Câu hỏi: Tôi là người khuyết tật, đang nhận trợ cấp xã hội hàng tháng. Tôi tìm hiểu thì mình thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí, vậy xin cho hỏi quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật khi được trợ giúp pháp lý miễn phí từ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là gì? Cảm ơn đã tư vấn!
Phòng Luật - ACDC tư vấn:
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Căn cứ điểm d khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Điều 2 Nghị định 144/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý thì người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật thì thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
* Quyền của người khuyết tật khi được trợ giúp pháp lý (theo quy định tại Điều 8 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017):
- Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác;
- Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý;
- Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan;
- Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý;
- Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp không được tiếp tục thực hiện hoặc phải từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý;
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
- Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
* Nghĩa vụ của người khuyết tật khi được trợ giúp pháp lý (theo quy định tại Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017):
- Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
- Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó;
- Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý;
- Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết.
----------------------------------------------------------------------------------------------
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.