Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP

  • Thực hiện: Phạm Hương Thảo
  • 10/11/2019

Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 9 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 20/9/2019 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Nghị quyết gồm 8 điều, trong đó đã bổ sung giải thích 05 thuật ngữ như xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục (Điều 2). Đồng thời Nghị quyết giải thích cụ thể đối với 11 loại tình tiết định tội quy định trong các Điều từ 141-147 như: giao cấu, hành vi quan hệ tình dục khác, dâm ô, trình diễn khiêu dâm v.v… (Điều 3). Trong đó, giao cấu với trẻ em dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập (vào bộ phận sinh dục nữ). Trong một nội dung giải thích tình tiết “lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân” (khoản 1 của Điều 141 và 142 của BLHS), Nghị quyết đã đưa ra các ví dụ về tình trạng “người bị hại không thể chống cự được”, trong đó có tình trạng người bị hại bị khuyết tật dẫn đến không thể chống cự được. Nghị quyết cũng hướng dẫn một số tình tiết định khung hình phạt; các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại; đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa; xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể mình hoặc của người khác v.v…

Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019.