Luật này gồm 05 chương, 28 điều, quy định về bí mật nhà nước (BMNN), hoạt động bảo vệ BMNN và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, BMNN là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa BMNN bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
Một trong những nguyên tắc của Luật: Bảo vệ BMNN là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Phạm vi BMNN gồm thông tin thuộc 15 lĩnh vực và được phân loại thành 03 độ mật, bao gồm: độ Tuyệt mật; tối mật và độ mật. Luật cũng quy định thời hạn bảo vệ tương ứng với từng loại. Luật bảo vệ BMNN quy định 09 hành vi bị cấm trong bảo vệ BMNN, trong đó có hành vi làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán BMNN; sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội thảo, cuộc họp có nội dung BMNN dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép… Luật bảo vệ BMNN có hiệu lực từ ngày 01/07/2020.