Tôi là người khuyết tật nhẹ năm nay 50 tuổi. Do hoàn cảnh khó khăn nên tôi có lên thành phố làm công việc chăm sóc người già cho một gia đình. Chủ nhà và tôi không ký kết một hợp đồng nào vì họ bảo không cần thiết. Vậy cho tôi hỏi như vậy có đúng quy định của pháp luật không?
Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động năm 2012 và Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 3 Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình thì:
- Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc gia đình là các công việc trong hợp đồng lao động được lặp đi lặp lại theo một khoảng thời gian nhất định (hằng giờ, hằng ngày, hằng tuần hoặc hằng tháng) cho một hoặc nhiều hộ gia đình.
- Các công việc trong gia đình bao gồm: công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình mà không phải là hoạt động nhằm mục đích kinh doanh như nấu ăn cho các thành viên trong hộ gia đình mà không phải bán hàng ăn; trồng rau, hoa quả, cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ sinh hoạt của các thành viên trong hộ gia đình mà không phải để bán, trao đổi hàng hóa; lau dọn nhà ở, sân vườn, bảo vệ nhà cửa;…
Như vậy, công việc của bác được xác định là người giúp việc gia đình.
Căn cứ theo Điều 180 Bộ luật Lao động 2012 về giữa người lao động là người giúp việc gia đình và người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động, cụ thể:
“1. Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình.
Như vậy, theo quy định của pháp luật và cũng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì giữa bác và chủ nhà (người sử dụng lao động) phải có hợp đồng/thỏa thuận lao động với các nội dung chủ yếu được quy định tại Điều 7 Nghị định 27/2014/NĐ-CP như sau:
- Các nội dung theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Bộ luật Lao động (Tên và địa chỉ người sử dụng lao động; Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động; Công việc và địa điểm làm việc; Thời hạn của hợp đồng lao động; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;…)
- Điều kiện ăn, ở của người lao động (nếu có);
- Tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng thời hạn;
- Thời gian và mức chi phí hỗ trợ để người lao động học văn hóa, học nghề (nếu có);
- Trách nhiệm bồi thường do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động;
- Những hành vi bị nghiêm cấm đối với mỗi bên.