Câu hỏi: Tôi là người mù. Cho tôi xin hỏi thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài là như thế nào để tôi hướng dẫn cho con tôi hoàn tất hồ sơ?
Phòng Luật trung tâm ACDC tư vấn:
*Cơ sở pháp lý:
- Điều 37, 38 Luật Hộ tịch 2014.
- Điều 2, 30, 31, 32 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch.
- Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.
*Nội dung:
Vì thông tin bác cung cấp chưa đầy đủ, do đó, Phòng Luật Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) xin được đưa ra hướng tư vấn như sau:
Thứ nhất, về thẩm quyền đăng ký kết hôn:
Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
Thứ hai, về hồ sơ đăng ký kết hôn:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định (Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP. Tờ khai này có thể xin trực tiếp khi đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện).
- Đối với Công dân Việt Nam: Nếu không thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký kết hôn thì phải nộp thêm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã của nơi thường trú cấp.
- Đối với Người nước ngoài: Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
- Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu. Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó. Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế nói trên chỉ có giá trị 6 tháng.
Lưu ý:
- Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hoá lãnh sự (trừ giấy tờ của các quốc gia láng giềng).
- Tất cả hồ sơ phải được dịch sang tiếng việt, bản dịch phải được chứng thực chữ kí của người dịch (trừ giấy tờ của các quốc gia láng giềng).
- Các bản sao phải có chứng thực hợp lệ.
Thứ ba, về thủ tục đăng ký kết hôn:
- Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở UBND cấp huyện và nộp 01 bộ hồ sơ nói trên, đồng thời xuất trình bản chính của giấy tờ tùy thân (Hộ chiếu, căn cước công dân, chứng minh nhân dân. Công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và xác minh nếu thấy cần thiết. Trưởng phòng Phòng Tư pháp chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra và đề xuất của Phòng Tư pháp trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn.
- Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không thuộc trường hợp từ chối kết hôn đăng ký kết hôn thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
- Căn cứ tình hình cụ thể, khi cần thiết, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định bổ sung thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên và hiệu quả quản lý Nhà nước.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.