Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Bàn về vấn đề đào tạo nghề đối với người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay

  • Thực hiện: Lê Hoa
  • 30/06/2023

Trong điều kiện kinh tế thị trường, xu hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thế giới có nhiều biến động… thì cạnh tranh để tìm kiếm việc làm luôn là vấn đề thách thức đối với đa số người lao động và đặc biệt là đối với lao động người khuyết tật. Thị trường lao động Việt Nam hiện nay được đánh giá chung là tỷ lệ người lao động có bằng cấp, chứng chỉ đào tạo nghề còn khá thấp với 26,2%[1] còn đối với lao động người khuyết tật thì tỷ lệ này còn thấp hơn đáng kể. Theo số liệu của đại diện Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam thì 93,4 % người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn, tỷ lệ người có bằng cấp chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm có 6,5%[2]. Do đó, vấn đề đào tạo nghề đối với người khuyết tật hiện nay được xem là một trong những vấn đề khá quan trọng, cần được khẩn trương nghiên cứu đổi mới, có những giải pháp cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên nhiều khía cạnh khác nhau, nhằm tạo tiền đề đẩy mạnh việc làm cho người khuyết tật.

Vài nét khái quát chính sách đào tạo nghề đối với người khuyết tật hiện nay ở nước ta

Dưới giác độ chính sách pháp lý, tính đến thời điểm hiện tại, cùng với Luật Người khuyết tật 2010, Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và các Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành các Luật này, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành có liên quan đã ban hành một loạt văn bản quy định chi tiết về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nghề với nhiều nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là nhóm đối tượng được xem là yếu thế, bao gồm người khuyết tật. Theo đó, khi theo học các khóa đào tạo nghề sơ cấp hoặc dưới 03 tháng, học viên người khuyết tật theo học tại các cơ sở đào tạo nghề công lập và ngoài công lập (đủ điều kiện theo quy định) được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo, kinh phí đi lại trong toàn khóa học và hỗ trợ tiền ăn theo mỗi ngày thực học[3]. Riêng về kinh phí đào tạo nghề, học viên là người khuyết tật được hỗ trợ ở mức cao nhất (so với các đối tượng khác như người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, v.v)[4]. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra quan điểm khuyến khích hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt đối với người khuyết tật trên cơ sở huy động tối đa các tổ chức tham gia đào tạo nghề đối với người khuyết tật, như: tổ chức đào tạo nghề đối với người khuyết tật linh hoạt về thời gian, địa điểm, tiến độ đào tạo phù hợp với nghề đào tạo, hình thức đào tạo thông qua các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp hoặc các tổ chức của người khuyết tật; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động là người khuyết tật hoặc của người khuyết tật v.v[5]. Đồng thời, trên cơ sở các chính sách dạy nghề của trung ương, mỗi tỉnh đều ban hành danh mục hỗ trợ đào tạo nghề (từ ngân sách nhà nước) nhằm khuyến khích, thu hút người lao động (trong đó có người lao động khuyết tật) tham gia học nghề và làm việc trên địa bàn của địa phương mình. Các cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành[6].

Như vậy, nhìn tổng thể, tính đến thời điểm hiện nay, khung chính sách về đào tạo nghề liên quan đến lao động là người khuyết tật của Việt Nam được xem là tương đối toàn diện và chứa đựng một số nội dung khá tích cực, phù hợp về cơ bản với tinh thần của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD).

Những khó khăn, bất cập, thách thức chủ yếu trong đào tạo nghề đối với người khuyết tật hiện nay

Mặc dù khung chính sách hỗ trợ, khuyến khích người khuyết tật được xem là khá tích cực như đã phân tích, nhưng trên thực tiễn vấn đề đào tạo nghề đối với người khuyết tật phải đối mặt với không ít khó khăn, bất cập, hạn chế. Một số bất cập, hạn chế chủ yếu:

Số lượng người khuyết tật tham gia học nghề khá ít

Theo nhận xét của một số đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì đa phần nguồn sinh viên khuyết tật học nghề rất ít, thậm chí có những ngành học không có học viên khuyết tật[7]. Thực trạng trên có thể xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như:

- Sự khác nhau về dạng khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật vận động, nhiễm chất độc da cam…) ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn nghề nghiệp, tiếp thu kiến thức của người khuyết tật.

- Một số người khuyết tật thường mặc cảm, tự tin nên không thoải mái và yên tâm khi xa gia đình đi học. Nhiều gia đình người khuyết tật là hộ nghèo, ở nông thôn thường không khuyến khích con em là người khuyết tật đi học mà muốn giữ ở nhà để trông nhà, làm việc nội trợ.[8]

- Công tác tuyên truyền về chính sách dạy nghề cho người khuyết tật tại một số địa phương còn khá hạn chế, chưa thực sự được quan tâm. Trên thực tiễn, không ít người khuyết tật hoặc gia đình người khuyết tật muốn học nghề hoặc cho con em mình đi học nghề nhưng thiếu thông tin về chính sách hỗ trợ học nghề, về các trung tâm tư vấn nghề nghiệp và dạy nghề cho người khuyết tật tại địa phương[9].

Công tác hướng nghiệp cho người khuyết tật còn hạn chế. Hệ thống dạy nghề thiếu và yếu; phạm vi các nghề đào tạo cho người khuyết tật tại đa số các cơ sở dạy nghề còn nghèo nàn và về cơ bản chưa gắn với nhu cầu thị trường.

Về việc tư vấn nghề nghiệp: Hiện nay đối với người khuyết tật một phần đến từ người nhà mà chưa theo chương trình tư vấn có chuyên môn. Còn tại các trung tâm tư vấn dạy nghề, mặc dù người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí theo quy định pháp luật, tuy nhiên, nội dung tư vấn hướng nghiệp cho người khuyết tật ở nhiều địa phương còn nghèo nàn, chưa được chú trọng. Những mặc định nghề nghiệp được “ép” vào người khuyết tật (chủ yếu dựa trên dạng tật của họ) và vào các môn dạy nghề nhất định. Ví dụ người khuyết tật vận động được mặc định hướng vào học các nghề liên quan đến máy tính như thiết kế phần mềm, chỉnh sửa ảnh... Người khiếm thị được mặc định hướng vào học các nghề như tẩm quất, đan chổi, làm tăm... Người khuyết tật nghe, nói được mặc định hướng theo các nghề làm may hoặc cắt tóc… Do việc tư vấn hướng nghiệp cho người khuyết tật còn hạn chế dẫn đến việc lựa chọn học nghề của người khuyết tật hiện nay còn chưa thực sự phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình[10].

Bên cạnh đó, thực trạng của không ít địa phương hiện nay là hệ thống dạy nghề thiếu và yếu. Thêm nữa, kết cấu chương trình đào tạo nghề quá nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, chưa có giáo trình dành riêng cho người khuyết tật[11].

Liên quan đến những nghề được đào tạo: Đa số các trường dạy nghề cho người khuyết tật hiện nay là dạy nghề đơn giản, không phù hợp với nhu cầu của thị trường, không có tính sáng tạo, đột phá. Thậm chí, một vài địa phương còn ban hành quy định “khoanh vùng” khá hẹp những nghề mà người khuyết tật được hỗ trợ trong danh mục đào tạo nghề (sơ cấp, dưới ba tháng) trong phạm vi tỉnh mình[12]. Đây là vấn đề khá nổi cộm hiện nay khi một bộ phận không nhỏ người khuyết tật được dạy những nghề không “trúng” với nhu cầu của doanh nghiệp. Ví dụ: Theo phản ánh của đại diện một trường cao đẳng kỹ thuật thì khi một công ty cảng biển lớn đã đề nghị nhà trường giới thiệu các sinh viên khuyết tật ngành logistic đến làm việc, nhưng tại trường không có một sinh viên khuyết tật nào để giới thiệu[13]. Thực trạng khá phổ biến hiện nay là không ít doanh nghiệp muốn tuyển dụng người khuyết tật nhưng không tìm được người làm, có người thì kỹ năng không đạt yêu cầu. Trong khi theo các chuyên gia, khi có kỹ năng, tay nghề phù hợp với vị trí làm việc thì người khuyết tật có thể tham gia lao động với năng suất cao, thu nhập tốt không kém người không khuyết tật[14].

Có thể tính đến các nguyên nhân khác nhau, dẫn đến thực trạng cả phạm vi đào tạo nghề và chất lượng đào tạo nghề đối với người khuyết tật còn hạn chế, nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu có lẽ xuất phát chính từ nhận thức của một số địa phương về dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật chưa đầy đủ[15].

Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật tại một số địa phương còn hạn chế, chính sách hỗ trợ kinh phí đối với người khuyết tật trong đào tạo nghề vẫn còn có những điểm chưa hợp lý

Thực tế từ năm 2012, Chính phủ đã cố gắng chi 10 tỷ cho đào tạo nghề, tạo việc làm cho trên 19 nghìn người khuyết tật[16]. Hàng năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều có hướng dẫn các địa phương xác định chỉ tiêu và kinh phí để hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật, trong đó dành tối thiểu 10% chỉ tiêu hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn từ ngân sách Nhà nước để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, như đã đề cập, có thể xuất phát từ nhận thức, sự quan tâm chưa đầy đủ trong công tác đào tạo nghề với người khuyết tật, nên trên thực tế không ít các địa phương trong kế hoạch hằng năm không đưa riêng chỉ tiêu này và không bố trí kinh phí riêng để tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật[17].

Hạn chế về chính sách hiện hành về hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật.

Do khả năng về thể chất của người khuyết tật trên một số dạng tật, nên thời gian đào tạo nghề cho người khuyết tật thường kéo dài. Theo phản ánh của doanh nghiệp có kinh nghiệm đào tạo nghề cho người khuyết tật thì mỗi dạng khuyết tật đều có khó khăn riêng: Với những người khuyết tật nghe - việc truyền tải kiến thức không dễ dàng; với người khuyết tật vận động - ảnh hưởng rất nhiều đến sự di chuyển. Đặc biệt đối với đa phần người khuyết tật tự kỷ (hiện nay pháp luật xếp vào dạng khuyết tật khác) và khuyết tật trí tuệ thì việc đào tạo nghề vô cùng khó khăn (có người 04 năm mà không học xong được một nghề)[18]. Do vậy, có thể thấy một người khuyết tật có thể phải mất chi phí về thời gian đào tạo cao hơn người không khuyết tật. Nghĩa là cùng một khóa dạy nghề sơ cấp hoặc ba tháng, nếu người không khuyết tật chỉ cần học một lần thì đối với một số người khuyết tật có thể phải học đến hai - ba lần mới thành nghề.

Phân tích chính sách hiện hành cho thấy: Mặc dù Nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ đáng kể cho người khuyết tật trong học nghề, nhưng nội dung của quy định chung chỉ hỗ trợ đào tạo nghề duy nhất một lần cho mỗi người lao động (trong đó bao gồm người khuyết tật) và không quá 03 lần đối với lao động bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan (đối với trình độ đào tạo sơ cấp hoặc dưới 03 tháng) tại khoản 3, Điều 7 của Thông tư 152/2016/TT-BTC của Bộ Tài Chính có lẽ chưa tính đến những yếu tố đặc thù trong đào tạo nghề đối với người khuyết tật.

Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo đề đối với người khuyết tật hiện nay

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác truyền thông và hoạt động hướng nghiệp dạy nghề đối với người khuyết tật. Nội dung truyền thông nâng cao nhận thức đối với người khuyết tật (và gia đình họ) gồm chính sách hỗ trợ dạy nghề đối với người khuyết tật hiện hành; các địa chỉ tư vấn dạy nghề và dạy nghề đối với người khuyết tật trên địa bàn từng địa phương (tỉnh, huyện). Hoạt động này cần được tiến hành với những phương thức linh hoạt phù hợp với đặc thù của người khuyết tật ở các dạng tật khác nhau. Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp đối với học sinh, thanh niên khuyết tật cần được quan tâm đẩy mạnh ngay tại các cơ sở giáo dục. Trách nhiệm tuyên truyền về công tác dạy nghề đối với người khuyết tật (và gia đình họ) cần được xác định không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà còn là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, đặc biệt là các hội của người khuyết tật…

Thứ hai, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương (trước hết là cấp tỉnh) trong công tác dạy nghề đối với người khuyết tật - yếu tố này sẽ làm nền tảng cho các giải pháp đổi mới trong ban hành chính sách hỗ trợ dạy nghề, nâng cao chất lượng công tác đào nghề đối với người khuyết tật và bố trí kinh phí dạy nghề trong phạm vi thẩm quyền của từng địa phương.

Thứ ba, cần thay đổi tư duy về đào tạo nghề cho người khuyết tật theo hướng đổi mới, sáng tạo, mở rộng danh mục đào tạo nghề đối với người khuyết tật và kiên quyết không đào tạo những nghề mà thị trường không cần. Kéo theo đó, cần đổi mới hoạt động tư vấn học nghề theo hướng phá bỏ tư duy mặc định nhóm nghề đào tạo người khuyết tật theo dạng tật của họ. Trong đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh cần đảm bảo việc phân bổ kinh phí riêng, xác định rõ chỉ tiêu đào tạo nghề cho người lao động (trong đó có người khuyết tật) theo đúng hướng dẫn của trung ương. Đồng thời, không hạn chế những nghề đào tạo người khuyết tật (trong phạm vi danh mục các nghề được ngân sách địa phương hỗ trợ) nhằm đảm bảo quyền tự do lựa chọn học nghề phù hợp với khả năng và nguyện vọng của người khuyết tật.

Thứ tư, cần nâng cao chất lượng dạy nghề (trước hết là chất lượng đào tạo của các trung tâm đào tạo nghề công lập) theo hướng tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên (chú ý huy động đội ngũ thầy giỏi là doanh nhân, nghệ nhân… tham gia đào tạo nghề); cân đối giữa dạy lý thuyết & thực hành; có giáo trình riêng cho người khuyết tật (đặc biệt chú ý giáo trình chữ nổi Braille dành cho người khuyết tật nhìn; giáo trình ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khuyết tật nghe, nói).

Thứ năm, cần đảm bảo yếu tố linh hoạt tối đa trong hoạt động dạy nghề cho người khuyết tật. Đặc biệt chú trọng khuyến khích hình thức đào tạo nghề của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động người khuyết tật, nhằm tạo cơ hội cao nhất trong đảm bảo nguồn việc làm cho người khuyết tật sau khi học nghề. Theo đó, các cơ quan nhà nước có liên quan, tổ chức chính trị xã hội và các hội của người khuyết tật ở địa phương cần phải thực sự trở thành “cầu nối” tích cực giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… và người khuyết tật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức.

Thứ sáu, cần nghiên cứu sửa đổi chế độ hỗ trợ kinh phí học nghề cho người khuyết tật theo hướng phù hợp với yếu tố đặc thù của người khuyết tật trong học nghề. Cụ thể là đề nghị cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài Chính) cân nhắc sửa đổi quy định liên quan đến khoản 3, Điều 7 của Thông tư số 152/2016/TT-BTC theo hướng đảm bảo yếu tố đặc thù của người khuyết tật trong học nghề: Tăng cường số lần hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề dành cho đối tượng người khuyết tật học nghề (học một nghề và mất việc vì lý do khách quan).

Hy vọng rằng, với những giải pháp đồng bộ nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo nghề đối với người khuyết tật, với sự nỗ lực từ nhiều phía (Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và của chính người khuyết tật…) sẽ trực tiếp tạo đòn bẩy để có thể thực hiện thành công mục tiêu: “Đến 2030 có 300.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm[19] góp phần tăng cường cơ hội và quyền có việc làm của người khuyết tật, tạo nền tảng quan trọng để người khuyết tật sống độc lập - hòa nhập cộng đồng trong điều kiện kinh tế thị trường với những cạnh tranh ngày càng lớn trong thị trường lao động hiện nay ở nước ta./.

 

[1] Tạp chí điện tử Lao động và Công đoàn, “Lao động, việc làm và những vấn đề thách thức đang đặt ra, cập nhật ngày: 06/03/2023.

[2] Trần Tiến, “Người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong học nghề, tìm việc làm, cập nhật ngày: 23/03/2023.

[3] Xem Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp hoặc đào tạo dưới 03 tháng; Thông tư số 152/2016/TT-BTC của Bộ Tài Chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp hoặc đào tạo dưới 03 tháng; v.v.

[4] Khoản 1, Điều 4 Quyết định 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.

[5] Điểm b, khoản 3, mục II Điều 1 Quyết định 1190/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/08/2020.

[6] Khoản 5, Điều 4 Văn bản hợp nhất 22/VBHN-VPQH năm 2022 hợp nhất Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp do Văn phòng Quốc hội ban hành ngày 29/12/2022.

[7] Tùng Nguyên, “Thiếu người khuyết tật có tay nghề nhưng ít người chịu học nghề”, cập nhật ngày: 10/06/2022.

[8] Thảo Lan, “Nhu cầu và những khó khăn, thách thức trong đào tạo nghề đối với người khuyết tật”, cập nhật ngày: 29/08/2021.

[9] Thông qua thực tiễn hoạt động tư vấn pháp luật của ACDC, cán bộ Phòng Luật ACDC không ít lần nhận được những câu hỏi như: “Tôi muốn cho con tôi là người khuyết tật học nghề, nhưng không biết ở đâu có thể tư vấn dạy nghề và dạy nghề cho con tôi, có chính sách hỗ trợ học nghề đối với người khuyết tật hay không” v.v.

[10] Liên Hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (2020), “Báo cáo độc lập về tình hình thực thi Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam”, Hà Nội, tr. 37.

[11] Thủy Trúc, “Tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp của người khuyết tật", cập nhật ngày: 18/04/2018.

[12] Ví dụ như tại Quảng Trị, người khuyết tật là lao động nông thôn được hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách chỉ trong phạm vi 07 nghề như: Mộc mỹ nghệ; đan lát truyền thống; tin học văn phòng; sản xuất chổi đót; xoa bóp bấm huyệt;… Xem Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc ban hành danh mục, mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp, ba tháng cho lao động nông thông, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

[13] Tùng Nguyên, “Thiếu người khuyết tật có tay nghề nhưng ít người chịu học nghề”, tlđd.

[14] Tùng Nguyên, “Thiếu người khuyết tật có tay nghề nhưng ít người chịu học nghề”, tlđd.

[15] Ý kiến của Thiếu tướng Lê Mã Lương tại Tọa đàm “Cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật - thực tiễn và kiến nghị”. 

[16] Trần Tiến, “Người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong học nghề, tìm việc làm”, tlđd.

[17] Thảo Lan, “Nhu cầu và những khó khăn, thách thức trong đào tạo nghề đối với người khuyết tật”, tlđd.

[18] Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam, “Đào tạo nghề cho người khuyết tật chưa nhắm trúng nhu cầu của doanh nghiệp”, cập nhật ngày: 30/05/2023.

[19]  Một trong những mục tiêu cụ thể của “Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định 1190/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/08/2020.