Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Nghị định số 76/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

  • Thực hiện: Lê Hoa
  • 15/11/2023

Nghị định số 76/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 01 tháng 11 năm 2023. Nghị định gồm 06 chương và 45 điều. Bên cạnh đó, Phụ lục được ban hành kèm theo Nghị định này có tổng cộng 18 mẫu văn bản khác nhau. Sau đây là một số nội dung đáng chú ý của Nghị định:

i) Những hành vi bạo lực gia đình giữa một số đối tượng:

Nghị định này quy định chi tiết về những hành vi bạo lực được thực hiện giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau (những hành vi bạo lực này được Luật Phòng chống bạo lực gia đình khẳng định “cũng được coi là hành vi bạo lực gia đình” và khoản 2, Điều 3 Luật này giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết). Một số quy định cụ thể như sau:

* Hành vi bạo lực gia đình áp dụng giữa những người đã ly hôn, bao gồm:

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;

- Cưỡng ép ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật; cản trở kết hôn; vv

* Hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với người chung sống như vợ chồng bao gồm những hành vi:

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn; cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;

- Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực;

- Cô lập, giam cầm; cưỡng ép ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật; v.v

ii) Về tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình:

Nghị định 76/2023/NĐ-CP quy định rõ về Tổng đài điện thoại quốc gia phòng chống bạo lực gia đình (gọi tắt là Tổng đài) như sau:

- Sử dụng số điện thoại ngắn có ba (03) chữ số để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.

- Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.

- Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và chi trả phí viễn thông đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi; được quảng bá số điện thoại theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Nghị định cũng quy định Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua Tổng đài.

Đáng chú ý: Nghị định quy định trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình trong việc xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình, gồm :

- Thực hiện phân loại tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình ngay sau khi nhận được tin báo, tố giác như sau:

+ Báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm;

+ Phân công Công an xã, phường, thị trấn xử lý trong trường hợp người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc hoặc hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực;

+ Xử lý theo thẩm quyền ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình theo quy định. Có thể mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến người bị bạo lực gia đình tham gia để bảo vệ, hỗ trợ, tư vấn tâm lý và cung cấp các kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình;…

- Thực hiện kiểm tra, đánh giá việc xử lý hành vi bạo lực gia đình…

iii) Về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã:

Nghị định số 76/2023/NĐ-CP dành hẳn một chương để hướng dẫn chi tiết thi hành biện pháp này theo quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Theo đó:

- Hai nguyên tắc cơ bản trong áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực và người bị bạo lực gia đình là:

+ Bảo đảm lợi ích của người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, người đang điều trị bệnh.

+ Thông báo đầy đủ quyền và nghĩa vụ cho người bị bạo lực gia đình trước khi quyết định cấm tiếp xúc.

- Các trường hợp đề nghị cấm tiếp xúc gồm:

+ Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi thấy hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi thấy hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình. Việc đề nghị phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình.

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.

iv) Về các cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình:

Nghị định số 76/2023/NĐ-CP quy định rõ thủ tục cấp lần đầu giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; thủ tục cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy chứng nhận đối với các cơ sở nói trên; điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; v.v

Nghị định cũng nêu rõ: Đối với cơ sở cung cấp nơi tạm lánh hoặc cung cấp dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất và địa điểm. Theo đó, đối với yêu cầu về cơ sở vật chất, Nghị định yêu cầu:

- Cơ sở cung cấp nơi tạm lánh cho người bị bạo lực gia đình phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu như giường, chiếu, chăn, màn, điện thắp sáng, quạt làm mát, điện thoại liên lạc, nhà vệ sinh khép kín, cửa có khóa và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về xây dựng, an ninh trật tự;

- Cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi phải có nơi cung cấp dịch vụ hợp vệ sinh, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, có trang thiết bị phù hợp với dịch vụ cung cấp; v.v.

Riêng đối với “Cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình” (theo điểm đ, khoản 2, Điều 35 của Luật Phòng chống bạo lực), Nghị định xác định:

- Đây là cơ sở do cá nhân, tổ chức tự nguyện đăng ký tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình.

- Phạm vi nội dung hoạt động của các cơ sở này gồm các hoạt động: Tham gia tuyên truyền, vận động phòng, chống bạo lực gia đình; hỗ trợ nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; hỗ trợ người bị bạo lực gia đình ăn, mặc, đi lại và các chi phí sinh hoạt khác; hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình chưa có việc làm có nhu cầu được hỗ trợ.

Bên cạnh việc quy định về trình tự đăng ký hoạt động của các cơ sở loại này, Nghị định cũng lưu ý rõ các “cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình” có thể đăng ký tham gia một trong các hoạt động thuộc phạm vi nói trên và thực hiện trợ giúp cho đối tượng là người lao động, hội viên, đoàn viên, thành viên của mình…

Nghị định số 76/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2023.

Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.