Câu hỏi: Cho tôi hỏi việc hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu trong trường hợp khẩn cấp theo quy định pháp luật hiện hành như thế nào? Xin cảm ơn!
Phòng Luật - ACDC tư vấn:
Căn cứ Điều 12 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/03/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, việc hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu trong trường hợp trợ giúp xã hội khẩn cấp được thực hiện như sau:
* Nội dung hỗ trợ:
(1) Hỗ trợ lương thực: Hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 01 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc hộ thiếu đói dịp Tết âm lịch. Hỗ trợ không quá 3 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ cho đối tượng thiếu đói do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác từ nguồn lực của địa phương và nguồn dự trữ quốc gia.
(2) Hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu: Đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác mà mất nhà ở và không có khả năng tự bảo đảm các nhu cầu thiết yếu thì được xem xét hỗ trợ từ nguồn lực huy động hoặc nguồn dự trữ quốc gia: lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn, xoong nồi, chất đốt, xuồng máy và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ.
* Thủ tục hỗ trợ được thực hiện theo khoản 3 Điều 12 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Trưởng thôn, bản, phum, sóc, ấp, cụm, khóm, tổ dân phố (sau đây gọi chung là Trưởng thôn) lập Danh sách hộ gia đình và số người trong hộ gia đình thiếu đói, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu cần hỗ trợ (theo các Mẫu số 5a và Mẫu số 5b ban hành kèm theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP);
Bước 2: Trưởng thôn chủ trì hợp với đại diện của các tổ chức có liên quan trong thôn để xem xét các trường hợp hộ gia đình, số người trong hộ gia đình thiếu đói, nhu yếu phẩm thiết yếu trong danh sách và hoàn thiện, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã;
Bước 3: Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Trưởng thôn, Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định cứu trợ ngay những trường hợp cấp thiết.
Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị trợ giúp gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH);
Bước 4: Phòng LĐ-TB&XH thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ;
Bước 5: Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định hỗ trợ.
Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị trợ giúp gửi Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính;
Bước 6: Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tổng hợp, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Trường hợp thiếu nguồn lực, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính;
Bước 7: Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời gửi Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia;
Bước 8: Khi nhận được hỗ trợ, Chủ tịch UBND các cấp tổ chức thực hiện ngay việc trợ giúp cho đối tượng bảo đảm đúng quy định;
Kết thúc mỗi đợt hỗ trợ, UBND các cấp có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả hỗ trợ.
----------------------------------------------------------------------------------------------
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.