Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo

  • Thực hiện: Ths.LS. Lê Hải Yến
  • 21/08/2022

 Thông tư này được ban hành ngày ngày 03 tháng 8 năm 2022, gồm một số nội dung chủ yếu như sau:

i) Mục “2. Giai đoạn định hướng nghề nghiệp” phần IV Kế hoạch giáo dục  được sửa đổi, bổ sung như sau:

- Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

-Các môn học lựa chọn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.

 Học sinh chọn 4 môn học từ các môn học lựa chọn.

-Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

   Về thời lượng giáo dục: Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Khuyến khích các trường trung học phổ thông đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

ii)  Tại mục “3. Giáo dục khoa học xã hội” phần V “ Định hướng về nội dung giáo dục” được sửa đổi, bổ sung như sau:

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp:

-  Ở lớp 10, môn Lịch sử, môn Địa lí giúp học sinh hiểu biết về đặc điểm tổng quát của khoa học lịch sử và khoa học địa lí, các ngành nghề có liên quan đến lịch sử và địa lí, khả năng ứng dụng kiến thức lịch sử và địa lí trong đời sống;...

-Ở lớp 11 và lớp 12, môn Lịch sử chú trọng đến các chủ đề và chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn hóa, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới,...; môn Địa lí tập trung vào một số chủ đề và chuyên đề học tập về địa lí thế giới và địa lí Việt Nam...

   Đặc biệt, Thông tư này đã ban hành Phụ lục sửa đổi, bổ sung nội dung của môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT. Gồm 08 phần chính, như: đặc điểm môn học; mục tiêu chương trình; yêu cầu cần đạt; nội dung giáo dục (Lớp 10; 11; 12); phương pháp giáo dục; đánh giá kết quả giáo dục;....

Ví dụ, tại mục: Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù, Thông tư nêu rõ: Năng lực lịch sử có các thành phần gồm: tìm hiểu lịch sử; nhận thức và tư duy lịch sử; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học (các biểu hiện cụ thể của năng lực lịch sử được trình bày rõ ràng theo Bảng kèm theo.). Riêng về đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học, Thông tư đưa ra yêu cầu về năng lực của người học như: Rút ra được bài học lịch sử và vận dụng được kiến thức lịch sử để lí giải những vấn đề của thực tiễn cuộc sống; vvv

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 03 tháng 8 năm 2022.

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-13-2022-TT-BGDDT-sua-doi-Thong-tu-32-2018-TT-BGDDT-Chuong-trinh-giao-duc-524666.aspx?newsid=41853&ui=09RVMk1UUXpPQTTV&pi=09pBeU1pMHdPQzB3T1MweE15MDFOZzTW&ci=258914322