Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Vai trò của các tổ chức, đoàn thể, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em

  • Thực hiện: Administrator
  • 24/01/2018

Tóm tắt: Bài viết phân tích vai trò của tổ chức đoàn thể, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân trong đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của trẻ em. Trên cơ sở hệ thống hoá các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về vấn đề này, kết hợp với phân tích thực trạng, tác giả đề xuất các kiến nghị nhằm nâng cao vai trò của các chủ thể trong đảm bảo thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

1. Thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em thông qua các tổ chức, đoàn thể, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân

              1.1 Khái quát về các tổ chức, đoàn thể, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm trong việc thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em

Theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Tổ chức, đoàn thể có trách nhiệm trong việc thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em bao gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các Hội liên quan về bảo vệ trẻ em,…); cơ sở giáo dục bao gồm: nhà trường các cấp từ bậc mầm non đến giáo dục phổ thông và các cơ sở giáo dục khác như trường giáo dưỡng, trung tâm dạy nghề cho trẻ em,…; gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo Luật Hôn nhân và Gia đình.

Các chủ thể là tổ chức, đoàn thể, gia đình và cá nhân có trách nhiệm trong việc thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em có các đặc điểm:

Một là, các chủ thể này không mang tính chất quyền lực nhà nước. Đây là đặc điểm để phân biệt với vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em được xác định cụ thể theo chức năng. Đối với Mặt trận Tổ quốc và các thành viên với đặc thù là tổ chức chính trị, xã hội hoạt động theo quy định của pháp luật về tổ chức đó. Các cơ sở giáo dục là đơn vị sự nghiệp hoạt động theo Luật Giáo dục; còn gia đình thì thực hiện theo các quy định chung của pháp luật.

Hai là, phương thức thực hiện của các chủ thể này chủ yếu là tuyên truyền, vận động, giám sát, giáo dục, chăm lo đời sống và bảo vệ các quyền của trẻ em. Các phương pháp thực hiện hết sức đa dạng, mềm dẻo, linh hoạt phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh. Các chủ thể này không có quyền áp dụng các chế tài như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ba là, các chủ thể tổ chức, đoàn thể, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân gắn bó trực tiếp với trẻ em, trực tiếp tham gia việc thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em. Các quyền và bổn phận của trẻ em được quy định trong pháp luật nhưng việc thực hiện chúng thông qua các hành vi cụ thể, trong đó vai trò của các tổ chức đoàn, đội, nhà trường và gia đình giữ vai trò quan trọng. Sự phát triển về thể chất, tinh thần và quá trình phát triển của trẻ em phụ thuộc phần lớn vào các chủ thể này.

1.2 Vai trò của các tổ chức, đoàn thể, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân

Thứ nhất, vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong việc thực hiện quyền và bổn phẩn của trẻ em.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận thể hiện vai trò trong việc giám sát, phản biện, tham vấn, kiến nghị đối với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật, phân bổ nguồn lực đáp ứng quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật [1].

Các tổ chức xã hội thể hiện vai trò trong việc vận động thành viên của tổ chức và xã hội hỗ trợ, tham gia xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em, phòng ngừa hành vi vi phạm quyền của trẻ em[2].

Ngoài ra còn có tổ chức kinh tế, tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em.

Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ nhiệm vụ của tổ chức đoàn cơ sở trong việc đảm bảo thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em tại Điều 20 như sau: “Tổ chức cơ sở Đoàn có nhiệm vụ: đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi; tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh thiếu nhi nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị; phối hợp với chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế - xã hội làm tốt công tác thanh niên, chăm lo xây dựng Đoàn, tích cực xây dựng cơ sở Đoàn, Hội, Đội ở địa bàn dân cư, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền”. Đoàn Thanh niên còn có trách nhiệm tổ chức cho trẻ em tham gia các hoạt động xã hội và sinh hoạt tập thể phù hợp với nhu cầu và lứa tuổi.

Thứ hai, vai trò của các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện quyền và bổn phẩn của trẻ em.

Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm thực hiện giáo dục toàn diện về đạo đức, tri thức, thẩm mỹ, thể chất, giáo dục hướng nghiệp cho trẻ em; chủ động phối hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội trong việc bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em; cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông phải có đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đảm bảo chất lượng giáo dục (Khoản 2 và 3 Điều 28 Luật Trẻ em năm 2016). Điều 22 và Điều 27 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định rõ mục tiêu của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Thông qua các quy định của pháp luật cho thấy, vai trò của nhà trường đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho trẻ em. Có thể nói, trong giai đoạn giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông thì hơn 50% thời gian trẻ em ở trường. Do vậy, môi trường học đường từ cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, phương pháp giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thực hiện mục tiêu mà Luật Trẻ em năm 2016 và Luật Giáo dục năm 2005 đặt ra. Cách đánh giá học sinh trong nhà trường hiện đã có sự thay đổi căn bản, chuyển từ việc cho điểm tạo ra áp lực cho học sinh tiểu học sang hình thức nhận xét không cho điểm. Giáo viên được quyền chủ động trong việc khi nào nhận xét bằng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; khi nào viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh; căn cứ vào các biểu hiện về nhận thức, kỹ năng, thái độ của học sinh ở từng năng lực, phẩm chất để nhận xét và có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời sao cho phù hợp. Học sinh được tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn, nhóm bạn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập để học và làm tốt hơn; tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn về những biểu hiện của từng năng lực, phẩm chất để hoàn thiện bản thân; khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện để góp phần vào việc phát triển năng lực, phẩm chất.

Thứ ba, vai trò của gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Vai trò của gia đình không chỉ quy định trong Luật Trẻ em năm 2016 mà còn được quy định trong nhiều luật khác như Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Luật Giáo dục năm 2005,… Gia đình và các thành viên trong gia đình là nơi đảm bảo thực hiện các quyền và bổn phận cơ bản của trẻ em như quyền khai sinh, quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, quyền học tập và các quyền nhân thân khác của trẻ em,… Vai trò của gia đình thể hiện ở các khía cạnh sau đây:

Một là, chỉ có gia đình mới có đủ khả năng và thực hiện một cách đầy đủ nhất các quyền và bổn phận của trẻ em. Việc thực hiện các quyền của trẻ em thông qua gia đình một cách tự nguyện thông qua cha mẹ hoặc các thành viên trong gia đình. Gia đình là sự gắn bó đặc biệt không chỉ ràng buộc dưới khía cạnh “trách nhiệm” mà còn là sự gắn bó về “tình cảm” nên các chủ thể thực hiện một cách tự giác mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi hay yêu cầu gì.

Hai là, quyền và bổn phận của trẻ em được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục thông qua các thành viên trong gia đình. Việc thực hiện các quyền và bổn phận là một quá trình từ khi trẻ sinh ra đến khi đến tuổi trưởng thành. Các thành viên trong gia đình là gắn bó bền vững (ít có sự thay đổi) nên quá trình thực hiện thông qua hoạt động, sinh hoạt hàng ngày đảm bảo hiệu quả nhất.

Ba là, gia đình thực hiện triệt để nhất việc giám sát các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cơ sở giáo dục thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em; phát hiện các hành vi xâm phạm quyền trẻ em. Có thể nói, xuất phát từ lợi ích của trẻ em nói chung và lợi ích của các thành viên trong gia đình nói riêng, các thành viên trong gia đình luôn đòi hỏi các chủ thể khác thực hiện và tạo điều kiện tốt nhất cho con em của họ. Vì vậy, các thành viên trong gia đình thực hiện “giám sát tự nhiên” các hoạt động của cơ quan nhà nước, môi trường và chất lượng học tập của trẻ em, đồng thời có các kiến nghị kịp thời. Gia đình cũng là nơi phát hiện kịp thời các hành vi xâm phạm quyền trẻ em.

2. Những hạn chế trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em hiện nay thông qua các tổ chức, đoàn thể, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân

Một là, Luật Trẻ em năm 2016 có nhiều quy định mới về quyền và bổn phận của trẻ em nhưng công tác truyền thông cho các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhà trường từ mầm non đến phổ thông và gia đình còn rất hạn chế. Do nhận thức chưa đầy đủ nên việc thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em thông qua các chủ thể này hoặc là chưa được thực hiện tốt hoặc là có thực hiện khi đã xảy ra hành vi xâm phạm quyền.

Hai là, thực hiện quyền học tập và học hết chương trình giáo dục phổ cập: Việc tiếp cận với hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và hướng nghiệp nghề vẫn còn khó khăn. Sách giáo khoa, chi phí cho việc đi học vẫn là một rào cản lớn đối với gia đình có thu nhập thấp, mặc dù đã được giảm học phí. Do vậy, nhiều gia đình nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc không muốn cho con em mình tới trường vì mất nhân công lao động và không có các khoản chi khi theo học. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã thôn đặc biệt khó khăn về tiền ăn, tiền nhà ở và gạo. Hiện nay, mô hình trường học bán trú đã được triển khai thực hiện khá hiệu quả, số lượng trẻ em bỏ học giảm và số lượng trẻ em tới trường tăng lên.

Ba là, nhiều gia đình còn hạn chế về kỹ năng, nhận thức. Các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đã được pháp luật quy định khá cụ thể trong các luật nhưng thực tiễn thực hiện còn là một khoảng cách. Các bậc phụ huynh thực hiện chăm sóc, giáo dục con theo cách riêng của mình nên nhiều trường hợp tác động xấu trong việc hình thành nhân cách của trẻ em. Nhiều vùng sâu, vùng xa khi trẻ em đau ốm vẫn còn tình trạng không được đưa đến cơ sở y tế mà cha mẹ chỉ mời thầy về trừ ma trừ tà cho trẻ em.

Còn nhiều gia đình xem trẻ em như là “sở hữu” riêng của gia đình nên có toàn quyền trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục. Chính vì quan niệm bảo thủ lạc hậu nên dẫn tới trẻ em bị bạo hành về “tinh thần” một cách tự nhiên bởi sự kỳ vọng, sĩ diện của cha mẹ; sự bảo thủ không cho chính quyền và các tổ chức đoàn thể can thiệp vào việc thực hiện quyền trẻ em.

Bốn là, vai trò của các tổ chức, đoàn thể, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân trong truyền thông để phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em còn hạn chế.

Trong quá trình thực thi pháp luật để đảm bảo thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, vai trò của các chủ thể được đề cập đã không đạt được hiệu quả khi tình trạng trẻ em bị lạm dụng và bóc lột tình dục ngày càng tăng ở Việt Nam. Tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em được thể hiện cụ thể qua bảng số liệu sau đây:

Bảng 1: Bảng số liệu xét xử các vụ án hình sự về các tội xâm phạm tình dục trẻ em tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2009 đến 6 tháng đầu năm 2015.

 

Năm Hà Nội  

Thành Phố

Hồ Chí Minh

 
  Số vụ/ số bị cáo phạm tội xâm hại tình dục trẻ em Tổng số vụ/ bị cáo bị xét xử Số vụ/số bị cáo phạm tội xâm hại tình dục trẻ em Tổng số vụ/ bị cáo bị xét xử
2009 40/48 6.705/11.148 88/95 6.669/10.718
2010 35/44 6.229/10.784 92/105 5.500/8.839
2011 32/32 6.871/12.625 86/93 5.724/8.833
2012 39/42 7.978/14.621 135/140 6.126/9.599
2013 39/46 7.306/12.106 135/140 6.126/9.599
2014 62/78 7.092/12.711 134/139 6.320/10.107
6 tháng đầu năm 2015 32/32 2.382/4.049 42/45 2.218/3.452
Tổng số 279/322 44.563/78.084 690/734 38.756/61.261

  

Nguồn: Toà án nhân dân Tối cao[3].

Tuy tình trạng xâm hại tình dục trẻ em tăng, nhưng các biện pháp tuyên truyền phòng ngừa xâm phạm tình dục còn hạn chế. Nhất là trong nhà trường hay sinh hoạt tập thể thì thường né tránh và cho rằng đây là vấn đề “tế nhị”. Trong khi đó, các hình ảnh hay phim tình dục trên mạng tràn lan khiến trẻ em tò mò và không có kiến thức nên là đối tượng bị xâm hại tình dục hay đi xâm hại tình dục các trẻ em khác.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

            Để bảo đảm tăng cường vai trò của của các tổ chức, đoàn thể, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, chúng tôi cho rằng:

Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên phải có kế hoạch cụ thể về tuyên truyền, vận động thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, nhất là tuyên truyền về các quyền và bổn phận của trẻ em.  

Đối với các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, nên lồng ghép nội dung quyền và bổn phận của trẻ em trong môn giáo dục công dân; đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện quyền này và vai trò của trẻ em trong việc giám sát các cơ quan nhà nước, các tổ chức, gia đình đảm bảo thực hiện quyền này.

Thứ hai, các tổ chức, đoàn thể và cơ sở giáo dục tổ chức nhiều các lớp kỹ năng cho các đối tượng khác nhau để đảm bảo thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Hội Phụ nữ mở các khóa học “truyền thông và kỹ năng làm mẹ”, Đoàn Thanh niên, nhà trường mở các lớp “truyền thông và các kỹ năng tránh xâm hại trẻ em”,… Thông qua các khóa học chính khóa hay ngoại khóa, việc nhận thức vai trò của cá nhân, gia đình và tổ chức trong việc bảo vệ trẻ em và chính trẻ em có được các thông tin, kỹ năng để tự bảo vệ mình được nâng cao. Xuất bản các cuốn “sổ tay” về “kỹ năng phòng tránh xâm hại” cho trẻ em.

Thứ ba, đưa nội dung giáo dục giới tính và kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục vào các chương trình chính khóa hay ngoại khóa ở các trường phổ thông.

Thứ tư, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, tôn trọng lẫn nhau. Mọi tâm tư, nguyện vọng của con cái phải được lắng nghe, chia sẻ, nguyện vọng chính đáng phải được đáp ứng. Do đó, các thành viên trong gia đình phải thực sự tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau./.

Đoàn Đức Lương

PGS,TS., Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế; Trần Cao Thành, ThS., Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

 [1]Xin tham khảo thêm Điều 91 Luật Trẻ em năm 2016.

[2]Xin tham khảo thêm Điều 92 Luật Trẻ em năm 2016.

[3] Xin tham khảo thêm Nguyễn Tuấn Thiện, (2015), Luận văn Thạc sĩ Luật học, Các tội xâm phạm tình dục trẻ em trong Luật Hình sự Việt Nam, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.        Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2016), “Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Trẻ em năm 2016”.

2.        Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, Báo cáo “Xây dựng môi trường bảo vệ trẻ em Việt Nam: đánh giá pháp luật  và chính sách bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam”, 2009, Hà Nội.

3.        Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp.

4.        Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (2012), Điều lệ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

5.        Đỗ Thị Oanh, Bảo đảm quyền trẻ em thông qua hoạt động xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật ở Việt Nam, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=272.

6.        Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em.

7.        Nguyễn Hữu Minh, Đặng Bích Thuỷ, Nghiên cứu việc thực hành quyền trẻ em ở Việt Nam – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Viện Xã hội học.

8.        Luật Trẻ em năm 2016.

9.        Bộ luật Lao động năm 2012.

10.   Luật Giáo dục năm 2005.

11.   Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

12.   Tổng cục Thống kê Việt Nam và UNICEF, 2014, báo cáo “Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ năm 2014 của Việt Nam” ( MICS Việt Nam 2014).

13.   Vũ Thị Thanh Huyền, Pháp luật về bảo vệ người lao động chưa thành niên ở Việt Nam hiện nay, Đại học Lao động -  Xã hội.

14.   Báo cáo quốc gia về thực hiện Nghị định thư không bắt buộc với CRC, 2006.

15.   Thực trạng bạo lực trẻ em ở Việt Nam hiện nay;

                  Nguồn:  http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=20855.

 

Link bài viết:

http://www.nclp.org.vn/thuc_tien_phap_luat/vai-tro-cua-cac-to-chuc-111oan-the-co-so-giao-duc-gia-111inh-ca-nhan-trong-viec-thuc-hien-quyen-va-bon-phan-cua-tre-em