Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật - Thực trạng và giải pháp

  • Thực hiện: Ths.Ngô Thị Thu Hằng
  • 20/07/2017

Theo quy định của Luật người khuyết tật năm 2010 và một số văn bản pháp luật có liên quan, người khuyết tật đang được hưởng một số chính sách về bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm... Trợ cấp xã hội hàng tháng cho người khuyết tật là một chính sách hỗ trợ của Nhà nước nằm trong nhóm chính sách về bảo trợ xã hội.

Pháp luật quy định như thế nào về trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật?

Chế độ trợ cấp hàng tháng nằm trong nhóm chính sách về bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật. Tuy nhiên, không phải người khuyết tật nào cũng sẽ được hưởng các chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng. Để được hưởng, họ phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật về người khuyết tật. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 44 và khoản 1 Điều 51 Luật người khuyết tật 2010, người khuyết tật được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng thì phải đảm bảo các điều kiện: phải là người khuyết tật nặng hoặc người khuyết tật đặc biệt nặng không được nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội và đang không hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.

Như vậy, nếu người khuyết tật đủ các điều kiện trên thì cần hoàn thiện hồ sơ, gửi lên cán bộ phụ trách lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội cấp xã đề nghị hưởng trợ cấp. Trợ cấp sẽ được chuyển cho người khuyết tật bắt đầu từ tháng mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ký Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng1.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại từ nội dung quy định chính sách đến thực tiễn thi hành

Vướng mắc từ nội dung quy định chính sách

Người khuyết tật không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng nếu đang hưởng lương hưu. Nếu như xét về bản chất lương hưu chính là số tiền mà người lao động được hưởng sau thời gian dài làm việc, đóng góp cho xã hội, đến khi hết tuổi lao động được hưởng. Đây được xem như một khoản đầu tư có lời của người lao động với đối tác là Nhà nước. Mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào khoản tiền mà người lao động và người sử dụng lao động đóng góp hàng tháng cho Quỹ Bảo hiểm. Còn bản chất của trợ cấp xã hội là dành cho những đối tượng mà Nhà nước cần hỗ trợ, chủ yếu là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tạo cơ hội cho họ cải thiện cuộc sống, mức hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào chính sách Nhà nước vào từng thời điểm và được điều chỉnh dựa trên sự thay đổi về kinh tế. Có thể xuất phát từ tư duy thực tiễn, do khả năng chi của ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nên để đảm bảo tránh trùng chéo trong thụ hưởng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các nhà làm luật đã đề ra nguyên tắc áp dụng chính sách tại khoản 1 Điều 51 Luật người khuyết tật 2010 nói trên. Tuy nhiên, như đã phân tích, xét về bản chất thì quy định này thiếu tính hợp lý và về lâu dài cần được nghiên cứu sửa đổi.

Thiếu hướng dẫn cụ thể về phân định chính sách theo loại lĩnh vực và phân theo loại đối tượng thụ hưởng chính sách, dẫn đến tình trạng áp dụng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng  đối với người khuyết tật không thống nhất, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

 Trên thực tiễn, ở một số địa phương người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng khi tham gia giáo dục sẽ bị cắt trợ cấp xã hội hàng tháng với lý do họ đang hưởng hỗ trợ từ giáo dục. Cần thấy là: Nhóm chính sách bảo trợ xã hội (trong đó có trợ cấp xã hội hàng tháng) và  nhóm chính sách hỗ trợ người khuyết tật trong giáo dục là hai nhóm chính sách thuộc hai lĩnh vực khác nhau, không thể xếp cùng một loại. Đối với lĩnh vực bảo trợ xã hội, chỉ cần người khuyết tật đủ các điều kiện theo quy định (được nêu bên trên) sẽ thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Đối với lĩnh vực giáo dục, người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập và học bổng hàng tháng2. Mỗi loại chính sách ưu đãi đối với người khuyết tật đều nhằm mục đích cụ thể khác nhau, nhưng về bản chất đều hướng đến việc đảm bảo quyền con người cơ bản của người khuyết tật, hỗ trợ họ thực hiện quyền bình đẳng với người không khuyết tật trong đời sống kinh tế - xã hội... Hiện tại không có quy định nào của pháp luật nhắc đến việc người khuyết tật nếu được hưởng ưu đãi trong chế độ giáo dục sẽ thôi hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng. Việc xảy ra tình trạng nói trên có thể là do một vài địa phương chưa hiểu đúng nội dung khoản 2 Điều 51 Luật người khuyết tật 2010 : “Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cùng loại chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao nhất.” Trong khi đó Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật không có hướng dẫn cụ thể đối với quy định này, dẫn đến tình trạng một số địa phương áp dụng không đúng quy định của pháp luật như đã nêu trên.

Vướng mắc trong thực tiễn thi hành

Hiện nay, thủ tục về trợ cấp xã hội hàng tháng nhìn chung không gặp nhiều vướng mắc. Đa phần khi người khuyết tật đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thì sẽ được địa phương chi trả theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình thực hiện chính sách lại gặp một số vấn đề như sau:

Về điều kiện để hưởng trợ cấp:

Gộp 02 thủ tục xác định mức độ khuyết tật và thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng: hiện nay đa phần các địa phương đang kết hợp cả 02 thủ tục xác định mức độ khuyết tật và thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Việc kết hợp 02 thủ tục này có ưu điểm nhanh, gọn, không bắt đối tượng phải thực hiện 02 lần. Tuy nhiên, chính điều này khiến cho nhiều người khuyết tật bị một số địa phương từ chối xác định mức độ khuyết tật với lý do không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp. Điều này không đúng quy định pháp luật và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được cấp Giấy xác nhận khuyết tật của người khuyết tật và hạn chế một số lợi ích hợp pháp của họ (ví dụ phải có Giấy xác định mức độ khuyết tật mới được hưởng các ưu đãi trong học nghề; vay vốn tạo việc làm…). 

Về mức hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng:

Trên thực tế áp dụng chính sách còn không ít  người chưa được nhận đúng, đủ chế độ hưởng dành cho người khuyết tật là người cao tuổi (người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên3). Theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật người khuyết tật 2010, người khuyết tật là trẻ em hoặc người cao tuổi hưởng mức trợ cấp cao hơn mức trợ cấp cho người cùng mức độ khuyết tật. Khi có sự thay đổi về điều kiện hưởng trợ cấp xã hội thì Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội hướng dẫn đối tượng bổ sung hồ sơ, xem xét, kết luận và trình Chủ tịch UBND cấp xã. Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số địa phương, người khuyết tật đang nhận trợ cấp đúng quy định nhưng khi trở thành người cao tuổi lại không được nâng mức trợ cấp lên mức trợ cấp dành cho người khuyết tật là người cao tuổi.

Khuyến nghị

Từ những thực tế người khuyết tật đang gặp phải, thiết nghĩ cần phải có những giải pháp thích hợp để giải quyết những vướng mắc trên.

Trước tiên, cần nghiên cứu bỏ quy định người khuyết tật đang hưởng lương hưu sẽ không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (khoản 1, Điều 51 Luật người khuyết tật năm 2010). Việc bỏ quy định này sẽ phần nào khuyến khích người khuyết tật tạo việc làm, tham gia vào quỹ bảo hiểm xã hội. Cần bổ sung hướng dẫn chi tiết đối với quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật người khuyết tật 2010, để đảm bảo sự thống nhất trong thi hành pháp luật. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động trợ cấp xã hội hàng tháng đảm bảo hoạt động này được thực hiện đúng chính sách pháp luật. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, nhất là các tổ chức của người khuyết tật trong giám sát thi hành chính sách bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về người khuyết tật, gồm chính sách bảo trợ xã hội để hỗ trợ người khuyết tật nâng cao hiểu biết về chính sách pháp luật, giúp họ tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cần đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm chỉ đạo về việc hàng quý phải tiến hành rà soát hồ sơ các đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho người khuyết tật, việc rà soát này ngoài việc giúp địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động trợ cấp pháp luật mà hơn hết còn giúp thực hiện đúng chính sách pháp luật cho những đối tượng chuẩn bị bước vào độ tuổi của người cao tuổi. Cuối cùng, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động trợ cấp xã hội hàng tháng, đảm bảo hiệu quả, nhanh gọn, đúng quy định.

______________________________________________________

1Điểm đ khoản 1 Điều 8 Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ   xã hội

2Xem Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định về chính sách giáo dục đối với người khuyết tật

3Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009