Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Một số điểm mới trong biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022

  • Thực hiện: Phương Anh
  • 24/02/2023

Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 được thông qua ngày 14/11/2022 là một trong những văn bản pháp luật nhận được nhiều sự quan tâm, theo dõi của đông đảo người dân, trong đó có người khuyết tật và những đối tượng yếu thế khác. Bên cạnh việc quy định chi tiết người khuyết tật là một trong các đối tượng đặc thù được bảo vệ khỏi hành vi bạo lực gia đình, luật mới đã có nhiều cải tiến, nhiều quy định nổi bật nhằm đảm bảo hoạt động phòng chống bạo lực gia đình hiệu quả. Tiêu biểu có thế kể đến việc sửa đổi, bổ sung các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.

Điểm đầu tiên phải kể đến là cách thức xây dựng quy định: Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 đã dành riêng một điều khoản (Điều 22) quy định chi tiết về số lượng, tên gọi các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình thay vì cách quy định tản mát tại nhiều điều khoản khác nhau trong Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 hiện hành (Điều 18 đến Điều 25). Cách quy định mang tính hệ thống này giúp việc áp dụng pháp luật trên thực tế được hiệu quả và dễ dàng hơn.

Tiếp đó, về nội dung các biện pháp, theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình gồm: (i) Buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; (ii) Cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình; (iii) Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình; (iv) Biện pháp cấm tiếp xúc; (v) Chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; (vi) Tư vấn cho nạn nhân bạo lực gia đình; (vii) Hỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu. Thực tế áp dụng pháp luật cho thấy, hành vi bạo lực gia đình trong nhiều trường hợp có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó ngăn chặn bằng các biện pháp hiện hành. Do đó, nhằm khắc phục những bất cập của Luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung thêm một số biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, cụ thể:

1. Bổ sung các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình

Thứ nhất, yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình

Đây là một trong những biện pháp ngăn chặn hàng đầu đối với hành vi bạo lực gia đình được liệt kê trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 và cũng là điểm mới so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Biện pháp này được áp dụng trong trường hợp người bị bạo lực gia đình là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, sống phụ thuộc hoặc không có khả năng tự chăn sóc bản thân như: trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật…[1] hoặc có căn cứ cho rằng hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có thể tiếp tục gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực gia đình[2].

Quy định này ra đời, hỗ trợ việc ngăn chặn ngay lập tức hành vi bạo lực gia đình của đối tượng, đảm bảo hiệu quả trong quá trình xử lý hành vi bạo lực gia đình khi có hậu quả nghiêm trọng, có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như tránh trường hợp phát sinh những hành vy nguy hiểm khác của đối tượng với người bị bạo lực gia đình, điều mà quy định hiện nay tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 chưa đảm bảo được.

Thứ hai, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng

Biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là một trong những biện pháp tiến bộ, mang tính thực tiễn và là một trong những điểm mới đáng ghi nhận của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Sự bổ sung này được xem như là một biện pháp có thể thay thế cho biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư trong trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, thể hiện rõ tính linh hoạt của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 so với Luật hiện hành. Bên cạnh việc giúp cơ quan có thẩm quyền có nhiều lựa chọn trong áp dụng biện pháp thích hợp với người có hành vi bạo lực gia đình, quy định này sẽ tạo điều kiện và trao cho người có hành vi bạo lực gia đình cơ hội hòa nhập và đóng góp công sức của họ cho cộng đồng.

Công việc phục vụ cộng đồng được xem xét thực hiện là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú, bao gồm: (i) Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác; (ii) Tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

2. Kế thừa, sửa đổi, hoàn thiện các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình từ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007

Bên cạnh việc bổ sung những biện pháp mới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã kế thừa, sửa đổi, hoàn thiện một số biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình đang được quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Thứ nhất, quy định chi tiết hơn về biện pháp buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình

Theo đó, bên cạnh việc người có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình được áp dụng ngay các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để chấm dứt hành vi bạo lực gia đình thì người có mặt tại nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình theo khả năng của mình và tính chất của hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình. Quy định này nhằm cụ thể trách nhiện của những người có liên quan trong việc ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

Thứ hai, sửa đổi một số nội dung trong biện pháp cấm tiếp xúc

Đầu tiên, về điều kiện để cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, trong trường hợp người đề nghị là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, ngoài phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình, quy định bổ sung thêm trường hợp khác là có sự đồng ý của người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình. Việc bổ sung là cần thiết khi mà đối tượng bị bạo lực gia đình, trong nhiều trường hợp là trẻ em, người mất năng lực hành vi dân sự (trong đó có các trường hợp là người khuyết tật trí tuệ và thần kinh, tâm thần)… phải có người giám hộ, người đại diện theo pháp luật khi thực hiện một số quyền theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, quy định cũng hủy bỏ điều kiện áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc khi người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc, do quy định này không khả thi khi áp dụng trong thực tiễn, khi đa số trường hợp người bị bạo lực và người có hành vi bạo lực gia đình chung sống cùng một nhà. Đồng thời, việc bỏ quy định này cũng phù hợp với việc bổ sung quy định về bố trí nơi tạm lánh cho người bị bạo lực gia đình.

Tiếp đó, về trường hợp hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc, ngoài việc cơ quan có thẩm quyền nhận thấy biện pháp đó không còn cần thiết hay có yêu cầu của người đề nghị ra quyết định cấm tiếp xúc theo quy định, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã bổ sung quy định về người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình được phép không đồng ý với quyết định cấm tiếp xúc vì lý do xét thấy hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình đối với trường hợp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Quy định trên cho phép người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của họ được tự quyết định hành vi bạo lực gia đình đó có thật sự gây nguy hại đến họ hay không, thay vì phụ thuộc vào nhận định của bên thứ ba, từ đó, đánh giá được đúng và chính xác tính nghiêm trọng của hành vi bạo lực gia đình[3].

Thứ ba, quy định riêng điều khoản về giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình

Thay vì quy định chung chung về việc nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người về phòng, chống bạo lực gia đình, chủ yếu thuộc nội dung thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình như trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã dành riêng một điều khoản quy định rõ về hình thức, nội dung biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình chỉ dành cho người có hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, người có hành vi bạo lực gia đình được giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; tham gia dịch vụ giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình do cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình cung cấp với một số nội dung: (i) Chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình; (ii) Nhận diện các hành vi bạo lực gia đình và trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình; (iii) Kỹ năng ứng xử, phòng ngừa, xử lý mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình; (iv) Kiến thức và kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực gia đình; giải tỏa áp lực, căng thẳng; (v) Các nội dung khác[4].

 Đây được xem là một trong những giải pháp pháp lý cần thiết nhằm tác động thay đổi nhận thức, hành vi của người có hành vi bạo lực gia đình, hướng đến hạn chế “từ gốc” một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hành vi bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, để phù hợp với tính chất của các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, khi mà hành vi đã xảy ra rồi, cũng như bổ sung cho các biện pháp mới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã đưa biện pháp góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư từ biện pháp phòng ngừa sang thành một trong các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Đồng thời, thay vì áp dụng cho người dưới 16 tuổi như quy định tại Điều 17 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, luật mới đã quy định biện pháp góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư áp dụng cho người từ đủ 18 tuổi trở lên, độ tuổi về cơ bản đã đủ điều kiện để chịu mọi trách nhiệm trước hành vi của mình[5].

Có thể thấy, để có thể ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định đã có, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã bổ sung rất nhiều các biện pháp mang tính thiết yếu để thay đổi hành vi, nhận thức của người có hành vi bạo lực gia đình, phù hợp với nhu cầu của người bị bạo lực gia đình, đồng thời, nâng cao sự tham gia của cộng đồng, xã hội trong việc phòng, chống bạo lực gia đình. Với những điểm mới trên đây, hy vọng rằng, sau khi được triển khai, áp dụng trên thực tế, các biện pháp sẽ khắc phục được những khó khăn, bất cập trong việc bảo vệ, hỗ trợ những người chịu nhiều tổn thương bởi hành vi bạo lực gia đình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh mới.


[1] (i)Theo thống kê từ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Năm 2021, Tổng đài can thiệp phần lớn liên quan bạo lực trẻ em, nguyên do từ người thân trong nhà chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm tới 72,8%; (ii) Theo kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện): Một phần ba phụ nữ khuyết tật (33,0%) từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác so với một phần tư (25,3%) phụ nữ không bị khuyết tật; 6,4% phụ nữ khuyết tật bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ (trước tuổi 15), cao hơn so với tất cả phụ nữ nói chung (4,4%); (iii) Nghiên cứu về bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu gia đình và Giới thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng, bạo lực gia đình với người cao tuổi diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Các hành vi bạo lực với người cao tuổi như “bỏ mặc không quan tâm về tình cảm” chiếm 10,2%, “không quan tâm, chăm sóc ăn uống, thuốc men” chiếm 8,5% bên cạnh các hành vi khác như bị ép buộc lao động, bị tranh giành tài sản thừa kế, bị đập phá tài sản, tịch thu tiền, bị coi thường, sỉ nhục, quát mắng, dọa nạt …

[2] Điều 24 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022

[3] Điều 20, 21 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 và Điều 25, 26 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022

[4] Điều 31 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022

[5] (i) Người thành niên (người từ đủ 18 tuổi trở lên) có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Trừ trường hợp người này mất năng lực hành vi dân sự, hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự (khoản 2 Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015); (ii) Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác (Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017); (iii) Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính (Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012).