều chỉnh theo hướng hiện thực hơn, nhằm đảm bảo tính khả thi của Chương trình
Nếu so sánh, phân tích chúng ta sẽ thấy khá nhiều chỉ tiêu trong các mục tiêu cụ thể của giai đoạn 05 năm 2021-2025 của Chương trình 1190 đều được điều chỉnh với tỷ lệ thấp hơn so với những mục tiêu cùng cùng lĩnh vực của Đề án 1019, trong giai đoạn 5 năm trước liền kề (2016-2020). Cụ thể:
- Đa số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người khuyết tật của giai đoạn này giảm từ 10-20% phần trăm so với giai đoạn trước, hoặc giảm về số người hưởng dịch vụ (như tỷ lệ người tiếp cận các dịch vụ y tế hàng năm là 80%, giảm 10% so với giai đoạn trước; số lượng trẻ em khuyết tật và người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng… đạt khoảng 50 nghìn người cho cả giai đoạn, thấp hơn giai đoạn trước 20 nghìn.
- Số người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm phù hợp trong cả giai đoạn là 200 nghìn người, giảm 100 nghìn so với mục tiêu cùng nội dung trong 05 năm trước.
- Các chỉ tiêu mục tiêu về tỷ lệ người khuyết tật tiếp cận công trình xây dựng và công trình, phương tiện giao thông đảm bảo điều kiện tiếp cận sử dụng đều có sự điều chỉnh thấp hơn so với giai đoạn trước, như:
+ 80% công trình xây dựng mới và 30% công trình xây dựng cũ là trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ga, bến tàu bến xe, cơ sở giáo dục, khám chữa bệnh, nhà chung cư;… phải đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Trong khi ở giai đoạn trước, chỉ tiêu đặt ra là 100% các công trình công cộng nói trên và nhà chung cư phải đạt điều kiện tiếp cận sử dụng đổi với người khuyết tật (chỉ tiêu này chỉ quan sát trên thực trạng đa số các công trình công cộng tính đến thời điểm hiện tại 2020 cũng đã đủ thấy không thể hoàn thành mục tiêu).
+ Trong giao thông, thì chỉ tiêu giai đoạn này là 30% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương. Trong khi đó chỉ tiêu này ở giai đoạn 05 năm trước là 80%…
Nếu chỉ xét một chiều về logic thì đáng lẽ các chỉ tiêu phát triển của giai đoạn sau cần phải cao hơn giai đoạn trước (ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến những chỉ tiêu phát triển). Theo quan điểm của người viết bài, đây chính là sự điều chỉnh cần thiết, hợp lý nhằm đảm bảo tính khả thi cao của từng chỉ tiêu các mục tiêu cụ thể trong Chương trình hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, tránh tình trạng mọi ý tưởng, mọi chính sách đề ra trong Chương trình chủ yếu được “nằm trên giấy”, hoặc tỷ lệ thành công quá thấp so với mục tiêu đề ra vì nhiều lý do khác nhau.
Vậy vì sao lại có sự điều chỉnh này?
Chúng ta biết rằng, như đã đề cập ở trên, Đề án trợ giúp người khuyết tật 2012-2020 ban hành kèm theo Quyết định 1019 /QĐ-TTg được ban hành từ năm 2012, khi mà Luật người khuyết tật 2010 và nhiều văn bản lồng ghép chính sách hỗ trợ người khuyết tật đều mới được ban hành. Việc triển khai thực hiện những quy định của Luật và đặc biệt là thực hiện các hoạt động, giải pháp đặt ra trong chính Đề án số 1019 nói trên đã được kiểm nghiệm qua ngót 08 năm. Và, từ thực trạng của 08 năm qua đã đủ thấy không ít những chỉ tiêu thuộc các nhóm mục tiêu cụ thể nhằm hỗ trợ người khuyết tật trên nhiều lĩnh vực của Đề án này đã trở nên bất khả thi trong thực tiễn cuộc sống, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Những con số “biết nói” sau đây đã chứng minh phần nào các chính sách người khuyết tật đang gặp khá nhiều khó khăn, rào cản trên thực tiễn, cần có sự nỗ lực cải thiện tình hình trên nhiều phương diện (mà trước hết cần có sự điều chỉnh cả về mục tiêu chính sách cụ thể):
* Trong lĩnh vực y tế: Ước tính chỉ khoảng trên 60% trẻ em được sàng lọc khuyết tật khi sinh; khoảng 60% trẻ em được tiếp cận dịch vụ sàng lọc khuyết tật sớm sau sinh, can thiệp sớm, phục hồi chức năng[2]
*Trong lĩnh vực lao động việc làm, tỷ lệ người khuyết tật được đào tạo nghề phù hợp trên thực tế vẫn rất thấp. Theo kết quả Điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam năm 2016, chỉ có 7,25% trên tổng số người khuyết tật từ đủ 15 tuổi trở lên được đào tạo nghề (trong khi đó tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 21,93%)[3]. Về việc làm, chỉ chưa đầy 1/3 người khuyết tật có việc làm. Tỷ lệ người khuyết tật 15 tuổi trở lên có việc làm là 31,7%, trong khi đó tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 82,4%, cao gấp 2,5 lần[4].
*Trong việc đảm bảo điều kiện tiếp cận sử dụng dành cho người khuyết tật đối với các công trình xây dựng: Mới chỉ có 22,6% số công trình y tế; 20,8% số công trình giáo dục; 13,2% số nhà triển lãm, nhà trưng bày; 11,3% trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan; 5,7% siêu thị; 3,8% nhà thi đấu, bưu điện, nhà ga, cửa khẩu; 7,5% nhà dưỡng lão, câu lạc bộ hưu trí và 2% ngân hàng đảm bảo tiếp cận đối với người khuyết tật.[5] Chỉ có 16,9% trạm y tế được thiết kế phù hợp tiêu chuẩn tiếp cận dành cho người khuyết tật sử dụng; và cứ 100 trường học thì chỉ có 03 trường (chiếm tỷ 2,9%) có thiết kế phù hợp cho học sinh khuyết tật tiếp cận sử dụng[6].
ii) Một số chỉ tiêu mới được bổ sung so với Đề án 2012-2020 đã thể hiện rõ định hướng hỗ trợ nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật một cách toàn diện
- Thứ nhất, trong nhóm mục tiêu cụ thể về thúc đẩy học nghề - việc làm, Chương trình đã nêu rõ chỉ tiêu “90% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định”. Đây là điểm mới so với các mục tiêu cụ thể cùng lĩnh vực trong Đề án 1019 giai đoạn 05 năm trước đây. Mục tiêu này nhằm khẳng định việc đẩy mạnh thi hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với lao động là người khuyết tật được khẳng định trong Luật Việc làm 2014, Nghị định 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản có liên quan, nhằm tăng cường hỗ trợ lao động người khuyết tật có đủ khả năng ban đầu về vốn để tự tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình để có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tăng cường khả năng sống độc lập và cơ hội đóng góp cho xã hội của người khuyết tật.
- Nhóm mục tiêu cụ thể về tiếp cận các dịch vụ công nghệ thông tin; văn hóa thể thao đặt ra một loạt chỉ tiêu với những yêu cầu cao hơn giai đoạn năm năm trước:
+ Chỉ tiêu về “tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng % tỷ lệ chung cả nước” là một điểm mới khá ấn tượng, tỷ lệ này gấp đôi yêu cầu của giai đoạn năm năm trước (50% người khuyết tật được tiếp cận và sử dụng dịch vụ này).
+ Chỉ tiêu 50% tỉnh/thành phố có Câu lạc bộ thể dục thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận và 90% thư viện công cộng cấp tỉnh tổ chức được không gian đọc, đảm bảo tiện ích thư viện chuyên dụng cũng là những chỉ tiêu mới nằm trong nhóm mục tiêu cụ thể lĩnh vực này.
Bên cạnh việc đề ra các mục tiêu nhằm tích cực triển khai thi hành có hiệu quả các cơ chế, chính sách đảm bảo một loạt quyền của người khuyết tật đã được đề ra trong các đạo Luật (và các nghị định hướng dẫn thi hành) như Luật Người khuyết tật 2010; Luật Tiếp cận thông tin 2016; Luật Thư viện năm 2019… nhóm những chỉ tiêu này còn đảm bảo nhất quán với mục tiêu chung của Chương trình là hướng tới nâng cao toàn diện chất lượng sống của người khuyết tật trên các khía cạnh: sức khỏe, kinh tế và đời sống văn hóa tinh thần.
- Một số mục tiêu hoàn toàn mới so với Đề án hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2012-2020
Đặc biệt trong hệ thống các mục tiêu cụ thể của Chương trình hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 10 năm tới có hai mục tiêu hoàn toàn mới so với Đề án trợ giúp người khuyết tật 2012-2020, đó là chỉ tiêu về hỗ trợ phụ nữ khuyết tật và chỉ tiêu phát triển các tổ chức của người khuyết tật.
- Về chỉ tiêu hỗ trợ phụ nữ khuyết tật
Với chỉ tiêu 100% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau, đã thể hiện một bước chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các nhà hoạch định chính sách đối với phụ nữ khuyết tật và có thể được xem là một trong những điểm nổi bật trong Chương trình này, phản ánh sự tiệm cận ngày càng sát hơn những chính sách của pháp luật Việt Nam với tinh thần của CRPD theo hướng phấn đấu đảm bảo quyền con người và quyền hợp pháp của phụ nữ khuyết tật (và trẻ em gái khuyết tật) - một trong những đối tượng được xem là yếu thế nhất trong những đối tượng yếu thế.[7] Chúng ta biết rằng, hiện nay, bên cạnh những nỗ lực về thể chế nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng về giới, thì vẫn còn thiếu những chính sách đặc thù rõ rệt đối với phụ nữ khuyết tật trong một số văn bản luật như Luật Bình đẳng giới 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007; Luật người khuyết tật 2010… Bên cạnh đó, trên thực tiễn phụ nữ khuyết tật phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức trên rất nhiều lĩnh vực như: chăm sóc sức khỏe, hôn nhân gia đình, việc làm… vì nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau. Trong đó, việc xóa bỏ những rào cản đối với phụ nữ khuyết tật còn nhiều khó khăn do định kiến giới từ phía gia đình, cộng đồng và xã hội. Ví dụ: Qua một số nghiên cứu, khảo sát cho thấy: Về giới tính của chủ hộ gia đình: Chủ hộ là nữ thì phụ nữ khuyết tật chiếm 8,38% (so với chủ hộ nữ không khuyết tật là 91,62%).[8] Có 13,4% phụ nữ khuyết tật không được khuyến khích sinh con, 7,5% bị phê phán vì muốn sinh con và 6% bị cấm sinh con.[9] Tỷ lệ phụ nữ khuyết tật được tiếp cận các kiến thức về sức khỏe sinh sản rất thấp, chỉ có 19% và tập trung vào nhóm phụ nữ khuyết tật dưới 30 tuổi. Ngoài ra, 40,8% phụ nữ khuyết tật được hỏi đều cho biết họ chưa được tiếp cận hay trang bị kiến thức về sức khoẻ sinh sản trong hai năm trở lại đây[10] .Tỷ lệ phụ nữ khuyết tật là nạn nhân của bạo lực, bạo lực tình dục khá cao: Theo kết quả một nghiên cứu khảo sát thì cứ 10 phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật thì có 04 người đã từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục từ trước tới nay.[11] Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ khuyết tật nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chính quyền, tổ chức khi bị bạo lực về giới khá thấp: Có đến 2/3 phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật bị xâm hại mà không được chính quyền cơ sở trợ giúp[12].
Do vậy, việc đặt ra mục tiêu hỗ trợ đối với tất cả phụ nữ khuyết tật (dưới các hình thức khác nhau) là một nội dung chính sách tích cực và cần thiết trong Chương trình này nhằm xóa bỏ rào cản đối với phụ nữ khuyết tật, khuyến khích họ vươn lên sống bình đẳng, độc lập, hòa nhập cộng đồng.
- Mục tiêu phát triển các hội của người khuyết tật cũng là một chỉ tiêu mới so với Đề án 1019:
Chỉ tiêu 70 - 80% số tỉnh, thành phố có tổ chức của người khuyết tật (tính cả giai đoạn 10 năm 2021-2030) cũng là nhóm mục tiêu mới được đặt ra trong Chương trình này. Đây là một trong những mục tiêu cần thiết nhằm triển khai cụ thể hóa chính sách của Luật Người khuyết tật 2010 và tinh thần của Chỉ thị 39/CT-TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Theo đó, đặt ra phương hướng tăng cường, nâng cao năng lực, tính chủ động của các tổ chức của người khuyết tật, để những tổ chức này thực sự là nơi tập hợp tích cực, là chỗ dựa tin cậy của cộng đồng người khuyết tật ở từng địa bàn, bảo vệ quyền bình đẳng, đấu tranh xóa bỏ kỳ thị đối với người khuyết tật và hỗ trợ lẫn nhau vươn lên sống độc lập, hòa nhập cộng đồng.
[1] Theo Tạp chí Tài chính; Tổng sản phẩm trong nước (GPD) của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 là 1,81%, là mức tăng thấp nhất trong kỳ 6 tháng so với các năm trong kỳ 2011-2020 ( nguồn: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/gdp-6-thang-dau-nam-2020-dat-muc-tang-truong-181-324929.html).
[2] Theo Tài liệu Báo cáo của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tại Hội nghị Tổng kết Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và triển khai giai đoạn 2021-2030 .
[3] Tổng cục Thống kê (2018), tlđd, tr.225.
[4] Tổng cục Thông kê (2018), Điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam, NXB. Thống kê, Hà Nội, tr.20.
[5] Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cũng cung cấp trong báo cáo nghiên cứu tình hình thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật năm 2016 của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam
[6] Tổng cục Thống kê (2018), tlđd, tr 18 và 19.
[7] Công ước CRPD nêu rõ: Quốc gia thành viên thừa nhận rằng phụ nữ và các bé gái khuyết tật dễ bị phân biệt đối xử, do vậy quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp bảo đảm cho họ được hưởng trọn vẹn và bình đẳng các quyền và tự do cơ bản của con người (Khoản 1, Điều 6).
[8] Tổng cục Thống kê, Điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam năm 2016, NXB. Thống kê, 2018, tr210.
[9] Báo cáo khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển xã hội, https://dantri.com.vn/xa-hoi/phu-nu-khuyet-tat-luon-thiet-thoi-trong-hon-nhan-1382710135.htm
[10] Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Báo cáo Nghiên cứu tình hình thực hiện UN CRPD tại Việt Nam, 2016
[11] Báo cáo nghiên cứu của ACDC về tình hình bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật tại Hà Nội và Đà Nẵng. Tháng 8/2018. Tr 25.
[12] Xem nội dung trả lời chất vấn đại biểu QH của Bộ Trưởng Bộ LĐTBXH tại phiên họp 06/8/2019 của Quốc hội: https://www.nguoiduatin.vn/nhuc-nhoi-van-de-tro-giup-cho-nguoi-khuyet-tat-phu-nu-tre-em-bi-bao-hanh-a444551.html