Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Dụng cụ chỉnh hình – Kinh nghiệm của Philippines

  • Thực hiện: Administrator
  • 31/08/2016

Người khuyết tật (NKT) là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn (1). 

Những khiếm khuyết về thể chất thường là lý do chính khiến NKT khó có thể tham gia một cách toàn diện vào đời sống xã hội. Vì vậy, các dụng cụ chỉnh hình (DCCH) như chân giả, tay giả, nẹp chỉnh hình… là những dụng cụ cần có để NKT hòa nhập cuộc sống.

Hiện nay, việc lắp các bộ phận chân, tay giả, nẹp chỉnh hình không còn quá xa lạ với cộng đồng. NKT có thể dễ dàng đến các bệnh viện, Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng (TTCH&PHCN) để tiếp cận với các DCCH và chương trình phục hồi chức năng (PHCN). Tuy nhiên, đối với NKT ở các vùng nông thôn, miền núi hoặc vùng sâu, vùng xa thì vấn đề này lại không đơn giản như vậy.

Ở các vùng nông thôn, miền núi, do điều kiện kinh tế khó khăn, NKT khó được tiếp cận với các dịch vụ chỉnh hình, chưa kể đến việc các bệnh viện, TTCH&PHCN lại hạn chế. Bên cạnh đó, hiện nay nhà nước chưa ban hành tiêu chuẩn nào để kiểm soát chất lượng của các DCCH. Do đó, những DCCH mà NKT nhận được thường không đạt chất lượng cao và không thực sự phù hợp với NKT. Vấn đề này trở thành rào cản tâm lý đối với NKT và gia đình NKT khi sử dụng các DCCH. Họ cho rằng những dụng cụ này không cần thiết, việc sử dụng các dụng cụ khiến họ không thoải mái hoạt động và sinh hoạt, và nếu không sử dụng cũng không ảnh hưởng gì đến NKT.

Trong một vài năm gần đây, việc cung cấp các DCCH thường do các bệnh viện, trung tâm, các tổ chức quốc tế hỗ trợ các chuyến khám và kiểm tra lưu động, đến từng địa phương để cung cấp dịch vụ. Quy trình PHCN lưu động có 3 giai đoạn gồm: đo khám và bó bột; sản xuất và thử thiết bị; và cuối cùng là chỉnh sửa và cấp phát. Một quy trình như vậy thường mất khoảng 1 tháng cho một nhóm đối tượng. Quy trình này sẽ mất rất nhiều thời gian nếu NKT ở các địa phương khó khăn trong việc đi lại và không phải lúc nào các bác sĩ, cán bộ PHCN có thể đến trực tiếp các địa phương để tư vấn và hướng dẫn nhiều lần.

Tính đến năm 2010, Philippines có khoảng 1.443 NKT (2) và do đó, nhu cầu sử dụng các DCCH của người Philippines là rất lớn (1.371 NKT không có các DCCH như chân tay giả…). Nhận thức được vấn đề về nhu cầu sử dụng DCCH, năm 2005, Khoa phục hồi chức năng y tế và Khoa Chỉnh hình của Bệnh viện đa khoa Philippines, kết hợp với Tổ chức Bác sĩ vì Hòa bình và Quỹ Mahaveer đã thực hiện Chương trình khám phục hồi chức năng, gồm 3 giai đoạn. Ở giai đoạn thử nghiệm thứ 2 là năm 2007, họ đã phát triển một chương trình Khám bênh từ xa cho người khuyết tật về chân, tay thông qua mạng lưới điện thoại (ASCENT). Mục đích chính của chương trình là để các bác sĩ đánh giá, sàng lọc các trường hợp và đưa ra lời khuyên về việc sử dụng các bộ phận thay thế cho những người khuyết tật trước khi họ đi khám trực tiếp sau này.

Quy trình của chương trình này bao gồm: Khi NKT có mong muốn lắp chân tay giả, các nhân viên y tế ở khu vực vùng sâu, vùng xa sẽ khám, đo đạc kích thước chân, tay và chụp lại hình ảnh của người khuyết tật. Sau đó, thông qua mạng lưới ASCENT, các nhân viên y tế sẽ gửi hình ảnh và các hồ sơ chi tiết của NKT cho các bác sĩ chuyên khoa ở Bệnh viện Đa khoa. Dữ liệu được gửi đến sẽ được lưu trữ trong máy chủ trung tâm và các bác sĩ có thể truy cập được qua Internet. Hệ thống ASCENT sẽ cho phép các bác sĩ xem các báo cáo và đánh giá tình trạng của bệnh nhân. Ngay lập tức, các bác sĩ sẽ cung cấp thông tin phản hồi đến điện thoại di động của các nhân viên y tế để hướng dẫn về băng bó, PHCN, chăm sóc vết thương và thuốc men, với mục đích phục vụ quá trình PHCN của bệnh nhân nhanh chóng và chính xác hơn. Đồng thời, các thông tin về kích thước chân tay giả sẽ được sử dụng để tiến hành sản xuất chân tay giả, sau đó chuyển về cho NKT ở địa phương sử dụng.

Với cách thức này, việc cung cấp các DCCH cho NKT ở vùng sâu vùng xa sẽ giảm được thời gian đáng kể, và cũng không phải chờ các bác sĩ ở các bệnh viện lớn đế khám và kiểm tra như trước đây. Đồng thời, NKT sẽ nhận được dụng cụ phù hợp và nhận được những hướng dẫn PHCN chi tiết của các bác sĩ ở các Bệnh viện đa khoa.

Hệ thống kiểm tra thông qua mạng lưới điện thoại là một bài học kinh nghiệm mà chúng ta có thể học tập và phát huy.

Minh Tâm

Chú thích:

1.Khoản 1 Điều 2 Luật NKT 2010

2. http://web0.psa.gov.ph/content/persons-disability-philippines-results-2010-census