Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Công văn số 3860/LĐTBXH-BĐG hướng dẫn thực hiện nội dung số 06 thuộc thành phần số 08 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

  • Thực hiện: Lê Hoa
  • 24/10/2022

Văn bản này được Bộ Lao động- Thương binh xã hội ban hành ngày 29-9-2022, hướng dẫn triển khai nội dung: “Tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội” trong Chương trình mục tiêu quốc gia nói trên.

1)  Đối với nội dung tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội. Công văn số 3860/LĐTBXH-BĐG hướng dẫn như sau:

-Thứ nhất: Về nhiệm vụ tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở các xã nông thôn, cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như:

+ Ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia đào tạo, nâng cao năng lực; tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ được tham gia lãnh đạo, quản lý.

+Truyền thông nâng cao nhận thức cho cấp ủy, lãnh đạo, cán bộ trong hệ thống chính trị, người có uy tín và cộng đồng dân cư về bình đẳng giới, vị thế, vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý và phát triển kinh tế - xã hội;….

- Thứ hai, về thực hiện việc lồng ghép giới trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, văn bản này đề ra yêu cầu tập trung vào các hoạt động chính như sau:

+ Hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho phụ nữ và những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội.

+ Xây dựng và triển khai các chính sách ưu tiên hỗ trợ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn.

+ Triển khai các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi quan niệm truyền thống về phân công lao động theo giới trong gia đình và xã hội theo hướng đề cao vai trò, ý nghĩa và hiệu quả khi phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế; tăng cường trách nhiệm của nam giới trong chia sẻ việc nhà và chăm sóc các thành viên trong gia đình;…

- Thứ ba: Văn bản nêu rõ những giải pháp gồm: Tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chấm dứt tình trạng tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng.

   Theo đó, đối tượng truyền thông cần hướng đến những người có ảnh hưởng lớn đối với công chúng, người có uy tín trong cộng đồng, nam giới và những người dễ bị tổn thương trong đời sống xã hội và gia đình;…

-Thứ tư: Đối với hoạt động của Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh ở cộng đồng

+ Văn bản lưu ý các hoạt động: Triển khai Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh ở cộng đồng đạt chuẩn hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, áp dụng theo Quyết định số 1814/QĐ-LĐTBXH ngày 18/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn tạm thời về điều kiện tối thiểu của Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng.

 + Tích cực Triển khai áp dụng Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 và Thông tư số 03/2022/TT-BTC ngày 12/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình phát triển công tác xã hội, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030;…  

2)  Đối với nội dung tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Văn bản chỉ rõ các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

-Thứ nhất: Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị trong bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

- Thứ hai: Tăng cường và đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, bổn phận của trẻ em phù hợp với từng nhóm đối tượng, thông tin về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) và các dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương đến từng gia đình, lớp học, cộng đồng dân cư và trẻ em; …

- Thứ ba: Yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em theo ba cấp độ; giao trách nhiệm cho tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp, nhất là nhóm thường; trực bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia nắm bắt tình hình về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội. Bảo đảm thực hiện các chính sách trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tăng cường hỗ trợ và chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh;…

- Thứ tư: Thực hiện thanh tra và kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ở địa phương; xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. ;…

- Thứ năm:  Phát triển mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và bưu điện xã, bộ đội biên phòng; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt về phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cha mẹ và trẻ em; Thí điểm và nhân rộng các mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ưu tiên mô hình về phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em.

Mọi thông tin chi tiết vui lòng xem tại:

https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Xay-dung-Do-thi/Cong-van-3860-LDTBXH-BDG-2022-huong-dan-thuc-hien-noi-dung-so-06-xay-dung-nong-thon-moi-531213.aspx?newsid=42981&ui=09RVMk1UUXpPQTTV&pi=09pBeU1pMHhNQzB4TUMweE5TMDBOZzTW&ci=263708588