Ngày 02/04/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2024/NĐ-CP quy định đối tượng, nguyên tắc, tiêu chuẩn, hội đồng xét tặng, hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.
Trong Nghị định này, có một số điểm đáng chú ý về nguyên tắc xét tặng và cách tính thành tích đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục đang công tác ở trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập như sau:
* Về nguyên tắc xét tặng danh hiệu:
Việc xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” phải chú trọng tới nhà giáo trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy; nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục trực tiếp tổ chức hoạt động giáo dục, giảng dạy người khuyết tật và người học có hoàn cảnh đặc biệt; nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
* Tiêu chuẩn danh hiệu:
Các tiêu chuẩn “Tài năng sư phạm xuất sắc”, “Có công lao và thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo để xét tặng danh hiệu đối với Nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục đang công tác ở trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, các thành tích của các tiêu chuẩn này được quy định theo từng danh hiệu như sau:
(1) Danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”:
Tiêu chuẩn “Tài năng sư phạm xuất sắc” được quy định với Nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục đang công tác từ 05 năm trở lên ở trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đạt các tiêu chuẩn sau:
+ Tham gia biên soạn 01 tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức; hoặc, tham gia biên soạn 01 báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức; hoặc, tác giả 01 sáng kiến được công nhận có hiệu quả áp dụng trong giảng dạy hoặc quản lý, có khả năng nhân rộng trong bộ, ban, ngành, tỉnh;
+ Có biện pháp, giải pháp thực hiện hiệu quả trong việc hỗ trợ nuôi dạy, giảng dạy người học có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên trong học tập, xây dựng trường lớp, vận động được người học có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn đến trường và duy trì sĩ số người học, được cơ quan quản lý cấp trên xác nhận hoặc khen thưởng.
(2) Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”:
- Tài năng sư phạm xuất sắc được quy định đối với Nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục đang công tác từ 05 năm trở lên ở trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đạt các tiêu chuẩn sau:
+ Tham gia biên soạn 01 tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức; hoặc, tham gia biên soạn 01 báo cáo chuyên đề tại các hội nghị, hội thảo chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức; hoặc, tác giả 02 sáng kiến cơ sở được cấp có thẩm quyền công nhận có hiệu quả áp dụng trong giảng dạy hoặc quản lý và có khả năng nhân rộng ở cơ sở;
+ Có biện pháp, giải pháp thực hiện hiệu quả trong việc hỗ trợ nuôi dạy, giảng dạy, giúp đỡ người học có hoàn cảnh đặc biệt trong hoạt động giáo dục hoặc có biện pháp, giải pháp thực hiện hiệu quả trong việc khắc phục khó khăn xây dựng trường lớp, vận động được nhiều người học đến trường và duy trì sĩ số học sinh hoặc có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quản lý, nuôi dạy, giảng dạy ở địa phương được cơ quan, đơn vị cấp trên xác nhận hoặc khen thưởng.
- Tiêu chuẩn “Có công lao và thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo” được quy định với Nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục công tác ở trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập bao gồm:
+ Đã 03 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên;
+ 01 lần được tặng bằng khen theo công trạng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước;
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/05/2024.