Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chuyên đề (tiếp theo kỳ VI): Luật Người khuyết tật 2010 – Đã đến lúc cần sửa đổi!?

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 26/07/2022

KỲ VII: VẤN ĐỀ NHÀ CHUNG CƯ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG ĐẢM BẢO TIẾP CẬN CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Những năm gần đây, các công trình cải tạo, xây dựng mới chung cư cao tầng, công trình công cộng nhìn chung đã chú trọng thực hiện các quy định theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy các công trình công cộng, nhà chung cư vẫn chưa thực sự đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật, điều này vô hình chung đã trở thành rào cản dẫn đến việc người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Thực trạng quy định hiện hành của Luật Người khuyết tật năm 2010

Nhằm tạo điều kiện bảo đảm để người khuyết tật tiếp cận và sử dụng nhà chung cư, công trình công cộng, Luật Người khuyết tật năm 2010 đã có quy định cụ thể về việc bảo đảm các tiêu chuẩn tối thiểu nhằm đảm bảo sự tiếp cận của người khuyết tật đối với nhà chung cư và công trình công cộng (Điều 39). Ngoài ra, Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng đặt ra lộ trình cải tạo nhà chung cư, trụ sở làm việc của các công trình công cộng (Điều 40) nhằm đảm bảo điều kiện tiếp cận của người khuyết tật. Đây là những chính sách khá đúng đắn, toàn diện của Luật, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận của người khuyết tật đối với các công trình xây dựng, phù hợp với quy định của Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD).

Tuy nhiên, quy định tại Điều 39 và 40 của Luật Người khuyết tật năm 2010 mới chỉ tập trung vào xác định phạm vi áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng đối với các công trình công cộng và nhà chung cư (cả xây dựng mới và cải tạo lại). Quá trình thực thi các chính sách nhằm đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng đối với các công trình công cộng và nhà chung cư còn nhiều hạn chế, khó khăn và thách thức bởi những nguyên nhân khác nhau. Trong đó, theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam chỉ có khoảng 22,6% số công trình y tế; 20,8% số công trình giáo dục; 13,2% số nhà triển lãm, nhà trưng bày; 11,3% trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan; 5,7% siêu thị; 3,8% nhà thi đấu, bưu điện, nhà ga, cửa khẩu; 7,5% nhà dưỡng lão, câu lạc bộ hưu trí và 2% ngân hàng đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật[1].

Bên cạnh đó, nghiên cứu các quy định của CRPD cho thấy, nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 CRPD được hiểu là nghĩa vụ áp dụng quy chuẩn trong xây dựng đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng bao gồm cả những công trình thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân (như trụ sở công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh v.v). CRPD yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng biện pháp phù hợp để xóa bỏ mọi trở ngại và rào cản tiếp cận đối với người khuyết tật để họ có thể tham gia trọn vẹn và toàn diện vào đời sống xã hội. Với tư cách là thành viên của CRPD, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận các công trình công cộng. Đối sánh với các quy định của CRPD, Luật Người khuyết tật năm 2010 và các văn bản pháp luật khác của Việt Nam (như Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2020, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 10:2014/BXD về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng...) đều không có quy định “cứng” và cụ thể về nghĩa vụ của những cơ sở tư nhân trong việc đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật đối với các công trình xây dựng để sử dụng vào mục đích là địa điểm làm việc.

Nhận thấy rằng, tại thời điểm ban hành năm 2010, phạm vi chính sách áp dụng của Điều 39 và 40 của Luật Người khuyết tật hiện hành là hợp lý và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta ở thời điểm đó. Nhưng sau hơn 10 năm thực thi Luật, với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và trong khoảng 10 đến 20 năm sắp tới, khi mục tiêu hoàn thiện thể chế về người khuyết tật đặt ra yêu cầu phù hợp hơn nữa với đòi hỏi của CRPD về đảm bảo quyền đối với người khuyết tật trong nhiều lĩnh vực khác nhau (bao gồm lĩnh vực xây dựng công trình) thì quy định này chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật là một trong những nội dung được Đảng và Nhà nước ta định hướng thì việc mở rộng phạm vi “các công trình công cộng” (như nhà xưởng, khách sạn, nhà hàng, các địa điểm du lịch...) là đối tượng bắt buộc áp dụng hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng cần phải được xem xét, cân nhắc.

Ngoài ra, điểm c, d, e khoản 2 Điều 9 CRPD còn quy định về một số vấn đề như: Cung cấp đào tạo cho những người nắm giữ cổ phần về các vấn đề liên quan đến khả năng tiếp cận mà người khuyết tật phải đối mặt; Cung cấp dấu hiệu nổi Braille dưới dạng dễ đọc và dễ hiểu trong các tòa nhà và các cơ sở vật chất khác dành cho công chúng; Cung cấp các hình thức trợ giúp và người giúp đỡ tại chỗ, trong đó có hướng dẫn, máy đọc và người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu chuyên nghiệp, để các tòa nhà và cơ sở vật chất khác dành cho công chúng dễ tiếp cận hơn [2]. Các biện pháp thích hợp này so với tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay tương đối khó thực hiện, song cũng cần phải có lộ trình phù hợp để đảm bảo khả năng tiếp cận cho người khuyết tật một cách toàn diện, tương thích với các quy định của CRPD.

Quy định của một số quốc gia trên thế giới

Nghiên cứu và tham khảo quy định của pháp luật một số quốc gia khu vực Đông Nam Á cho thấy có nhiều quốc gia đã xây dựng những quy định pháp lý riêng biệt về vấn đề này nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận cho người khuyết tật. Chẳng hạn như:

Tại Philippines, IRR của BP 344[3] (Batas Pambansa Blg. 344 - Luật nhằm tăng cường khả năng vận động của người khuyết tật bằng cách yêu cầu một số tổ chức, cơ sở và các dịch vụ công cộng lắp đặt cơ sở vật chất và thiết bị được yêu cầu khác) có những quy định bắt buộc tại không gian phục vụ các dịch vụ chính và nơi đặt các cơ sở vật chất, nơi đỗ xe, lối vào/ ra của cơ sở phải đảm bảo để người khuyết tật có thể tiếp cận được (theo 4.1.1). Ngoài ra, IRR của BP 344 còn quy định cụ thể về các tiêu chuẩn tối thiểu trong việc thiết kế, xây dựng các cơ sở vật chất, các thiết bị tương ứng đối với từng dạng khuyết tật khác nhau để đảm bảo khả năng tiếp cận, khả năng sử dụng, an toàn cho người khuyết tật. Đồng thời, các cơ sở vật chất, thiết bị này phải đảm bảo tất cả mọi người, dù họ có phải là người khuyết tật hay không đều có thể sử dụng và tận hưởng các dịch vụ, tiếp cận các cơ sở đó nhiều nhất có thể.

Tại Singapore, Chương 2 Code on accessibility in the built environment 2019[4] đã quy định về các yêu cầu mà chủ sở hữu tòa nhà và các chuyên gia phải đáp ứng để đảm bảo rằng các tòa nhà, không gian công cộng thân thiện và hòa nhập. Trong đó, các tòa nhà, không gian công cộng, bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe, phòng khám, viện dưỡng lão phải: (i) Đáp ứng các tiêu chuẩn về nhà vệ sinh, các thiết bị vệ sinh trong các khu vực hoặc nhà cho bệnh nhân/ người dân phải được cung cấp phù hợp với các yêu cầu, nhu cầu của bệnh viện và nhu cầu của gia đình bệnh nhân; (ii) Phải lắp đặt và cung cấp các hệ thống nâng cao thính lực; (iii) Phải có các bảng hiệu bằng chữ nổi cho người mù trong các bệnh viện và phòng khám; (iv) Các khu vực hoặc tầng trong các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe, phòng khám, viện dưỡng lão phải đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận được; (v) Sắp xếp vị trí bãi đỗ xe lăn phù hợp cho người khuyết tật đảm bảo khả năng tiếp cận cho người khuyết tật...

Bên cạnh đó, trên thế giới hiện nay có nhiều quốc gia đã có những quy định liên quan đến vấn đề đảm bảo tiếp cận công trình công cộng đối với người khuyết tật. Tiêu biểu có thể kể đến các quốc gia sau:

Tại Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn Americans with Disabilities Act (ADA)[5] năm 1990 có những quy định về các công trình công cộng hoặc công trình thuộc tư nhân đều phải đáp ứng các điều kiện đảm bảo cho người khuyết tật có thể dàng được hưởng đầy đủ các dịch vụ. Trong đó, cấm những nơi ở công cộng tư nhân phân biệt đối xử với những người khuyết tật. Không cá nhân nào có thể bị phân biệt đối xử trên cơ sở khuyết tật liên quan đến việc thụ hưởng đầy đủ và bình đẳng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở vật chất hoặc chỗ ở của bất kỳ nơi ở công cộng nào bởi bất kỳ người nào sở hữu, cho thuê hoặc điều hành nơi ở công cộng. Tất cả các công trình xây dựng mới (xây dựng, sửa đổi hoặc thay đổi) sau ngày ADA có hiệu lực phải hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc tiếp cận của ADA.

Tại Trung Quốc, Nghị định số 622 Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (People's Republic of China promulgated by Decree No. 622[6]) đã được ban hành nhằm tạo môi trường không có khó khăn cho người khuyết tật và người khuyết tật được hưởng mọi thứ bình đẳng với mọi người trong đời sống xã hội. Theo đó, Chính quyền nhân dân trên cấp quận có trách nhiệm ưu tiên thúc đẩy các kế hoạch và thực hiện xây dựng, cải tạo lại các cơ sở vật chất đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật.

Như vậy, tuy rằng mỗi quốc gia có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau dẫn đến sự khác nhau trong các quy định, song vẫn có nhiều điểm tương đồng nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận các công trình công cộng, công trình tư nhân đối với người khuyết tật. Đây là những quy định mà Việt Nam có thể tham khảo nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này tại Dự thảo Luật người khuyết tật mới.

Một số kiến nghị

Từ những phân tích trên, để đảm bảo quyền tiếp cận nhà chung cư, công trình công cộng của người khuyết tật, các quy định liên quan đến nhà chung cư, công trình công cộng đối với người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật năm 2010 cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, quy định cụ thể về việc nghiêm cấm việc phê duyệt thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội không tuân thủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng ngay trong Luật Người khuyết tật.

Thứ hai, quy định rõ về việc giao Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần ưu tiên bố trí ngân sách trung ương và địa phương hàng năm để ưu tiên cải tạo, nâng cấp các công trình công cộng, hạ tầng giao thông xây dựng, đảm bảo tiếp cận sử dụng theo hướng thiết kế phổ quát.

Thứ ba, mở rộng phạm vi quy định về các công trình công cộng tại Điều 40 của Luật Người khuyết tật năm 2010. Trong đó, yêu cầu bắt buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người khuyết tật (bao gồm cả trong khu vực công lẫn khu vực tư nhân) phải đảm bảo điều kiện về các công trình xây dựng cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ nhất định đối với việc cải tạo các cơ sở sản xuất tư nhân là doanh nghiệp nhỏ có sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, nhằm đảm bảo điều kiện tiếp cận công trình xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia.

Thứ tư, thiết lập đường dây nóng để nhận phản ánh vấn đề liên quan đến người khuyết tật, trong đó đặc biệt ưu tiên vấn đề tiếp cận các công trình xây dựng, giao thông công cộng tại các tỉnh. Hình thức của đường dây nóng cần đảm bảo tiếp cận với người khuyết tật ở tất cả các dạng tật, thuộc các khu vực sinh sống khác nhau.

Như vậy, để bản thân người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng, sớm xóa bỏ được những rào cản về việc tiếp cận công trình công cộng, nhà chung cư như người không khuyết tật, yêu cầu tất yếu là cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật hiện hành - đạo luật gốc dành cho đối tượng đặc thù là người khuyết tật ở Việt Nam. Đây cũng sẽ là cơ sở, tạo điều kiện và thúc đẩy cơ hội hòa nhập cộng đồng, học tập và làm việc cho người khuyết tật ở Việt Nam trong tương lai./.

 

[1] Tổng cục Thống kê, Điều tra Quốc gia về người khuyết tật 2016 - Báo cáo cuối cùng, tr. 159.

 [2] Xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-ve-quyen-cua-nguoi-khuyet-tat-269871.aspx

[3] Xem tại: https://www.ncda.gov.ph/disability-laws/implementing-rules-and-regulations-irr/irr-of-bp-344/, truy cập ngày: 15/07/2022.

[4] Xem tại: https://www1.bca.gov.sg/regulatory-info/building-control/universal-design-and-friendly-buildings/code-on-accessibility-in-the-built-environment, truy cập ngày: 15/07/2022.

[5] Xem tại: https://www.access-board.gov/ada/, truy cập ngày: 15/07/2022.

[6] Xem tại: https://www.global-regulation.com/translation/china/158960/construction-of-barrier-free-environments-regulations.html, truy cập ngày: 15/07/2022.