Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Sự học của cô gái Điếc

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 23/11/2022

“Dù hiện nay Nhà nước có chính sách thúc đẩy, tạo cơ hội cho mọi người được quyền tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, được học tập suốt đời, nhưng người điếc chúng mình hầu như vẫn đang phải dừng bước trước ngưỡng cửa sau đại học” – những dòng tin nhắn đầy xót xa của cô giáo N.T.H cũng là nỗi lòng của rất nhiều người điếc về cái sự học...

Sinh ra ở thời 8X, cái thời mà bất kỳ đứa trẻ nông thôn nào cũng có thể rơi vào tình trạng “thất học” chứ nói gì đến những đứa trẻ không nghe, không nói được nên những năm đầu đời của N.T.H - một cô gái điếc bẩm sinh, cũng không tránh khỏi tình trạng này. Nhưng may mắn thay, nhờ tình yêu thương con cái vô bờ và khát vọng con gái mình sẽ không chỉ “quẩn quanh góc nhà”, khi biết ở tỉnh có một trường chuyên biệt dành cho người khuyết tật, bố mẹ H đã cho cô theo học tại cơ sở này. Tại đây, N.T.H đã được tiếp xúc với ngôn ngữ của cuộc đời mình - ngôn ngữ ký hiệu. Và cũng ở nơi này, cô gái ấy được tiếp cận với giáo dục. Kể từ đó, dù gặp vô vàn rào cản trong giao tiếp với mọi người khi không nghe, không nói được, dù phải rời xa gia đình để đi học nhưng với khát khao tri thức, N.T.H vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ trên con đường học tập. Và để đền đáp công ơn mà cuộc đời mang lại, cũng như để thắp sáng tương lai cho những đứa trẻ như mình, cô đã lựa chọn theo học chuyên ngành sư phạm giáo dục tiểu học dành cho người điếc. Từ khi tốt nghiệp đến nay, cô giáo H vẫn luôn ngày ngày giảng dạy cho trẻ điếc tại một trường nuôi dạy trẻ khuyết tật ở quê nhà.

Nhưng cái sự học chưa bao giờ là đủ, dẫu rằng ngày ngày cô giáo H vẫn tự mày mò học tập qua sách vở, tài liệu xin được của bạn bè, hội nhóm của người khuyết tật và qua cả những phần mềm giáo dục nhưng thực sự, có những tri thức, kiến thức phải được trau dồi qua đào tạo bài bản, chuyên sâu. Mỗi lần thấy chúng bạn “nói” về lớp cao học với những kiến thức cơ sở logic, cơ sở ngôn ngữ hay những kỹ năng giảng dạy, rèn luyện tư duy cho học sinh tiểu học… cô ước mình có thể ngay lập tức được ngồi tại nơi đó, được đọc, được nhìn, được tiếp thu kiến thức và trao đổi với giảng viên dù là qua ánh mắt, cử chỉ. Cô thèm lắm cảm giác được quay lại giảng đường, được hiện thực hóa khát vọng học lên cao học để có thêm tri thức giảng dạy cho những đứa trẻ điếc tại quê nhà. Nhưng rồi cuộc sống cứ xô bồ mãi, khiến đến đầu năm nay, cô giáo H mới có điều kiện thực hiện ước mơ của mình. Sự lựa chọn đầu tiên của cô đương nhiên là Trung tâm nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc, nơi cô từng may mắn được tham gia dự án “Giáo dục trung học, đại học cho người câm điếc Việt Nam” và đã trở thành một trong số ít ỏi những người khuyết tật nghe, nói ở Việt Nam có bằng cao đẳng, đại học. Nhưng lần này, may mắn đã không mỉm cười với cô khi chương trình đào tạo của Trung tâm mới chỉ đến bậc đại học. Vậy nên, cô đành tìm kiếm cơ hội học thạc sĩ tại các trường có đào tạo chuyên ngành sư phạm khác. May sao, chương trình đào tạo thạc sĩ giáo dục tiểu học hiện khá phổ biến, có khá nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước và ngay cả trường đại học tại quê nhà cũng tuyển sinh cao học chuyên ngành này.

Tuy nhiên, con đường trở lại giảng đường của cô đã gặp phải rào cản ngay bước dự tuyển khi mà trong “Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ” hiện hành yêu cầu người dự tuyển có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Nghĩa là trong hồ sơ dự tuyển phải có một trong các giấy tờ như: văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ; hoặc là bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài hoặc thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ nước ngoài; hoặc là bằng đại học do chính cơ sở đào tạo cấp trong thời gian không quá 02 năm mà chuẩn đầu ra của chương trình đã đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ đạt trình độ Bậc 3 trở lên. Yêu cầu về năng lực ngoại ngữ quả là một thách thức lớn cho con đường học lên cao của cô giáo H. Bởi tính tới thời điểm hiện tại, bằng đại học chuyên ngành sư phạm tiểu học của cô được cấp cách đây gần chục năm nên không còn giá trị chứng minh điều kiện ngoại ngữ, mà bản thân cô cũng không có bất kỳ văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ nào.

Vậy làm thế nào để có thể thực hiện nguyện vọng học tiếp lên cao? Cô giáo N.T.H đã nhắn tin, liên hệ thăm hỏi bạn bè, đồng nghiệp, những người bạn cùng khóa đại học để được tư vấn. Có người lắc đầu bảo quy định vậy rồi, người câm điếc như mình không thi được đâu. Có người bảo nên liên hệ với các Trung tâm ngoại ngữ xem có hỗ trợ nào đối với người điếc để lấy chứng chỉ Tiếng Anh không? Có người thì khuyên rằng nếu trong nước mà khó khăn quá thì mình có thể tính đến việc xin học bổng du học nước ngoài? Xin học bổng, nghe thì hay đấy nhưng làm đâu có dễ khi mà hoàn cảnh, điều kiện của gia đình cô không cho phép, chưa kể, cô cũng không tự tin về trình độ tiếng Anh của mình. Cô vẫn định hướng tìm cách học cao học ở trong nước. Vậy nên, cô đã liên hệ tới một số đơn vị được ủy quyền tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh ở Việt Nam để được tư vấn học và thi thì được biết hiện chưa có khóa học tiếng Anh nào dành riêng cho người điếc hay người khiếm thính. Các bài thi lấy văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ bây giờ đều yêu cầu bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Mặc dù một số đơn vị đã có sự hỗ trợ đối với những thí sinh đặc biệt khi cho phép những thí sinh khiếm thính được sử dụng các thiết bị trợ thính nhưng với những người điếc hoàn toàn, việc sử dụng các thiết bị trợ thính không phát huy tác dụng. Không thể thi được văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ cũng đồng nghĩa với việc hồ sơ dự tuyển của cô sẽ không được tiếp nhận.

Bối rối của cô phần nào được tháo gỡ khi mà trên cơ sở các quy định về tổ chức tuyển sinh mới do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành, nhiều trường sư phạm đã thực hiện hai phương thức tuyển sinh cao học là xét tuyển và thi tuyển kết hợp xét tuyển, trong đó, những người dự tuyển không có các văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ sẽ phải dự đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào do trường tổ chức. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể mở ra cánh cửa vào cao học cho cô, bởi lẽ, bài thi ngoại ngữ (Tiếng Anh) của các trường đều yêu cầu cả 04 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Với một người điếc bẩm sinh như cô giáo N.T.H thì dù có vượt qua được bài thi đọc và viết thì cũng không thể qua được “cửa” nghe và nói.

“Chẳng nhẽ không còn một hướng mở nào cho con đường học sau đại học của những người điếc như mình?”. Sau nhiều đêm trăn trở, cô giáo N.T.H đã quyết định gửi email và nhờ một người bạn liên hệ với nhà trường xem có ưu tiên nào đối người điếc trong môn ngoại ngữ không? Biết được hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của cô giáo H, các thầy cô bộ phận đào tạo sau đại học cũng rất đồng cảm và chia sẻ với cô. Thế nhưng, dù rất muốn tạo điều kiện để những thí sinh đặc biệt như cô được đào tạo trình độ thạc sĩ, song, quy chế tuyển sinh của nhà trường không thể trái với quy định của Nhà nước được. Hiện Nhà nước chưa có chính sách về ưu tiên miễn hay giảm nội dung thi môn ngoại ngữ đối với những thí sinh đặc biệt nên cô bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ với cả 04 kỹ năng đó. Hơn nữa, những giám khảo của phần thi nghe, nói hầu hết là giảng viên ngoại ngữ của trường, họ không biết ngôn ngữ ký hiệu Tiếng Việt chứ đừng nói đến ngôn ngữ ký hiệu ASL (Mỹ) hoặc ngôn ngữ ký hiệu quốc tế, nên thực tế tại trường chưa có bất kỳ thí sinh điếc nào dự thi cả. Dù rằng câu trả lời của nhà trường đã nằm trong dự tính nhưng vẫn khiến cô rất nặng lòng. Cơ hội chạm tới cánh cửa cao học chưa kịp mở ra đã đóng sập trước mắt cô.

Dẫu biết rằng con đường đến trường lắm lúc trở nên gian truân với bất kỳ người nào, nhưng với những người gặp rào cản về nghe, nói thì sự gian truân này có lẽ còn gấp bội phần. Không thể phủ nhận rằng, những năm qua Nhà nước đã “phá băng” từng bước, tạo điều kiện cho người điếc được tiếp cận giáo dục, song thực sự với các quy định pháp luật về tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ như hiện nay lại đang cản trở cơ hội học lên cao của rất nhiều người điếc. Bởi vậy mà, cho đến nay, cô giáo N.T.H cùng nhiều người đồng cảnh ngộ vẫn ngày ngày tự mày mò học tập và chờ đợi một tương lai không xa, Nhà nước sẽ có chính sách ưu tiên trong tuyển sinh bậc sau đại học với những thí sinh đặc biệt để thực sự giúp họ “không bị bỏ lại phía sau”./.

* Điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 5 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ (ban hành kèm theo Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 30/08/2021) quy định về điều kiện năng lực ngoại ngữ đối với người dự tuyển chương trình đào tạo thạc sĩ như sau:

“Điều 5. Đối tượng và điều kiện dự tuyển

1. Yêu cầu đối với người dự tuyển:

…b) Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam”

* Căn cứ khoản 3 Điều 5 Quy chế và Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT, ứng viên đáp ứng yêu cầu về năng lực ngoại ngữ khi có một trong các văn bằng, chứng chỉ sau:

- Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài;

- Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên mà chương trình được thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ nước ngoài;

- Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do chính cơ sở đào tạo cấp trong thời gian không quá 02 năm mà chuẩn đầu ra của chương trình đã đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ đạt trình độ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

- Một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định tại Phụ lục của Quy chế này hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển, bao gồm:

+ Tiếng Anh: TOEFL iBT/ TOEFL ITP/ IELTS/ Cambridge Assessment English/ TOEIC. Các chứng chỉ này đều yêu cầu người dự thi đáp ứng đầy đủ 04 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

+ Tiếng Pháp : CIEP/Alliance francaise diplomas (TCF: 300-399/Văn bằng DELF B1/Diplôme de Langue). Người dự thi đáp ứng đầy đủ 04 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

+ Tiếng Đức: Goethe – Institut (Goethe-Zertifikat B1)/The German TestDaF language certificate (TDN 3). Người dự thi đáp ứng đầy đủ 04 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

+ Tiếng Trung Quốc: Hanyu Shuiping Kaoshi (HSK) bậc 3. Người dự thi phải đáp ứng 03 kỹ năng nghe, đọc hiểu và viết.

+ Tiếng Nhật: Japanese Language Proficiency Test (JLPT) N4. Người dự thi phải đáp ứng các kỹ năng, kiến thức về từ vựng, đọc hiểu - ngữ pháp và nghe hiểu.

+ Tiếng Nga: ТРКИ - Тест по русскому языку как иностранному (ТРКИ-1). Người dự thi phải đáp ứng các kỹ năng, kiến thức về từ vựng-ngữ pháp, đọc, nghe, viết, nói.

+ Các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố (như Chứng chỉ tiếng Anh VSTEPB1, chứng chỉ này cũng yêu cầu người dự thi đáp ứng đầy đủ 04 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết).

* Cho đến nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định riêng về ưu tiên hay miễn, giảm trong đánh giá điều kiện năng lực ngoại ngữ đối với người dự tuyển chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ là người khuyết tật nói chung, người điếc nói riêng.