Nghị quyết số 68/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 09 tháng 5 năm 2024, có tên đầy đủ là: Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42- NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023, Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Sau đây là một số nội dung đáng chú ý:
Chương trình hành động của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chương trình) ban hành kèm theo Nghị Quyết số 68/NQ-CP đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như:
(1) Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chính sách xã hội
(2) Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về chính sách xã hội;
(3) Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng;
(4) Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động;
(5) Xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau
(6) Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng; vv
Theo đó, tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp số (4) về Phát triển thị trường lao động, bên cạnh quan điểm chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Chương trình đưa ra nhiệm vụ: Phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Một loạt các giải pháp được đưa ra như:
-Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, từng bước thu hẹp số lao động trong khu vực phi chính thức và tăng cơ hội việc làm bền vững cho người lao động.
- Tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội nhằm hỗ trợ vốn vay tạo việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là người nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và các nhóm đối tượng yếu thế, lao động có hoàn cảnh khó khăn khác. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách việc làm công;vv.
Đặc biệt, tại nhóm nhiệm vụ thứ (5) về xây dựng hệ thống an sinh xã hội, Chương trình đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như:
-Đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; tăng cường hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức.
-Đổi mới hoạt động bảo hiểm thất nghiệp theo hướng chú trọng đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động bị thất nghiệp; tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế toàn dân; đa dạng các gói dịch vụ bảo hiểm y tế; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, chất lượng khám chữa bệnh và khả năng tài chính của người dân hưởng bảo hiểm y tế.
-Tiếp tục nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội theo hướng bảo đảm mức sống tối thiểu, sàn an sinh xã hội quốc gia.
- Rà soát, hoàn thiện chính sách ưu tiên hỗ trợ cho người không có khả năng lao động, người khuyết tật, người cao tuổi, người di cư và gia đình có trẻ em, người thu nhập thấp. Mở rộng chính sách hỗ trợ hộ gia đình chăm sóc trẻ em dưới 36 tháng tuổi.
-Phát triển mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bị bạo lực gia đình và người bị bạo lực trên cơ sở giới;
-Xây dựng đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời người gặp khó khăn trong cuộc sống;vv
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân;vv
Còn tại nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ (6) về nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, Chương trình đưa ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp đáng chú ý như:
- Về giáo dục: Củng cố kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Tăng cường giáo dục hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;…
- Về y tế:
+Khẩn trương thực hiện thống nhất trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo đủ nhân lực, nguồn ngân sách và cơ chế tài chính phù hợp cho y tế cơ sở, y tế dự phòng trong đó chú trọng đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
+ Phát triển mô hình bác sĩ gia đình, trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử; thực hiện kiểm tra sức khỏe cho người có nguy cơ cao mắc bệnh, hướng tới kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn dân; phát triển mạng lưới dịch vụ phục hồi chức năng.
- Về nhà ở:
Tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030; vv
-Xây dựng, triển khai có hiệu quả chính sách về đất đai, vốn, tín dụng hỗ trợ cho hộ nghèo khu vực nông thôn cải thiện nhà ở và nâng cao điều kiện an toàn về chỗ ở cho người dân sinh sống tại khu vực thường xuyên bị thiên tai, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu;vv
Kèm theo Chương trình gồm hai Phụ lục, theo đó:
- Phụ lục I gồm các chỉ tiêu chủ yếu trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42- NQ-TW;
- Phụ lục II gồm một số đề án, nhiệm vụ chủ yếu Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết nói trên.
Văn bản này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (ngày 09/5/2024).