Hàng năm, Nhà nước đang nỗ lực tạo những điều kiện cần thiết, hỗ trợ tài chính, cho vay vốn hoặc miễn, giảm thuế và áp dụng các biện pháp khuyến khích để người lao động có khả năng tự giải quyết việc làm, các tổ chức, đơn vị và các cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển, trong đó bao gồm cả người lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, người khuyết tật dường như đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn này từ Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH).
Pháp luật quy định như thế nào về chính sách hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động là người khuyết tật?
Pháp luật người khuyết tật Việt Nam đã có những quy định trong việc khuyến khích người khuyết tật tự tạo việc làm. Theo đó, trong trường hợp người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất, kinh doanh từ NHCSXH. Điều kiện, thời hạn và mức vay vốn thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm[1].
Để thống nhất với Luật người khuyết tật năm 2010, Luật việc làm năm 2013[2] đã quy định về chính sách vay vốn tạo việc làm dành cho người khuyết tật và cơ sở sản xuất, kinh doanh có người khuyết tật tham gia lao động với mức vay và lãi suất ưu đãi hơn so với các đối tượng khác. Theo Nghị định 61/2015/NĐ_CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm[3], người lao động là người khuyết tật có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức lãi suất bằng ½ so với mức lãi suất dành cho hộ nghèo (mức lãi suất 0,275%/tháng), mức vay tối đa dành cho người khuyết tật là 50.000.000 đồng, với thời hạn vay tối đa 60 tháng (không quá 5 năm). Điều này đã thể hiện được đúng chủ trương của Nhà nước, giải quyết phần nào những khó khăn về việc làm cho người khuyết tật.
Thực trạng khi vay vốn ưu đãi dành cho người khuyết tật
Ở Việt Nam, rất ít người khuyết tật có việc làm và thu nhập ổn định, rất nhiều người vẫn phải làm những công việc phi chính thức. So với các nhóm lao động khác, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm khuyết tật cao hơn nhiều, lên tới 30%. Việt Nam mất đi 3% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) mỗi năm vì thị trường lao động hạn chế tiếp nhận người khuyết tật[4]. Để hạn chế tỉ lệ thất nghiệp từ người lao động khuyết tật, Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích người khuyết tật tự tạo việc làm bằng hình thức hỗ trợ vốn vay với mức vay vốn ưu đãi bằng ½ người không khuyết tật vay vốn giải quyết việc làm. Tuy nhiên, theo Báo cáo của NHCSXH, hiện tổng số khách hàng vay là người khuyết tật khoảng trên 11.000 người, trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có khoảng 4,8 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động[5]. Có thể thấy, tỉ lệ người khuyết tật vay vốn tại ngân hàng để giải quyết việc làm còn quá thấp. Điều này đặt ra câu hỏi: tại sao tỉ lệ vay vốn của người khuyết tật lại thấp như vậy? Qua quá trình tiếp xúc, hỗ trợ, tư vấn cho người khuyết tật, chúng tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề còn bất cập, tồn tại trong quá trình người khuyết tật vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm.
Chưa có chương trình vay vốn dành riêng cho người khuyết tật hoặc chưa có nguồn vay vốn riêng dành cho người khuyết tật trong Quỹ việc làm. Hiện nay, pháp luật đang khuyến khích người khuyết tật tạo việc làm bằng cách vay vốn qua Quỹ quốc gia về việc làm nhưng lại không phân bổ số vốn dành riêng cho người khuyết tật trong Quỹ việc làm. Chính vì vậy, đã có trường hợp các tổ tiết kiệm vay vốn, NHCSXH sẵn sàng dùng quỹ này để cho vay đối với người không khuyết tật hơn lựa chọn cho vay đối với người khuyết tật vì cho rằng khả năng hoàn trả cao hơn. Đây là lý do chính trở thành rào cản khiến người khuyết tật khó tiếp cận được với những nguồn vốn ưu đãi.
Bên cạnh đó, còn nhiều người khuyết tật chưa tiếp cận thông tin về chính sách vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm dành cho người lao động là người khuyết tật. Hiện nay, các chương trình vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đã được phổ biến rộng rãi tới các địa phương trên cả nước và tại một số nơi chương trình này còn được in lên bảng và gắn tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã. Tuy nhiên, đối với chương trình vay vốn giải quyết việc làm dành cho người lao động là người khuyết tật vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, ít người biết đến.
Ngoài ra, đã có trường hợp người khuyết tật bị tổ tiết kiệm vay vốn từ chối cho vay vì không phải là thành viên của họ. Hiện nay pháp luật về vay vốn giải quyết việc làm quy định người khuyết tật muốn vay vốn cần nộp hồ sơ tại tổ tiết kiệm – vay vốn thuộc tổ chức chính trị xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên), không quy định người vay vốn phải là thành viên của tổ tiết kiệm vay vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người khuyết tật bị từ chối cho vay vì lý do họ không thuộc thành viên của tổ tiết kiệm vay vốn nên không được vay từ quỹ của tổ chức chính trị - xã hội.
Người khuyết tật không thể vay vốn vì lý do địa phương chưa triển khai hoạt động cho vay vốn dành cho người lao động là người khuyết tật giải quyết việc làm. Chị M 54 tuổi hiện đang sinh sống tại tỉnh Thừa Thiên Huế gọi điện lên và chia sẻ: chị có đến Hội Phụ nữ xã để hỏi về chương trình vay vốn giải quyết việc làm dành cho người lao động khuyết tật nhưng Hội Phụ nữ xã trả lời không có chương trình này. Sau đó, chị có đến trực tiếp NHCSXH của huyện hỏi nhưng cũng được trả lời là ở đây chưa triển khai. Việc này đặt ra câu hỏi về quá trình thực hiện quy định của pháp luật về vay vốn giải quyết việc làm và hoạt động quản lý Quỹ việc làm của NHCSXH.
Một thực trạng nữa là mức vay vốn để giải quyết việc làm thấp. Theo NHCSXH, từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm chưa được bổ sung thêm để NHCSXH mở rộng cho vay giải quyết việc làm đến các đối tượng chính sách trong đó có người khuyết tật, mà chỉ thực hiện cho vay bằng nguồn vốn quay vòng. Do vậy người lao động khuyết tật chưa có điều kiện tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm, mặt khác cũng chưa có cơ chế và chưa phân bổ nguồn vốn vay cho đối tượng này, dẫn đến tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thấp[6]. Tại nhiều địa phương, hàng năm số vốn đưa về cho các tổ chức chính trị - xã hội eo hẹp trong khi số lượng người có nhu cầu vay cao, điều này dẫn đến thay vì dồn vốn cho một số người với mức vay cao thì phân bổ cho nhiều người với mức vay thấp hơn. Tuy nhiên, chính vì mức vay thấp dẫn đến hiện trạng nhiều người quyết định không vay, hoặc cũng có trường hợp vì vốn thấp không thể thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh mà thua lỗ, thất thoát dẫn đến không trả được nợ.
Giải pháp tháo gỡ
Việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dành cho người khuyết tật còn đang gặp nhiều bất cập từ cả chính sách lẫn thực thi, do đó, cần có những chính sách hiệu quả giúp người khuyết tật tham gia nhiều hơn vào thị trường vì lợi ích của mỗi người và của toàn xã hội.
Hàng năm, cần tăng cấp bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm; xem xét bố trí nguồn vốn dành riêng cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật trong Quỹ quốc gia về việc làm hoặc ngân sách riêng dành cho người khuyết tật vay vốn. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các nguồn lực từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho vay đối với người khuyết tật. NHCSXH cũng cần rà soát lại việc thực hiện chính sách này trên phạm vi toàn quốc để đảm bảo tất cả địa phương đã, đang thực hiện đúng chương trình vay vốn ưu đãi về giải quyết việc làm cho người lao động là người khuyết tật. Với địa phương chưa thực hiện thì cần yêu cầu thực hiện. Một giải pháp cũng cần được đề cập chính là phổ biến chương trình vay vốn ưu đãi dành cho người lao động là người khuyết tật giải quyết việc làm trên phạm vi cả nước thông qua các hoạt động tuyên truyền trên loa, báo, đài, thông tin truyền thông, website, và phát tờ rơi về cho từng hộ gia đình. Ngoài ra, cần liên kết phối hợp với cơ quan hành chính quản lý lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội cấp địa phương để chia sẻ thông tin với tất cả người khuyết tật và gia đình họ về chương trình này.
Ths. Ngô Thị Thu Hằng
[1] Điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật người khuyết tật
[2] Điều 12 Luật việc làm 2013
[3] Điều 24, 25, 26 Nghị định 65/2015/NĐ-CP
[4] http://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/feature-articles/WCMS_194749/lang--vi/index.htm
[5] Số liệu trên được tổng hợp từ những số liệu đã được công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại website: https://bnews.vn/tang-ho-tro-von-uu-dai-cho-nguoi-khuyet-tat/81501.html và https://baomoi.com/hon-1-2-trieu-nguoi-khuyet-tat-can-duoc-ho-tro-day-nghe/c/24145191.epi
[6] http://nhcsxh.chinhphu.vn/Thong-tin/De-xuat-bo-tri-nguon-von-uu-dai-danh-rieng-cho-nguoi-khuyet-tat/7774.vgp