Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Bàn về một số vấn đề liên quan đến xây dựng, hoàn thiện hính sách khuyến khích các sản phẩm “thiết kế phổ quát” tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

  • Thực hiện: Lê Hoa
  • 22/12/2022

“Thiết kế phổ quát” là một khái niệm được sử dụng trong Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD), nhằm để chỉ các sản phẩm, dịch vụ... có chức năng đa dạng đáp ứng yêu cầu sử dụng của tất cả mọi người, trong đó có người khuyết tật. Trên thực tế thì ở Việt Nam, tính cho đến thời điểm hiện nay, khái niệm “thiết kế phổ quát” vẫn được xem là khá mới mẻ. Các sản phẩm theo mô hình thiết kế phổ quát tương đối ít và đặc biệt là dưới khía cạnh chính sách thì vấn đề “thiết kế phổ quát” cũng chưa được đề cập trong Luật người khuyết tật 2010 hay bất kỳ văn bản pháp lý nào ở tầm luật. Đây cần được xem là một trong những vấn đề đặt ra trong quá trình hoàn thiện chính sách pháp lý liên quan đến người khuyết tật hiện nay ở nước ta.[1]

Vài nét về khái niệm “Thiết kế phổ quát “ theo CRPD & xu hướng thế giới về áp dụng mô hình thiết kế phổ quát trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ.. phục vụ cộng đồng

Tinh thần của CRPD là khuyến khích các quốc gia sử dụng song song các sản phẩm, dịch vụ, chương trình… mà tất cả mọi người đều có thể sử dụng được, trong đó có người khuyết tật và các sản phẩm, thiết bị chuyên biệt hỗ trợ người khuyết tật. Tại Điều 2 của CRPD đã định nghĩa “thiết kế phổ quát” có nghĩa là thiết kế sản phẩm, môi trường, chương trình và dịch vụ (sau đây xin phép gọi chung là sản phẩm) để mọi người đều có thể sử dụng tới mức tối đa mà không cần cải tạo lại hoặc thiết kế chuyên biệt. “Thiết kế phổ quát” không loại trừ những thiết bị hỗ trợ cho các nhóm người khuyết tật cụ thể khi cần thiết. Đặc biệt, việc tiến hành hoặc khuyến khích nghiên cứu và phát triển hàng hóa, dịch vụ, trang bị và tiện ích được thiết kế phổ quát được xác định là nghĩa vụ của các quốc gia tham gia CRPD. Theo đó, các quốc gia thành viên cần thúc đẩy việc phổ biến và sử dụng các sản phẩm đó, ở mức cải tạo và giá thành tối thiểu để đáp ứng được nhu cầu của người khuyết tật... (Điểm f khoản 1 Điều 4 CRPD).

Hiện nay, bên cạnh những sản phẩm, trang thiết bị chuyên biệt dành cho người khuyết tật thì xu hướng chung trên thế giới đang hướng đến việc phát triển các nghiên cứu thiết kế, sản xuất và triển khai khá nhiều các loại sản phẩm và dịch vụ được thiết kế phổ quát. trong đó  có thể kể đến  các tính năng, chương trình… được thiết kế kết hợp thỏa mãn những nhu cầu của cả người không khuyết tật (bao gồm người cao tuổi) và người khuyết tật như đồ chơi, thiết bị dành cho trẻ em; hệ thống thiết bị nhà bếp[2]; phương tiện giao thông;... và đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực thông tin - truyền thông (như phần mềm cho người khiếm thị trên máy tính công cộng; thiết bị điện thoại dành cho người khiếm thính có thể kết hợp tính năng điện thoại có chú thích - một hệ thống sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói để chuyển đổi giọng nói của người trực tổng đài thành văn bản.v.v.). Theo các chuyên gia, việc nghiên cứu nhu cầu của người khuyết tật cuối cùng sẽ dẫn đến các thiết kế an toàn hơn, linh hoạt hơn và hấp dẫn hơn cho tất cả người tiêu dùng[3].

Thực trạng về chính sách liên quan đến “thiết kế phổ quát” và sử dụng các sản phẩm, theo xu hướng thiết kế phổ quát tại Việt Nam  hiện nay

Về phương diện chính sách, Luật người khuyết tật năm 2010 mới chỉ đang tập trung vào các chính sách khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, trang thiết bị, dịch vụ chuyên biệt hỗ trợ người khuyết tật. Điều này thể hiện khá rõ qua chính sách chung tại Điều 6 về xã hội hóa công tác hỗ trợ người khuyết tật, các chính sách cụ thể theo từng lĩnh vực như lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (Điều 26); công nghệ thông tin và truyền thông (Điều 43)... Xét về nội dung và mục đích thì chính sách nói trên là hoàn toàn đúng đắn, nhất là vào thời điểm mới ban hành Luật người khuyết tật, nhằm tạo cơ chế pháp lý hỗ trợ tích cực người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng và nhằm đảm bảo quyền của người khuyết tật trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Song, phân tích dưới giác độ chính sách ở Việt Nam thì tính đến thời điểm hiện tại (2022), bên cạnh quan điểm chính sách Nhà nước hỗ trợ các dịch vụ, sản phẩm chuyên biệt đối với người khuyết tật, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các sản phẩm thuộc mô hình “thiết kế phổ quát” hoàn toàn chưa được đề cập đến trong Luật người khuyết tật 2010 cũng như bất kỳ văn bản pháp lý nào ở tầm luật. Đây là có thể được xem là một điểm vẫn còn đang được “bỏ ngỏ” trong hệ thống chính sách liên quan đến người khuyết tật ở nước ta. Tuy nhiên, nói một cách khách quan thì không có nghĩa là xu hướng thiết kế các sản phẩm, dịch vụ, chương trình theo tiêu chí tiếp cận phổ quát là một vấn đề quá xa lạ, hoàn toàn nằm ngoài các chính sách hiện hành đối với người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay.  Quan điểm này đã bước đầu được thể hiện trong lĩnh vực chính sách giao thông vận tải hỗ trợ người khuyết tật, quy định tại Quyết định 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05-8-2020 phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030[4]. Đây có thể được thừa nhận là một “điểm sáng” trong thể chế về người khuyết tật hiện nay, tạo tiền đề cho việc hình thành chính sách pháp lý ở cấp độ cao hơn.

Trên thực tế đời sống, trong những năm gần đây một loạt các sản phẩm công nghệ thông tin được lưu hành rộng rãi tại Việt Nam như máy tính, điện thoại... được thiết kế theo mô hình thiết kế phổ quát. Theo đó, một bộ phận người khuyết tật ở Việt Nam mà đặc biệt là người khiếm thính, người khuyết tật nhìn có thể sử dụng các sản phẩm này. Cụ thể: người khiếm thính có thể sử dụng một trong những ứng dụng của hệ điều hành Aldroid có tên là  Google Live Transcribe - Phiên âm trực tiếp khi sử dụng điện thoại. Ứng dụng này giúp ghi âm lại lời nói của người khác và chuyển đổi thành hành động trên màn hình hoặc thành văn bản để người khiếm thính có thể xem được hoặc đọc và hiểu được.[5] Với người khuyết tật nhìn ở Việt Nam có thể dùng chương  trình NVDA (NonVisual Desktop Access). Đây là một trình đọc màn hình miễn phí dành riêng cho người mù và người khiếm thị, cho phép họ truy cập, tương tác với hệ điều hành Windows và nhiều ứng dụng của bên thứ ba (tích hợp hơn 50 ngôn ngữ, hỗ trợ nhiều giọng nói của bên thứ ba; hỗ trợ đa phần các ứng dụng phổ biến...). Bên cạnh đó một số hãng điện thoại cũng có sẵn chế độ đọc TalkBack dành cho người khiếm thị [6]. Điều đáng chú ý là đa số các sản phẩm điện tử được thiết kế theo mô hình thiết kế phổ quát nói trên đang lưu hành ở Việt Nam đều là sản phẩm ngoại nhập và cũng chỉ tập trung vào mảng công nghệ thông tin. Trong khi đó, các sản phẩm thiết kế phổ quát rất đa dạng, nếu nghiên cứu - ứng dụng sản xuất được thì không chỉ những sản phẩm công nghệ thông tin mà còn nhiều sản phẩm nội địa khác (kể cả những sản phẩm đơn giản nhất) cũng có thể được thiết kế theo mô hình thiết kế phổ quát, phục vụ nhu cầu đa dạng của mọi người, đặc biệt là khách hàng người khuyết tật. Tuy nhiên trên thực tế theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, thì cũng có một vài sản phẩm gia dụng trong nước được thiết kế theo mô hình này, nhưng số lượng được sản xuất rất ít và hầu như chưa được quảng bá rộng rãi.[7] Có nhiều nguyên nhân của việc các sản phẩm  thiết kế phổ quát còn khá hiếm ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay (như vấn đề phổ biến thông tin, vấn đề vốn đầu tư; các điều kiện về nghiên cứu thiết kế, sản xuất,tiêu thụ sản phẩm trong từng lĩnh vực;vv). Trong đó nguyên nhân “thiếu vắng” sự thừa nhận về mặt chính sách và quan điểm khuyến khích phát triển các sản phẩm theo mô hình thiết kế phổ quát có thể được xem là một nguyên nhân đáng kể. Việc thiếu các chính sách thừa nhận và mở đường phát triển sản phẩm thiết kế phổ quát ở nước ta, một mặt, chưa tương thích với quy định của CRPD (mà Việt Nam đã ký kết và tham gia từ 2007), mặt khác, chưa khuyến khích các hoạt động – dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, đặc biệt là của người khuyết tật, trong điều kiện phát triển kinh tế -xã hội hiện tại ở nước ta cũng như trong tương lai.

Một số kiến nghị

Liên quan đến vấn đề hoàn thiện chính sách pháp lý đối với đối với việc phát triển các sản phẩm thiết kế phổ quát ở Việt Nam, chúng tôi xin có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, Dự thảo Luật Người khuyết tật mới cần nêu rõ khái niệm về “thiết kế phổ quát’; bổ sung việc khẳng định quan điểm của Nhà nước khuyến khích song song các hoạt động nghiên cứu sản xuất thiết bị, dịch vụ chuyên biệt đối với người khuyết tật cũng như khẳng định chính sách khuyến khích đối với các hoạt động nghiên cứu, sản xuất... các sản phẩm, dịch vụ, chương trình  thiết kế phổ quát .

Thứ hai, để hỗ trợ phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong nước theo mô hình thiết kế phổ quát, chính sách của Luật mới cần được tập trung trong lĩnh vực lao động - việc làm. Theo đó, không những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật mà ngay cả những tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu - sản xuất các sản phẩm nội địa được thiết kế phổ quát cũng cần được hưởng những chính sách ưu đãi nhất định. Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính sách có liên quan tại Chương V; Chương VII... của Luật Người khuyết tật năm 2010 như các chính sách khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất, cung ứng dịch vụ theo tiêu chí tiếp cận phổ quát; chính sách phát triển việc nghiên cứu và đưa vào áp dụng hệ thống giao thông theo tiêu chí tiếp cận phổ quát;...Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu để sửa đổi bổ sung các chính sách khuyến khích nói trên vào các luật có liên quan như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Giao thông đường bộ; vv

Đương nhiên, việc triển khai sản phẩm theo mô hình thiết kế phổ quát đòi hỏi các giải pháp toàn diện, từ nâng cao nhận thức xã hội đến các giải pháp hỗ trợ toàn bộ quá trình nghiên cứu- thiết kế- thử nghiệm-sản xuất- quảng cáo tiêu thụ sản phẩm vv. Vì vậy, cần phải có lộ trình triển khai trên nhiều lĩnh vực, đối với nhiều sản phẩm, dịch vụ khác nhau. Chính vì thế, để đảm bảo tính khả thi, các chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với hoạt động theo mô hình “thiết kế phổ quát” được thể hiện trong Dự thảo Luật Người khuyết tật mới và các luật có liên quan cũng cần có sự cân nhắc thấu đáo  để phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, song song với những hoàn thiện về mặt chính sách thì hoạt động truyền thông rộng rãi về mô hình thiết kế phổ quát trong các lĩnh vực khác nhau cũng cần được quan tâm, thúc đẩy trong thời gian tới. Đây là giải pháp khá quan trọng nhằm hỗ trợ cập nhật thông tin và góp phần tích cực tăng cường nhận thức của xã hội đối với vai trò của các sản phẩm được thiết kế phổ quát trong đời sống xã hội.

Tóm lại, thiết nghĩ đã đến thời điểmsong song với các chính sách về khuyến khích phát triển các hoạt động nghiên cứu, sản xuất thiết bị, dịch vụ chuyên biệt hỗ trợ người khuyết tật, cần khẩn trương nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo Luật Người khuyết tật mới (và một số luật có liên quan khác) những chính sách pháp lý mang tính chất định hướng, mở đường, làm cơ sở khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, triển khai các sản phẩm, dịch vụ theo mô hình thiết kế phổ quát, đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người trong xã hội, đặc biệt là người khuyết tật. Chính sách khuyến khích thiết kế phổ quát sẽ tăng cường hơn nữa sự tương thích của hệ thống pháp luật trong nước với các quy định của CRPD, đồng thời góp phần tích cực vào quá trình nhằm cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình[8].Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm theo mô hình  thiết kế phổ quát cũng sẽ góp phần tạo ra sự đa dạng, linh hoạt, tiện ích và hấp dẫn đối với các sản phẩm, dịch vụ;.. nói chung,  góp phần tích cực phát triển kinh tế- xã hội.   


[1] Vấn đề “ thiết kế phổ quát “ có phạm vi rộng và có thể đề cập dưới nhiều khía cạnh khác nhau như: Chính sách phát triển; hoạt động nghiên cứu- thiết kế; khía cạnh kinh tế của sản phẩm – dịch vụ;… Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung chủ yếu về vấn đề “ thiết kế phổ quát” dưới khía cạnh chính sách, trên tinh thần của CRPD.

[2] Ví dụ một hãng của Đức đã nghiên cứu sản xuất một “gian bếp tiện nghi” trong đó sử dụng hệ thống theo dõi điện tử giúp tủ bếp, vật dụng bếp và cả bồn rửa để đáp ứng nhu cầu người dùng. Chỉ cần nhấn nút, mặt bàn bếp có thể được nâng lên hoặc hạ xuống thấp hơn chiều cao của xe lăn (xem: Heidi Schrott, Nhóm biên tập Tạp chí WIPO, Phòng Truyền thông, “Thiết kế cho người khuyết tật”, https://ipvietnam.gov.vn/hoat-ong-shcn-quoc-te/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/thiet-ke-cho-nguoi-khuyet-tat?inheritRedirect=false, cập nhật ngày 25/04/2020).

[3] Heidi Schrott, Nhóm biên tập Tạp chí WIPO, Phòng Truyền thông, “Thiết kế cho người khuyết tật”, https://ipvietnam.gov.vn/hoat-ong-shcn-quoc-te/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/thiet-ke-cho-nguoi-khuyet-tat?inheritRedirect=false, cập nhật ngày 25/04/2020.

[4] Điểm a khoản 6 mục II của Quyết định 1190/QĐ-TTg có nêu một trong những hoạt động của Chương trình hỗ trợ người khuyết tật 2021-2030 trong lĩnh vực Trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông là: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát đối với hệ thống giao thông.

[7] Như sản phẩm chổi  quét nhà đa năng do hội viên của một số Hội Người khuyết tật sản xuất. Sản phẩm này cả người khuyết tật vận động (tay) và người không khuyết tật đều sử dụng được.

[8] Những nội dung này thuộc Mục tiêu chung đã được khẳng định trong Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/08/2020 của Thủ tướng Chính Phủ.