Quyết định 649/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia đến năm 2020 ngày 30 tháng 05 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Một trong những quan điểm chủ yếu trong xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia là chú trọng công tác quản lý rủi ro thiên tai, bám sát phương châm “4 tại chỗ” bao gồm lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Mục tiêu chính của Kế hoạch là tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, nâng cao năng lực, tính chủ động của toàn xã hội trong phòng chống thiên tai, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống thiên tai, kết hợp giữa phòng chống thiên tai với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Kế hoạch tập trung vào một số nội dung chính sau đây: Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng chống thiên tai; Tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về thiên tai; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai;vv
Bên cạnh các nội dung như tuyên truyền và nâng cao năng lực dự báo, cảnh bảo thiên tai thì “quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” được xem là một trong những nhóm nội dung đặc biệt quan trọng của Kế hoạch. Trong đó, Kế hoạch đã nêu rõ các giải pháp như: xây dựng hệ thống thông tin, cảnh báo sớm đa thiên tai tại cộng đồng, có tính đến khả năng tiếp cận của tất cả các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, điều kiện về địa lý tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội và tập quán sinh hoạt của người dân ở từng vùng, miền khác nhau; tổ chức dạy bơi cho lứa tuổi thanh thiếu niên, tổ chức lớp truyền đạt kỹ năng phòng, chống thiên tai cho các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, người già, trẻ em và người khuyết tật….
Quyết định 649/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 30 tháng 05 năm 2019