Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Bàn về một số vấn đề xác định mức độ khuyết tật đối với trẻ em ở Việt Nam hiện nay

  • Thực hiện: Lê Hoa
  • 22/03/2023

Trẻ em [1] luôn là một trong những đối tượng hàng đầu cần được chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ từ gia đình, cộng đồng và xã hội. Riêng trẻ khuyết tật được xếp vào nhóm có hoàn cảnh đặc biệt cần có những giải pháp chăm sóc, hỗ trợ đặc thù theo chính sách của pháp luật Việt Nam.[2]  Theo báo cáo của UNICEF (2016 và 2017): Việt Nam có khoảng 1,1 trẻ em khuyết tật độ tuổi dưới 16 tuổi. Số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cũng cho thấy số trẻ khuyết tật là 1.3 triệu trẻ.[3] Tính theo tỷ lệ thì tỷ lệ người khuyết tật nói chung ở nước ta chiếm 7,06% dân số, trong đó tỷ lệ khuyết tật của trẻ em từ 02 đến 17 tuổi là 2,83% (trẻ em 02-15 tuổi là 3,02%).[4] Có thể thấy, số lượng trẻ em khuyết tật là không nhỏ ở Việt Nam hiện nay. Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và chăm sóc trẻ em khuyết tật được thể hiện trong Luật Người khuyết tật 2010, Luật Trẻ em 2016 và được lồng ghép trong nhiều đạo luật khác nhau trên các lĩnh vực như bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục- học nghề, lao động.... Bài viết này tập trung đề cập đến một số vấn đề thuộc mảng chính sách xác định mức độ khuyết tật liên quan đến trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện nay và những kiến nghị hoàn thiện mảng chính sách này nhằm tăng cường cơ sở pháp lý đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em khuyết tật ở nước ta.

Điểm qua một số nét tích cực trong chính sách xác định mức độ khuyết tật hiện hành và cơ chế thi hành

Cũng giống như người khuyết tật ở các lứa tuổi khác, về mặt pháp lý, để được công nhận là người khuyết tật thì trẻ em khuyết tật cần qua khâu xác định mức độ khuyết tật và được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật (XĐMĐKT) cấp xã cấp giấy xác nhận khuyết tật. Các quy định chủ yếu về xác định mức độ khuyết tật được thể hiện tương đổi rõ tại Luật Người khuyết tật 2010 và các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật này. Trong đó, xuất phát từ quan điểm luôn coi đối tượng trẻ em là đối tượng đặc biệt (về thể chất, tâm sinh lý..), nên pháp luật đã có một số quy định riêng về XĐMĐKT đối với nhóm đối tượng này, nhằm đảm bảo yếu tố chuẩn xác, khách quan, công bằng trong xác định mức độ khuyết tật trẻ em. Do vậy, bên cạnh việc hướng dẫn chung về phương pháp đánh giá mức độ khuyết tật, pháp luật hiện hành đã quy định mẫu riêng XĐMĐKT (dạng tật, mức độ khuyết tật) đối với trẻ em dưới 6 tuổi.[5] Đồng thời, pháp luật cũng quy định trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng XĐMĐKT cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) trong việc gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học (theo Mẫu quy định)[6] để Hội đồng XĐMĐKT có thể tham khảo trong quá trình xác định mức độ khuyết tật cho trẻ em.

Ảnh mang tính chất minh họa

Về phương diện thi hành pháp luật, tính đến thời điểm hiện nay, 100% các đơn vị cấp xã thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập được Hội đồng XĐMĐKT và có khoảng gần 03 triệu người được xác định mức độ khuyết tật và được cấp giấy xác nhận khuyết tật (bao gồm trẻ em khuyết tật).[7] Có thể thấy, trên cơ sở chính sách về xác định mức độ khuyết tật hiện hành, đến nay về cơ bản hoạt động tổ chức XĐMĐKT đã được triển khai khá tích cực ở nước ta, góp phần tạo tiền đề bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em khuyết tật.

I. Một số khó khăn bất cập trong hoạt động xác định mức độ khuyết tật liên quan đến đối tượng trẻ em khuyết tật

Trên thực tế, việc xác định dạng khuyết tật tâm thần, trí tuệ, khuyết tật khác và đặc biệt là trẻ em khuyết tật được đánh giá là gặp nhiều vấn đề (khó khăn) nhất.[8] Có nhiều lý do khác nhau. Trong đó phải kể đến một số nguyên nhân như sau: Vướng mắc từ việc thiếu quy định rõ ràng về việc bắt buộc bổ sung thành viên của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã khi tổ chức xác định mức độ khuyết tật đối với trẻ em trong một số trường hợp.

Pháp luật hiện hành quy định chỉ duy nhất một thành viên của Hội đồng XĐMĐKT cấp xã bắt buộc phải có chuyên môn y tế (Trạm trưởng trạm y tế xã). Trong khi, nếu phân tích về mặt nội dung bộ công cụ xác định dạng và mức độ khuyết tật (các Phiếu XĐMĐKT) theo quy định hiện hành [9] thì rõ ràng các tiêu chí về y tế vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo so với các tiêu chí về xã hội. Ở lứa tuổi trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 06 tuổi, thì hầu hết các em chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm sinh lý, ngôn ngữ... nên các biểu hiện dạng tật, mức độ khuyết tật sẽ khó đánh giá, kết luận hơn người đã trưởng thành. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật thì các hồ sơ, giấy tờ khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh (bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật…) lại không phải là loại giấy tờ bắt buộc phải nộp kèm theo Đơn đề nghị XĐMĐKT khi làm thủ tục XĐMĐKT tại cấp xã.[10] Điều này dẫn đến những khó khăn không nhỏ trên thực tế đối với các thành viên còn lại, khi đa số họ không có hoặc không đủ kiến thức chuyên môn về y tế để tiến hành xác định mức độ khuyết tật.[11] Trong khi đó, do làm việc theo cơ chế Hội đồng nên pháp luật quy định kết luận chính thức của Hội đồng XĐMĐKT cấp xã dựa trên ý kiến của đa số thành viên Hội đồng.[12] 

Về ý kiến của cơ sở giáo dục:  pháp luật cũng chỉ quy định việc Chủ tịch Hội đồng XĐMĐKT cấp xã cần lấy ý kiến bằng văn bản của cơ sở giáo dục mà người khuyết tật tham gia học tập (đa số ở độ tuổi trẻ em) và có thể mời đại diện cơ sở giáo dục tham dự cuộc họp của Hội đồng XĐMĐKT (nếu cần thiết). Tuy nhiên, dù tham gia dưới hình thức nào trên đây thì ý kiến của đại diện cơ sở giáo dục cũng chỉ có giá trị tham khảo đối với Hội đồng [13]. Trong khi, nếu trẻ đang đi học, thì thời gian ở trường của trẻ là đáng kể trong ngày, nên các thầy cô có điều kiện quan sát, nắm khá rõ những biểu hiện khuyết tật của trẻ ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt hàng ngày, những vấn đề liên quan đến tâm lý của trẻ... Vì vậy, ý kiến, nhận xét của họ rất quan trọng và họ cần phải được tham gia thảo luận, bỏ phiếu bình đẳng với những thành viên khác trong cuộc họp Hội đồng XĐMĐKT.

Mặc dù pháp luật có quy định về việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm ra Quyết định thay thế, bổ sung thành viên của Hội đồng XĐMĐKT, [14]nhưng việc thiếu vắng những quy định cụ thể về trách nhiệm bắt buộc bổ sung những thành viên cần thiết có kiến thức chuyên môn y tế,tâm lý, giáo dục... tham gia Hội đồng XĐMĐKT cấp xã trong những trường hợp nhất định, có thể được xem là một trong những lý do ảnh hưởng chất lượng hoạt động của Hội đồng. Điều này dẫn đến việc khó đảm bảo yếu tố chuyên môn khách quan, toàn diện khi kết luận của Hội đồng XĐMĐKT cấp xã trong việc xác định dạng tật, mức độ khuyết tật của trẻ em, nhất là trẻ dưới 06 tuổi.

 Những vướng mắc liên quan đến chi trả phí giám định y khoa trong trường hợp XĐMĐKT tại Hội đồng Giám định y khoa của bệnh viện đa khoa tỉnh trên thực tiễn thi hành pháp luật

Trong thực tiễn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, có một số trường hợp cha mẹ của trẻ khuyết tật phản ánh: một số cán bộ xã phụ trách lao động thương binh từ chối nhận Đơn đề nghị XĐMĐKT và trả lời gia đình cần đợi đến khi cháu đủ 06 tuổi thì xã mới tổ chức xác định mức độ khuyết tật.[15] Theo quan điểm của chúng tôi, thực trạng vận dụng không đúng với quy định của pháp luật như trên, theo quan điểm của chúng tôi, bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ nhận thức của cán bộ xã, có thể còn từ những lý do khác như sau:

Hoạt động xác định mức độ khuyết tật cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 06 tuổi, như đã đề cập ở phần trên, nhìn chung khá phức tạp. Thế nên, trong không ít trường hợp phải đề nghị chuyển lên Hội đồng giám định y khoa do quá khả năng chuyên môn của Hội đồng XĐMĐKT xã hoặc do kết luận của Hội đồng xã bị khiếu nại, tố cáo của gia đình trẻ em theo quy định. Về mặt kinh phí, cấp xã đều phải có trách nhiệm chi trả phí giám định y khoa đối với những trường hợp này. Cụ thể: 

Thứ nhất, trường hợp không thể thống nhất quan điểm đưa ra được kết luận về dạng tật, mức độ khuyết tật của trẻ em, thì giải pháp cần thiết là Hội đồng XĐMĐKT cấp xã phải làm thủ tục đề nghị chuyển các em lên XĐMĐKT tại Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh (của bệnh viện đa khoa tỉnh)[16] để có kết luận chuẩn xác, khách quan về tình trạng khuyết tật của các em. Việc chuyển lên XĐMĐKT tại Hội đồng giám định y khoa đối với trẻ em trong trường hợp này thì phí giám định y khoa sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm,[17] cụ thể là cấp xã (Ủy ban nhân dân) sẽ trích từ ngân sách nhà nước cấp cho xã để nộp phí giám định y khoa.

Thứ hai, pháp luật quy định trong trường hợp kết quả giám định y khoa đúng như khiếu nại (hoặc tố cáo) đều do ngân sách nhà nước đảm bảo. Tức là nếu kết quả giám định y khoa khác với kết luận của Hội đồng XĐMĐKT cấp xã (bị khiếu nại, tố cáo) thì cũng do ngân sách nhà nước chi trả.[18] Trong trường hợp này thì Ủy ban nhân dân cấp xã cũng phải trích từ nguồn ngân sách được cấp hàng năm để chi.

Như vậy, quan điểm của chúng tôi, cơ chế phân bổ hiện tại đối với nguồn chi ngân sách đảm bảo cho hoạt động XĐMĐKT tại Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, có thể được xem là một trong những lý do dẫn đến một số xã ....“ngại” tổ chức XĐMĐKT cho trẻ em dưới 06 tuổi trên thực tế. Trong điều kiện ngân sách phân bổ cho cấp xã hiện nay nhìn chung còn khá khiêm tốn, thì đây cũng là vấn đề đáng suy ngẫm để tìm giải pháp tháo gỡ.

Một số kiến nghị

Xuất phát từ thực trạng pháp luật và thực tế thi hành pháp luật về XĐMĐKT, chúng tôi xin có một số kiến nghị như sau nhằm hoàn thiện cơ chế XĐMĐKThiện hành, liên quan đến đối tượng trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 06 tuổi:

Thứ nhất:  Đổi mới quy định về thành phần Hội đồng XĐMĐKT cấp xã theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn, linh hoạt hơn, nhằm góp phần tích cực nâng cao chất lượng của Hội đồng XĐMĐKT. Cụ thể:

Quy định rõ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải có trách nhiệm mời các chuyên gia có chuyên môn phù hợp (y tế, tâm lý, giáo dục...) để tham gia Hội đồng XĐMĐK trong một số trường hợp:

- Trường hợp đối tượng người khuyết tật là trẻ em dưới 06 tuổi thì cần bổ sung thành viên Hội đồng có chuyên môn y tế (bên cạnh thành viên “cố định” là Trạm trưởng Trạm y tế xã).

Tuy nhiên, giải pháp này cần được tiến hành trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ của Ngành y tế. Trong điều kiện số lượng các đơn vị cấp xã trên cả nước lớn như hiện nay [19]  thì hoàn toàn không dễ dàng trong việc huy động các chuyên gia y tế tham gia Hội đồng XĐMĐKT cấp xã, nhất là các xã ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Do vậy, thiết nghĩ ngành Y tế cần nghiên cứu để bổ sung những quy định cần thiết trong huy động các bác sĩ, chuyên gia y tế tham gia Hội đồng XĐMĐKT cấp xã để tạo điều kiện phối hợp tích cực với ngành Lao động Thương binh xã hội triển khai tốt hoạt động XĐMĐKT. Cần xuất phát từ quan điểm: việc tham gia của các bác sĩ, chuyên gia y tế vào hoạt động của Hội đồng XĐMĐKT cấp xã không phải là hoạt động “ từ thiện” mà phải xem là một trong những nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội của người hành nghề y, tương đương  như nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật hiện hành.[20]

-  Cần quy định rõ việc bắt buộc phải có đại diện cơ sở giáo dục tham gia với tư cách thành viên Hội đồng XĐMĐKT trong trường hợp tổ chức XĐMĐKT  là trẻ em đang theo học các cơ sở giáo dục.

Thứ hai, liên quan đến kinh phí đảm bảo:

Kiến nghị chung là cần tăng kinh phí hoạt động cho Hội đồng XĐMĐKT cấp xã ( nhằm đảm bảo nguồn kinh phí bồi dưỡng cho các thành viên Hội đồng, hỗ trợ tập huấn kiến thức về chính sách, kỹ năng liên quan đến người khuyết tật đối với thành viên Hội đồng XĐMĐKT;...).

Đồng thời, cần đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước nhằm tăng cường thuận lợi cho việc cho hoạt động XĐMĐKT tại Hội đồng giám định y khoa đối với trẻ em

Để đảm bảo có kết luận chuẩn xác, khách quan về dạng tật, mức độ khuyết tật của trẻ, việc các Hội đồng cấp xã chuyển hồ sơ đề nghị giám định y khoa tại Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh đối với một số trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của Hội đồng cấp xã luôn là việc cần thiết. Nhằm giảm gánh nặng về chi ngân sách cấp xã, nên chăng cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc đổi mới về cơ chế phân bổ kinh phí ngân sách cho hoạt động XĐMĐKT tại Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, theo đó: Kinh phí chi trả cho Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh cần phân bổ thẳng cho cấp tỉnh quản lý mà không lấy từ nguồn kinh phí ngân sách cấp hàng năm cho cấp xã. Áp dụng cơ chế này sẽ góp phần khắc phục được một phần gánh nặng kinh phí cấp xã, giảm tình trạng “né” tổ chức XĐMĐKT tại xã cho trẻ em dưới 06 tuổi vẫn xảy ra ở một vài địa phương trên thực tiễn hiện nay. Hơn nữa, việc kiểm soát việc sử dụng kinh phí đảm bảo đối với XĐMĐKT tại Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh cũng sẽ thuận lợi hơn khi nguồn kinh phí ngân sách được giao cho cấp tỉnh quản lý (thu gọn đầu mối chi ngân sách).

Thứ ba, cần đẩy mạnh các hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật đối với trẻ em (dưới 06 tuổi) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật đối với trẻ em hiện nay được ngành Y tế khá chú trọng và tăng cường.[21] Theo quan điểm của chúng tôi, nếu làm tốt ngay từ đầu khâu phát hiện- can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ em sẽ tạo giải pháp đồng bộ hỗ trợ tích cực đối với hoạt động XĐMĐKT ở cấp xã với đối tượng trẻ em dưới 06 tuổi.

Thứ tư, giải pháp “truyền thống” cần luôn quan tâm là cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động tập huấn, truyền thông về chính sách XĐMĐKT. Mục đích nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ cơ sở và nâng cao nhận thức của người khuyết tật, gia đình họ về chế độ xác định mức độ khuyết tật, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, đặc biệt là của trẻ em khuyết tật trong lĩnh vực này.

Tóm tại, với những điểm còn bất cập của các quy định về XĐMĐKT và cơ chế thi hành pháp luật liên quan đến XĐMĐKT đối với trẻ em như đã phân tích nêu trên, hy vọng trong thời gian tới các quy định liên quan đến chế độ XĐMĐKT được quy định trong các văn bản hiện hành như Luật Người khuyết tật 2010; Thông tư  01/2019/TT-BLĐTBXH.Các văn bản pháp luật khác có liên quan cần được khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi bổ sung, nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu, toàn diện nhất cho việc nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng XĐMĐKT cấp xã đảm bảo việc xác định MĐKT cho người khuyết tật nói chung và đặc biệt là trẻ em khuyết tật nói riêng được kịp thời, chuẩn xác, khách quan, đúng pháp luật, trên tinh thần “ không ai bị bỏ lại phía sau”.


[1] Trẻ em theo Luật trẻ em Việt Nam 2016 là: “Người dưới 16 tuổi” (Điều 1).

[2] Theo Điều 10, Luật Trẻ em 2016.

[3] Trang 5, Tài liệu kèm theo quyết định Quyết định số 359/ QĐ-BYT ngày 31-1-2023 của Bộ Y tế về việc ban hành Tài liệu “ Hướng dẫn phát hiện sớm- can thiệp sớm khuyết tật trẻ em”.

[4]  Tổng Cục Thống kê (Nhà Xuất bản Thống kê 2018). Điều tra thống kê quốc gia về người khuyết tật 2018, trang 14.

[5] Mẫu Phiếu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH  của Bộ lao động thương binh xã hội quy định về việc  xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.

[6] Điểm a, khoản 2, Điều 5 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH.

[7]  Theo số liệu tại: Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Người khuyết tật 2010 tại Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật về người khuyết tật  (Quảng Ninh, ngày 13-14/10/2022)

[9]  Xem các Phiếu xác định MĐKT số 02 và 03 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH.

[10] Xem khoản 2, Điều 4 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH.

[12] Khoản 3, Điều 16 Luật Người khuyết tật 2010.

[13] Xem khoản 4 Điều 2 và khoản 2 Điều 5 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH.

[14] Khoản 5, Điều 2 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH.

[15] Qua thực tiễn tư vấn pháp luật của ACDC.

[16] Điểm a, khoản 2, Điều 15 Luật Người khuyết tật 2010; điểm b, khoản 3, Hướng dẫn chi tiết tại Mẫu Phiếu số 2, ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH.

[17]  Điểm a, khoản 1, Điều 13 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH của Bộ Y té- Bộ Lao động Thương binh xã hội.

[18] Điểm b, khoản 2, Điều 13 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH.

[19]  Tính đến ngày 01/10/2022, Việt Nam có 10 599 đơn vị hành chính cấp xã (gồm xã, phường, thị trấn), trong đó có 614 thị trấn; 1.737 Phường (nguồn: https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tu-van-phap-luat/42978/so-luong-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-huyen-xa-o-viet-nam).

[20] Điểm d, khoản 2, Điều 21 Luật Luật sư 2012.

[21]  Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 359/ QĐ-BYT ngày 31-1-2023 về việc ban hành Tài liệu “Hướng dẫn phát hiện sớm- can thiệp sớm khuyết tật trẻ em”.