Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thông tư số 03/2024/TT-BGDĐT ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 17/04/2024

Ngày 18/03/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 03/2024/TT-BGDĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục, thay thế Hệ thống chỉ tiêu được quy định tại Thông tư số 19/2017/TT-BGDĐT.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục là tập hợp những chỉ tiêu thống kê để thu thập thông tin thống kê phục vụ công tác đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển của ngành giáo dục; đáp ứng nhu cầu trao đổi, chia sẻ thông tin thống kê giáo dục theo quy định pháp luật; là căn cứ để xây dựng chế độ báo cáo thống kê ngành giáo dục.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục bao gồm hai phần:

Phần I - Danh mục chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục, gồm các nhóm chỉ tiêu: 1- Giáo dục mầm non; 2 - Giáo dục phổ thông (gồm Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông); 3 - Giáo dục thường xuyên; 4 - Giáo dục khác (gồm Dự bị đại học, Giáo dục dành cho người khuyết tật, Đào tạo ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng); 5 - Giáo dục đại học; 6 - Tài chính.

Phần II- Nội dung chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục, tương ứng với mỗi chỉ tiêu được liệt kê trong phần I, bao gồm: (1) Khái niệm, phương pháp tính; (2) Phân tổ chủ yếu; (3) Kỳ công bố; (4) Nguồn số liệu; và (5) Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.

Trong Hệ thống chỉ tiêu này, bên cạnh các chỉ tiêu chung, có một số nhóm chỉ tiêu, chỉ tiêu, phân tổ thống kê đặc thù liên quan đến người học là người khuyết tật tham gia giáo dục tại các cấp bắt buộc phải thu thập thông tin như sau:

(1) Tại các nhóm chỉ tiêu liên quan đến giáo dục hòa nhập:

- Tỷ lệ trường các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với học sinh khuyết tật (các chỉ tiêu 2121, 2221, 2322):

Tỷ lệ trường tại từng cấp học có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với học sinh khuyết tật là tỷ lệ phần trăm giữa số trường có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với học sinh khuyết tật so với tổng số trường tại từng cấp. Trong đó:

+ Trường học có cơ sở hạ tầng phù hợp với học sinh khuyết tật là cơ sở hạ tầng mà tất cả người sử dụng có thể tiếp cận được, kể cả những người khuyết tật.

Khả năng tiếp cận bao gồm dễ đi vào, dễ thoát ra hoặc dễ dàng sử dụng các dịch vụ và cơ sở của nhà trường.

+ Các tài liệu phù hợp với học sinh khuyết tật bao gồm các tài liệu học tập và các sản phẩm hỗ trợ cho phép học sinh khuyết tật/hạn chế về chức năng tiếp cận với việc học học và tham gia đầy đủ vào trường học.

Các tài liệu học tập có thể tiếp cận bao gồm sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, tài liệu đánh giá và các tài liệu khác có sẵn và được cung cấp dưới các định dạng thích hợp như âm thanh, chữ nổi, ngôn ngữ ký hiệu và các định dạng đơn giản mà học sinh khuyết tật /hạn chế về chức năng có thể sử dụng

- Phân tổ thông tin về “Khuyết tật” là một trong những nội dung bắt buộc phải thu thập đối với các chỉ tiêu về số lượng, tỷ lệ đi học, tỷ lệ hoàn thành chương trình/cấp học/chuyển cấp… như:

+ Số lượng người khuyết tật đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đại học, cao học và nghiên cứu sinh (thuộc các chỉ tiêu 1105, 1205, 2105, 2205, 2305, 4304, 5004, 5005, 5006);

+ Tỷ lệ huy động trẻ khuyết tật đi nhà trẻ, học mẫu giáo (thuộc các chỉ tiêu 1106, 1206);

+ Tỷ lệ trẻ em, học sinh khuyết tật hoàn thành chương trình mẫu giáo (từ 05 - 06 tuổi), tiểu học (thuộc các chỉ tiêu 1208, 2110);

+ Tỷ lệ học sinh khuyết tật hoàn thành cấp tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông; được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở/trung học phổ thông (thuộc các chỉ tiêu 2111, 2211; 2311; 2210, 2310);

+ Tỷ lệ học sinh khuyết tật chuyển cấp từ tiểu học lên trung học cơ sở; chuyển cấp từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông (thuộc các chỉ tiêu 2212, 2312).

- Vị trí việc làm giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật cũng là thông tin cần thu thập tại các chỉ tiêu về số cán bộ quản lý, giáo viên và vị trí việc làm khác trong các cơ sở giáo dục từ nhà trẻ đến trường dự bị đại học (thuộc các chỉ tiêu 1104, 1204, 2104, 2204, 2304, 3002, 4104).

(2) Tại nhóm chỉ tiêu đặc thù về “Giáo dục dành cho người khuyết tật” (nhóm chỉ tiêu 4.2):

Bao gồm các chỉ tiêu:

- Số cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật (chỉ tiêu 4201):

Cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật là cơ sở giáo dục cung cấp nội dung chương trình, thiết bị, tài liệu dạy và học, các dịch vụ tư vấn hỗ trợ giáo dục, tổ chức giáo dục phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của người khuyết tật.

Cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật gồm: (i) Trường phổ thông chuyên biệt dành cho người khuyết tật; (ii) Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; (iii) Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật.

- Số cán bộ quản lý, giáo viên và vị trí việc làm khác ở cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật (chỉ tiêu 4202):

Gồm các vị trí: (i) Cán bộ quản lý; (ii) Giáo viên; (ii) Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành Giáo viên, giáo vụ, thiết bị, thí nghiệm, tư vấn học sinh, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; (iv) Vị trí việc làm chuyên môn dùng chung; (v) Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

- Số học sinh khuyết tật (chỉ tiêu 4203):

Là số học sinh khuyết tật đang học tại các trường phổ thông chuyên biệt dành cho người khuyết tật, các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật. Các phân tổ chủ yếu thu thập: Loại cơ sở; Cấp học; Độ tuổi, Dạng tật, mức độ tật; Giới tính; Dân tộc…

Thông tư này số 03/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 03 tháng 05 năm 2024.