Trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm với những chính sách hỗ trợ cụ thể. Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014, có 17 trường hợp được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, trong đó có đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Hàng năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc, cùng các ngành có liên quan rà soát, lập danh sách và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng người dân tộc thiểu số sống tại vùng khó khăn. Để tạo thuận lợi nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội các địa phương tiến hành ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với các cơ sở y tế trên địa bàn, tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ tuyến xã đến tuyến huyện, tỉnh. Đồng thời, ở một số địa phương, việc thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh đối với tuyến huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số được khám, chữa bệnh ở tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến. Ngoài việc được chi trả chi phí thuốc, vật tư y tế…, bệnh nhân là người dân tộc thiểu số sinh sống tại các các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ chi phí chuyển viện trong quá trình điều trị bệnh.
Về chất lượng khám, chữa bệnh, hiện nay, ở nhiều địa phương, các cơ sở khám, chữa bệnh đã đầu tư các trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật, tạo niềm tin cho người dân. Ngành y tế cũng tích cực trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm bảo đảm tốt quyền lợi khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế của đồng bào dân tộc thiểu số.
Không chỉ thuận lợi trong việc khám chữa bệnh tại bệnh viện, trung tâm y tế tuyến cơ sở, theo Thông tư liên tịch số 41/2014 của Bộ Ytế và Bộ Tài chính, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo sinh sống ở khu vực có điều kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, khi có bệnh nặng cần chuyển lên tuyến trên không cần giấy chuyển viện. Điều này đã giúp người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không phải làm nhiều thủ tục hành chính và được tiếp cận với kỹ thuật khám chữa bệnh hiện đại.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng gặp khá nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế cho thấy, hàng năm, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số tại một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời. Ngoài ra, việc rà soát, kiểm tra danh sách đối tượng của các xã, phường, thị trấn không chặt chẽ. Trong khi, phần mềm nghiệp vụ của ngành bảo hiểm xã hội chưa có chức năng cảnh báo việc cấp trùng thẻ cho đối tượng, dẫn đến sai thông tin. Bên cạnh đó, việc tổng hợp lập danh sách người dân tộc thiểu số còn gặp không ít khó khăn là do thói quen sử dụng nhiều tên, nhiều năm sinh khác nhau, phát âm, viết chữ tiếng phổ thông hạn chế nên làm sai lệch giữa thông tin được in trong thẻ và các giấy tờ tùy thân khác. Một bất cập nữa là việc phân cấp quản lý, xác định đối tượng trong một số văn bản chưa rõ ràng, chưa đầy đủ theo luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 105 của Chính phủ. Về phía người dân, có tình trạng đi khám, chữa bệnh không mang thẻ, thường xuyên thiếu thủ tục như giấy tờ tùy thân có ảnh, giấy chuyển viện..., gây trở ngại trong khâu tiếp nhận vào viện. Việc bảo quản thẻ bảo hiểm y tế của đồng bào cũng chưa được quan tâm. Thẻ bảo hiểm y tế bị rách, mờ gây khó khăn cho việc tra cứu và nhận dữ liệu vào hệ thống giám định bảo hiểm y tế...
Việc công nhận xã khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ chậm cũng ảnh hưởng đến công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế và quyền lợi người thụ hưởng. Sau khi Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 được ban hành, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã chỉ đạo hệ thống tập trung rà soát danh sách và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống thuộc vùng đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là đối tượng được Nhà nước đóng BHYT, có mức đóng 4,5% mức lương cơ sở, được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh. Có trường hợp, dù các đối tượng đã được gia hạn thẻ bảo hiểm y tế nhưng trong hệ thống thông tin vẫn không thể hiện giá trị sử dụng thẻ như đã gia hạn nên nhiều trường hợp đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngoại tỉnh và Trung ương đã không được giải quyết quyền lợi.
Mặc dù còn những vướng mắc, hạn chế, nhưng rõ ràng, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống cho người dân. Vì vậy, ngành bảo hiểm xã hội cần tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để hiểu quyền lợi và trách nhiệm khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm y tế góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số
Sơn La là tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số đông nhất cả nước với khoảng 1 triệu người. Với sự quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển của Đảng và Nhà nước, đời sống mọi mặt của đồng bào từng bước đổi thay, trong đó có việc thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Những chính sách ưu đãi về an sinh xã hội như việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các đối tượng theo quy định của Đảng, Nhà nước đã thể hiện tính nhân văn và sự chia sẻ.
Những ngày đầu tháng 10, ngôi nhà sàn nhỏ của gia đình bà Lò Thị Túc ở bản Na Dia, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, trở nên tấp nập hơn thường ngày. Biết tin người cháu của bà bị bệnh thiếu máu huyết tán vừa trở về sau một thời gian điều trị ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, họ hàng, làng xóm đã đến thăm hỏi, động viên. Cháu gái của bà Túc năm nay mới 8 tuổi, do mắc căn bệnh này, hàng tháng đều phải đi Hà Nội chữa trị. Mỗi lần như vậy, chi phí đi lại và khám chữa bệnh rất tốn kém. Đối với hộ nghèo như gia đình bà Túc, điều này lại càng vất vả và trở thành gánh nặng.
Những khó khăn đó đã phần nào vơi đi khi gia đình bà Túc thuộc diện được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Bà Lò Thị Túc chia sẻ, là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng khó khăn, gia đình bà được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và được thanh toán 100% viện phí. Nhờ đó, gia đình bà mới có điều kiện chữa trị bệnh cho cháu. Nếu không có thẻ bảo hiểm y tế, gia đình bà sẽ rất khó khăn, bởi mỗi lần đi chữa bệnh, riêng tiền tàu xe đã hết hơn 2 triệu đồng. Ngoài ra, tiền thuốc được bảo hiểm y tế chi trả mỗi lần là khoảng 15 triệu đồng. Theo bà, việc có thẻ bảo hiểm y tế là rất thiết thực.
Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm lượt người đến khám và điều trị. Trong đó, đa số bệnh nhận là đồng bào dân tộc ở vùng đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy, họ đều có thẻ bảo hiểm y tế theo diện cấp phát miễn phí và được thanh toán 100% viện phí. Nằm điều trị ở bệnh viện đã hơn một tuần, bà Quàng Thị Giom ở bản Mường Lạn, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp không mất thêm chi phí gì ngoài tiền ăn. Tất cả viện phí, thuốc men đều đã được bệnh viện cấp phát miễn phí theo quy định đối với người có thẻ bảo hiểm y tế.
Bà Quàng Thị Giom bày tỏ, trước đây, do đời sống khó khăn, cái ăn còn không đủ nên mỗi khi ốm đau, bà tự chữa trị bằng các bài thuốc dân gian chứ không đến bệnh viện. Từ khi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, mọi người trong gia đình đã biết được lợi ích khi khám chữa bệnh, mỗi khi đau ốm đều đến bệnh viện để được các bác sỹ thăm khám, điều trị một cách tốt nhất.
Bà Cầm Thị Long ở bản Sốp Nặm, xã Sốp Cộp, cho biết nay tuổi cao, bệnh tật nhiều, bà thường xuyên phải đi bệnh viện điều trị. Các bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh đều rất thuận lợi, không cần thủ tục phiền hà như trước đây.
Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Sốp Cộp Quàng Văn Diên, Sốp Cộp là huyện đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, Bảo hiểm xã hội huyện đã xây dựng quy hoạch các đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo diện người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội huyện đã cấp trên 48.000 thẻ cho các đối tượng bao gồm cả người nghèo, người dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi, đảm bảo quyền lợi cho người dân trên địa bàn khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Ông Lường Bun Tỉnh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết, chính sách bảo hiểm y tế là cơ hội tốt để đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng các tiến bộ về y học. Đến nay, tỉnh Sơn La có gần 490.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đây là yếu tố rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Sơn La. Ngoài ra, chính sách bảo hiểm y tế đã giúp đồng bào giảm bớt khó khăn về kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho họ ổn định cuộc sống, sản xuất; đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.
Tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình
Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần ổn định chính trị xã hội. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 2 trụ cột trong hệ thống chính sách xã hội, liên quan đến quyền lợi, sức khỏe, đảm bảo an toàn và chất lượng cuộc sống trọn đời của người tham gia. Đối với vùng đồng bào vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số trở ngại đầu tiên là địa bàn rộng, giao thông đi lại cách trở; cuộc sống còn nhiều khó khăn lại sinh sống vùng sâu, vùng xa nên công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội không dễ dàng. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc, chưa nhận thức đầy đủ về chính sách cũng như quyền lợi bảo hiểm y tế mang lại nên không mấy mặn mà tham gia.
Để thu hút được nhiều hơn đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình thì cần có các giải pháp tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể... tuyên truyền với các hình thức, nội dung đa dạng, giúp người dân hiểu, nắm rõ bản chất, vai trò, ý nghĩa và tính ưu việt của chính sách bảo hiểm y tế cũng như các quy định cơ bản của pháp luật. Vai trò của mạng lưới đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn cũng rất quan trọng nên cần rà soát, tổ chức tập huấn, củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống đại lý thu hiện tại, kết hợp tăng cường công tác mở rộng, quản lý chặt chẽ đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế....
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng Ban Thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến 30-9-2017, số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế của 6 tỉnh vùng Tây Bắc là hơn 4.400.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hơn 96% so với dân số vùng, tăng gần 200.000 người (tương ứng tăng 4,56% so với năm 2016); chiếm tỷ trọng gần 5,6% so với tổng số người tham gia bảo hiểm y tế trên toàn quốc. Trong đó phần lớn các tỉnh Tây Bắc đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong 9 tháng năm 2017, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là hơn 10.200 người, tăng 12% so với năm 2016. Để mở rộng đối tượng tham gia, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho rằng: Về cơ chế, chính sách cần nâng mức hỗ trợ mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mở rộng đối tượng không thuộc hộ nghèo, cận nghèo; linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, cần quy định mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện kinh tế, phát triển kinh tế thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đối với vấn đề phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế cần tăng cường trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm y tế tại cơ sở, quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; quan tâm chỉ đạo các ngành và đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn triển khai công tác hoàn thiện thông tin cá nhân để hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng mục tiêu cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người tham gia; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bảo hiểm y tế để nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đơn vị và mọi người dân hiểu ý nghĩa nhân văn, tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm y tế./.
TH
Link văn bản: