Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chuyên đề (tiếp theo kỳ VII): Luật Người khuyết tật 2010 – Đã đến lúc cần sửa đổi!?

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 24/08/2022

KỲ VIII: GIAO THÔNG ĐẢM BẢO TIẾP CẬN CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Giao thông đảm bảo tiếp cận hiện đã và đang phát triển ở nhiều nước trên thế giới, với hệ thống giao thông ngày càng văn minh, lịch sự, an toàn, thuận lợi, mong muốn đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của tất cả thành viên trong xã hội, trong đó bao gồm người khuyết tật. Ở Việt Nam, đảm bảo tiếp cận giao thông đối với người khuyết tật luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm với những chính sách, chương trình và đề án đặc thù. Tuy vậy, các chính sách liên quan đến giao thông tiếp cận chưa thực sự đầy đủ, một số quy định đến nay vẫn chưa được triển khai, áp dụng hiệu quả trên thực tiễn. Điều này vô hình trung đã trở thành rào cản dẫn đến việc người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia giao thông.

Thực trạng quy định hiện hành của Luật Người khuyết tật năm 2010

Xuất phát từ tầm quan trọng của giao thông tiếp cận đối với sự tham gia trọn vẹn và toàn diện vào đời sống xã hội của người khuyết tật, Điều 9 Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) yêu cầu các quốc gia thành viên “phải tiến hành các biện pháp thích hợp để bảo đảm cho người khuyết tật được tiếp cận trên cơ sở bình đẳng với những người khác đối với môi trường vật chất, giao thông, thông tin liên lạc ... ở cả thành thị và nông thôn” để xóa bỏ mọi trở ngại và rào cản tiếp cận đối với người khuyết tật. Yêu cầu này của CRPD đã được các quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam chuyển hóa vào hệ thống pháp luật của mình ở các mức độ khác nhau.

Tại Việt Nam, chính sách về đảm bảo tiếp cận giao thông đối với người khuyết tật tại Việt Nam đã được quy định trong Luật Người khuyết tật năm 2010 - đạo luật gốc dành cho đối tượng đặc thù là người khuyết tật. Trong đó, Luật Người khuyết tật năm 2010 đã có những quy định cụ thể về việc bảo đảm các tiêu chuẩn tối thiểu nhằm đảm bảo sự tiếp cận của người khuyết tật đối với giao thông công cộng (Điều 41, Điều 42) như: Được phép điều khiển phương tiện giao thông cá nhân phù hợp với dạng khuyết tật của người khuyết tật; Được ưu tiên mua vé, được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện; Được phép mang theo và miễn phí khi mang phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp; Phương tiện giao thông công cộng phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật; Có công cụ hỗ trợ lên, xuống thuận tiện hoặc sự trợ giúp phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật; Phương tiện giao thông công cộng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế khi sản xuất, nhập khẩu...

Tuy nhiên, so sánh với quy định của CRPD cho thấy, chính sách về đảm bảo tiếp cận giao thông đối với người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật năm 2010 hiện hành chưa thực sự tương thích với quy định tại Điều 9 của CRPD. Cụ thể, Luật Người khuyết tật hiện hành mới chỉ áp dụng nguyên tắc tiếp cận giao thông trong phạm vi hẹp. Điều 42 của Luật này chỉ mới quy định các vấn đề liên quan đến phương tiện giao thông công cộng đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật. Các quy định về các vấn đề liên quan đến bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông của cơ sở hạ tầng về giao thông đảm bảo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng, đặc biệt là đối với cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ như hè phố, phần đường, cầu vượt, hầm... vẫn còn thiếu.

Trong khi đó, nghiên cứu quy định pháp luật của một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cho thấy, có nhiều quốc gia đã xây dựng quy định pháp lý riêng biệt về vấn đề tiếp cận giao thông nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận cho người khuyết tật với phạm vi rộng và tương thích với CRPD. Chẳng hạn như:

Tại Philippines, theo 4.2 IRR của BP 344[1](Batas Pambansa Blg. 344 - Luật nhằm tăng cường khả năng vận động của người khuyết tật bằng cách yêu cầu một số tổ chức, cơ sở và các dịch vụ công cộng lắp đặt cơ sở vật chất và thiết bị được yêu cầu khác) có những quy định bắt buộc: (i) Đường phố, đường cao tốc và các công trình liên quan đến giao thông sẽ được xây dựng không có rào chắn, có các tính năng tiếp cận tại mọi nơi dành cho người đi bộ qua đường; (ii) Có bến giao thông và khu vực chờ hành khách cho người khuyết tật; (iii) Thiết bị hỗ trợ nghe nhìn để băng qua đường; (iv) Đảm bảo trên các phương tiện giao thông công cộng chỉ định số lượng chỗ ngồi cho người khuyết tật và đặt thiết bị nghe nhìn đảm bảo cho người khuyết tật...

Tại Malaysia, khoản 1 Điều 27 Luật Người khuyết tật năm 2008 quy định: “Người khuyết tật có quyền tham gia và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, tiện nghi và dịch vụ mở hoặc cung cấp cho công chúng trên cơ sở bình đẳng với người không khuyết tật”. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 27 Luật này cũng quy định: “Đối với các mục đích của quy định tại khoản 1, Chính phủ và nhà cung cấp các trang thiết bị giao thông vận tải công cộng, tiện nghi và dịch vụ sẽ xem xét thích hợp và có biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng các cơ sở đó, các tiện nghi và dịch vụ phù hợp với thiết kế toàn cầu để tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng”.

Tại Indonesia, Bộ Giao thông vận tải Indonesia đã ban hành Nghị định 71 năm 1999 về việc tiếp cận của người khuyết tật đối với phương tiện giao thông và cơ sở hạ tầng, trong đó nêu ra chi tiết vấn đề tiếp cận thông qua thiết kế tổng thể và hệ thống xây dựng khái quát.

Điều này cho thấy, các quốc gia trên đã có những quy định cụ thể về quyền tham gia, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng của người khuyết tật ở phạm vi rộng hơn so với Việt Nam, đó là những quy định bắt buộc bao gồm cả phương tiện giao thông, thiết bị, cơ sở vật chất tiếp cận đối với người khuyết tật. Đây là những quy định mà Việt Nam có thể tham khảo nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.

Một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật

Khoảng trống trong chính sách của Luật Người khuyết tật hiện hành về giao thông tiếp cận đã dẫn đến việc triển khai, áp dụng các quy định pháp luật trên thực tiễn còn một số hạn chế, vướng mắc như:

Trong lĩnh vực giao thông đường bộ: Mặc dù Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 10:2014/BXD về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng đã được ban hành ngày 29/12/2014 nhưng đến nay chỉ một số ít đường sá giao thông, vỉa hè xây dựng theo đúng tiêu chuẩn. Đa số vỉa hè chưa có đường hướng dẫn, tấm lát dẫn đường, chất lượng vỉa hè còn xấu, nhiều mấp mô, thậm chí bị chiếm dụng làm nơi để xe máy hoặc chỗ buôn bán. Các bến xe, điểm chờ xe buýt chưa được thiết kế đồng bộ theo tiêu chuẩn mà hầu như tận dụng địa thế thực tế của từng vị trí để thiết kế xây dựng điểm dừng, nhà chờ. Chỉ có 30% trong tổng số 457 bến xe khách đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật và chỉ có 478 xe buýt công cộng (chiếm khoảng 4,8% phương tiện giao thông công cộng) đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật, chủ yếu là xe buýt gầm thấp[3]. Tính riêng tại Hà Nội có 584 xe buýt có thiết kế vị trí dành cho xe lăn, 243 phương tiện có bố trí cầu nâng hỗ trợ xe lăn cho người khuyết tật, 159 xe buýt có hệ thống thông báo điểm dừng trong xe bằng đèn LED kết nối với hệ thống thông báo điểm dừng bằng âm thanh và camera giám sát trên xe[4]. Riêng đối với người khuyết tật nghe, nói, họ cũng gặp một số khó khăn trong sử dụng phương tiện giao thông công cộng do thiếu ngôn ngữ ký hiệu ở các nhà ga, sân bay, và thiếu nhân viên hỗ trợ mua vé hoặc lên, xuống phương tiện[5].

Trong lĩnh vực giao thông đường sắt: Một thực trạng đáng buồn là dù có tới 310 đầu máy, 5903 toa xe (1043 toa xe khách) hoạt động trong ngành đường sắt nhưng chỉ có 01 toa xe hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận đặt tại ga Hải Phòng, song, hiện cũng đang không sử dụng. Các toa xe khách đều chưa có vị trí hay toa ưu tiên dành cho người khuyết tật, cửa toa xe hẹp, bậc lên xuống cao nên người sử dụng xe lăn không thể tiếp cận được. Hầu hết các toa xe khách không có bảng thông tin điện tử mà chỉ có hệ thống thông tin bằng âm thanh, do đó, người khuyết tật nghe, nói gặp khó khăn trong việc nhận biết điểm đến của mình. Đối với nhà ga cũng không được xây dựng đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật như: Không xây dựng đường dốc cho người khuyết tật vào sảnh chính; không có khu vực chờ, nơi đón tiếp dành riêng cho người khuyết tật; không có đường dẫn dành cho người khuyết tật nhìn, không có sơ đồ chỉ dẫn bảng thông tin để người khuyết tật nghe nói tiếp cận; chưa có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật lên tàu mà chủ yếu là sự trợ giúp từ nhân viên nhà ga, nhân viên trên tàu[6].

Trong lĩnh vực hàng không: Cả nước có 22 cảng hàng không dân dụng đang hoạt động, khai thác trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa[7]. Hiện tại, mới có 10/22 cảng hàng không có xe nâng hành khách sử dụng xe lăn[8], chủ yếu là các cảng hàng không lớn như Nội Bài, Đà Nẵng, Nha Trang, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Cần Thơ... Một số sân bay không có trang thiết bị dịch vụ đặc biệt thì hành khách phải ký vào bản thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm, trong đó không được khiếu nại, không được yêu cầu bồi thường nếu rủi ro xảy ra. Ngoài ra, vẫn còn hãng máy bay yêu cầu hành khách ký thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm mặc dù hành khách di chuyển từ cảng hàng không có dịch vụ hỗ trợ đặc biệt. Về kết cấu hạ tầng trong cảng sân bay, hiện nay tất cả các cảng sân bay đều không có tấm lát nổi cho người khuyết tật nhìn và vạch dấu có màu sắc tương phản hướng dẫn người nhìn kém[9]...

Với thực trạng trên nên hiện nay người khuyết tật vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận giao thông công cộng do hạn chế về cơ sở hạ tầng, thiết bị và nhân viên hỗ trợ. Điều này cũng đã dẫn đến một hạn chế khác là mặc dù Việt Nam đã có các chính sách miễn, giảm giá vé đối với đối tượng là người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng nhưng vẫn chưa tạo được động lực để người khuyết tật tham gia giao thông toàn diện.

Một số kiến nghị

Từ những phân tích trên, để giao thông đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật, các quy định liên quan đến tham gia giao thông, phương tiện giao thông công cộng trong Luật Người khuyết tật năm 2010 cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, cân nhắc bổ sung một điều mới hoặc bổ sung vào Điều 42 của Luật Người khuyết tật năm 2010 nội dung chính sách về “Bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông dành cho người khuyết tật để tương thích với quy định của CRPD cũng như thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam. Ví dụ có thể cân nhắc “luật hóa” hoạt động về trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông đã được đề cập trong khoản 6 Mục II Điều 1 Quyết định số 1190/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 trong đó có quy định về xây dựng và ban hành bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát đối với hệ thống giao thông, trong đó đặc biệt lưu ý về đảm bảo tiếp cận về cơ sở hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông đối với người khuyết tật.

Thứ hai, bổ sung khoản 5 Điều 42 Luật Người khuyết tật năm 2010 theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết các quy định liên quan đến việc tham gia giao thông của người khuyết tật. Trong đó có nêu rõ: (i) Tăng cường công tác tập huấn phổ biến quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và giao thông tiếp cận; (ii) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến quyền của người khuyết tật, các chế độ hỗ trợ, ưu đãi dành cho người khuyết tật trong lĩnh vực giao thông vận tải đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giao thông vận tải.

Như vậy, để bản thân người khuyết tật tự tin và chủ động tham gia giao thông công cộng, sớm hòa nhập cộng đồng, yêu cầu cấp thiết hiện nay phải có những chính sách cụ thể ngay trong Luật Người khuyết tật nhằm xóa bỏ được những rào cản khi tham gia giao thông công cộng đối với người khuyết tật. Qua đó, tạo căn cứ đảm bảo và thúc đẩy cơ hội cho người khuyết tật trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày được dễ dàng, thuận tiện hơn, giúp người khuyết tật được đi ra ngoài, đi làm, đi học, có việc làm và có thu nhập ổn định./.


[1] Xem tại: https://www.ncda.gov.ph/disability-laws/implementing-rules-and-regulations-irr/irr-of-bp-344/, truy cập ngày: 15/08/2022.

[3] Lê Xuân Trọng (2019), Báo cáo thực thi Luật Người khuyết tật trong lĩnh vực giao thông công cộng ở Việt Nam, Viện Chiến lược và phát triển giao thông, Hà Nội, tr.11.

[4] Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam (2019), Báo cáo Kết quả công tác về người khuyết tật 2019, Hà Nội.

[5] Phỏng vấn ông Phan Ngọc Việt, Người khuyết tật nghe, nói, Phó trưởng ban Ban vận động thành lập Hội người Điếc Việt Nam ngày 18/09/2019.

[6] Liên Hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (2020), Báo cáo độc lập về tình hình thực thi Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, Hà Nội, tr.21.

[7] Tạ Lư - Anh Tú, Mạng lưới sân bay của Việt Nam, tại địa chỉ: https://vnexpress.net/mang-luoi-san-bay-cua-viet-nam-4013424.html., truy cập ngày: 18/11/2019.

[8] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2020), Báo cáo kết quả thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, tr.17.

[9] Liên Hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (2020), tlđd, tr.21.